• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nước Nga kiên cường chống sự trừng phạt quyết liệt của Mỹ

Thế giới 04/06/2018 07:28

(Tổ Quốc) - Kinh tế vĩ mô của Nga có nhiều công cụ đối phó, dù Mỹ hành động quyết liệt để loại Nga khỏi hệ thống tài chính toàn cầu.

Các biện pháp trừng phạt của Mỹ chống Nga không hiệu quả như Washington mong muốn. Khi áp lực gia tăng, Moscow tìm cách né tránh những đòn đánh mạnh nhất. Nga đang điều chỉnh các chiến lược ngắn hạn và dài hạn để cách ly người dân, doanh nghiệp Nga khỏi những biện pháp trừng phạt của phương Tây. Những nỗ lực của Mỹ nhằm làm thay đổi hành vi của Nga đang khiến Moscow ngày càng quay lưng với phương Tây, đồng thời buộc các doanh nghiệp Nga tự đổi mới.

Trừng phạt ngành công nghiệp nhôm

Đầu tháng 4/2018, Bộ Tài chính Mỹ áp dụng các biện pháp trừng phạt mạnh chưa từng có chống Nga. Quốc hội Mỹ gây áp lực lớn với chính quyền Trump sau khi phê chuẩn Đạo luật chống kẻ thù của Mỹ thông qua trừng phạt vào tháng 7/2017. Đạo luật nhắm vào 7 nhân vật đầu sỏ chính trị, 12 doanh nghiệp thuộc sở hữu của các đầu sỏ chính trị, 17 quan chức cao cấp chính phủ, 1 doanh nghiệp quốc phòng và 1 ngân hàng Nga. Mỹ muốn hành động quyết liệt để loại Nga khỏi hệ thống tài chính toàn cầu.

Các biện pháp trừng phạt đặc biệt gây thiệt hại cho công ty nhôm lớn thứ hai thế giới Rusal của Nga mà chủ sở hữu là Oleg Deripaska. Rusal, sản xuất khoảng 6% sản lượng nhôm của thế giới, từng có những thỏa thuận lớn với các doanh nghiệp Mỹ, chiếm hơn 14% tổng doanh thu, khoảng 1,4 tỷ USD. Đòn trừng phạt làm rung chuyển ngành công nghiệp nhôm toàn cầu, đẩy giá nhôm tăng hơn 30% trong hai tuần đầu.

 Công ty thép Rusal phải tái cơ cấu để chống cấm vận của Mỹ

Nga chống lại bằng thiết lập các vùng đệm ngắn hạn

Nga có không ít lựa chọn để chống lại các biện pháp của Mỹ trong ngắn hạn. Nga đã tỏ ý nhượng bộ chiến thuật trước yêu cầu của Mỹ. Ngày 27/4/2018, Rusal báo cáo sẽ bổ nhiệm một ban điều hành hoàn toàn độc lập, cùng với một nhóm quản lý mới. Ngày 25/5, Rusal xác nhận Deripaska đã rời khỏi ban điều hành Rusal và công ty con EN+ Group.

Chưa rõ liệu việc Deripaska từ chức đã đủ để Rusal thoát khỏi danh sách bị trừng phạt hay chưa.

Nga có một lựa chọn khác là hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp dễ bị tổn thương. Moscow cũng để ngỏ ý kiến quốc hữu hóa tạm thời Rusal. Một phần sản lượng nhôm dư thừa có thể đưa đến Kho kim loại và đá quý nhà nước Gokhran, phần còn lại có thể đáp ứng nhu cầu của tổ hợp công nghiệp-quân sự. Tuy nhiên, việc quốc hữu hóa triệt để có thể gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng cho Rusal.

Kremlin cũng đang xem xét một giải pháp thay thế khác: thiết lập các cơ chế pháp lý nhằm phần nào bảo vệ các nhân vật đầu sỏ chính trị bị ảnh hưởng bởi trừng phạt. Một trong số những lựa chọn đang được cân nhắc là thành lập các doanh nghiệp “nội địa ở nước ngoài” ở Kaliningrad nằm tách biệt khỏi Nga hoặc Primorsky Krai ở miền Viễn Đông. Những doanh nghiệp này có thể được trao quy chế thuế đặc biệt. Ở những khu vực trên, các chủ sở hữu doanh nghiệp có thể chuyển giao quyền sở hữu về cho Nga, nhưng những doanh nghiệp này vẫn có thể được coi là “ở nước ngoài” và có thể bỏ qua hệ thống quan liêu phức tạp của Nga.

Diễn đàn quốc tế Saint Peterburg 2018: Nga kiên trì đột phá cấm vận của phương Tây

Xem xét biện pháp cách ly dài hạn

Ngay cả khi Mỹ rút lại trừng phạt Rusal, Moscow không thể chắc chắn các doanh nghiệp hoặc những đầu sỏ chính trị khác không bị trừng phạt trong tương lai. Do đó, Nga đang theo đuổi một chiến lược tự cách ly khỏi những biện pháp trừng phạt của Mỹ và châu Âu.

Do quan hệ thương mại và đầu tư với phương Tây suy giảm từ năm 2014, Nga tập trung mở rộng quan hệ kinh tế, chính trị - trong đó có xuất khẩu năng lượng, bán sản phẩm nông nghiệp và vũ khí sang phía Đông. Điều này đặc biệt đúng với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đông Nam Á.

Nga đang mở rộng quan hệ thương mại với nhiều nước như Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập; thúc đẩy quan hệ kinh tế với Iran, tìm kiếm đầu tư lớn hơn và quan hệ năng lượng với các nước Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) như Arập Xê-út.

Tuy Nga không thể thay thế hoàn toàn quan hệ kinh tế với phương Tây bằng phương Đông. Nhưng tổng thể cán cân thương mại và cấu trúc kinh tế Nga sẽ dần dần xa rời phương Tây. Moscow hi vọng động thái này có thể cách ly Nga hơn nữa khỏi các biện pháp trừng phạt của Mỹ trong dài hạn.

Sau cùng, mục đích của các biện pháp trừng phạt Mỹ là nhằm điều chỉnh hành vi của Nga, buộc Moscow nhượng bộ hơn trong các vấn đề chính như xung đột Ukraine. Tuy nhiên, Nga duy trì và tăng cường ủng hộ xung đột ly khai ở Ukraine, trong khi tăng cường lực lượng quân sự ở những khu vực như Kaliningrad và Crimea. Nga cũng gia tăng can dự vào những khu vực Mỹ có lợi ích chiến lược, bao gồm Syria, Iran và Triều Tiên.

Trong khi Moscow có thể có một số nhượng bộ chiến thuật để bảo vệ các lợi ích kinh tế, trừng phạt của Mỹ sau cùng không hiệu quả trong việc buộc Nga có thay đổi chiến lược trong chính sách đối ngoại, đồng nghĩa với việc thế giằng co Nga - phương Tây vẫn tiếp diễn./.

 (Theo Stratfor)

Hoài Nam

NỔI BẬT TRANG CHỦ