• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

“Ông chủ nhỏ” và chuỗi nhà hàng Hương vị Xứ Thanh “hút” khách

Kinh tế 05/09/2017 06:03

(Tổ Quốc) - Khi tôi hỏi Nguyên “động lực nào khiến em quyết tâm và thành công như vậy?” – Em cười xoà: “chỉ là muốn có chốn để những người con xứ Thanh tụ họp và quảng bá văn hoá ẩm thực đến với mọi người”.

Gác bằng Đại học để “đi buôn”

Đặc sản xứ Thanh - sự khám phá đầy lôi cuốn đối với thực khác.

Khi người ta trẻ, ước mơ và hoài bão về việc mở một công ty, một nhà hàng... để tự lực cánh sinh kiếm tiền là lẽ đương nhiên. Nhưng thực tế, để ước mơ đó trở thành hiện thực lại là điều không tưởng bởi những trở ngại, khắt khe chốn thương trường.

Nhưng chàng trai xứ Thanh 29 tuổi đã vượt qua được điều này. Sinh ra ở Làng cổ Đông Sơn, phường Hàm Rồng, TP Thanh Hoá, Lương Xuân Nguyên cũng như bao đứa trẻ khác, lớn lên bằng những món ăn đậm đà tình quê hương.

Những món ăn dân dã như: chả tôm, bánh cuốn, cháo lươn, bún chả, bánh khoái, nem chua, bánh răng bừa, bánh gai…không chỉ gắn bó với những người con Thanh Hoá mà là cả một sự khám phá đầy lôi cuốn đối với thực khách đường xa, trở thành niềm tự hào để người dân nơi đây giới thiệu khắp chốn.

Để rồi sau này, dù đi làm xa hàng nghìn cây số, Nguyên nung nấu ý định phải sở hữu ít nhất một nhà hàng gồm các món đặc sản xứ Thanh, vừa là để có chốn gắn kết anh em, bạn bè, đồng hương tụ họp, vừa là giới thiệu để bạn bè bốn phương thưởng thức.

Bạn bè của Nguyên, sau khi tốt nghiệp Đại học Giao thông Vận tải (Hà Nội), người theo đuổi ước mơ cống hiến cho doanh nghiệp Nhà nước, người làm cho công ty nước ngoài..., nhưng chàng trai trẻ sinh năm 1988 thì khác. Vào miền Nam lập nghiệp một thời gian, song chỉ ít lâu sau Nguyên quyết định quay trở lại Hà Nội, gác tấm bằng Đại học và theo đuổi ước mơ của mình ở tuổi 27.

Nguyên cho biết, địa điểm đầu tiên được chọn mở cửa hàng là 83 Nguyễn Khang, Cầu Giấy, Hà Nội, khi đó là giữa năm 2015. Nhưng sau đó, phải “lận đận” trải qua 4 địa điểm tiếp theo nữa Nguyên mới tìm được “bến đỗ” chính thức cho nhà hàng tại 76 - Trần Quốc Vượng, Cầu Giấy, Hà Nội.

“Thời gian đầu quả là khó khăn về việc tìm địa điểm, tìm nguồn nguyên liệu ở Hà Nội vì cửa hàng toàn món đặc sản Thanh Hoá. Dù 90% nguyên liệu nhập từ Thanh Hoá như: gạo làm bánh, lá đắng, nem, tôm... và chỉ 10% nguyên liệu còn lại là ở Hà Nội nhưng cũng rất vất vả”, Nguyên cho biết.

Tuy nhiên, với quyết tâm của tuổi trẻ, nhiều món đặc sản Thanh Hoá đã nhanh chóng “có mặt” tại Thủ đô Hà Nội. Nhà hàng Hương vị Xứ Thanh ra đời, tập hợp đủ các món ăn ở các vùng miền của xứ Thanh, từ các món ăn ở Tp.Thanh Hóa cho tới các món ăn ở các huyện thị xã như Nga Sơn, Thọ Xuân, Tĩnh Gia, Hà Trung, Hậu Lộc…

Danh sách các món ăn vô cùng sinh động và hấp dẫn như: chả tôm, bánh cuốn, cháo lươn, bún chả, hến xào, bánh xèo, canh đắng, chả phòng, nem chua, nem nướng... đã “khuấy đảo” một lực lượng lớn những người con quê Thanh Hoá đang làm việc, học tập và sinh sống tại Hà Nội. Họ đến Hương vị Xứ Thanh để tìm lại những món ăn gắn liền với tuổi thơ, với thuở học trò...

Không những thế, Hương vị Xứ Thanh còn được chọn lựa là địa điểm của các buổi giao lưu, tụ họp đồng hương Thanh Hoá, các buổi tụ tập bạn bè thân tình...

 “Bạn tôi từ nước ngoài về, hay từ Sài Gòn ra... đều muốn tôi đưa đến đây. Thậm chí khi những đĩa chả tôm nướng vàng ruộm hay suất bún chả nướng thơm phức... được bày ra, các bạn tôi dùng điện thoại “chụp choẹt rồi pót phây”, sau đó thì háo hức ăn và cảm nhận hương vị theo cách thật thân thương và ấm áp”, Lan Hương, một người con Thanh Hoá chia sẻ.

Và cứ thế, người nọ “rỉ tai” người kia, cùng với sự lan toả trên facebook, chỉ một thời gian ngắn khách hàng đến với Hương vị Xứ Thanh đã tăng lên chóng mặt. Thậm chí, các món xứ Thanh còn “mê hoặc” cả những chàng trai, cô gái từ nhiều miền đất khác đến thưởng thức...

Nguyên cho biết, nhà hàng có diện tích 340m2 và có sức chứa hơn 100 khách hàng nhưng những ngày cuối tuần, ngày lễ luôn kín chỗ.

Bánh khoái tép - một trong những đặc sản của Thanh Hoá

 “Tôi được bạn thân rủ đến đây ăn, rồi thành ra “nghiện” vài món đặc sản Thanh Hoá như: bánh cuốn, bún chả, nem chua... Bánh cuốn, bún chả thì nhiều nơi khác cũng có, nhưng bột bánh cuốn của Thanh Hoá rất mỏng, nhân tôm thịt cũng rất ngon. Bún chả cũng vậy, lá bún mỏng tang, chả thì nướng cực thơm!”, một bạn trẻ người Hải Phòng bảy tỏ.

Hương vị Xứ Thanh sẽ Nam tiến

Chỉ sau hơn 2 năm, đến nay, “ông chủ nhỏ” tên Nguyên đã sở hữu 3 cửa hàng Hương vị Xứ Thanh tại Hà Nội. Cơ sở mới nhất tại 52B5 KĐT Đại Kim, Hoàng Mai vừa khai trương vào giữa tháng 8. Trước đó, cơ sở thứ 2 đã được khai trương tại 133 đường 19-5 Văn Quán, Hà Đông.

Chàng trai xứ Thanh chia sẻ, ban đầu cũng chỉ mong mở thành công 1 cửa hàng, nhưng khách hàng ngày càng đông nên quyết định nhân rộng các cơ sở tại các khu vực khác nhau quanh Hà Nội.

“Hà Nội rộng, lại hay tắc đường nên nhiều khi muốn ăn đặc sản xứ Thanh lại phải đi xuống tận Cầu Giấy rất mất thời gian. Thế nên Hương vị Xứ Thanh mới quyết định nhân rộng mô hình tại các khu vực khác nhau nhằm phục vụ khách hàng đi lại thuận tiện nhất. Và chắc chắn, tương lai sẽ có Hương vị Xứ Thanh tiếp theo tại Sài Gòn”, Nguyên chia sẻ về dự định sắp tới.

Dân gian nói “phi thương bất phú”, nhưng với Nguyên, có trong hoàn cảnh mới biết tham gia thương trường cũng không hề dễ dàng chút nào. Đó là chưa kể đến việc kinh doanh hàng ăn như “làm dâu trăm họ”, để làm hài lòng khẩu vị mọi khách hàng là không hề đơn giản.

"Ông chủ nhỏ" Lương Xuân Nguyên (ngoài cùng bên phải) trong ngày khai trương cơ sở 3 Hương vị Xứ Thanh.

Có những thời điểm, chàng trai có vóc dáng và khuôn mặt thư sinh này chỉ được phép ngủ 1,5h/ngày vì còn phải “gồng mình” lên với từng đồng vốn, với việc tuyển chọn và đào tạo nhân viên, rồi “đau đầu” với việc làm thế nào để tìm nguyên liệu sạch, chế biến sao cho thật ngon, phục vụ khách hàng sao cho thật tốt, thật nhanh…

May mắn cho Nguyên, trong nỗ lực này còn có người thân, bạn bè cùng chia sẻ. Đó là anh trai Nguyên, hiện là bếp trưởng của chuỗi nhà hàng và 3 người bạn học thân thiết, mỗi người đảm nhiệm một mảng như: quản lý tài chính, phụ trách món ăn, định lượng đồ ăn…

“Tât cả chúng em sát cánh bên nhau, cùng nhau cố gắng xây đắp cho chuỗi nhà hàng. Nếu không có họ, mình em cũng không thể làm được”, Nguyên nói.

Hiện tại, cả 3 cơ sở Hương vị Xứ Thanh có tổng cộng hơn 50 nhân viên, trong đó, 20 nhân viên là sinh viên các trường Đại học, Cao đẳng tại Hà Nội. Để các cơ sở đều “vận hành” tốt, Nguyên thậm chí phải “phân thân” buổi trưa chỗ này, buổi tối chỗ kia.

“Trước đây chỉ tập trung vào một cơ sở, nhưng nay thành 3 cơ sở nên em phải nỗ lực rất nhiều. Phải làm thế nào để dù không có em trực tiếp quản lý nhưng chất lượng các món ăn vẫn phải ngày một tốt lên.

Hiện tại em vẫn chưa hài lòng với kết quả đạt được vì lượng khách quê mình chiếm tới 80%. Mục tiêu của em là sẽ thu hút được khách hàng khắp nơi. Phải làm sao để các món của Hương vị Xứ Thanh phổ biến và nhiều người biết đến như món bún bò Huế hay món cuốn thịt heo Quảng Nam vậy!”, Nguyên chia sẻ./.

Hà Giang

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ