• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Phải chăng chính quyền Trump không lặp lại sai lầm chính sách châu Á?

Thế giới 15/03/2017 08:46

(Tổ Quốc) - Các chính quyền Mỹ đã liên tiếp phạm sai lầm trong chính sách Trung Quốc.          

Chính quyền Trump dường như muốn khắc phục những khiếm khuyết lớn của chính sách châu Á mà các chính quyền Mỹ trước đây đã mắc phải trong quan hệ với Trung Quốc. Các sai lầm này đã được Michael Pillsbury mô tả trong cuốn sách “Cuộc chạy đua việt dã 100 năm: Chiến lược bí mật của Trung Quốc để thay thế Mỹ làm siêu cường toàn cầu”. Michael Pillsbury là chuyên gia nổi tiếng của Mỹ về Trung Quốc và hiện nay là Giám đốc Viện Nghiên cứu chiến lược Trung Quốc của Đại học Hudson.

Donald Trump sẽ dẫn dắt cuộc đấu về Biển Đông hay bị Tập Cận Bình dẫn dắt?

 Michael Pillsbury vạch rõ: Mỹ đã sai lầm về Trung Quốc, hết lần này đến lần khác, đôi khi gây hậu quả sâu sắc. Kể từ khi Tổng thống Nixon mở cửa sang Trung Quốc năm 1971 đến nay chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc là “can dự xây dựng”. Chính sách này qua nhiều thập kỷ có thay đổi, nhưng không đáng kể. Nó dựa trên nhiều ngộ nhận tai hại.

Michael Pillsbury viết: Sự ngu dốt của Mỹ về tư duy chiến lược của Trung Quốc trong nhiều thập kỷ qua đã phải trả giá. Sự ngu dốt này đã dẫn Mỹ đến có các nhân nhượng vô lý cho Trung Quốc.

 Những sai lầm từ Clinton đến Obama

 Sau khi thắng cử trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1992, Bill Clinton có đường lối đối với Trung Quôc cứng rắn nhất so với bất kỳ tổng thống Mỹ nào kể từ Eisenhower, Kennedy và Johnson. Trong chiến dịch tranh cử năm 1992, Clinton đã công kích Tổng thống Bush là nâng niu chiều chuộng Bắc Kinh.

Tuy nhiên, Trung Quốc đã có một chiến lược xây dựng một liên minh thân Trung Quốc trong chính quyền Clinton. Họ xác định Cố vấn An ninh Quốc gia Anthony Lake, Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Sandy Berger, Chủ tịch Hội đồng Kinh tế Quốc gia  Robert Rubin, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế Laura Tyson và Thứ trưởng Bộ Tài chính Lawrence Summers là những người có thiện cảm với Trung Quốc. Họ đưa các các hợp đồng thương mại ra nhử các doanh nghiệp lớn của Mỹ… Đến cuối năm 1993, Bắc Kinh đã thực hiện được cái gọi là “cuộc đảo chính Clinton”. Mọi sự trở lại như cũ, một lần nữa Mỹ lại coi Trung Quốc có cái gì đó giông  giống như một đồng minh.

Michael Pillsbury viết: Trung Quốc có nhiều cách để tiếp cận các trung tâm tư tưởng và dư luận ở Mỹ. Các công ty Trung Quốc quyên góp đáng kể cho trung tâm nghiên cứu và các trường đại học, để thực hiện các dự án nghiên cứu chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc phù hợp với quan điểm của Trung Quốc. Năm 2004, chính phủ Trung Quốc đã thực hiện một trong các hoạt động khôn khéo nhất là thành lập các Viện Khổng Tử trên khắp thế giới. Viện Khổng Tử giảng dạy ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc, nhưng cũng thanh minh cho lịch sử Trung Quốc; mô tả Trung Quốc là một nước hòa bình, hạnh phúc và coi Khổng Tử là là người dẫn đường duy nhất đến với văn hóa Trung Quốc; giải thích Binh pháp Tôn Tử là phi bạo lực và các giá trị văn hóa chủ yếu của Trung Quốc là yêu hòa bình và trung thực. Trong một thập kỷ từ năm 2004, khoảng 350 viện Khổng Tử đã được thành lập ở các trường đại học trên khắp thế giới, trong đó 1/5 là ở Mỹ, gấp 4 lần ở bất kỳ một nước nào khác. Trong hoạt động tuyên truyền, Trung Quốc cho rằng không có người Mỹ nào không thể chinh phục hoặc thuyết phục.

Cuộc gặp cấp cao Obama - Tập Cận Bình tháng 9/2015 ở Washington cho thấy ảnh hưởng lớn hơn hẳn của cánh diều hâu quân sự trong chính phủ Trung Quốc. Họ kêu gọi Tập Cận Bình không thảo luận với Obama 6 vấn đề: (1) Tấn công mạng của Trung Quốc; (2) Các hoạt động trong không gian của quân đội Trung Quốc và các chương trình chống vệ tinh, kiểm soát vũ khí trong không gian của Trung Quốc; (3) Việc tiếp cận các phương tiện nhạy cảm của quân đội Trung Quốc; (4) Các hạn chế có ảnh hưởng đến việc bí mật thu thập công nghệ quốc phòng của Trung Quốc; (5) Các hạn chế đối với việc tăng cường vũ trang của quân đội Trung Quốc chống Đài Loan; (6) Bất kỳ hạn chế nào đối với việc bồi đắp hoặc xây dựng quân sự ở Biển Đông. Và rốt cuộc chính quyền Obama đã thuận theo tất cả, chỉ thảo luận phần tội phạm mạng tư nhân, tránh phê, tránh trừng trị các cuộc tấn công mạng được chính phủ Trung Quốc bảo trợ chống chính phủ Mỹ. Khi đứng cạnh Obama ở Nhà Trắng, Tập Cận Bình đã tuyên bố lại yêu sách của Trung Quốc đối với toàn bộ Biển Đông.

Triển vọng là sự quyết đoán của Trung Quốc sẽ tăng lên trong một giai đoạn mới. Bắc Kinh sẽ thúc đẩy các yêu sách ngoại giao mà ngày nay có vẻ là không thể thực hiện được hoặc không thể tưởng tượng được, và các nước khác sẽ đầu hàng trước áp lực của Trung Quốc. Trung Quốc có thể thực hiện các lợi ích của họ không phải bằng cách chinh phục quân sự, mà bằng cách tạo ra một tình hình trong đó các nước láng giềng cảm thấy là nhân nhượng cho Trung Quốc là khôn hơn. Ví dụ, Trung Quốc có thể đòi Ấn Độ chấm dứt ủng hộ Dalai Lama, Mỹ ngừng bán vũ khí cho Đài Loan, các nước láng giềng nhân nhượng trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ. Có thể Trung Quốc sẽ có khả năng buộc Mỹ từ bỏ các thành phần quân sự trong các hiệp ước an ninh  của Mỹ với các nước láng giềng của Trung Quốc.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson sắp thăm Tokyo, Seoul và Bắc Kinh cuối tháng 3 này. Đây có thể được coi là chuyến thử lửa đầu tiên đối với một nhân vật mới về ngoại giao trước các vấn đề chiến lược hóc búa của châu Á. Giới quan sát sẽ sớm thấy, tại Bắc Kinh, người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ sẽ dẫn dắt cuộc chơi hay bị dẫn dắt./.


Hoài Nam

NỔI BẬT TRANG CHỦ