• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nữ huấn luyện viên karate 25 năm dạy học sinh đặc biệt: “Mạng này của em là do chị cứu về"

Thời sự 06/05/2022 07:47

(Tổ Quốc) - Trong suốt 25 năm đồng hành với các học sinh đặc biệt, nữ huấn luyện viên karate không thể nào quên trường hợp cứu một học sinh lớp 9 uống 20 viên thuốc ngủ.

Bắt đầu nghiệp dạy học từ năm 13 tuổi, cho đến nay nữ huấn luyện viên karate Nguyễn Phước Ngọc Diệp (SN 1983, quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã có hơn 25 năm đồng hành với các học sinh đặc biệt như các em bị khuyết tật, học lực kém, bố mẹ chia tay, mồ côi bố mẹ, nạn nhân của bạo lực gia đình, bạo lực học đường và cả những học sinh cá biệt.

Từ những học sinh mải chơi, học kém nhất lớp, gặp nhiều vấn đề tâm lý,... đã có gần 100 học sinh của cô Diệp đỗ vào các trường cấp 3 công lập, các trường cao đẳng - đại học tại Việt Nam. Có những bạn hiện đang du học nước ngoài, nhiều bạn đã có ngành nghề ổn định và trở thành những người có ích cho xã hội.

Ngoài công việc chính tại một nhà xuất bản sách tại Hà Nội, huấn luyện viên dạy võ karate cho các trường học, cô Diệp còn được biết đến vai trò là giáo viên dạy các môn Toán, Hóa cho các em.

"Tôi thường tạo ra một môi trường để những học sinh lớn tuổi có trách nhiệm bảo ban cho những em học sinh ít tuổi hơn. Và trong một lớp bao giờ các em cũng phải yêu thương nhau, cũng giống như khi tôi tập luyện ở võ đường, các anh chị em rất yêu thương, đùm bọc, bảo vệ nhau", cô Diệp tâm sự.

Cô học trò mắc bệnh Basedow được truyền cảm hứng trở thành cô giáo

Giữa những năm thập niên 90 của thế kỷ trước, trong xóm 102 Lò Đúc (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) có một cô bé đặc biệt rất nghiêm túc trong chuyện học hành, là đại diện trường đi nhận phần thưởng học sinh giỏi tiêu biểu của Thủ đô. Những trẻ trong xóm vì vậy thường chạy lại hỏi bài, hễ gặp bài khó các phụ huynh trong xóm vẫn lui tới nhờ cô bé giải giúp.

Trong xóm khi ấy có một đôi vợ chồng trẻ, vợ làm công nhân đường sắt còn chồng làm ở sân bay. Hai người có cô con gái mắc bệnh Basedow, thường không kiểm soát được hành vi, đập phá đồ đạc mỗi khi gặp ức chế hay không vừa ý một việc gì đó. Thấy đối diện nhà có cô bé kể trên, người chồng đặt vấn đề, mỗi tháng dạy kèm con họ sẽ trả lương 100.000 đồng.

Nữ huấn luyện viên karate 25 năm dạy học sinh đặc biệt: “Mạng này của em là do chị cứu về - Ảnh 2.

Lớp học đặc biệt của cô Diệp tại ngõ 102 Lò Đúc (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) - không bảng, không phấn, không giáo trình.

Năm ấy cô Diệp 13 tuổi, đang là học sinh lớp 8 Trường THCS Trưng Nhị và cô bé mắc bệnh basedow – C.P.N (SN 1990) cũng là người học trò đầu tiên, đánh dấu con đường vào nghề giáo của cô. 

Đồng hành cùng N. từ năm lớp 1 cho đến hết năm lớp 9, cô Diệp đã truyền cho N. niềm đam mê, thích thú đối với việc học hành.

Về sau, từ một cô bé luôn là tâm điểm của những cuộc ồn ào trong lớp, N. đã đỗ vào Đại học Sư phạm Hà Nội. Sau khi làm giáo viên tiếng Anh của một trường tiểu học tại Hà Nội, N. đã sang Đức định cư và hiện đang du học tại Anh.

"Mình thấy phương pháp giáo dục cô Diệp đã mang tư tưởng tiến bộ từ rất nhiều năm trước. Cô Diệp luôn lấy học sinh làm trung tâm và cùng đồng hành với học sinh bất kỳ hoàn cảnh nào kể cả học sinh bị coi là cá biệt", N. chia sẻ.

Nữ huấn luyện viên karate 25 năm dạy học sinh đặc biệt: “Mạng này của em là do chị cứu về - Ảnh 3.

Cô Diệp hướng dẫn một bạn học sinh lớp 9 làm bài Toán.

Mỗi em học sinh có lực học, khả năng tiếp thu khác nhau cho nên người giáo viên cần kiên trì và chịu khó tìm tòi phương pháp giáo dục phù hợp với từng em. Điều quan trọng là truyền lửa cho học sinh và động viên, khi thích thú với việc học các em sẽ tiếp thu nhanh hơn.

"Nhờ có cô Diệp mình đã có động lực rất lớn theo học về sư phạm Anh và cũng đã làm giáo viên tiểu học trong thời gian ở Việt Nam được một năm", N. chia sẻ thêm.

Đưa học sinh về nhà dạy, sống với nhau như chị em ruột

Đ.T.H (SN 1988) là một nạn nhân của bạo lực gia đình. Ngay từ nhỏ, H. đã mắc rối loạn tăng động giảm chú ý, thường mất tập trung trong việc học, tính cách bốc đồng và hiếu động. Đỉnh điểm, có lần H. nghịch que diêm suýt nữa cháy cả nhà.

Vì lẽ đó, H. thường bị bố đánh những trận đòn nhừ tử, gây ra những vết sẹo lớn, đến nỗi em sợ cả đến trường. Và mỗi lần đến trường do mang cảm giác tự ti, H. bao giờ cũng mặc quần áo dài để che kín những vết thương bị cha đánh. Ngay cả trong tiết hè nóng bức, đến việc xắn tay áo lên, H. cũng không dám.

Cho đến thời điểm kết thúc kỳ 1 năm lớp 9, tình trạng của H. vẫn như thế, cộng thêm kết quả học tập rất yếu. Bất lực trước tình trạng đó, trong khi kỳ thi vượt cấp đang cận kề, bố mẹ L. mới tá hỏa đi tìm thầy cô giáo dạy kèm cho con. Qua sự giới thiệu của mọi người, bố H. tìm đến và nhờ cô Diệp dạy kèm.

Tuy nhiên sau một thời gian ngắn gia sư tại nhà, kết quả học tập của H. không thấy tiến bộ. Khi không làm được bài cô giao, H. sẽ bị bố đánh và sau đó bị sai đi làm nhiều việc vặt. Tình trạng này diễn ra thường xuyên khiến H. luôn trong tình trạng bị stress, bài không làm được, không có ai hỏi nhưng lại suốt ngày bị đánh.

Biết được việc này, để việc dạy học đạt hiệu quả, cô Diệp đã xin phép bố mẹ và trao đổi với phụ huynh để đón H. về nhà dạy học, ăn ngủ nghỉ tại nhà như chị em ruột trong gia đình. Đây là trường hợp đầu tiên, cô Diệp đón học sinh về nhà dạy, mở ra một phương pháp mới trong can thiệp, giáo dục đối với những học sinh đặc biệt.

Tại đây, H. không chỉ được dạy các kiến thức Toán, Hóa, Văn mà còn được dạy những kỹ năng cần thiết trong cuộc sống như nấu cơm, rửa bát, quét nhà, đi chợ.

Nữ huấn luyện viên karate 25 năm dạy học sinh đặc biệt: “Mạng này của em là do chị cứu về - Ảnh 4.

Lớp học buổi tối tại nhà cô Diệp. Ảnh: NVCC

Hai cô trò chiến đấu ròng rã như vậy trong suốt 3 tháng, có hôm học đến 1 - 2 giờ sáng với quyết tâm khi nào hiểu thì mới ngủ. Để rồi, từ một trong ba học sinh học kém nhất lớp, L. đã có cú bứt phá ngoạn mục, thi đỗ vào một trường công lập ở quận Hai Bà Trưng.

"Ngày biết điểm, đến cả H. cũng không tin rằng bản thân mình đỗ. Bạn ấy đạp xe lên nhà tôi nhờ gọi điện lên tổng đài tra điểm cho chính xác. Khi biết điểm, hai cô trò cùng cười sằng sặc, phần vì bạn ấy đỗ, còn phần chính là điểm bạn ấy toàn điểm lẻ - 5,5 (Văn), Anh (6,5), Toán (7,5) và Hóa (8,5)", cô Diệp nhớ lại.

"Mạng này của em là do chị cứu về, làm thế nào đền đáp lại cho chị!"

Trong số hai học sinh đặc biệt cô Diệp may mắn cứu sống khi phát hiện các bạn này có hành vi tự tử, T.Q.N (SN 1996) là người để lại cho cô nhiều ấn tượng sâu sắc nhất. Cho tới nay mặc dù N. đã lập gia đình và có 3 con nhỏ, cô Diệp vẫn đồng hành cùng trong nhiều vấn đề của cuộc sống.

Bố N. làm nghề dịch vụ vận tải hành khách, còn mẹ làm tiếp viên hàng không. Bố mẹ thường xuyên vắng nhà, ngay từ nhỏ N. đã được gửi cho người giúp việc trông nom, hoặc gửi nhờ hàng xóm và người thân trong gia đình.

Nữ huấn luyện viên karate 25 năm dạy học sinh đặc biệt: “Mạng này của em là do chị cứu về - Ảnh 5.

Cô Nguyễn Phước Ngọc Diệp

Cho đến bây giờ, cô Diệp vẫn không thể nào quên buổi đầu tiên gặp gỡ với N., năm ấy N. học lớp 6. "Các bạn rất ghen tị với em, vì em luôn luôn có quần áo mới, có đồ chơi đẹp. Nhưng em lại ghen tị với các bạn, bởi thứ Bảy và chủ Nhật nào các bạn cũng được bố mẹ đưa đi ăn sáng, vào những ngày trong tuần được bố mẹ nắm tay đưa đến trường", cô Diệp nhớ lại lời N. nói khi ấy.

Thấy tâm sinh lý của N. có nhiều vấn đề và khác với nhiều đứa trẻ cùng tuổi, nên trong quá trình dạy học, cô Diệp vẫn thường âm thầm quan sát. Tuy nhiên cho tới năm lớp 8, trong một lần N. xuống nhà cô giáo học và tắm rửa, cô Diệp mới để ý trên người và trên hai cánh tay N. có rất nhiều vết rạch.

Người tinh ý sẽ đoán biết đây là vết rạch do dao lam, nhưng mỗi lần rạch xong, N. thường để tay dưới vòi nước với ý nghĩ máu sẽ chảy nhanh hơn, chết nhanh hơn. Và bao giờ khi ra ngoài, N. cũng mặc quần áo dài nên bố mẹ, thầy cô rất khó để nhận biết những lần tự tử không thành đó.

Hơn nữa, thời điểm này, N. đã trở thành một "đàn anh đàn chị" có tiếng ở trường, không một vụ ẩu đả nào vắng mặt N. Vì lẽ đó, ban đầu cô Diệp cũng nghĩ rằng, rạch tay là cách lấy le của nhóm học sinh cá biệt.

- Tại sao em tự rạch tay mà lại mặc áo dài? Rạch tay như thế có cảm giác gì không? - Cô Diệp hỏi.

- Em cảm thấy thỏa mãn lắm! - N. nở nụ cười, thích thú nhìn cô trả lời.

Và cứ sau mỗi lần N. không vui, cô Diệp lại thấy trên người học trò thêm một vài vết rạch mới. Sau khi tìm hiểu, cô được biết N. đang mắc hội chứng ngược đãi bản thân (còn gọi là Self harm). Nguyên nhân là do trẻ cảm thấy bị cô đơn, sống thiếu vắng tình cảm và sự quan tâm của cha mẹ.

Nữ huấn luyện viên karate 25 năm dạy học sinh đặc biệt: “Mạng này của em là do chị cứu về - Ảnh 6.

Cô Diệp và T.Q.N (người thứ hai, từ phải sang) cùng các bạn học sinh đi thăm Cố đô Huế, năm 2014. Ảnh: NVCC

Tuy nhiên khi cô Diệp chia sẻ hành vi này với phụ huynh, chưa nói dứt câu thì đã bị gạt đi và bị cho rằng "nhạy cảm quá". Một phần khác người này cũng nghĩ rằng, cô Diệp bịa ra lý do đó để dung túng cho học sinh, để N. tiếp tục học và có thêm thu nhập. 

Dù rằng lúc này, cô Diệp đã có việc ổn định tại một nhà xuất bản ở Hà Nội. Vì lẽ đó, phụ huynh này đã chính thức cho N. thôi học cô Diệp.

Lo lắng cho N., cô Diệp đã vượt qua tự ái của bản thân và gọi điện thuyết phục phụ huynh cho con đi học trở lại. Nhưng người đàn ông này vẫn giữ nguyên quyết định đó, cho tới thời điểm kết thúc kỳ 1 năm lớp 9. 

Khi đó, N. đã trở thành một học sinh còn ghê gớm hơn trước, bằng nhiều cách tác động, N. đã thuyết phục bố phải cho quay trở lại học cô Diệp.

Trước đó, N. đã học thêm rất nhiều thầy cô giáo khác nhau nhưng chưa cảm nhận được sự quan tâm, chia sẻ như đã từng học ở cô Diệp. Và điều này là một trong những nguyên nhân dẫn tới việc học của N. vẫn bị sa sút.

"Cô Diệp dạy làm người nhiều hơn là kiến thức sách vở. Điều này tự nhiên như hơi thở, đánh sâu vào ý thức của mình, thôi thúc mình phải phấn đấu học tập", N. chia sẻ lý do quay trở lại học cô Diệp.

Nhưng mầm mống của sự nổi loạn vẫn chưa được giải quyết, cùng vào thời điểm này, N. có đem lòng yêu một bạn nam cùng trường. Sự thiếu vắng tình cảm gia đình đã biến tình yêu tuổi học trò trở thành ngục tù, trong một lần mâu thuẫn với bạn trai, N. đã có một giây bồng bột uống tới 20 viên thuốc ngủ để kết thúc cuộc sống.

Dường như linh tính mách bảo, chiều hôm đó cô Diệp về sớm hơn mọi ngày 15 phút. Trên đường về phải ghé qua phố Hương Viên để đón N. xuống phố Giáp Nhị học (lúc này gia đình cô Diệp đã chuyển từ Lò Đúc về đây).

Gọi mãi không thấy N. thưa, cô Diệp vào mở được lớp cửa sắt bên ngoài thì thấy học trò ôm bụng, loạng choạng ra mở phần cửa gỗ bên trong, người ỉu xìu và nằm vật ngay xuống nhà. Gạn hỏi, N. cho biết vừa uống 20 viên thuốc ngủ.

Cô Diệp bình tĩnh gọi điện cho mẹ N, nhưng lúc này đang chuẩn bị lên máy bay, còn người bố hiện đang chạy xe ở xa không kịp về. Trong tình cảnh nguy cấp, gọi taxi có nguy cơ bị tắc đường, cô Diệp đành phải dùng xe máy để chở học trò tới Trung tâm Cấp cứu (A9), Bệnh viện Bạch Mai để cấp cứu kịp thời.

Nữ huấn luyện viên karate 25 năm dạy học sinh đặc biệt: “Mạng này của em là do chị cứu về - Ảnh 7.

T.Q.N viết nhật ký tri ân cô Diệp vào cuối tháng 5/2011

Trong suốt thời gian "thập tử nhất sinh", trong cơn nửa mê, mỗi lần tỉnh N. lại nghe thấy tiếng các bệnh nhân trong khu cấp cứu gào rú, thét lên vì đau đớn, có một vài trong số đó đã không qua khỏi. N. thấy sợ cái chết và cảm nhận được sự quý giá của sinh mệnh, và người cho mình cơ hội đó là cô Diệp.

Bởi vậy, chỉ ít ngày sau khi bệnh tình đã ổn định, N. tìm gặp cô Diệp và tỏ bày:

- Chị ơi! Chị cứu sống em về rồi, chị có muốn em tặng hay cám ơn cái gì không, để em bảo bố mẹ em?

Nghe cô học trò nghịch ngợm, vẻ mặt non nớt nói, cô Diệp nén xúc động và nói chỉ một câu rằng:

- Mạng này của em là do chị cứu về, làm thế nào đền đáp lại cho chị!

Cũng trong năm này, bằng sự cố gắng của hai cô trò, vượt qua biến cố, N. đã vươn lên và đỗ vào một trường công lập trên địa bàn quận Hoàng Mai.

Giờ đây dù sự việc đã trôi qua gần 11 năm, N. đã là chủ của một cửa hàng lẩu trên phố cổ, mẹ của ba đứa trẻ, nhưng khi nhắc đến kỷ niệm này, chị vẫn rưng rưng xúc động: "Nếu được nói một lời tri ân với cô Diệp. Em sẽ nói rằng: Không có chị thì không có em của ngày hôm nay, cám ơn người mẹ thứ 2 đã sinh ra em".

Thiếu gia thất thế chịu sự ác cảm của thầy cô

Nếu ba trường hợp kể trên, một trường hợp đến từ bệnh tình của học sinh, hai trường hợp còn lại đến từ gia đình thì câu chuyện của N.G.H (SN 1995) lại đến từ nhà trường. H. bị chính cô giáo chủ nhiệm của mình và các thầy cô bộ môn khác ác cảm.

H. vốn là con nhà giàu, tuy nhiên một biến cố lớn xảy ra, bố bị đi tù vì buôn ma túy, mẹ vỡ nợ phải trốn chạy sang Đức. H. được gửi cho ông bà ngoại trông nom, năm đó cậu đang học lớp 5.

Việc mất cân bằng đột ngột này khiến H. chán nản việc học, ông bà không đủ kiến thức để bảo ban cháu. Thành ra những tháng năm sau H. trượt dài trong các trò chơi game online, và luôn lọt vào tốp những học sinh có học lực kém nhất lớp (6, 7, 8).

Vào đầu năm lớp 9, qua sự giới thiệu của một người bạn, cô Diệp biết đến trường hợp của H. và nhận dạy. Qua kiểm tra ban đầu, cô nhận thấy không phải H. không có khả năng tiếp thu mà căn bản là bị rỗng kiến thức. Bù đắp khoảng trống này, cô Diệp kiên trì dạy lại từ chương trình lớp 3, từ cộng trừ nhân chia đến cách tư duy những bài toán nhỏ.

Nữ huấn luyện viên karate 25 năm dạy học sinh đặc biệt: “Mạng này của em là do chị cứu về - Ảnh 8.

N.G.H ghi nhật ký quá trình học tập tại lớp cô Diệp, năm 2010.

Từ việc chỉ được 1 - 2 điểm Toán ở các kỳ thi trước, H. đã có tiến bộ vượt bậc khi đạt điểm 5 ở kỳ thi kết thúc học kỳ 1 của năm lớp 9. Tuy nhiên thay vì ghi nhận sự cố gắng nỗ lực của H., các thầy cô lại chỉ nghĩ rằng là do H. quay cóp hoặc dùng một kỹ xảo nào đó để đạt điểm số như vậy.

Không được các thầy cô ghi nhận, H. đâm ra chán nản việc học trên lớp. Thay vì chăm chú nghe giảng, H. ngủ gục trên bàn. Việc này được phản ánh tới chị H.T. - dì của H., đồng thời là người bảo hộ cho H. tại Việt Nam. 

Chị H.T. giải thích với giáo viên rằng, H. buồn ngủ là do học đến 1 - 2 giờ sáng với cô Diệp, kết quả học tập được cải thiện là do H. nỗ lực trong việc chứ không phải do quay cóp như cô chủ nhiệm phản ánh.

Trước lời giải thích của chị H.T., cô chủ nhiệm không tin rằng có một giáo viên nào có thể kiên trì dạy học sinh tới 1 - 2 giờ sáng. Và không bao giờ cô nghĩ rằng một người như H. lại có thể chịu khó học được đến giờ đó.

Để rồi sau đó, không phụ lòng mong mỏi của dì và cô Diệp, H. đã đỗ vào một trường công lập ở quận Hoàng Mai. Điều đáng nói, trong số điểm thi các môn, môn Toán H. được tới 8 điểm, xếp thứ hai trong số các học sinh của lớp.

Nữ huấn luyện viên karate 25 năm dạy học sinh đặc biệt: “Mạng này của em là do chị cứu về - Ảnh 9.

5 năm sau từ Đức trở về, N.G.H đã tri ân cô Diệp bằng một chiếc điện thoại trị giá 17 triệu đồng. Ảnh: NVCC

Trước khi sang Đức định cư với mẹ, vào ngày 20/11 năm ấy, khi đó H. vẫn đang học thêm tại nhà cô Diệp. Biết cô hay ăn bữa phụ trước giờ dạy, H. đã dùng 20.000 đồng ông bà cho để ăn sáng mua một chiếc bánh mì tam giác Doner Kebab trị giá 17.000 đồng tặng cô Diệp.

Đón nhận "bó hoa bánh mì" đó từ cậu học trò, cô Diệp đã khóc vì xúc động. Nhưng không muốn cậu học trò bé nhỏ nhìn thấy sự yếu đuối của một huấn luyện viên võ thuật, cô đã chạy ngay vào trong bếp để kịp lau đi những giọt nước mắt.

Bởi bình thường H. vẫn dùng số tiền ông bà cho để chơi game và thậm chí đã nhiều lần cô Diệp bắt được H. tại trận. Nhưng trong ngày cả nước vinh danh những thầy, trong đó có những người lặng lẽ như cô Diệp, H. đã biết nghĩ đến và có món quà thể hiện lòng biết ơn của mình. "Tôi thực sự cảm thấy, đây là một trong những thành công của một người thầy", cô Diệp chia sẻ.

"Tôi ngưỡng mộ cô Diệp lắm, nhiệt tình, năng nổ. Cô giúp cháu tôi ôn thi và đạt được điểm tốt, mặc dù hồi đó cháu là học sinh dốt nhất lớp. Nhờ sự nghiêm khắc cũng vừa tâm lý của cô, đã giúp H. thích thú trong việc học hành và thi đạt kết quả tốt. Một điều không ngờ nữa, khi sang Đức học, H. là một trong số những học sinh được cử đi thi học sinh giỏi", chị H.T. bày tỏ.

Người dẫn đường cho những đứa trẻ lạc lối trong màn đêm

Bốn trường hợp kể trên là một trong số rất nhiều những mảnh ghép về những học trò đặc biệt mà cô Diệp đã đứng lớp giảng dạy trong suốt 25 năm qua. Nhìn chung đó là "những đứa trẻ lạc lối trong màn đêm" và hơn ai hết thay vì một ánh mắt kỳ thị, một lời nói đầy định kiến, các em cần một "người dẫn đường" để có thể đi qua được quãng đời rất ngắn ấy.

Và "người dẫn đường" ấy không ai khác ngoài người thầy cô với một mục đích giáo dục xuyên suốt là "đem lũ trẻ con người ta trao cho, mà rèn giũa sao cho nên người, nên người có hiếu, sau này gây dựng được gia đình bền chặt, người dân tốt giúp được nước, người có tâm với thiên hạ, làm người biết đạo làm người, sống hợp với lẽ trời đất" (Hoàng Đạo Thúy).

Nữ huấn luyện viên karate 25 năm dạy học sinh đặc biệt: “Mạng này của em là do chị cứu về - Ảnh 10.

Khoảnh khắc vui vẻ trong lớp cô Diệp.

Dù không "chính chuyên" trong ngành giáo dục, nhưng cô Diệp có những trải nghiệm riêng có trong những lần du lịch tự do ở các tỉnh thành trong nước và cả những lần du ký nước ngoài. Đặc biệt tại nước Úc, cô Diệp đã nhận thấy những tư tưởng giáo dục tiến bộ, thay vì học những kiến thức khô khan, các em sớm được trau dồi kỹ năng sống.

"Lúc trước đi một mình một con đường như vậy, tôi nghĩ rằng phương pháp giáo dục của mình đang đi chệch hướng, hoặc chỉ là một nhánh rất nhỏ. Thế nhưng bằng cách đó, tôi đã đón đầu được rất nhiều bạn, cứu được nhiều bạn trở về với cuộc sống bình thường. Và rồi, các bạn ấy có niềm tin hơn trong cuộc sống", cô Diệp chia sẻ.

Những ngày này, khi kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 đang đến gần, cô Diệp vẫn ngày duy trì đều đặn hai lớp học. Một lớp cho các học sinh tại ngõ 102 Lò Đúc vào buổi chiều hàng ngày, còn một lớp tại nhà vào buổi tối cho các học sinh đang ôn thi vào lớp 10. Dù việc với cường độ cao như vậy, lên tới 16 tiếng một ngày, nhưng chưa bao giờ cô Diệp cảm thấy mệt mỏi vì động lực đó là tình yêu đối với học trò.

Và cứ mỗi năm qua đi, lớp học của cô Diệp lại tiếp nhận thêm một hai trường hợp học sinh đặc biệt. Năm nay có một bạn tự kỷ dạng nhẹ, một bạn có hội chứng tăng động, một bạn bố mẹ bỏ nhau, còn một bạn bố vừa mới mất. Những học sinh này dần dần hình thành một mối liên kết và gắn bó với nhau như trong một gia đình.

"Tôi thường tạo ra một môi trường để những học sinh lớn tuổi có trách nhiệm bảo ban cho những em học sinh ít tuổi hơn. Và trong một lớp bao giờ các em cũng phải yêu thương nhau, cũng giống như khi tôi tập luyện ở võ đường, các anh chị em rất yêu thương, đùm bọc, bảo vệ nhau", cô Diệp tâm sự.

Nữ huấn luyện viên karate 25 năm dạy học sinh đặc biệt: “Mạng này của em là do chị cứu về - Ảnh 11.

Huy chương Bạc môn võ Karate tại Hội Thể thao đại học và chuyên nghiệp Việt Nam, 2004 của cô Diệp.

Nữ huấn luyện viên karate 25 năm dạy học sinh đặc biệt: “Mạng này của em là do chị cứu về - Ảnh 12.

Mỗi lần đọc lại dòng nhật ký của các học sinh, cô Diệp đều cảm thấy hạnh phúc.

"Một người thầy giỏi không cần đến trường mỗi ngày mới dạy được. Họ không cần đến sách giáo khoa, bảng đen, phấn trắng, sổ đầu bài, phiếu liên lạc. Họ không đánh giá học trò của mình vì những điều chúng đã làm, mà chỉ cho chúng thấy con người mà chúng sẽ trở thành. Người thầy giỏi không cần phải là người đứng trên bục giảng, cuộc đời họ chính là một bài học lớn. Họ không cần nước hoa, dầu gội đầu, sữa tắm, caravat,... Vào mỗi ngày 20/11 "Ngày Nhà giáo", họ cần mỗi ngày họ được làm thầy, là một ngày ý nghĩa đối với học trò của mình", một học trò nhắn tặng cô Diệp nhân ngày 20/11.

Trường Hùng

NỔI BẬT TRANG CHỦ