• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Ông Vũ Tiến Lộc: Để doanh nghiệp, nền kinh tế lên được “cao tốc” thì phải thiết kế “đường gom, lối mở”

Thời sự 20/05/2020 16:06

(Tổ Quốc) - Chiều 20/5, Quốc hội đã tiến hành thảo luận trực tuyến về việc phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là Việt Nam và một bên là Liên minh Châu Âu và các nước thành viên Liên minh Châu Âu (EVIPA).

Mới chỉ "thông xe"

Theo ĐBQH Vũ Tiến Lộc - Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội, việc ký Hiệp định là quan trọng nhưng thực hiện Hiệp định còn khó khăn hơn nhiều. Chúng ta mới chỉ “thông xe”, muốn vận hành trơn tru thì phải thiết kế “đường gom, lối mở” để doanh nghiệp, nền kinh tế của chúng ta có thể lên được “cao tốc”. Đó chính là những Luật, Nghị định, Thông tư, chính vì vậy, việc soạn thảo nhanh các văn bản này có ý nghĩa quan trọng để có thể “thông xe”.

Ông Vũ Tiến Lộc: Để doanh nghiệp, nền kinh tế lên được “cao tốc” thì phải thiết kế “đường gom, lối mở”  - Ảnh 1.

ĐBQH Vũ Tiến Lộc - Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội.

"Kết quả rà soát của Chính phủ cho thấy, có không ít những văn bản như vậy. Kinh nghiệm của quá trình triển khai Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP), chúng ta còn nợ văn bản để triển khai. Chính vì vậy, tôi mong muốn, tình trạng này sẽ không diễn ra đối với EVFTA" - đại biểu Vũ Tiến Lộc đề nghị. 

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cho rằng, việc sớm thông qua các Hiệp định này sẽ đem lại cho Việt Nam nhiều lợi ích. Thứ nhất sẽ thúc đẩy thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu. Năm 2019, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu chiếm khoảng 11% trong tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Trong đó, chúng ta xuất khẩu vào thị trường Châu Âu khoảng 41,7 tỷ USD. 

Khi Hiệp định này ký kết, các dòng thuế sẽ tiến về 0%. Điều này sẽ tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam đi vào thị trường Châu Âu nhiều hơn. Cùng với đó, người Việt Nam sẽ được tiếp cận các hàng hóa, máy móc thiết bị chất lượng tốt, giá cả phải chăng. Ngoài ra, chúng ta cũng sẽ thu hút được dòng vốn lớn từ Châu Âu. Tiếp cận các nhà đầu tư có công nghệ hiện đại. Sẽ thúc đẩy chúng ta sớm hoàn thiện thể chế về kinh tế thị trường.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, thị trường Châu Âu rất khó tính, yêu cầu chất lượng hàng hóa chất lượng cao, như vậy sẽ thúc đẩy cho các doanh nghiệp của Việt Nam sản xuất hàng hóa chuyên nghiệp hơn. Để Hiệp định có thể đi vào cuộc sống, cần làm tốt hơn công tác tuyên truyền, đi vào từng vấn đề, từng ngành hàng và nhóm đối tượng cụ thể. Cán bộ nhà nước cũng phải hiểu để tạo điều kiện cho doanh nghiệp muốn tiếp cận.

Ông Vũ Tiến Lộc: Để doanh nghiệp, nền kinh tế lên được “cao tốc” thì phải thiết kế “đường gom, lối mở”  - Ảnh 2.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP HCM).

Thảo luận về vấn đề này, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng, hai Hiệp định này sẽ giúp cho Việt Nam có những bước phát triển trong cách mạng 4.0 kinh tế số và trí tuệ nhân tạo. Nền kinh tế Việt Nam sẽ có năng lực để đối phó với những nguy cơ đe dọa ví dụ như đại dịch toàn cầu COVID-19. Đây cũng là cơ hội nâng tầm về những lĩnh vực này.

“Trận đại dịch hiện nay đã khiến chúng ta phải thay đổi phương thức về hoạt động kinh tế, tổ chức xã hội đặc biệt là không phụ thuộc bất kỳ quốc gia nào ở bất kỳ lĩnh vực nào” - đại biểu Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh.

Cũng theo vị đại biểu này, hai Hiệp định cũng giúp cho chúng ta cơ hội đa phương, đa dạng hóa, tối ưu hóa quan hệ thương mại hóa đầu tư của chúng ta với thế giới trong điều kiện toàn cầu hóa, bình thường hóa.

“Thời cơ đang đến nhưng có tận dụng để biến thành cơ hội hay không thì đó phải là vấn đề của chúng ta. Kinh nghiệm cho thấy, chúng ta có những ưu điểm nhưng vẫn còn những nhược điểm trong việc biến thời cơ thành cơ hội. Chính vì vậy, Chính phủ cần có chiến lược, kế hoạch cụ thể về việc thực hiện 2 Hiệp định này” - đại biểu Nghĩa nói.

Cơ hội để Việt Nam có thể thu hút thêm các nhà đầu tư từ EU

Trước đó, tại phiên họp buổi sáng 20/5, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh thừa ủy quyền Chủ tịch nước trình bày tờ trình Quốc hội phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA). Theo đó, Hiệp định sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân từ 2,18 đến 3,25% (cho giai đoạn 5 năm đầu thực hiện), 4,57-5,30% (cho giai đoạn 5 năm tiếp theo) và 7,07-7,72% (cho giai đoạn 5 năm sau đó).

Ông Vũ Tiến Lộc: Để doanh nghiệp, nền kinh tế lên được “cao tốc” thì phải thiết kế “đường gom, lối mở”  - Ảnh 3.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định EVIPA.

Được biết, EU là thị trường nhập khẩu lớn thứ hai thế giới và hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam (sau Mỹ). Thông qua Hiệp định này, Việt Nam có thể tiếp cận một thị trường tiềm năng với dân số hơn 500 triệu người, GDP khoảng 15.000 tỷ USD chiếm 22% GDP toàn cầu.

Về nhập khẩu, dự kiến nhập khẩu từ EU sẽ tăng khoảng 33,06% vào năm 2025 và 36,7% vào năm 2030, tập trung vào một số mặt hàng như phương tiện và thiết bị vận tải, máy móc thiết bị phụ tùng, điện thoại và linh kiện điện tử, dược phẩm.

EVFTA sẽ giúp đa dạng hóa thị trường nước ta để không bị phụ thuộc vào sự giới hạn một số thị trường, đồng thời có sự tác dụng là đòn bẩy kích thích các đối tác khác tăng cường quan hệ thương mại - đầu tư với Việt Nam.

Về đầu tư, EVFTA là cơ hội để Việt Nam có thể thu hút thêm các nhà đầu tư từ EU trong các lĩnh vực như công nghiệp chế biến chế tạo sử dụng công nghệ cao, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, dịch vụ.

Ông Vũ Tiến Lộc: Để doanh nghiệp, nền kinh tế lên được “cao tốc” thì phải thiết kế “đường gom, lối mở”  - Ảnh 4.

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV. Ảnh: Minh Khánh.

Về lao động, EVFTA dự kiến giúp tăng thêm khoảng 146.000 việc làm mỗi năm. Về thu ngân sách, dự kiến tổng mức giảm thu từ giảm thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu trên 2.500 tỷ đồng, tuy nhiên tăng thu từ thu nội địa dưới tác động của đầu tư, thương mại và tăng trưởng kinh tế khoảng 7.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2020 - 2030.

Cũng trong buổi sáng nay, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã trình bày Tờ trình của Chủ tịch nước về việc đề nghị Quốc hội phê chuẩn EVIPA; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã trình bày Báo cáo thuyết minh EVIPA; Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo thẩm tra về việc phê chuẩn EVIPA.

Thế Công

NỔI BẬT TRANG CHỦ