• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nước Mỹ Donald Trump 2017

Thế giới 27/01/2017 21:48

(Tổ Quốc)-Có thể sẽ có một số đảo lộn trên thế giới.

Những biến động năm 2016 sẽ tác động sâu sắc tới đời sống quốc tế năm 2017. Những xu thế dài hạn đã lặng lẽ hình thành trong nhiều thập kỷ, để rồi xuất hiện một cách ầm ĩ khi chính trị bắt kịp, với Donald Trump một hiện tượng nổi bật.

Siêu cường Mỹ đã mệt mỏi. Năm 2001, nó bị kích động bởi cuộc tấn công tàn phá trên đất Mỹ, đã căng mình quá sức trong các cuộc cuộc chiến tranh ở thế giới Hồi giáo, và giờ muốn quay về sửa chữa các thứ ở trong nước. Chủ đề chính trong chiến dịch tranh cử của Donald Trump là tiết chế và giảm cam kết, tức là rút Mỹ khỏi các nghĩa vụ quốc tế, buộc các nước khác phải gánh thêm gánh nặng quốc phòng của chính họ, để Mỹ tập trung thúc đẩy sức cạnh tranh kinh tế.

Barack Obama đã cơ bản đưa nước Mỹ ra khỏi cuộc “khủng hoảng kép” về kinh tế và đối ngoại. Nhưng cách xử lý ôn hòa và trong không ít trường hợp hữu khuynh, như tại cuộc chiến chống IS và xung đột đẫm máu ở Syria, ở Biển Đông, ở Ukraine…, đã tạo thời cơ cho các đối thủ của nước Mỹ dẫn dắt cuộc chơi.

Việc ông Trump thắng cử tổng thống Mỹ cho thấy người Mỹ đa số không cam chịu kéo lê tư tưởng và hành động của nước Mỹ thêm 4 hoặc 8 năm nữa với một ứng cử viên thuộc thiết chế Washington. Họ muốn thay đổi, dù ứng cử viên Trump có thể mang lại rủi ro khó lường. Họ muốn hành động. Và ông Trump đáp ứng họ, khi tuyên bố trong lễ nhậm chức: “Thời của những lời nói suông đã qua rồi. Giờ là thời khắc của hành động”.

 

Bài diễn văn nhậm chức khác thói thường của Donald Trump có thể phản ánh tâm thái của người Mỹ đa số, khi ông này “nã pháo” không thương tiếc vào thể chế Washington. Đó chính là sự tuyên chiến của lực lượng chính trị mới và xu hướng chính trị mới ở nước Mỹ.

Ngày 20/1, ông ta hứa hẹn “làm nước Mỹ hùng mạnh trở lại”, “giàu có trở lại”, “tự hào trở lại”, “an toàn trở lại”, “vĩ đại trở lại”. Người Mỹ nghe hẳn rất sướng tai, nhưng ông Trump cố tình không nói cho họ biết rằng, ông ta cũng không hề có chiếc “đũa thần vạn năng”nào cả, rằng nhiều cam kết của ông tỏ ra đang mâu thuẫn với hiện thực về sức mạnh hạn chế của nước Mỹ, đi ngược lại một số xu thế đang định hình trong nền sản xuất của thế giới cũng như ở Mỹ, trong phân công lao động quốc tế, và tương quan quyền lực trên thế giới…

Người Mỹ chưa hẳn hiểu hết về Donald Trump huống gì là thế giới. Hàng chục vạn người Mỹ đã xuống đường phản đối Trump. Nhưng thế giới thì “chờ xem” hoặc lặng lẽ điều chỉnh tầm nhìn, cách tiếp cận và chính sách đối với chính quyền mới ở Washington.

Donald Trump đã chọn quan hệ thương mại làm chủ đề chính trong quá trình tranh cử. Nhưng phải đến khi Trump hành động thì người ta mới biết ông ta hành động như thế nào.

 Biếm họa của báo Hong Kong: Ngoại trưởng được chỉ định Tillerson và Tổng thống Trump đang chọc phá con rồng Trung Quốc 

Donald Trump đã chọn Mexico, nước láng giềng Bắc Mỹ ở biên giới phía nam để “khai đao”. Người Mexico đang phản ứng trong do dự, khi Donald Trump quyết định xây dựng một bức tường dọc theo 3.200 km biên giới chung giữa Mỹ và Mexico, chi phí lên tới 40 tỷ USD; nếu Mexico không trả chi phí đó thì Mỹ sẽ áp dụng một số chế tài. Liệu dưới sức ép, Mexico có thể rút khỏi NAFTA - một hiệp định mang lại lợi ích kinh tế to lớn cho họ, cùng với một số lượng kiều hối khổng lồ gửi từ nước láng giềng phương bắc?

Trong nhiều lĩnh vực, ông Trump đã xem Trung Quốc là “đối thủ chính”, tuy chưa phải là “kẻ thù”. Cuộc chiến thương mại không phải là điều ông Tập Cận Bình mong muốn trong năm Đại hội ĐCS Trung Quốc 19. Và ông Trump đã khai thác điều ấy.

Ông ta đã khôn khéo cài khái niệm “một Trung Quốc” vào các quan hệ kinh tế với Bắc Kinh. Một vấn đề khác là Biển Đông. Kết quả là, để xoa dịu chỉ trích về việc Trung Quốc “không giúp kiềm chế Triều Tiên”, vừa rồi Bắc Kinh công bố danh sách toàn diện mới về các mặt hàng bị cấm xuất khẩu sang Triều Tiên, trong đó có nhiều sản phẩm có thể được sử dụng để chế tạo vũ khí hủy diệt hàng loạt. 

Ông Trump  đã chọn Philip Bilden, cựu thiếu tá tình báo, nhiều năm hoạt động như doanh nhân thành đạt ở Hong Kong, làm Bộ trưởng Hải quân. Một phẩm chất của vị Tư lệnh mới này là “hiểu rõ mối đe dọa mà các cường quốc hải quân đang lên như Trung Quốc”. Philip Bilden Bilden khẳng định “duy trì sức mạnh, sự sẵn sàng và năng lực của hải quân là yếu tố then chốt đối với an ninh quốc gia”; cam kết hải quân có đủ nguồn lực cần thiết để bảo vệ các lợi ích của nước Mỹ trên thế giới, cũng như hỗ trợ các đồng minh. 

Ông Trump sẽ có một năm bận rộn với các chương trình đối nội dù khó gây ra các đảo lộn ở nước Mỹ do sức ràng buộc của cơ chế tam quyền phân lập. Nhưng ông ta có thể tạo ra một số đảo lộn trên thế giới./. 

Nguyễn Ngọc Trường

NỔI BẬT TRANG CHỦ