Ở tuổi 68, một trong tứ trụ của nền sân khấu Việt Nam, NSND Phạm Thị Thành vẫn bận rộn hàng ngày với công việc, lịch làm việc sắp kín. Một chút thư giãn vào buổi trưa, thời gian như quay lại khi bà lật giở những bức ảnh đen trắng vô giá về gia đình, về những ngày đầu tiên “cô bé Thành” đặt bước chân vào làng sân khấu…
Ở tuổi 68, một trong tứ trụ của nền sân khấu Việt Nam, NSND Phạm Thị Thành vẫn bận rộn hàng ngày với công việc, lịch làm việc sắp kín. Một chút thư giãn vào buổi trưa, thời gian như quay lại khi bà lật giở những bức ảnh đen trắng vô giá về gia đình, về những ngày đầu tiên “cô bé Thành” đặt bước chân vào làng sân khấu…
Sợ, trốn học nhạc
Là con gái út trong gia đình thuộc dòng dõi trâm anh: mẹ là Công Tôn Nữ Diệu Phẩm, cháu nội của Hoàng tử Tuy Lý Vương Miên Trinh và chắt nội của vua Minh Mạng; cha là Phạm Khắc Hòe, nguyên là Đổng lý Ngự tiền dưới thời vua Bảo Đại, (về sau cha đi theo cách mạng, giữ các chức vụ: Đổng lý văn phòng Bộ Nội vụ, Vụ trưởng Vụ pháp chế Phủ thủ tướng…), TS. NSND, Phạm Thị Thành trải qua tuổi thơ vô cùng khác biệt.
Sau khi được sinh ra, Phạm Thị Thành có một người vú chăm sóc. Những năm cha còn làm quan ở triều Nguyễn, do phải đảm nhiệm các chức vụ ở những vùng khác nhau, cả gia đình thường phải thay đổi chỗ ở. Khi gia đình theo cha đến nơi mới nhậm chức, Thành phải xa người vú nuôi của mình. Người vú mở lòng bàn tay bé nhỏ của Thành, nhổ một bãi nước bọt vào giữa, nói “để sau này không quên vú”. Và quả thực, mặc dầu không còn gặp lại người vú xưa, nhưng bà vẫn luôn nhớ để giờ còn nhắc đến.
Trong gia đình, khi còn ở Đà Lạt, học piano là việc bắt buộc đối với tất cả anh chị em. Vì mải nghịch ngợm, không thích lưu nhớ các nốt nhạc nên Phạm Thị Thành rất không ưa môn nghệ thuật này. Mặc đòn roi nghiêm khắc của bố, Phạm Thị Thành vẫn trốn học, khi người làm kéo Thành bắt buộc ngồi vào đàn, bà cắn tay họ để vùng thoát ra.
Về thuở thơ dại, những năm tháng sống cùng cha mẹ, bà có những ký ức không thể quên, đầu tiên là những trận đòn dạy bảo từ cha. Mỗi lần đánh, ông bắt tất cả anh chị em nằm liền nhau trên phản. Phạm Thị Thành sợ cha đến nỗi, khi cha thương con gái út nhất, cho cầm vào ba-toong đu đưa người nghịch chơi, Thành vẫn sợ đến “tè dầm ra quần”. Khi cha nhậm chức Đổng lý Ngự tiền cho vua Bảo Đại năm 1944, cả nhà ra Huế, Phạm Thị Thành cùng các anh chị đến chơi với công chúa Phương Mai, con gái vua Bảo Đại, và được ăn kẹo do công chúa mời.
Năm 1946, khi cha đi theo Cách mạng, Thành cùng mẹ và anh chị em về quê cha là Đức Thọ, Hà Tĩnh sống. Do cuộc sống khó khăn, bà biết đi cất tép, mót lúa, cắt rạ… khi mới năm tuổi. Lớn hơn nữa, Phạm Thị Thành giúp mẹ gánh hàng phở, hàng chè ra chợ bán. Mẹ bà khi đó, từ một tiểu thư con nhà khuê các, sẵn sàng bằng lòng với việc trở thành người đàn bà vất vả, lam lũ: bà làm lụng nhọc nhằn mọi việc có thể để nuôi con.
Ngoài mở hàng phở, hàng chè, bà còn đi bán hàng xén ở chợ. Ngày là thế, đêm đan thuê quần áo để thêm tiền. Mệt nhọc như vậy nhưng bà vẫn không quên việc tự tay nấu nướng, chăm sóc con cái hằng ngày.
Học từ lớp một đến lớp năm ở quê nội, mỗi lần đi học về chân lội bùn lấm lem, Phạm Thị Thành lại chui vào ổ rơm nằm ngủ. Hồi ấy nhà nghèo không đủ giường chiếu cho tất cả thành viên trong gia đình, ổ rơm thành góc nhỏ ấm áp, đọng lại mãi nơi tuổi thơ của bà.
Niềm vui của Thành trong những ngày sơ tán là được đóng kịch cùng các anh chị. Một lần, cô em út đóng vai một đứa bé con bị một con hổ (do anh trai đóng) chụp bắt. Nhập vai đến độ sợ hãi quá nên bị ngã xuống hầm, Thành bị các anh chị trêu “Đóng kịch chứ có phải thật đâu mà sợ đến thế chứ!”. Về sau, không thể ngờ, những buổi đóng kịch vui vẻ hồn nhiên ban đầu này lại là khởi điểm cho con đường đến với nghệ thuật của Phạm Thị Thành.
Trưởng thành trong nghệ thuật
Ở quê nội được sáu năm, bà ra Việt Bắc để được sống cùng cha. Bà đi bộ từ Đức Thọ đến Việt Bắc ròng rã một tháng, ngày ngủ, đêm đi. Ra đến nơi, khi cởi áo len ra, soi lên nắng “thấy rõ cả những con rận đỏ mọng, béo núc.”
Trong chiến khu thường tổ chức các buổi sinh hoạt tập thể, bà luôn tham gia diễn hát. May mắn sao, ở chiến khu có một chiếc máy quay đĩa, nhờ thế, bà học hát theo. Sau nhiều dịp quan sát Phạm Thị Thành biểu diễn, Bộ trưởng Phan Kế Toại, Thứ trưởng Lê Tất Đắc thấy cô bé này có năng khiếu, mới gợi ý với ông Phạm Khắc Hòe “cho con bé đi theo đoàn văn công”. Mười bốn tuổi, Phạm Thị Thành gia nhập đoàn văn công Trung ương.
Những ngày đầu bỡ ngỡ, chưa biết ăn theo kiểu tập thể, Thành bị đói. Sau các anh chị bày cho cách lần xới thứ nhất đơm ít nhưng ăn nhanh để lần thứ hai xới lèn đầy ca, Thành mới được no. Ở đoàn được vài tháng, Phạm Thị Thành được nhận đồng lương đầu tiên.
Đoàn văn công đóng ven bờ sông Lô, chiều chiều, Thành cùng anh chị em ra sông tắm, thấy thuyền chở mít đi qua, mọi người rủ nhau góp tiền mua mít. Sau đó được đến thị xã Tuyên Quang, Thành dồn cả mấy tháng lương để được ăn… một bát phở. “Đến giờ, phở vẫn là niềm yêu thích của tôi”, NSND. Phạm Thị Thành nói.
Sau khi đóng các vai quần chúng, hát tập thể trong vở kịch hát Trận cầu vó ngựa (ĐD. Nguyễn Xuân Khoát) hay một chị nông dân - bên một số chị nông dân khác - đi hội cùng chị Tám trong Chị Tám anh Điền (ĐD Lưu Quang Thuận, Thế Lữ, Song Kim, Năm Ngũ), lần đầu tiên, năm 16 tuổi, Phạm Thị Thành được đóng vai chính vở Chiến thắng Nghĩa Lộ (ĐD Thế Lữ). Nhận vai cô Tươi, diễn cùng Thế Lữ (trong vai Ké Hàm), Song Kim (trong vai mế của cô Tươi), Thành vô cùng cảm động.
Cuối thu đầu đông năm 1967, Phạm Thị Thành để lại hai con thơ ở nhà, theo đội kịch xung kích đi biểu diễn trên dọc đường Trường Sơn. Đi ô tô được hơn một ngày, cả đội chuyển sang đi bộ. Mặc dầu muốn giữ dép xăng-đan để làm… dáng khi diễn, nhưng rồi bà cũng phải để lại ngang đường bằng cách treo lên cành cây, bởi vì “cái gì không cần cho công việc và cuộc sống thì phải vứt hết”. Trong ba lô, ngoài quần áo, chăn, màn, tăng, võng, gạo… các thành viên trong đội phải tự mang trang phục cho vai diễn và các đạo cụ cần thiết.
Đến mỗi trạm giao liên, cả đoàn được đưa vào một hang đá, vừa là nơi ăn ngủ nghỉ, vừa là nơi biểu diễn cho cán bộ, chiến sĩ của binh trạm xem. “Thời gian diễn ở các binh trạm lớn lùi về phía sau, càng tiến vào sâu, càng thấy khó khăn hơn, bom đạn địch ngày một dày đặc, cả đội từ hành quân vào ban ngày chuyển sang ban đêm… Đi sâu vào hơn nữa, chúng tôi phải lội qua một dòng suối để đi sang Lào”.
Thế rồi, Phạm Thị Thành cũng nhận được từ rừng xanh những cơn sốt rét lạnh run cầm cập. Mặc dầu bị tiêm ký ninh nhức nhừ bắp chân và lên cơn sốt rét, Phạm Thị Thành vẫn phải nằm trên võng cáng để ra biểu diễn. Năm tháng sống, biểu diễn trên tuyến đường Trường Sơn bom đạn ác liệt là kỷ niệm vô cùng đẹp đẽ trong cuộc đời làm nghệ thuật của bà.
Năm 1969, Phạm Thị Thành được đi học lại văn hóa do mới học hết lớp sáu. Sau khi đỗ tốt nghiệp cùng một lúc cấp ba và cấp hai (vì bà thiếu bằng cấp hai). Sau đó, năm 1971, bà được cử sang Liên Xô (cũ) học lớp đạo diễn. Năm 1977, trở về nước Phạm Thị Thành soạn thảo đề án và cùng nghệ sĩ Hà Nhân bắt tay xây dựng Nhà hát Tuổi Trẻ.
NSND Lê Khanh, NSND Lan Hương, NSƯT Chí Trung, NSƯT Anh Tú… đều do bà góp phần lớn đào tạo nên. Đến nay, bà đã dựng trên 200 vở cho nhà hát, bao gồm nhiều thể loại: kịch, chèo, tuồng, cải lương, dàn ca kịch, trong đó có 17 vở đoạt HCV. Bà cũng là người viết kịch bản và đạo diễn các lễ hội lớn như: 990 năm Thăng Long; Kỷ niệm 50 năm thành lập nước; Lễ hội Nam Giao (Huế); Kỷ niệm 115 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh…
Với gần 60 năm cống hiến cho nghệ thuật Việt Nam, người phụ nữ ấy đã làm được quá nhiều điều hơn những gì có thể tưởng tượng.
Theo TTVH