(Toquoc)-Bị “đóng đinh” vào thể loại phản diện, nghệ sĩ Trần Nhượng bắt đầu cảm thấy chán các vai diễn một màu.
(Toquoc)- Gia tài gần trăm bộ phim thì cũng chừng ấy vai diễn phản diện. Đến nỗi, anh phải thốt lên “Đã chán vai phản diện”.
NSƯT Trần Nhượng trẻ hơn tuổi lục tuần rất nhiều. Phong thái lịch lãm cùng lối nói chuyện hài hước, thân thiện ngoài đời trái ngược hẳn những vai diễn phản diện trên phim. Chia sẻ với chúng tôi về vai Phó chủ tịch thường trực trong phim Chủ tịch tỉnh (đạo diễn Bùi Huy Thuần) đang phát sóng trên VTV1 lúc 20h các ngày thứ 2,3,4 hàng tuần, Trần Nhượng bảo anh gặp áp lực lớn với vai diễn này. Bị “đóng đinh” vào thể loại phản diện, Trần Nhượng bắt đầu cảm thấy chán các vai diễn một màu! Lâu nay anh luôn ao ước có một vai diễn có thể làm mới hình ảnh của mình.
Mừng hụt vì tưởng được “làm người tốt”
+ Lâu rồi mới thấy anh xuất hiện trên truyền hình. Vai Phó chủ tịch tỉnh trong bộ phim Chủ tịch tỉnh- một nhân vật mưu mô, xảo trá- đúng với “thế mạnh” của anh. Phải chăng đó là lý do sau gần 2 năm vắng bóng, anh quay lại với phim truyền hình?
- Không hề. Tôi đã chán vai phản diện rồi. Lúc đầu, tôi đã mừng hụt vì tưởng mình sẽ đóng vai Chủ tịch tỉnh, mà đã là Chủ tịch thì không thể là người xấu được và sẽ có cơ hội “đổi màu”, làm mới hình ảnh của mình. Nhưng đến khi nhận vai mới biết mình đóng Phó chủ tịch thường trực- lại một vai diễn phản diện. Thú thực lúc đầu tôi không hào hứng lắm nhưng sau lấy lại được tinh thần.
“Người diễn viên không từ bỏ bất cứ cơ hội nào để làm mới hình ảnh của mình” (Trong ảnh là NSƯT Trần Nhượng trong cảnh phim Chủ tịch tỉnh)
Nói thế thôi chứ đóng nhân vật phản diện không phải ai cũng đóng được, anh đóng cái xấu không có nghĩa thể hiện ba cái bên ngoài, cười khẩy, nửa miệng, tỏ thái độ… là được. Tôi ao ước có một vai phản diện như một ông trùm hoặc cán bộ lãnh đạo… có bề ngoài là sự hào hoa, phong nhã, lịch thiệp, ai cũng tôn trọng nhưng thực chất lại có những việc làm cực kỳ nham hiểm… Vai Phó chủ tịch này tôi cũng định thể hiện theo cách đó nhưng khổ nỗi ngôn ngữ, đối thoại, thái độ trong kịch bản đã định hình trước nên không thể thay đổi được.
+ Nhận vai diễn này, anh có e ngại điều gì không?
- Có chứ, vai diễn này khiến tôi suy nghĩ rất nhiều. Tôi lo lối diễn hay cách thể hiện của mình có thái quá không? Bởi nếu diễn quá lên một chút sẽ mất đi tính chân thật, sự thuyết phục khán giả cũng như hàng ngũ lãnh đạo cấp tỉnh. Một áp lực nữa với tôi khi nhận vai này là nhân vật có các mối quan hệ bồ bịch hay những hành động không đàng hoàng… Tuy là phim nhưng chắc chắn sẽ ít nhiều đụng chạm đến các ông lãnh đạo cấp tỉnh, và điều này tạo cho tôi áp lực lớn, khi diễn bị hạn chế và có chút thiếu tự tin.
+ Trong phim có một số cảnh “nóng”. Ở tuổi 60, anh có ngại những cảnh này không?
- Trong kịch bản phân cảnh có rất nhiều cảnh hai người không mảnh vải che thân, nằm trên giường, hở vai, gục mặt vào ngực hay làm những việc có tính chất gợi dục… nhưng khi ra hiện trường tôi đã bàn với đạo diễn cho tôi diễn theo cách khác. Tôi nghĩ đơn giản những cảnh nóng của mình không thể hay được bằng các phim nước ngoài thì nên tìm cách thể hiện khác nhưng vẫn đảm bảo nội dung đó. Thú thực tôi cũng ngại cảnh “nóng”. Nhiều người nói vì vợ tôi ghen nhưng đó chỉ là nói vui thôi, trước khi làm tôi đều cho vợ đọc kịch bản, cô ấy cũng rất thông cảm nghề nghiệp của chồng và luôn nhắc tôi rằng làm thế nào thì làm, đừng để khán giả đề ấn tượng xấu về mình là được.
Muốn thay đổi hình ảnh!
+ Vì sao anh luôn được mời vào vai phản diện, phải chăng các đạo diễn đã nhìn ra “chất” đó ở anh?
- Những năm 80 của thế kỷ trước, tôi chuyên đóng vai chính diện trong các phim, kịch truyền hình, đó là những vai thương binh, chủ nhiệm hợp tác xã, nông dân, nhà giáo… có tính cách chịu đựng, mẫu người khắc khổ. Khi béo lên một chút, các đạo diễn lại mời tôi vào vai phản diện. Nhiều khi chính tôi cũng thắc mắc là không hiểu vì sao. Nhiều người nói vui “hay bản chất thật của tôi là như vậy”. Tuy có chạnh lòng đôi chút nhưng tôi nghĩ ngoài đời mình sống tốt và mọi người xung quanh biết là được. Còn điện ảnh, sân khấu là một cuộc sống khác và không phải cuộc sống thật ngoài đời. Đúng là những vai diễn phản diện của tôi đã thành công, được khán giả “nhớ mặt, đặt tên”. Tôi không nhớ chính xác đã tham gia bao nhiêu phim có vai phản diện, cũng khoảng trên 50 phim gì đó nhưng thực lòng tôi vẫn muốn thay đổi hình ảnh của mình trong mắt khán giả.
+ Anh có nghĩ các đạo diễn hiện nay chỉ làm việc theo thói quen, không sáng tạo, ví dụ như với anh, đã đóng quen vai phản diện là chỉ giao vai phản diện? Anh sẽ không có cơ hội đóng anh một vai chính diện 100%?
- Đây cũng là một khó khăn lớn, vì làm phim nhiều lúc cũng rủi ro cao. Không thể phủ nhận đạo diễn thường giao vai diễn theo một thói quen, phản diện cứ phải diễn viên này, chính diện phải ông kia... mà không dám mạo hiểm giao một vai “quay ngoắt” 180 độ cho diễn viên. Theo tôi đạo diễn nên tạo cơ hội cho diễn viên thay đổi hình ảnh của mình. Tôi cũng là đạo diễn sân khấu, điện ảnh và truyền hình nhưng tôi quan niệm khác, khi giao vai cho diễn viên cũng là cách để họ nỗ lực hơn trong việc thay đổi hình ảnh cũng như khả năng sáng tạo.
+ Nếu tiếp tục có lời mời vào vai diễn phản diện, anh có từ chối không?
- Có lẽ tôi phản cân nhắc và lựa chọn kịch bản một cách kỹ lưỡng. Nghề diễn nhiều lúc cũng khó từ chối thẳng thừng lắm, vì vừa là chỗ anh em bạn bè, vừa là đồng nghiệp, mối quan hệ. Tôi cho rằng không có nhân vật lớn, nhỏ hay không hay, mà điều quan trọng là người diễn viên phải làm nghề một cách nghiêm túc và không từ bỏ bất cứ một cơ hội nào để làm mới hình ảnh của mình.
+ Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!
Hồng Hà (thực hiện)