• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nước nhiễm bẩn: Rùng mình khi thấy sức khỏe của chúng ta thật rẻ rúng vì những người thiếu trách nhiệm, sống chết mặc bay

Thời sự 18/10/2019 14:07

(Tổ Quốc) - Ai sẽ chịu trách nhiệm cho những căn bệnh được tích tụ, âm thầm ủ của những người dân khốn khổ và vô tư tin vào nguồn nước sạch vẫn đều đặn hàng tháng trả tiền trong thứ niềm tin đầy AQ để rồi phải 5,10 năm sau mới phát bệnh?.

Những ngày qua, cuộc sống của hàng trăm nghìn hộ dân sống giữa Thủ đô bỗng nhiên bị đảo lộn, thậm chí được ví như trở lại thời bao cấp mấy chục năm trước khi nguồn nước – thứ cần thiết và sát sườn với cuộc sống của mỗi người đã bị nhiễm bẩn.

Nguyên nhân ban đầu của nguồn nước ô nhiễm được xác định là do nhiễm dầu thải bị đổ trộm. Nhưng đáng buồn là lẽ ra nguồn nước bẩn này hoàn toàn có thể được ngăn chặn sớm nếu những người nhìn thấy dầu thải này có trách nhiệm. Nhiều người đã vô cùng sửng sốt, bất bình và không hiểu tại sao người ta lại thờ ơ với cuộc sống của đồng loại mình như vậy khi mà một số cán bộ của công ty nước sạch Sông Đà trước đó phát hiện nguồn dầu thải bị đổ trộm gần hồ chứa nước để cấp cho nhà máy.

Xep hang cap nuoc

Người dân xếp hàng để lấy nước sạch trong đêm. Ảnh Nam Nguyễn

Thế nhưng họ – những người có kiến thức, chuyên môn hiểu rõ nhất, nắm rõ nhất nguy cơ nhiễm bẩn vào nguồn nước hơn những người dân bình thường khác đã không có bất cứ báo cáo nào với cơ quan chức năng, cũng không có bất cứ sự ngăn chặn nguồn dầu thải này. Họ biết mà coi như không biết, mắt nhìn thấy mà cố tình làm ngơ như chưa từng có chuyện gì xảy ra để hàng vạn người chỉ là người trần mắt thịt vẫn thản nhiên dùng thứ nước đó cho đến khi ngửi thấy mùi lạ bốc lên.

Giả sử, nếu nguồn nước bị ô nhiễm này có đường ống dẫn chảy thẳng vào bể của những người đã nhìn thấy dầu thải đổ trộm thì liệu họ có bằng mọi cách ngăn chặn để chính bản thân mình và gia đình mình không phải ăn thứ nước độc hại kia không?.

Không ngăn chặn từ khi chưa xảy ra đã đành, nhưng đơn vị cung cấp nước sạch cũng không sớm thừa nhận sự cố, bất chấp có kết luận từ tổ công tác và kết quả kiểm nghiệm nguồn nước của Hà Nội rất rõ ràng để khẳng định nguồn nước bị nhiễm styren từ dầu thải. Và sự thiếu minh bạch, lấp liếm đó đã nổ ra một cuộc khủng hoảng nước sạch, cả triệu người dân nháo nhào như ong vỡ tổ trong ma trận mất lòng tin, tìm nguồn nước sạch. Họ phải vật lộn với nước, lâm vào cảnh khốn khổ vì nước. Đơn vị cung cấp nước không đảm bảo im lặng đáng sợ như thể chưa có sự việc gì xảy ra, như thể nguồn nước của mỗi hộ gia đình bị bẩn là do một chất là trời ơi đất hỡi từ đâu lọt vào.

Chắc hẳn giờ đây những hộ dân có chung đường dẫn ống nước bị nhiễm bẩn trong lòng vô cùng hoang mang, lo lắng vì không thể biết chính xác nguồn nước độc hại tồn tại từ thời điểm nào, đã ăn uống, sử dụng bao nhiêu số nước bẩn đó vào trong người, liệu sức khỏe có bị ảnh hưởng?.

Sự tắc trách, thờ ơ, coi đồng tiền là trên hết của những người đổ trộm và nhìn thấy dầu thải đã làm ảnh hưởng tới hàng chục nghìn hộ dân. Có lẽ họ đã quá ích kỷ khi nghĩ rằng chỉ cần bản thân không làm sao là được, còn người khác bị làm sao thì tự xoay xở và gánh chịu hậu quả. Cũng là con người, cũng có những nhu cầu về những điều tốt đẹp của cuộc sống mà người ta có thể vô cảm, tàn nhẫn trước đồng loại đến vậy?.

Chúng ta lên án, không thể chấp nhận hành vi đổ trộm dầu thải nhưng cũng không thể chấp nhận những người ăn lương của nhà máy nước sạch nhìn thấy nguồn nhiễm độc trước mắt mà không ngăn chặn. Qua vụ việc này người dân lại thêm hoang mang đặt ra một câu hỏi lớn rằng nguồn nước hàng ngày hàng triệu người vẫn ăn uống sinh hoạt có được kiểm duyệt hay xét nghiệm?. Bởi nếu có thì lẽ ra nguồn nước đầu ra của nhà máy – trước khi đến với người dân không đảm bảo thì người biết đầu tiên để ngăn chặn, cảnh báo cũng phải từ nơi cung cấp nước sạch chứ không phải người dân. Thế nhưng trớ trêu thay, sự phát hiện ấy lại vẫn là từ người dân. Họ ngửi thấy mùi nồng nặc, khác với thường ngày nên phản ánh và tự tìm nguồn nước khác để sinh hoạt.

Đấy là với hóa chất, chất thải dễ dàng nhìn bằng mắt, ngửi bằng mũi được thì còn nhận ra. Nếu hóa chất ngấm vào nước là một thứ rất độc hại nhưng không dễ bốc mùi, không nhìn bằng mắt được để người dân có thể dễ dàng nhận ra thì sẽ thế nào?. Hay người dân cứ chấp nhận sống chung với nước bẩn?, sống chung với "cú lừa" nước bốc mùi được dãn nhãn sạch?. Ai sẽ chịu trách nhiệm cho những căn bệnh được tích tụ, âm thầm ủ của những người dân khốn khổ và vô tư tin vào nguồn nước sạch vẫn đều đặn hàng tháng trả tiền trong thứ niềm tin đầy AQ để rồi phải 5,10 năm sau mới phát bệnh?.

Nuoc 2

Những gương mặt ngây thơ cũng bị xoáy vào cuộc khủng hoảng nước sạch. Ảnh: Nam Nguyễn

Người ta chỉ có thể cân đong đo đếm với những tác hại ngay lập tức xảy ra, có mức độ nghiêm trọng và khó có thể truy tìm nguồn cơn cũng như nguyên nhân nếu như đó là sự tích tụ nhỏ giọt. Bởi vậy, dù vụ án nước sạch Sông Đà được khởi tố, tìm ra nguyên nhân chính xác, rồi tìm ra thủ phạm trực tiếp và gián tiếp để đưa ra những hình phạt thích đáng, nhưng ai sẽ chịu trách nhiệm được cho những tổn hại sức khỏe của từng con người trót lỡ dùng thứ nước độc hại như thể một "án treo" của căn bệnh nào đó mà không biết?

Chỉ nghĩ đến thôi cũng đủ rùng mình và thấy sức khỏe của chính bản thân chúng ta thật rẻ rúng khi bị phụ thuộc vào những người thiếu trách nhiệm, sống chết mặc bay tiền thầy bỏ túi.

Rồi thì nhanh hay chậm cơn khủng hoảng nước sạch sẽ qua đi. Nước sạch sẽ được cấp trở lại. Nhưng cái gì sẽ đảm bảo đó là nước sạch, lời cam kết nào sẽ bảo chứng cho nó là nước bảo đảm cho cuộc sống từng giờ, từng ngày mà thói quen của người dân luôn yên tâm, chỉ có thể vặn vòi ra để dùng?.

Đã đến lúc, để bảo vệ cho chính mình, người tiêu dùng phải có các đòi hỏi chính đáng đối với đơn vị cung cấp nước một cách nghiêm ngặt và sòng phẳng trong quan hệ bán – mua của thị trường bên cạnh những hình thức xử lý thích đáng.

Đà Giang

NỔI BẬT TRANG CHỦ