Máu giang hồ trỗi dậy là đi. Ngược dòng sông mà đi. Bỏ lại sau lưng phố thị, xóm thôn, tôi lao vào Trường Sơn xanh ngắt, tôi trả tôi về với hoang dã. Bây giờ đang mùa hè, núi hết màu mướt mát của cành non lộc biếc, núi đã trổ hoa rạo rực đất trời.
Máu giang hồ trỗi dậy là đi. Ngược dòng sông mà đi. Bỏ lại sau lưng phố thị, xóm thôn, tôi lao vào Trường Sơn xanh ngắt, tôi trả tôi về với hoang dã. Bây giờ đang mùa hè, núi hết màu mướt mát của cành non lộc biếc, núi đã trổ hoa rạo rực đất trời. Hoa mua. Hoa vàng anh. Hoa xác pháo. Hoa trang. Hoa chạc chìu. Hoa dành dành... Đủ màu. Đủ mùi. Dòng sông đưa tôi đi gặp những bản làng nguyên sơ. Gặp những người Vân Kiều chân chất. Hình như kiếp trước tôi cũng là một người Vân Kiều da nâu. Hình như kiếp trước họ và tôi là máu mủ, nên mới gặp đã thân gần. Kiếp này đầu thai nhầm địa điểm, nhảy bổ làm một người phố thị mà trong lòng đau đáu hướng về nơi ấy thượng nguồn dòng sông với những con người có tấm lòng trong trắng.
Từ cửa biển, tôi bắt đầu làm một chuyến ngược dòng. Sau khi vượt qua ba chiếc cầu cùng mang tên Long Đại tôi đã nhìn thấy thấp thoáng sau bờ lau lách hình hài mạch nguồn của sông Long Đại âm thầm chảy giữa hai triền núi. Bản nhỏ cheo leo. Vừa dừng chân đầu bản đã thấy dáng ông ngồi bó gối trên đống củi mục dưới sàn nhà. Mình vận quân phục sờn bạc. Mắt sâu hút xa xăm. Nghe nói ông đã ngồi đó suốt buổi. Lũ trai bản thấy ông buồn, thương ông, mời ông chén rượu. Có tí men ông linh hoạt hẳn, lập cập những bước chân trên cầu thang gỗ lên nhà lấy ra chiếc sáo cũ. Chiếc sáo lâu ngày không được ông đụng đến trở thành nơi trú ngụ của chú thằn lằn và nơi làm tổ của con tò vò. Động, chú thằn lắn chạy trốn, con tò vò bay đi. Ông vẫn để nguyên chiếc tổ tò vò trên thân sáo và đưa lên miệng thổi. Bí thư chi bộ bản Ho Rum Hồ Bạch cho biết: Đấy là chiếc sao già nua nhất bản. Có lẽ vậy bởi trên thân thể mảnh khảnh của nó chằng chịt rất nhiều thương tích. Mỗi vết thương được già Điều băng bó bằng một đoạn cao su. Chiếc sáo không còn dáng hình của một ống nứa nhỏ mà trở nên gồ ghề, thô tháp. Tuy nhiên hồn phách vẫn còn. Tiếng sáo vang lên. Hoàng hôn buông xuống. Già Hồ Điều đang thổi một điệu khắp rồi ông hát. Tiếng hát trầm đục. Tiếng hát, tiếng sáo của ông như một lời tự sự. Tôi đến ngồi bên ông, lặng lẽ nghe tiếng sáo đơn chiếc vang lên trong buổi chiều tà. Một lúc sau thì ông là người lên tiếng trước:
- Lên đây làm chi?”
- Dạ! Con thích nơi này”.
- ....
Ông im lặng làm tôi chột dạ, đành phải phân bua rằng:
- Con đang tìm hiểu đời sống văn hóa của đồng bào.
Ông chẳng nói gì thêm, lại đưa chiếc sáo lên miệng thổi.
- Đời sống đồng bào nay khác xưa nhiều lắm! Đã có trường học cho con nít. Có trạm xá bộ đội cho người đau. Chỉ chưa có điện như dưới xuôi thôi!
Bản chưa có điện. Có lẽ điều đó chỉ mang đến cho những người sống trong ánh sáng cả ngày lẫn đêm như tôi một chút gì thú vị tức thời trong tăm tối. Riêng đồng bào, ánh sáng đang còn là khát vọng treo lơ lửng không hạn định trên những chiếc cột bê tông vô cảm dựng ven đường. Trong Trạm xá Quân dân y kết hợp và các trường học hệ thống dây dẫn điện đã bắt, quạt treo ngay ngắn trên tường, phích cắm cũng gắn chặt vào các ổ điện nhưng tất cả chỉ đang để làm dáng cho một công trình hiện đại. Tuy nhiên, Trung tá đồn trưởng Đồn Biên phòng Làng Ho Nguyễn Văn Hiếu vẫn rất lạc quan về tương lai của vùng đất này. Với sự hỗ trợ đắc lực của nhiều cấp, ngành, Ho Rum được xây dựng theo mô hình bản văn hóa kiểu mẫu đạt chuẩn nông thôn mới. Các công trình kết cấu hạ tầng phục vụ đời sống đồng bào đã ổn định. Cách nay dăm năm, Báo Sài Gòn giải phóng đã huy động vốn, hỗ trợ kinh phí xây dựng tại Làng Ho công trình cụm bản văn hóa, với các hạng mục: Nhà ở cho 33 hộ đồng bào Vân Kiều, Trạm y tế Quân dân y kết hợp, làm đường giao thông nội bộ đồng thời hỗ trợ tiền cho đồng bào mua giống trồng trọt và chăn nuôi cải thiện đời sống kinh tế. Đến Làng Ho hôm nay, tôi chỉ gặp lại quá khứ qua những dòng giới thiệu ngắm trên tấm bia di tích lịch sử cách mạng đặt ven đường Hồ Chí Minh. Làng Ho- tọa độ lửa đã trở thành Làng Ho thanh bình và đổi mới. Nhà văn hóa cộng đồng chắc chắn nhưng không xa cách tập quán sinh hoạt của người Vân Kiều. Nước sạch đã về đến từng cụm dân cư. Trường học hai cấp mầm non và tiểu học kiên cố đủ chỗ cho con em đồng bào học bán trú trong ngày. Trạm xá cùng các y bác sỹ quân dân y kết hợp đủ tâm tài và phương tiện thiết bị cần thiết để khám chữa bệnh cho đồng bào khi ốm đau bệnh tật kể cả trường hợp có dịch bệnh xảy ra trên diện rộng... Tất cả những yếu tố đó đủ để người Vân kiều Làng Ho có cuộc sống an toàn về vật chất lẫn tinh thần. Điện sẽ về bản trong một ngày không xa... Với những cống hiến của đồng bào trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước cũng như trong sự nghiệp bảo vệ an ninh biên giới hôm nay, những ưu đãi ấy là không lớn nhưng thực sự kịp thời. Già làng Hồ Điều tự hào về những đổi thay của Làng Ho nhưng có lẽ ông không biết bắt đầu từ đâu, nghe Trung tá Hiếu kể vậy ông gật gù đầu bạc và thốt lên một câu rất văn: Ở đây ngày sang ngày, mùa sang mùa không biết khi mô. Như cái sướng nhỏ sang cái sướng to cũng không biết khi mô... Tôi hiểu, già Điều đang nói đến những đổi thay không ngờ của bản mình. Chiều xuống rất nhanh. Trong nhập nhoạng sáng tối tôi vẫn kịp nhận ra những nếp nhà sàn của đồng bào được đặt rất ngăn nắp dọc con đường lớn. Cao ráo và bản sắc. Những bếp lửa đã bắt đầu bập bùng cháy đỏ trong chiều lam. Lặng lẽ nhưng mang đến cảm giác ám áp vô cùng. Già Hồ Điều cảm nhận được sự bâng khuâng của tôi khi đứng lặng trong chiều sơn cước, nói rằng “Với đồng bào Vân Kiều, bếp lửa còn cháy là ấm no còn ở trong nhà!”. Rồi ông nói về những tháng ngày đã xa trong một niềm thương rưng rưng trên khóe mắt.
Sáo Khui, nhạc cụ truyền thống của người Vân Kiều (ảnh dantocviet.vn)
“Chưa đi chưa biết đường 10/ Đi rồi mới biết sức người sức ta”, câu thơ nói đến tính chất ác liệt trên Đường 10 thời chiến tranh chống Mỹ. Vậy nhưng, với chiếc rựa cầm tay, cây sáo dắt bên hông và đôi chân trần già Điều đã từng băng đi dưới mưa bom bão đạn, tung hoành dọc ngang trên con đường ấy dẫn bộ đội ta vượt Trường Sơn ra tiền tuyến. Nay đường 10 chỉ còn trong ký ức. Đường 10 đỏ màu lửa khói đã trở thành con đường xanh, yên bình vắt qua núi non Trường Sơn trùng điệp. Chính phủ đã rót một số vốn khá lớn để hồi sinh đường 10, đường 16 với tên gọi chung: Quốc lộ 9B. Quốc lộ 9B nối Quốc lộ 1A với hai nhánh Đông- Tây đường Hồ Chí Minh rồi kéo dài ra biên giới Việt Lào tại cửa khẩu Chút Mút- Lả Vơn. Tôi đã xuôi ngược trên con đường ấy nhiều lần để lên với Chút Mút, Làng Ho, Vít Thù Lù, Cù Bai... Vít Thù Lù- xa thăm thẳm, đó là chuyện của ngày xưa. Nay chỉ cần vi vu trên xe máy chừng 2 giờ đồng hồ là đã đến được những cái nơi xa thăm thẳm ấy. Làng Ho không còn là nơi khỉ ho cò gáy. Chút Mút cũng không còn chút mút. Tất cả đã xích lại gần hơn bởi con đường mới. Già Điều ngửa lòng bàn chân cho tôi xem và nói “Đá núi không làm ta đau. Than đỏ không làm ta nóng. Đường xa không làm ta mỏi. Đêm tối không làm ta lạc. Đôi chân ta đã có mắt rồi!”. Đôi chân có mắt! Đó là hình ảnh rất gợi. Tôi nhìn bàn chân già Điều, đưa tay sờ vào lòng bàn chân ấy chợt rùng mình khi có cảm giác vừa chạm vào một lớp vỏ xù xì và rất cứng của loài cổ thụ ngàn năm tuổi. Ông lại nói “Mặt đường dày mấy chân ta dày mấy. Đời ta đi theo con đường mà”. Tôi hiểu ông nhưng không thể có câu đáp lời tương xứng đành im lặng. Bru- Vân Kiều được đánh giá là một dân tộc có văn hóa khá cao quả chính xác. Đối đáp được với bà con là điều không dễ chút nào.
Già Điều vẫn cầm chiếc sáo trên tay. Đôi mắt đục thảng thốt, có vẻ như là rất nhớ một điều gì đó rất xa, rất rất xa... Qua ông tôi biết thêm chút ít về dân tộc Bru Vân Kiều. Ông kể: Người Vân Kiều Việt Nam có nguồn gốc từ dân tộc Bru ở Trung Lào. Khoảng giữa thế kỷ 17, do những biến động trong lịch sử người Bru Lào có những cuộc đại di cư. Một bộ phận đi theo hướng Tây Bắc sang Thái Lan, một bộ phận khác nhằm hướng Đông, vượt dãy Trường Sơn xuống Việt Nam định cư vùng miền tây Quảng Trị. Tại đây bà con quần tụ quanh ngọn núi tên là Viên Kiều nên được người Việt ta gọi là Bru- Vân Kiều. Tạm hiểu là người Bru sống quanh ngọn núi Viên Kiều. Sau đó, người Bru- Vân Kiều Việt Nam lại tiếp tục diễn ra nhiều đợt chia tách nhỏ, vào Tây nguyên hoặc ra Quảng Bình, Hà Tĩnh. Ở Quảng Bình còn có nhiều tộc người nhỏ như Trì, Khùa, Macoong thuộc dân tộc Bru Vân Kiều. Các tộc người này hiện sinh sống chủ yếu ở núi rừng Bố Trạch, Minh Hóa, Tuyên Hóa. Những năm tháng đất nước có chiến tranh người Vân Kiều trên dãy Trường Sơn bơ vơ như con nai con mang, dắt díu nhau chạy ngược chạy xuôi để tránh bom đạn quân thù. Dựng được nếp nhà, mái tranh chưa kịp khô, cây tre chưa kịp ngã vàng đã cháy vì bom. Dựng rồi cháy. Cháy lại dựng. Già Điều nói rằng, có lần dẫn đường cho bộ đội vượt Trường Sơn trở về ông không còn tìm thấy ngôi nhà của mình nữa. Biết là bản đã cháy và mọi người đã đi sâu hơn vào rừng, thậm chí còn vượt qua mái núi bên kia để tránh luồng bom. Ông lại băng rừng vượt núi đi tìm. Tìm đâu giữa núi rừng trùng điệp ấy? Tập quán sinh sống của đồng bào Vân Kiều là dù thế nào đi nữa thì cũng bám lấy những dòng suối để lập bản. Ông đã tìm ra vợ con, dân bản nhờ những con suối. Người Vân Kiều cứ loanh quanh mãi như thế từ núi rừng Quảng Trị sang núi rừng Quảng Bình, cho đến ngày tàn lắng khói bom thì định cư. Cuộc sống dần đổi thay từ đây.
- Đổi mới lắm rồi! Dân bản mình không còn lang thang du cư như trước nữa. Đã có cái nhà cho ấm cái thân. Đã có gạo ăn cho ấm cái lòng...
- Chỉ chiếc sáo này là không đổi mới?
- Mình không đổi vì cái tiếng nó hay. Nó là cái hồn của người Vân Kiều mình đó. Đi mô thì đi, chạy mô thì chạy, Lào cũng rứa, Việt Nam cũng rứa, tiếng sáo, tiếng hát của người Vân Kiều không mất đi được. Không hát, không thổi sáo, cuộc đời buồn lắm đó.
Đúng như lời già Điều nói, không hát, không thổi sáo, cuộc đời thật buồn. Tôi đã gặp rất nhiều nghệ sỹ “nhân dân” ở cái bản nhỏ đơn độc giữa rừng này trong một đêm không trăng. Hồ Bạch, Bí thư Chi bộ bản. Hồ Thị Phong- Điều dưỡng viên Trạm y tế Quân dân y kết hợp Làng Ho cùng những thanh niên mang họ Hồ, da nâu và hàng mi cong vút... Dưới ánh sáng vàng vọt của những chiếc đèn pin nhỏ gắn trên đầu mỗi người, họ hẹn nhau ra bờ suối hát những bài dân ca Vân Kiều. Hồn nhiên. Và đắm say. Hồ Thị Phong hát rằng: “ Ơ... ơ... ơ... Mẹ em có mà em chẳng biết mẹ ở nơi nào. Cha em có mà em chẳng biết cha ở nơi nào. Anh em có như em cũng chẳng biết anh ở nơi nào. Trời sinh ra em để em găp anh. Em mồ côi, mồ cút nếu anh thương em thì hãy coi em như ngón tay giữa này...” . Hồ Bạch hát rằng: “ Ơ... ơ... ơ... chơ em ơi! Nhìn thấy em là anh đã bị mất hồn. Yêu em nước sông to anh cũng vượt. Trời mưa lớn anh cũng đi. Đồi cao dốc trơn thì leo trèo mà vượt. Gặp rừng nứa rậm cũng băng mà qua. Gặp thung khe gai mây chằng chịt cũng đạp phăng bước tới...”. Vẳng trong gió có vài tiếng chim rơi vào từng câu hát. Và điệu sáo của già Điều. Tiếng sáo vang lên trên triền núi. Tiếng hát vút lên từ bờ suối. Rồi tiếng chim cất lên từ vòm cay nào đó. Chẳng hiểu sao lại quyện đến thế. Hồ Bạch nói rằng: “Ông ấy nghệ sỹ lắm. Cứ nghe tiếng ai hát gần xa đâu đó là thổi sáo. Bởi vậy bản vắng nhưng không buồn vì lúc nào cũng có âm nhạc mà”. Mọi người cười. Tôi cười. Những nụ cười trong văn vắt như suối nguồn Long Đại chảy ra từ thăm thẳm Vít Thù Lù. Chiếc sáo Hồ Điều đang thổi được gọi là sáo Khui. Nó được làm từ thân cây lồ ô già ở tít bên rừng Lào. Nghe nói già Điều phải đi ba ngày đường mới tìm được nó. Từ ngày ông còn tuổi tráng niên băng rừng vượt núi dẫn đường cho bộ đội ta vượt đường 10, xuyên Trường Sơn vào Nam đánh Mỹ cho đến những tháng ngày lầm lũi mưu sinh chốn rừng thiêng nước độc, chiếc sáo luôn được ông dắt bên hông. Chung thủy cùng ông. Tâm giao cùng ông. Tìm hiểu kỹ đời sống văn hóa đồng bào dân tộc Vân Kiều mới nhận ra đồng bào còn có một kênh giao tiếp hết sức đặc biệt thông qua các loại hình dân ca, dân vũ, dân nhạc đặc trưng. Sao Khui là một loại nhạc cụ được đồng bào sử dụng trong nhiều bối cảnh sinh hoạt khác nhau và mang lại những cung bậc tác động hết sức mạnh mẽ đến tâm lý tình cảm của cả hai phía, người nghe và người thổi sáo. Bởi vậy chỉ những người đàn ông đã trải những ấm lạnh cuộc đời mới đủ thấu hiểu, đủ dạn dày để sử dụng sáo như phương tiện để bộc bạch tiếng lòng. Họ có thể thổi sáo khi cô đơn độc hành. Lúc đó tiếng sáo u buồn như rỏ máu. Họ thổi sáo khi sum vầy hoan hỉ. Lúc đó tiếng sáo như reo, như ca. Cũng có khi tiếng sáo cất lên như một lời tâm tình, thu thỉ. Lúc đó tiếng sáo cũng vang đi nhưng nghe rất riêng tư, chỉ người đáng được nghe mới thấu tỏ... Già Điều là một trong rất ít người Vân Kiều ở Làng Ho có thể sử dụng sáo khui thuần thục trong từng cảnh huống như vậy.
*
Đêm ở bản tôi không ngủ. Càng khuya, đêm càng trở nên thú vị hơn bởi có rất nhiều tiếng chim vang lên. Xa xa. Gần gần. Yên lặng lắng nghe mới nhận ra đó là những lời đáp. Nhớ nhớ. Thương thương. Đại úy quân y Cao Thanh Luận đã quen với đêm biên giới nhưng hình như đêm nay anh cũng trằn trọc khó ngủ. Phía bên kia bức vách bằng ván ép, anh vọng sang tôi: “Thỉnh thoảng lại có một đêm như thế này. Các loại chim cứ thế hót suốt đêm. Ban đầu thảng hoặc thưa vắng nghe đâu đó rất xa. Dần dần dày hơn. Rộn rã hơn. Nhưng càng khuya càng rát ruột. Bộ đội xa nhà thường có những đêm mất ngủ chỉ vì tiếng chim. Cảm giác nhớ quay quắt trong lòng. Hình như ở đây, cả con người và mọi vật đều có cuộc sống khá bay bổng?!” Luận đã đọc đúng tâm trạng của tôi lúc này. Tôi cũng có ảm giác chênh chao nhớ như Luận. Nhớ! Đúng là nhớ đấy, nhưng là nhớ một điều gì đó mơ mơ hồ hồ, rất bâng khuâng, rất phập phồng và rất nhẹ nhỏm. Không ú ớ, mệt nhoài như đêm thành phố.
Nhìn sang Phong- cô y tá có giọng hát véo von như tiếng chim giữa đêm thâu, gương mặt em trong giấc ngủ vẫn no tròn, thánh thiện và vô ưu. Mặc dù suốt ngày qua em đã lội non chục cây số dọc con suối Long Đại để xúc cá nhằm cải thiện bữa ăn cho anh em trạm xá và đãi đằng chúng tôi. Bỗng thấy cuộc sống ở miền sơn cước này thật là đủ đầy: Một ngôi nhà không bao giờ đóng cửa. Một bữa ăn đạm bạc và tinh sạch. Một giấc ngủ nhẹ nhỏm và nồng say. Cứ thế hồn nhiên sống giữa thiên nhiên như đang du lãng trong cuộc đời. Tôi mê đắm cuộc sống ấy. Nên máu giang hồ trỗi dậy là đi. Ngược dòng sông mà đi...
Trương Thu Hiền