• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Ông Tây mê tranh cổ động Việt Nam

Văn hoá 14/09/2015 07:15

(Toquoc)- Nổi tiếng trong giới chứng khoán nhưng ít ai biết “ông trùm” tài chính này lại rất mê tranh cổ động Việt Nam.

(Toquoc)- Nổi tiếng trong giới chứng khoán nhưng ít ai biết “ông trùm” tài chính này lại rất mê tranh cổ động Việt Nam.

Cái tên Dominic Scriven nổi tiếng trong lĩnh vực kinh doanh tài chính với vai trò Tổng giám đốc Công ty quản lý quỹ Dragon Capital. Nhờ sự thành công trong lĩnh vực tài chính ở Việt Nam mà Dominic Scriven đã được Nữ hoàng Anh tặng Huân chương Đế chế Anh và Huân chương Lao động hạng Ba của Nhà nước Việt Nam. Nhưng ít ai biết, ông cũng là người say mê mỹ thuật, đặc biệt là tranh cổ động Việt Nam. Sở hữu hàng ngàn tranh cổ động, có những những tác phẩm hiếm, chỉ được thấy trong những cuộc triển lãm trong rừng, ở giữa chiến dịch...đã từng làm nhiều triển lãm về tranh cổ động Việt, dự định của Dominic là đưa bộ sưu tập tranh cổ động Việt Nam của mình đi triển lãm khắp thế giới.

Ông Dominic đã có cuộc trò chuyện với chúng tôi bằng tiếng Việt rất sõi về về niềm đam mê với tranh cổ động Việt Nam.

 + Ông bén duyên với Việt Nam và đặc biệt là tranh cổ động Việt Nam như thế nào?

- Tôi đến châu Á vào năm 1987, làm cho một công ty tài chính của Anh, có trụ sở tại Hồng Kông. Nhiệm vụ của tôi lúc đó là nghiên cứu thị trường các nước thuộc nhóm NIC (những nước công nghiệp mới của châu Á) và những nước thuộc nhóm NEC (những nước có nền kinh tế đang công nghiệp hoá ở châu Á). Vì muốn biết thêm về các nước thuộc "tầng thác" mới này, năm 1990, tôi đến Việt Nam khảo sát thị trường. Khi ấy, tôi đã có một chuyến đi thú vị đến mức tôi quyết định một năm sau đó, quay trở lại Hà Nội học tiếng Việt tại Đại học Tổng hợp Hà Nội.





Dominic Scriven: “Tôi bị “ám ảnh” bởi tranh cổ động của các bạn” (ảnh Hà An)

Tôi ngày càng bị thu hút bởi cuộc sống ở xứ sở của các bạn, nên hơn hai năm sau, khi đã có chút ít "lưng vốn" tiếng Việt và phần nào am hiểu văn hoá Việt, một phần cũng vì đã hết tiền (cười), tôi vào thành phố Hồ Chí Minh kiếm việc làm. Một năm sau nữa, năm 1994, tôi cùng với ba người bạn lập công ty đầu tư tài chính Dragon Capital...

Ấn tượng về Việt Nam của tôi hồi đó thật lạ. Đặc biệt là Hà Nội. Tôi bị “ám ảnh” bởi tranh cổ động của các bạn ngay từ khi đặt chân đến Hà Nội. Những con phố Hà Nội hồi đó không có nhiều màu sắc như bây giờ, đèn điện quảng cáo cũng không, chỉ có màu mà tôi gọi là “màu tranh cổ động”. Do có nhiều tranh cổ động được vẽ bằng tấm lớn ở nhiều phố. Tôi rất ấn tượng và tìm hiểu về thể loại tranh này. Sau đó, tôi thấy rất tiếc khi chính người Việt Nam không đánh giá cao giá trị mỹ thuật của tranh cổ động.

+ Đúng là nhiều người Việt Nam còn chưa thấy giá trị mỹ thuật của tranh cổ động Việt Nam. Ông có thể chia sẻ về giá trị mỹ thuật mà ông thấy được từ tranh cổ động Việt Nam?

- Tranh cổ động Việt Nam theo tôi biết bao gồm từ những tác phẩm đơn giản, đặc sắc và những tác phẩm được sáng tác nhanh, đầy tự tin cho đến những tác phẩm mỹ thuật phát triển, tồn tại như một nghệ thuật ngay trong sự tinh túy của riêng nó. Chủ nghĩa hiện thực xã hội và sự đa dạng của các ảnh hưởng nước ngoài, đặc biệt của trường phái Xô Viết được tìm thấy trong nhiều tác phẩm nhưng thật sự chưa bao giờ là yếu tố chi phối. Nghệ thuật tuyên truyền Việt Nam mang lại một cái nhìn hấp dẫn, sâu sắc và mãn nhãn ở nhiều cấp độ. Mỗi bức tranh cổ động là một tác phẩm nghệ thuật xứng đáng được nghiên cứu đơn lẻ.

Chưa kể, mỗi tác phẩm hoặc các tác phẩm được vẽ cùng một giai đoạn lịch sử có giá trị quan trọng tựa tư liệu lịch sử của tư tưởng và các biến cố theo thời gian. Dường như không thể bàn cãi, các tác phẩm thể hiện trí tưởng tượng, sáng tạo của các họa sĩ yêu nước, trong các hoàn cảnh đặc biệt, các tác phẩm họ sáng tác ra đã giúp chính quyền miền Bắc tuyên truyền và kêu gọi đại đa số nhân dân.

Nghệ thuật của tranh cổ động Việt Nam đã phát huy hiệu quả, nâng cao nhuệ khí người dân, tuyên truyền và góp phần cổ vũ cho công cuộc đấu tranh, kháng chiến giành độc lập tự do và thống nhất đất nước.

+ Như ông nói, tranh cổ động Việt cũng bị ảnh hưởng của trường phái Xô Viết, vậy sự khác nhau giữa tranh cổ động Việt và tranh cổ động của các nước khác như thế nào?

- Tranh cổ động chỉ có ở các nước XHCN. Nhưng càng tìm hiểu, tôi càng thấy tranh cổ động Việt Nam khác với tranh cổ động của Cu Ba, Ba Lan, Trung Quốc, Liên Xô. Tranh cổ động của Việt Nam thực sự là vẽ để cổ vũ, cổ động, còn tranh cổ động ở một số quốc gia khác thường mang tính quảng bá là chính.

Thêm một điều nữa là người Việt Nam rất đánh giá cao vai trò của phụ nữ, nên phụ nữ xuất hiện trong tranh cổ động khá nhiều. Điều khác nữa với tranh của Trung Quốc và Liên Xô là các nước không khó khăn như Việt Nam nên việc in hàng chục nghìn bản tranh cổ động là bình thường, còn ở Việt Nam, một bức tranh cổ động thường là “độc bản”.





“Mỗi bức tranh cổ động Việt Nam là một tác phẩm nghệ thuật xứng đáng được nghiên cứu đơn lẻ” (ảnh Hà An)

Một điều đặc biệt nữa là tìm hiểu tranh cổ động thời kỳ đó, cũng hiểu thêm về lịch sử Việt Nam. Lúc đó, đất nước các bạn còn khó khăn, nên các họa sĩ thiếu thốn nguyên liệu vẽ tranh. Một bức tranh cổ động có thể được vẽ tận dụng giấy, nên trong bộ sưu tập của tôi, có rất nhiều bức tranh cổ động, mặt trước có thể là cô gái xung phong nhưng mặt sau lại là chân dung của một người khác… Việc phát hiện các bức họa về cuộc sống ở mặt sau của nhiều tranh cổ động, áp phích tuyên truyền là một trong những phát hiện bất ngờ và gây ngạc nhiên nhất trong quá trình sưu tầm tranh cổ động Việt Nam của tôi. Nhiều bức họa cuộc sống bị “quên lãng” này sánh ngang với các tác phẩm của bất kỳ học viện mỹ thuật cổ điển nào và thường có các đặc điểm Đông Dương đẹp kỳ lạ.

+ Trong quá trình sưu tầm, ông đã từng mua phải tranh cổ động giả chưa? Ông có bí quyết nào để phân biệt thật giả?

- Tất nhiên là có! Sưu tập tranh cổ động cũng giống như…đi chợ vậy. Có lần, tôi mua 5 bức thì dính 3 bức giả. Đây cũng là một điểm thú vị của tranh cổ động Việt Nam bởi các họa sỹ trước kia ít khi ký tên vào tác phẩm. Họ quan niệm vẽ tranh cổ động là cống hiến cho đất nước nên không tính đến bản quyền, tên tuổi cho cá nhân. Có họa sỹ thì ký, có họa sỹ thì đi theo thầy nên ký tên của thầy… Các cửa hàng bán tranh cổ động đương nhiên họ sẽ bảo bức tranh bạn đang cầm trên tay là bức tranh gốc. Nhưng bức tranh đó là của một học trò vẽ theo phong cách của thầy cách đây 40 năm thì tác phẩm đó có được gọi là thật hay không thì còn tùy.

Việc phân biệt tranh thật và giả đều mang yếu tố chủ quan. Quá trình sưu tập tranh cổ động, tôi vừa làm vừa học. Trước khi mua một tác phẩm, tôi thường dựa vào việc đánh giá từ chất liệu giấy vẽ của tác giả có trùng khít với thời điểm ra đời của bức tranh đến màu sơn, chất sơn…

+ Ở Việt Nam hơn 20 năm, ngoài tranh cổ động, ông thích gì?

 - Tôi đã được "Việt hoá" tới trình độ ăn được... mắm tôm. Tất nhiên không phải là thịt cầy, tôi không ăn thịt chó (cười). Tuy nhiên, tôi thích các món ăn Việt Nam, nhất là món phở. Món ăn Việt Nam vừa tươi, vừa đa dạng, lại có lợi cho sức khoẻ, cho nên tôi cũng đang “hướng dẫn” cho bạn bè trên thế giới thích món ăn Việt Nam.

+ Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Hà An (thực hiện)

NỔI BẬT TRANG CHỦ