(Toquoc)- Sau khi cuốn tiểu thuyết "Mạt vận" của nhà văn Đỗ Ngọc Yên được NXB Thời đại ấn hành quý II năm 2011 đã có những bài bàn luận với cái nhìn đa chiều, thậm chí "nóng" lên. Nhân dịp này, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với nhà phê bình văn học "phá rào" sang... thể loại tiểu thuyết.
(Toquoc)- Sau khi cuốn tiểu thuyết "Mạt vận" của nhà văn Đỗ Ngọc Yên được NXB Thời đại ấn hành quý II năm 2011 đã có những bài bàn luận với cái nhìn đa chiều, thậm chí "nóng" lên. Nhân dịp này, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với nhà phê bình văn học "phá rào" sang... thể loại tiểu thuyết.
* Chào nhà văn Đỗ Ngọc Yên! Chúc mừng ông vừa ra cuốn tiểu thuyết đầu tay, với một cái tên gây không ít sự tò mò cho bạn đọc- "Mạt vận". Xin lỗi ông có định ám chỉ điều gì khi đặt tên có vẻ "hot" như vậy?
- Câu hỏi có vẻ “xoáy” đây, nhưng tôi không cần phải đáp “xoay” đâu. Ám chỉ hay không là tùy ở người đọc, người tiếp nhận văn bản tác phẩm. Vấn đề cơ bản, xuyên suốt được đặt ra trong tác phẩm, thì chỉ có từ “Mạt vận” mới gọi đúng tên sự vật, hiện tượng và vấn đề thôi. Bởi lẽ quá trình tích tụ nhiều yếu tố không bình thường trong mỗi gia đình, mỗi dòng họ để dẫn đến sự suy vi tuyệt đối, như vậy chẳng là mạt vận sao.
Họ Trần là dòng họ lừng lẫy suốt trong một thời gian dài hàng thế kỷ ở một vùng quê có truyền thống văn hiến. Ông chủ dòng họ hiện thời là Trần Hoằng đã từng làm đến chức Thứ trưởng. Nhưng vì tham nhũng nên đã bị kết án tù 10 năm. Người con trai kế vị cũng không tránh khỏi vòng lao lý ấy. Trần Thành, nhân vật chính, là con trưởng ông Trần Hoằng đã từng làm đến chức Tổng giám đốc một công ty xây dựng, nắm trong tay các dự án với hàng nghìn tỉ đồng vốn của Nhà nước, cuối cùng cũng đi vào con đường tham nhũng, moi tiền công ra để bao gái, ăn chơi xa xỉ. Tiến xa hơn anh ta còn thuê người đẻ con trai cho mình để nối dõi tông đường. Đến đứa con gái đầu của Trần Thành cũng lười biếng, đua đòi, cuối cùng bị lừa bán sang Trung Quốc làm gái mại dâm, rồi bị ép lấy làm vợ lẽ một ông già người dân tộc Choang.
Đấy tạm gọi là tuyến thứ nhất. Còn tuyến thứ hai cũng phát triển song song, là gia đình nhà Thảo Phương, người được Thành thuê đẻ con trai. Mẹ Phương trước đây cũng đã từng bán "cái ngàn vàng" của con gái từ lúc 17 tuổi ở quê cho một anh cán bộ cung tiêu hợp tác xã nông nghiệp để lấy hai yến thóc, mua chiếc áo phin nõn ăn diện. Rồi đến Thảo Phương, chỉ là một nữ sinh trung cấp cũng ôm giấc mộng đổi đời bằng cách đua đòi ăn diện và cuối cùng nhận đẻ thuê con trai cho Trần Thành để có thể đứng chân nơi phố thị phồn hoa, đô hội. Sự khao khát của Thảo Phương đã gặp sự hối thúc của Trần Thành theo kiểu: “ông mất chân giò, bà thò chai rượu”. Tưởng như vậy là sòng phẳng theo kiểu kinh tế thị trường. Nào ngờ...
* Ngờ thế nào, ông có thể nói cụ thể hơn?
- Họ nào ngờ đấy chỉ là sự tính toán chủ quan. Còn trời đất, thần phật lại không phải lúc nào cũng chiều theo ý muốn của con người. Trần Thành là người lắm tiền nhiều bạc, có quyền cao chức trọng và đang khao khát tìm kiếm con trai để nối dõi tông đường. Trước đây bố anh cũng đã đem tiền tham nhũng về xây lại nhà thờ họ. Vì coi thường đạo lý của tổ tiên, không đếm xỉa đến bất cứ điều gì, mà chỉ biết có đồng tiền. Ông ta nghĩ có tiền là có thể làm được tất cả. Nào ngờ đúng ngày động thổ, bà Bất- vợ ông Hoằng ộc máu mồm lăn đùng ra chết bất đắc kỳ tử ngay giữa từ đường dòng họ vì đã đào bới mồ mả tổ tiên lên bằng những đồng tiền dơ bẩn.
Còn Trần Thành vì tham nhũng lấy tiền bao gái đã bị cô thư ký riêng Hương Linh viết đơn tố cáo, Thành bị cơ quan cảnh sát điều tra về kinh tế và chức vụ bắt tạm giam 4 tháng. Hết hạn, Thành tạm thời được tại ngoại thì đã lên cơn huyết áp, biến chứng bại liệt nửa người.
Còn với Thảo Phương, cũng không ngờ được hậu quả của phi vụ “đẻ thuê” lại nằm ngoài sự tính toán của cô ấy. Kết quả, đứa con trai mà cô nhận đẻ thuê cho Thành lại “có cái mặt ngoảnh ra đằng sau, quay lưng lại cuộc đời”. Đã hơn một năm tuổi, thằng bé vẫn không hề biết ăn gì ngoài bú mẹ và được gần một năm rưỡi, cậu lên cơn động kinh, lăn đùng ra chết giữa trưa hè trên cái chòi canh ngô nơi sườn núi (Chương 22). Sau đó, Thảo Phương bị tâm thần nặng, lang thang xuống Hà Nội để đi tìm người tình cũ, thì bị ô tô cán chết gần bến xe Mỹ Đình (Chương 26).
* Những chi tiết ông vừa nêu, nói lên điều gì?
- Nút thắt của vấn đề là ở chỗ ấy, khi người ta quá chú tâm đến những mối lợi trước mắt thường bỏ quên những giá trị văn hóa lâu bền khác. Cả Thành và Phương trước khi quyết định sinh con đều không biết rõ tông tộc của nhau. Ông nội Thảo Phương và ông nội Trần Thành là hai anh em ruột. Phương và Thành mới là thế hệ thứ ba. Việc hai người sinh ra một đứa trẻ không bình thường là hệ quả của quan hệ giao phối cận huyết thống. Bố Trần Thành, ông Hoằng sau khi nghe cụ Năm báo mộng về chuyện ấy đã đột tử ngay giữa từ đường dòng họ. Còn bố Thảo Phương, ông Trần Phán sau biết tin cũng đã uống rượu say và ra sông Lô trẫm mình tự tử.
Kết cục, ông chủ dòng họ Trần chết đột tử giữa từ đường, Thành thì bị bán thân bất toại, con gái bị bán làm gái mại dâm và ép làm vợ lẽ. Giấc mộng sinh con trai nối dõi tông đường không thành. Nhà thờ họ Trần cũng bị bốc cháy (Chương 26). Thế thì còn từ nào gọi đúng tên sự vật hơn là "mạt vận".
* Cuốn tiểu thuyết của ông nói về dòng họ Trần ở làng Cổ Lỗ, Nam Định. Liệu có sợ người đọc liên tưởng đến những lình xình trong đợt phát ấn tại đền Trần ở Nam Định dịp đầu xuân Tân Mão không, thưa ông?
- Liên tưởng hay không là quyền của độc giả, ai cấm được họ. Nhà văn chỉ có một cái quyền duy nhất là viết ra tác phẩm để cho mọi người đọc, chứ anh ta không được quyền can thiệp vào sự cảm nhận của độc giả, mặc dù những cảm nhận chủ quan của mỗi người có thể là đúng hay sai, hay hoặc dở, phiến điện hay tổng quát. Điều ấy tất thảy nhà văn đều phải tôn trọng.
* Thế tại sao không phải là họ Lê, Bùi, Nguyễn... mà lại là họ Trần?
- Họ Trần hay bất cứ họ nào cũng vậy thôi, chỉ là một cái tên tượng trưng do hư cấu của nhà văn, chứ đây không phải là một dòng họ cụ thể nào. Vả lại, “Mạt vận” của tôi không phải là một cuốn tiểu thuyết lịch sử nên mọi người không thể “áp” họ Trần ở làng Cổ Lỗ vào họ Trần ở xã Lộc Vượng, thành phố Nam Định được. Nếu đọc tác phẩm văn chương mà như vậy thì rất nguy hiểm. Bởi lẽ tác giả nhiều khi bị mang vạ, bị quy kết oan khiên vô lối. Điều này đã từng xảy ra trong đời sống văn chương nước ta thời kỳ trước những năm đổi mới. Tuy nhiên, tôi vẫn và rất tin độc giả văn chương hôm nay, họ rất nhạy cảm và thông tuệ. Chính vì thế mà văn chương có thêm cơ hội để phát triển trong thời gian gần đây. Nhiều tác phẩm hay, nhiều phong cách mới, nhiều khuynh hướng tìm tòi đã đem đến một diện mạo mới cho văn chương Việt. Đấy là một thực tế không ai có thể phủ nhận được.
Nhưng tôi cũng cần phải nói ở một khía cạnh khác là, dù một ai đó có liên tưởng hay nói này nọ, cũng hoàn toàn là lẽ đương nhiên. Tác phẩm văn chương, đặc biệt tiểu thuyết là một không gian mở để cho sự tưởng tượng, liên tưởng của người đọc có đất phát triển, qua đó bạn đọc tham gia vào quá trình sáng tạo của nhà văn với tư cách là những người đồng sáng tạo. Càng giàu chất liên tưởng, thì khả năng "phủ sóng" của tác phẩm càng lớn. Đấy là điều đáng mừng. Viết ra một tác phẩm mà nhà văn nói toạc hết ra, thì độc giả sẽ chán ngay lập tức. Độ mở và trường liên tưởng của hệ thống nhân vật, cấu trúc, ngôn ngữ, giọng điệu,...là những yếu tố rất cần thiết tạo nên sức sống của tác phẩm.
* Ông có bị áp lực từ những vụ lình xình nói trên khi hoàn thiện tác phẩm?
- Nói là hoàn toàn không chắc chẳng ai tin. Nhưng bảo là chịu áp lực đến mức phải thay đổi cấu trúc, hình tượng, sự kiện,...thì không đúng. Khi tác phẩm đang hoàn thiện khâu cuối cùng bản thảo thì chuyện lình xình trong dịp lễ phát ấn tại đền Trần xảy ra. Thực chất, tôi đã viết xong cuốn tiểu thuyết này từ năm 2008, đến đầu năm 2011 mới đưa in, nên áp lực từ những sự kiện của đời sống ngay thời điểm đó là không đáng kể.
* Ông có định tham dự Giải tiểu thuyết 3 năm (2011-2013) và giải tác phẩm thường niên của Hội Nhà văn không?
- Đây là một câu hỏi hay, bất ngờ nhưng mà khó. Ai viết sách chẳng muốn được người đọc, nhất là những người có chuyên môn khen. Bởi người có chuyên môn, kinh nghiệm trong sáng tác và phê bình văn chương sẽ không giống với những người đọc thông thường. Nên sự đánh giá và nhận xét của họ bao giờ cũng mang theo một đẳng cấp, thương hiệu chuyên môn nào đấy, nên tôi rất tin vào sự thẩm định của họ. Một tác phẩm được các nhà chuyên môn đánh giá, thẩm định để trao giải thường phải đạt đến một cái chuẩn nào đấy. Nhưng cái dân mình nó là thế. Cứ sau mỗi lần bình xét và trao giải cho một tác phẩm nào đấy lại dấy lên một “phong trào” phản biện khá gay gắt. Nếu sự phản biện đó, giúp cho những người có trách nhiệm rút kinh nghiệm để lần sau làm tốt hơn lần trước thì rất đáng hoan nghênh, cần khuyến khích. Nhưng cũng có những sự phản biện thái quá hoặc là do bức xúc cá nhân, hoặc từ những dụng ý xấu của một số người nào đấy bơm vào và khơi mào biến thành một sự cãi vã kiểu chợ trời như hiện tượng tiểu thuyết “Hội thề” cách đây chưa lâu. Điều ấy đã tạo nên một đợt sóng nhiễu loạn đối với thị hiểu thẩm mỹ của công chúng và chẳng hề mang lại điều gì có ích cho sự phát triển của văn chương nước nhà.
* Vậy ông có hy vọng sẽ đoạt giải không?
- Gửi tác phẩm dự giải thì tôi đã làm. Còn hy vọng đoạt giải, tôi chia đều cho cả hai, tức là năm mươi/năm mươi.
* Nếu không đoạt giải ông có cảm thấy buồn và thất vọng không?
- Buồn thì có, vì không được. Nhưng thất vọng thì không. Vì ngoài tác phẩm của tôi ra, còn biết bao nhiêu tác phẩm khác. Tôi không thể nói rằng tác phẩm của mình là hay, là đáng được giải. Ngược lại ai được giải tôi thấy cũng đều vui và chúc mừng cho họ. Điều quan trọng nhất là tôi cần phải viết ra những tác phẩm ngày càng có chất lượng hơn để phục vụ công chúng./.
* Cám ơn ông với tư cách vừa là người sáng tác, vừa là người thẩm định tác phẩm văn chương về cuộc trò chuyện bổ ích và thú vị này!
Đức Hải (thực hiện)