• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Phạm Tuyên - Người nhạc sĩ của nhân dân

03/10/2011 14:49

Cả cuộc đời gắn bó với âm nhạc, nhạc sỹ Phạm Tuyên đã sáng tác khoảng 700 ca khúc, trong đó có 200 bài hát viết về thiếu nhi. Những tác phẩm của ông thật sự được công chúng ở nhiều lứa tuổi khác nhau mến mộ theo năm tháng.

Cả cuộc đời gắn bó với âm nhạc, nhạc sỹ Phạm Tuyên đã sáng tác khoảng 700 ca khúc, trong đó có 200 bài hát viết về thiếu nhi. Những tác phẩm của ông thật sự được công chúng ở nhiều lứa tuổi khác nhau mến mộ theo năm tháng.

Ông đến với âm nhạc bằng ca khúc viết cho thiếu nhi từ những năm 50 của thế kỷ 20 tại Chiến khu Việt Bắc. Trong hoàn cảnh chiến tranh, bài hát cho lứa tuổi này còn ít, chàng trai trẻ vừa tốt nghiệp Trường Sĩ quan Lục quân khi ấy bắt đầu sự nghiệp sáng tác. Thật bất ngờ, nhạc phẩm đầu tay Em là thiếu sinh quân của ông được nhiều người hưởng ứng. Thành công đầu tiên đã tiếp thêm nguồn cảm hứng sáng tạo cho tác giả. 60 năm miệt mài bên cây đàn, khuông nhạc, đến nay, chàng sĩ quan trẻ ngày nào giờ tuổi đã ngoài 80, là một trong những nhạc sĩ được nhân dân mến mộ.

Ông lặng lẽ làm việc, lặng lẽ sáng tác. Nhạc của ông càng nghe càng toát lên vẻ đằm thắm, giàu tình cảm. Mỗi bài hát ông viết đều thể hiện những rung động tinh tế, những tiếng reo vui, niềm lạc quan yêu đời; nhiều ca khúc để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng công chúng từ những tháng ngày miệt mài sáng tạo lao động nghệ thuật như: Ðảng đã cho ta cả một mùa xuân, Như có Bác trong ngày vui đại thắng, Chiếc gậy Trường Sơn, Từ một ngã tư đường phố, Con kênh ta đào, Gửi nắng cho em... Một số tác phẩm ông viết tặng thiếu nhi với giai điệu hồn nhiên, trong sáng có ý nghĩa trong việc giáo dục và bồi dưỡng thẩm mỹ như: Tiến lên đoàn viên, Cánh én tuổi thơ, Gặp nhau giữa trời thu Hà Nội, Chú voi con ở bản Ðôn... được các em rất yêu thích.

Theo ông, không có đề tài dễ hay khó, sẽ sáng tác được bài hát hay nếu biết tìm ra nét mới, độc đáo. Và quan trọng hơn cả là người nhạc sĩ cần có kiến thức sâu sắc về âm nhạc, văn học - nghệ thuật. Trước khi viết, ông đều định hướng rõ viết cho các cháu mẫu giáo, nhi đồng, thiếu niên hay người lớn và cố gắng bảo đảm tính giải trí, tính giáo dục, thể hiện tính nhân văn cao nhất. Nói về âm nhạc dành cho lứa tuổi nhỏ, ông luôn trăn trở bởi hiện tại các ca khúc hay chưa nhiều, chưa thật sự hấp dẫn, chưa mang hơi thở, nhịp điệu hối hả của cuộc sống hôm nay...  Ông cũng cho rằng, trong thời đại bùng nổ thông tin như bây giờ, ở đâu cũng thấy các sản phẩm giải trí nhưng thiếu sự định hướng cho các em lựa chọn sản phẩm phù hợp, có ích cho sự phát triển trong tương lai. Các nhạc sĩ trẻ hiện nay được đào tạo bài bản hơn, điều kiện học tập tốt hơn, song ít nhiều bị chi phối  bởi cơ chế thị trường, cho nên chỉ chú ý sáng tác cho giới trẻ, ít dành công sức cho mảng âm nhạc tuổi nhỏ. Phải chăng vì dòng nhạc này khó tiêu thụ, đồng nghĩa với... thu nhập ít? Ông hy vọng thời gian tới, một "mùa xuân âm nhạc" thiếu nhi sẽ lại đến từ những tấm lòng tâm huyết thật sự của giới nhạc sĩ cũng như sự quan tâm về quy hoạch, tổ chức, phát hành của các nhà quản lý đối với ca khúc ở mảng đề tài này để các em có thêm nhiều bài hát hay.

Ông tâm sự, với người nhạc sĩ, phần thưởng lớn nhất là các bài hát mình viết được nhiều người biết đến. Trong các nhạc phẩm của mình, ông đặc biệt ấn tượng với bài Như có Bác trong ngày vui đại thắng, bởi nhân dân từ già đến trẻ, công nhân, nông dân... đều thích hát ca khúc này. Từ chiến thắng của đội tuyển bóng đá, đến các cuộc vui, gặp mặt, liên hoan trong trường học, cơ quan, hội trại giao lưu..., mọi người đều hát với cảm xúc tự hào dâng trào. Từ miền xuôi đến miền ngược, từ nam ra bắc, đến đâu cũng nghe được những giai điệu gần gũi, quen thuộc: Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng/Lời Bác nay thành chiến thắng huy hoàng...

Nhạc sĩ Phạm Tuyên sinh năm 1930, tại Hải Dương, đã về hưu và hiện sống tại Hà Nội. Ông nguyên là: Chủ tịch Hội Ấm nhạc Hà Nội, Ủy viên Thường vụ Ban chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam.

Năm 2001, nhạc sĩ Phạm Tuyên đã được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật cho các tác phẩm: Bám biển quê hương, Đảng đã cho ta cả một mùa xuân, Chiếc gậy Trường Sơn, Gảy đàn lên hỡi người bạn Mỹ, Như có Bác trong ngày vui đại thắng.

Trong sự nghiệp sáng tác của mình, ông có rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Bộc bạch với chúng tôi, ông xúc động khi nhắc tới người bạn Mỹ, ca sĩ - nhạc sĩ Pi-tơ Xi-gơ với hình ảnh thân thuộc cùng cây đàn ghi-ta hát bài Ballad of HoChiMinh (Bài ca Hồ Chí Minh) của E.Mác-con trên đường phố Oa-sinh-tơn năm 1969. Cảm phục P. Xi-gơ, ông viết ngay ca khúc Gảy đàn lên hỡi người bạn Mỹ tặng bạn. Một thời gian dài sau đó, ông và P.Xi-gơ không liên lạc được với nhau. Tình cờ trong một buổi giao lưu, ông gặp Mô-li Hác-man O.Co-nen (năm 2008), cô gái trẻ đến từ nước Mỹ yêu thích nhạc Việt Nam, trong đó có các ca khúc của ông. Nhờ sự nhiệt tình giúp đỡ của Mô-li và bố mẹ cô, ông đã liên lạc được với P.Xi-gơ (nay hơn 90 tuổi) hiện sống ở cách xa nửa vòng trái đất. Sau bao năm xa cách, tình bạn giữa họ lại được kết nối, tiếp tục nở hoa đơm trái. Qua câu chuyện kể trên, chúng tôi hiểu phần nào việc ông biết ơn Mô-li, không đơn giản chỉ là làm cầu nối giúp nhạc sĩ gặp lại người bạn tri kỷ.

Suốt cuộc đời cống hiến cho nền âm nhạc nước nhà, ông luôn được nhân dân nhắc tới một cách trân trọng, yêu mến. Những bài hát của ông sống mãi với thời gian, thường xuyên vang lên trên mọi nẻo đường, mọi miền quê của Tổ quốc. Ông là Phạm Tuyên, người nhạc sĩ của nhân dân.

Theo ND

NỔI BẬT TRANG CHỦ