• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nửa nhiệm kì ngành VHTTDL: "Bùng nổ" các liên hoan- nở rộ nhiều tác phẩm nghệ thuật có chất lượng

Văn hoá 10/08/2023 07:45

(Tổ Quốc) - Sau hai năm ngừng hoạt động do ảnh hưởng dịch bệnh, nghệ thuật sân khấu đã trở lại với sự "bùng nổ" các liên hoan. Điều đáng ghi nhận là dù tạm xa khán giả một thời gian khá dài, nhưng các nghệ sĩ đã cho thấy sức sáng tạo dồi dào, luôn bám sát cuộc sống đương đại, tạo nên liều vắc-xin tinh thần cho Nhân dân trong bối cảnh dịch bệnh vừa đẩy lùi.

Cơ hội cho các nghệ sĩ thể hiện tài năng

Ngay sau khi đại dịch COVID-19 được kiểm soát, các liên hoan sân khấu đã được tổ chức sau hơn 2 năm tạm dừng thể hiện sự quan tâm của Lãnh đạo Bộ VHTTDL đối với nghệ thuật biểu diễn. Đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách nhưng với tinh thần "mỗi nghệ sĩ là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch", các đơn vị văn hóa -nghệ thuật vẫn không ngừng nỗ lực phấn đấu, năng động, nhạy bén nắm bắt tình hình, xu hướng vận động nhằm đổi mới phương thức hoạt động, không ngừng sáng tạo, lao động nghệ thuật hăng say, không biết mệt mỏi để đem đến các chương trình, vở diễn nghệ thuật đỉnh cao, có chất lượng.

"Bùng nổ" các liên hoan: Nở rộ nhiều tác phẩm nghệ thuật có chất lượng - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng phát biểu chỉ đạo tại Liên hoan sân khấu Chèo toàn quốc

Đầu tiên là Liên hoan kịch nói toàn quốc diễn ra tháng 11/2021 tại Hải Phòng và tháng 1/2022 tại TP Hồ Chí Minh.

Tại Hải Phòng, Liên hoan Kịch nói toàn quốc năm 2021 có sự tham gia của 14 đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp, 20 vở diễn dự thi. Liên hoan được đánh giá là có nhiều vở diễn đạt chất lượng cả về nghệ thuật và hấp dẫn công chúng, đặc biệt có nhiều vở sáng tạo, mới mẻ đến từ tác giả, đạo diễn, nghệ sỹ, diễn viên và thiết kế mỹ thuật, âm nhạc đã được quan tâm, đầu tư có chất lượng.

Liên hoan diễn ra trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn còn nhiều tiềm ẩn, nguy cơ dịch bùng phát, do đó ban tổ chức yêu cầu đoàn tham dự liên hoan thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng chống dịch Covid của Chính phủ và Thành phố Hải Phòng. Và thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch theo tinh thần 5K, như: đại biểu và khách khi vào xem phải đeo khẩu trang, khai báo y tế, khử khuẩn, Nhà hát chỉ đón tối đa 50% lượng khách vào xem, khán giả ngồi cách ghế…Tuy nhiên, theo Hội đồng nghệ thuật của Liên hoan, Liên hoan đã khép lại trong niềm hân hoan xen lẫn những giọt nước mắt hạnh phúc của các nghệ sĩ và người làm nghề. Các nghệ sĩ dự thi đã thỏa sức sáng tạo, mang đến cho khán giả nhiều cung bậc cảm xúc, truyền đi những thông điệp đậm tính nhân văn.

"Bùng nổ" các liên hoan: Nở rộ nhiều tác phẩm nghệ thuật có chất lượng - Ảnh 2.

Các liên hoan được tổ chức thể hiện sự quan tâm của Lãnh đạo Bộ VHTTDL đối với nghệ thuật sau đại dịch COVID-19

Tháng 1/2022, tại TP Hồ Chí Minh, Liên hoan Kịch nói toàn quốc quy tụ 20 đơn vị sân khấu tại TP.HCM với 26 vở diễn và gần 800 nghệ sĩ, diễn viên tham gia. Với quy mô tham gia Liên hoan cho thấy, các đơn vị, diễn viên và nghệ sĩ đã nỗ lực vượt qua khó khăn, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, để mang đến Liên hoan những chương trình nghệ thuật đặc sắc.

Diễn ra từ ngày 17 - 30/6/2022 tại tỉnh Đắk Lắk, Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc - 2021 (Đợt 2) được đánh giá là liên hoan có quy mô lớn với nhiều loại hình tham dự: Ca, Múa, Nhạc; Giao hưởng; Nhạc Vũ Kịch; Thanh Xướng Kịch. Liên hoan thu hút sự tham gia của hơn 1.000 nghệ sĩ, diễn viên, cán bộ đến từ 22 đơn vị nghệ thuật trong cả nước.

Nhiều chương trình ca múa nhạc đạt chất lượng về nội dung và nghệ thuật, hấp dẫn công chúng. Nhiều chương trình tham gia Liên hoan đã đạt được hiệu quả cao, chủ đề rõ ràng, tổ chức sân khấu tốt, biên tập và kết hợp tốt các yếu tố về âm thanh, ánh sáng đèn LED, hình ảnh minh họa. Các đơn vị nghệ thuật với ý thức trách nhiệm cao, quan tâm thỏa đáng về vật chất và đầu tư về chuyên môn tạo nên các chương trình có chất lượng tốt. Tất cả sự kết hợp tổng thể của các yếu tố đã mang lại cảm xúc thẩm mỹ đặc biệt cho khán giả, hấp dẫn công chúng.

Từ ngày 12-28/10/2022, tại tỉnh Hà Nam đã diễn ra lễ Khai mạc Liên hoan Chèo toàn quốc - 2022. Liên hoan quy tụ 1500 diễn viên, nghệ sĩ đến từ 16 đơn vị nghệ thuật chèo chuyên nghiệp từ trung ương tới địa phương, với 27 vở diễn.

"Bùng nổ" các liên hoan: Nở rộ nhiều tác phẩm nghệ thuật có chất lượng - Ảnh 3.

Một vở diễn tại Liên hoan Chèo toàn quốc 2021

Tham dự Khai mạc Liên hoan, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng khẳng định, Liên hoan Chèo toàn quốc năm 2002 là minh chứng cụ thể cho việc triển khai, thực hiện các quan điểm, Nghị quyết của Đảng về nhiệm vụ chấn hưng, phát triển văn hóa và con người Việt Nam. Trong đó, tập trung vào bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống của dân tộc nói chung, của nghệ thuật hát Chèo nói riêng, đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả sáng tạo các giá trị, sản phẩm văn hóa nghệ thuật, đáp ứng nhu cầu của xã hội và Nhân dân.

Bộ trưởng nhấn mạnh: "Liên hoan Chèo toàn quốc 2022 là đợt sinh hoạt nghệ thuật lớn, là dịp để các nghệ sĩ, diễn viên thể hiện tình yêu, sự gắn bó sắt son "nuôi dưỡng ngọn lửa đam mê" với nghề; là sân khấu để các nghệ sĩ phô diễn tài năng, sức sáng tạo, khát khao cống hiến".

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng khẳng định, Liên hoan là sự kiện quan trọng để các cơ quan quản lý nhà nước ghi nhận, vinh danh các tài năng nghệ thuật, từ đó có những đánh giá, nhìn nhận chính xác hơn, cụ thể hơn về thực trạng lực lượng nghệ sĩ hoạt động nghệ thuật sân khấu truyền thống hiện nay.

Bộ trưởng bày tỏ mong muốn Liên hoan Chèo toàn quốc năm 2022 sẽ là cơ hội để quảng bá hình ảnh, giới thiệu tiềm năng du lịch văn hóa đặc sắc của tỉnh Hà Nam nói riêng, của các tỉnh vùng đồng bằng Bắc Bộ nói chung. Qua đó, khẳng định Liên hoan không chỉ góp phần bảo tồn, tôn vinh và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mà còn là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của các địa phương trong vùng.

"Bùng nổ" các liên hoan: Nở rộ nhiều tác phẩm nghệ thuật có chất lượng - Ảnh 4.

Một cảnh trong vở tuồng "Truyện ngoài chính sử - Làm vua" của Nhà hát Tuồng Việt Nam

Liên hoan có nhiều vở diễn đạt chất lượng về nội dung và nghệ thuật, hấp dẫn công chúng, đặc biệt có nhiều vở sáng tạo, mới mẻ đến từ tác giả, đạo diễn, nghệ sĩ. Sự kết hợp tổng thể các yếu tố này mang lại cảm xúc thẩm mỹ đặc biệt cho khán giả, giúp họ cảm nhận được sự tinh tế của nghệ thuật Chèo.

Liên hoan Cải lương toàn quốc 2021 diễn ra từ ngày 5-20/11/2022 tại tỉnh Long An, với sự tham gia của 22 đơn vị nghệ thuật Cải lương chuyên nghiệp; gần 1.000 nghệ sĩ, diễn viên và 27 tác phẩm. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, tiếp tục giữ gìn, tôn vinh những tinh hoa của nghệ thuật sân khấu Cải lương, thúc đẩy quá trình hội nhập các loại hình nghệ thuật truyền thống. Liên hoan cũng là dịp để các văn nghệ sĩ, diễn viên sân khấu Cải lương gặp gỡ, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm nghề nghiệp, là cơ hội để phô diễn tài năng, đam mê và tỏa sáng trên một sân khấu lớn. Bên cạnh đó, các đơn vị nghệ thuật, các nhà quản lý sẽ tìm ra được những nhân tố mới, những vở diễn hay có chất lượng để từ đó có giải pháp chiến lược, định hướng cho việc phát triển sân khấu nghệ thuật truyền thống nói chung và sân khấu Cải lương nói riêng lên một tầm cao mới.

Theo đánh giá của Hội đồng nghệ thuật, sự sáng tạo độc lập của tác giả qua khâu kịch bản với bố cục chặt chẽ, cách kể câu chuyện kịch khéo léo, sự hỗ trợ hiệu quả các thành phần sáng tạo, dưới bàn tay "phù phép" của các đạo diễn để làm rõ đặc trưng "tự sự, trữ tình và kết thúc có hậu" của kịch hát Cải lương, và nhất là, qua quá trình "lao tâm, khổ tứ" của các diễn viên, Liên hoan Cải lương toàn quốc 2021 đã xuất hiện nhiều vở diễn có chất lượng nghệ thuật cao, chủ đề, tư tưởng rõ ràng, sâu sắc, được chuyển tải qua nội dung hấp dẫn.

"Bùng nổ" các liên hoan: Nở rộ nhiều tác phẩm nghệ thuật có chất lượng - Ảnh 5.

Vở cải lương Bên dòng Long Khốt tại Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2021

Bên cạnh đó, điều dễ dàng nhận diện nhất ở tất cả các nghệ sĩ tham dự Liên hoan là lửa nghề, tình yêu dành cho Cải lương, nỗi khát khao được thể hiện tài năng trước khán giả. Điều đó càng đáng trân trọng hơn khi các loại hình nghệ thuật sân khấu nói chung, nghệ thuật Cải lương nói riêng đang ở trong giai đoạn cực kỳ khó khăn.

Liên hoan Xiếc quốc tế 2022 diễn ra tháng 12 tại Hà Nội là sự kiện văn hóa nghệ thuật quy mô quốc tế quan trọng trong bối cảnh nghệ thuật Xiếc cùng các ngành nghệ thuật khác trên thế giới đang trên đà phục hồi và tập trung phát triển sau 2 năm bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Với sự tham gia của 9 đoàn nghệ thuật trong và ngoài nước, cùng 28 tiết mục nghệ thuật xiếc đặc sắc như nhào lộn, tung hứng, thăng bằng, ảo thuật, hề xiếc, sau 1 tuần diễn ra sôi nổi, Liên hoan Xiếc quốc tế năm 2022 đã thành công tốt đẹp với những đêm diễn đầy ắp khán giả cùng những tràng pháo tay không ngớt, đến ánh mắt trầm trồ ngưỡng mộ, nụ cười của bạn bè trong nước và quốc tế…

Tháng 5/2023, tại Nhà hát Lam Sơn, Thanh Hóa, Cuộc thi Tài năng diễn viên Chèo, Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc - 2023 đã diễn ra với sự tham gia của gần 200 diễn viên tài năng đến từ 20 đơn vị nghệ thuật Chèo, Tuồng và Dân ca kịch chuyên nghiệp từ Trung ương tới địa phương. Đây là cơ hội để các diễn viên thể hiện sự đam mê nghề nghiệp, phô diễn tài năng cũng như khát khao sáng tạo, cống hiến, nuôi dưỡng ngọn lửa đam mê với nghề nghiệp mà nhiều thế hệ nghệ sĩ đi trước đã gây dựng nên, là dịp để các cơ quan quản lý nhà nước quản lý ghi nhận và vinh danh các diễn viên tài năng nghệ thuật truyền thống, phát hiện tài năng nghệ thuật để động viên, khích lệ các nghệ sĩ diễn viên có nhiều đóng góp cho sự nghiệp nghệ thuật truyền thống trong những năm qua và là cơ hội để nhân dân tỉnh Thanh Hóa và du khách được thưởng thức các di sản nghệ thuật truyền thống đặc sắc của dân tộc khi đến với Thanh Hóa.

"Bùng nổ" các liên hoan: Nở rộ nhiều tác phẩm nghệ thuật có chất lượng - Ảnh 6.

Liên hoan Xiếc quốc tế với những đêm diễn đầy ắp khán giả cùng những tràng pháo tay không ngớt, đến ánh mắt trầm trồ ngưỡng mộ, nụ cười của bạn bè trong nước và quốc tế

Tạo cơ hội và khích lệ nghệ sĩ

Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, NSƯT Trần Ly Ly chia sẻ: "Các tỉnh, thành phố cần có chế độ chính sách đặc thù phù hợp để nuôi dưỡng, phát triển văn hóa phi vật thể, chính là người nghệ sĩ. Trước mắt, phải có cơ chế cho phép ký hợp đồng với các diễn viên trẻ có tài để tạo nguồn lực cho sự phát triển. Hiện nay, có một số địa phương đã chủ động làm rất tốt khi đưa ra các chính sách ưu đãi cho các nhà hát, các đơn vị nghệ thuật, đây chính là mô hình hay để địa phương khác nhìn vào và áp dụng cho phù hợp với thực tế. Đơn cử như TP.HCM đã xây dựng Đề án Chiến lược phát triển ngành văn hóa đến năm 2030, có xác định mục tiêu nâng cao chất lượng các trường đào tạo VHNT, có kế hoạch đưa các năng khiếu, tài năng VHNT ra đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài. Việc sáp nhập các loại hình nghệ thuật cần phải có quy hoạch và phù hợp với từng địa phương để tránh mất đi tính chuyên nghiệp và bảo tồn được loại hình nghệ thuật dân tộc tiêu biểu mỗi vùng miền".

Các Liên hoan là cơ hội để các diễn viên, nghệ sĩ thể hiện sự đam mê nghề nghiệp, phô diễn tài năng cũng như khát khao sáng tạo, cống hiến, nuôi dưỡng ngọn lửa đam mê với nghề nghiệp mà nhiều thế hệ nghệ sĩ đi trước đã gây dựng nên. Đây cũng là dịp để các cơ quan quản lý nhà nước quản lý ghi nhận và vinh danh các diễn viên tài năng nghệ thuật truyền thống, phát hiện tài năng nghệ thuật để động viên, khích lệ các nghệ sĩ diễn viên có nhiều đóng góp cho sự nghiệp nghệ thuật truyền thống trong những năm qua. Đồng thời, là cơ hội để khán giả cả nước và du khách được sống trong không khí của nghệ thuật với các tài năng nghệ thuật tiêu biểu.

"Bùng nổ" các liên hoan: Nở rộ nhiều tác phẩm nghệ thuật có chất lượng - Ảnh 7.

Qua các Liên hoan, các nghệ sĩ đã cho thấy sức sáng tạo dồi dào, luôn bám sát cuộc sống đương đại, tạo nên liều vắc-xin tinh thần cho Nhân dân trong bối cảnh dịch bệnh vừa đẩy lùi

NSND Giang Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam chia sẻ: Sân khấu đang có chiều hướng phục hồi với nhiều dự án, chương trình nghệ thuật được triển khai và giới thiệu. Có thể cảm nhận sự khao khát được cống hiến, được quảng bá những tâm huyết sáng tạo của anh chị em văn nghệ sĩ, đặc biệt là giới sân khấu. Và bản thân khán giả sau một thời gian quá dài không được đến nhà hát thưởng thức nghệ thuật, họ cũng có nhu cầu được gặp lại những nghệ sĩ mà họ yêu mến. "Cung" và "cầu", hai điều kiện cần và đủ đó đã tạo nên luồng sinh khí mới cho sân khấu, giúp cho hoạt động nghệ thuật biểu diễn được hồi sinh sôi động hơn. Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam dự kiến phối hợp với Bộ VHTTDL và các địa phương, các đơn vị nghệ thuật sân khấu cả nước sẽ tổ chức nhiều hoạt động quan trọng. Tôi tin diện mạo của sân khấu sẽ có nhiều đột phá, nở rộ nhiều tác phẩm nghệ thuật có chất lượng, phong phú về thể loại và đề tài sáng tạo".

Tổ chức liên hoan ngoài mục đích thi thố thì còn là cơ hội cho các đơn vị nghệ thuật và nghệ sĩ có cơ hội được gặp gỡ, trao đổi và học hỏi lẫn nhau. Giải thưởng ở các cuộc liên hoan cũng là ghi nhận, đánh giá thương hiệu, uy tín của từng đơn vị nghệ thuật, lấy giá trị nghệ thuật là cốt lõi, kích thích và tạo động lực cho nghệ thuật phát triển.

Cuối cùng, đúng như Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông nhận định: Thông qua các Liên hoan, lãnh đạo các đơn vị nghệ thuật cần chủ động thay đổi, mở rộng tư duy, mạnh dạn hành động, tiếp tục chú trọng, tập trung mọi điều kiện tốt nhất để xây dựng những chương trình đạt chất lượng cao cả về nội dung và nghệ thuật, đáp ứng nhu cầu thưởng thức ngày càng cao của công chúng.

Hồng Hà

NỔI BẬT TRANG CHỦ