• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Phản tỉnh nước Mỹ: Cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc và Nga

Thế giới 25/01/2018 22:20

(Tổ Quốc) - Chiến lược quốc phòng mới của Mỹ kêu gọi có những “thay đổi khẩn cấp trên phạm vi lớn” đối phó với các thách thức mới.  

Cách đây 10 năm, các chiến lược gia Trung Quốc đã xác định nước Mỹ suy yếu và trật tự thế giới đã mất hiệu lực. Nhưng phải đến bây giờ, chính quyền Trump mới phản tỉnh nước Mỹ về những thay đổi trong môi trường an ninh chiến lược, vạch ra các thách thức, cũng như xác định biện pháp để giải quyết các lo ngại này. 

 Môi trường chiến lược đầy thách thức

 Bản Chiến lược thừa nhận trật tự quốc tế đang bị thách thức và sự xuất hiện cuộc cạnh tranh chiến lược lâu dài giữa các quốc gia. Trung Quốc và Nga là hai đối thủ cạnh tranh chiến lược và cường quốc xét lại định hình thế giới theo mô hình mà hai nước này muốn áp đặt. Trung Quốc đang dùng đòn bẩy hiện đại hoá quân sự, hoạt động gây ảnh hưởng và kinh tế cưỡng bức láng giềng; tiếp tục hiện đại hoá quân sự để giành bá chủ Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong ngắn hạn và đẩy lùi Mỹ giành thế áp đảo trên toàn cầu trong tương lai. Nga tìm kiếm thẩm quyền phủ quyết các quyết định quản lý, kinh tế và ngoại giao đối với các quốc gia ở vùng ngoại biên; tìm cách phá vỡ NATO và thay đổi các cấu trúc an ninh ở châu Âu và Trung Đông theo hướng thuận lợi cho Nga; tăng thêm và hiện đại hoá kho vũ khí hạt nhân.

Bản Chiến lược liệt kê thêm hai đối tượng là Triều Tiên theo đuổi sở hữu vũ khí hạt nhân, sinh học, hoá học, các vũ khí; tăng cường khả năng tên lửa đạn đạo nhằm gây áp lực đối với Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ. Và Iran giành giật bá quyền khu vực, tài trợ khủng bố, gia tăng xây dựng mạng lưới uỷ quyền, theo đuổi chương trình tên lửa.  

 Có thể thấy, văn bản này đã thay đổi hoàn toàn các ưu tiên quốc phòng của Mỹ vốn được duy trì trong suốt 16 năm qua, khi đặt chủ nghĩa khủng bố xuống vị trí thấp hơn cạnh tranh với Trung Quốc và Nga. Điều này chưa hẳn đã thuyết phục được người Mỹ. Một số cuộc thăm dò ý kiến trong năm 2017 cho thấy người Mỹ vẫn quan ngại sâu sắc về mối đe dọa từ chủ nghĩa khủng bố quốc tế, trong khi có vẻ như họ vẫn chưa ý thức Trung Quốc hay nước Nga là nguy cơ.

Khi công bố Chiến lược ngày ngày 19/1 vừa rồi tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Cao cấp Paul H. Nitze thuộc Đại học Johns Hopkins, Bộ trưởng Quốc phòng Mattis lý giải rằng văn bản này kêu gọi đầu tư tài chính liên tục dành cho Bộ Quốc phòng để vượt qua “thời kỳ tụt dốc chiến lược”. Ông Mattis nhấn mạnh: “Chúng ta sẽ tiếp tục thực hiện chiến dịch chống khủng bố, nhưng sự cạnh tranh giữa các nước lớn chứ không phải chủ nghĩa khủng bố là trọng tâm chính của an ninh quốc gia Mỹ hiện nay”. 

Điều được giới chuyên gia ghi nhận là một cách nhìn hoàn toàn mới đối với chiến lược quốc phòng. Chiến lược nói về việc “mở rộng không gian cạnh tranh”, một ý tưởng mới bao gồm cả khái niệm về việc đặt ra thách thức và đẩy các đối thủ tiềm tàng vào thế khó trong nhiều lĩnh vực. 

Cần thay đổi khẩn cấp trên phạm vi lớn

Chiến lược quốc phòng mới của Mỹ cho rằng lợi thế cạnh tranh của quân đội Mỹ đang bị xói mòn và đưa ra một lộ trình nhằm ngăn chặn sự xói mòn đó. Thách thức thực sự đối với ông Mattis là liệu Lầu Năm Góc có thể nhận được các nguồn ngân sách cần thiết để có thể thực hiện được những “thay đổi khẩn cấp trên phạm vi lớn”. Chính quyền Donald Trump vẫn chưa đưa ra đề xuất ngân sách 2019, tuy nhiên khoản chi cho ngân sách Bộ Quốc phòng chắc chắn không nhỏ, do đó sẽ cần phải đàm phán với Quốc hội Mỹ để dỡ bỏ rào cản ngân sách theo quy định của Luật kiểm soát ngân sách. Đây là nhiệm vụ không hề dễ dàng, đặc biệt là trong điều kiện chính trị nội bộ Mỹ hiện nay. Và bản Chiến lược này, ngoài mục tiêu tập hợp lực lượng toàn cầu, thì còn nhằm vào các mục tiêu đối nội, trong đó tăng ngân sách quốc phòng trong tài khóa 2019 và những năm tới.

Một số chuyên gia chiến lược quốc phòng đã từng được nghiên cứu văn bản chiến lược quốc phòng mới một cách đầy đủ cho biết, chiến lược mới đã xác định được các vấn đề trọng tâm, đặt ra được các ưu tiên, do đó thuyết phục hơn so với bản tóm tắt đã được công bố công khai.

Chiến lược Quốc phòng này và Chiến lược An ninh Quốc gia được Tổng thống Trump công bố một tháng trước cho thấy có một sự thống nhất rất rõ ràng. Chiến lược quốc phòng được xây dựng trên nền tảng chủ đề mà chiến lược an ninh quốc gia đã đề cập tới, cụ thể là sự cần thiết của việc “tái thiết năng lực sẵn sàng cho quân đội” Mỹ. 

Sau gần hai thập kỷ chiến tranh ở Afghanistan và Iraq, tiêu tốn rất nhiều tiền trong khi mang lại rất ít lợi ích, sự thay đổi chiến lược về cách thực thi chính sách đối ngoại của Washington là rất đáng chú ý.

Hơn 70 năm trước, George Kennan, Đại sứ Mỹ tại Liên Xô, đã đề xuất học thuyết ngăn chặn nhằm kiềm chế Liên Xô, khởi đầu cuộc Chiến tranh lạnh. Các quan điểm của chính quyền Trump trình bày trong Chiến lược An ninh Quốc gia 2017 và Chiến lược Quốc phòng 2018, bị Trung Quốc phê phán là “thể hiện tư duy chiến tranh lạnh”, liệu có thể mở ra một thời kỳ đối đầu dữ dội trong chính trị quốc tế?./.

 

Lưu Việt

NỔI BẬT TRANG CHỦ