• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Phát huy di sản văn hóa Chăm qua lễ hội Katê

08/09/2018 11:19

(Tổ Quốc) - Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Chăm, bằng cách nâng tầm quy mô tổ chức lễ hội Katê là một trong những hướng đi của tỉnh Bình Thuận trong thời gian qua. (Tổ Quốc) - Tỉnh Bình Thuận đã bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Lễ hội Katê dân tộc Chăm khi nâng tầm quy mô tổ chức.

(Tổ Quốc) - Lễ hội Katê năm 2018 của đồng bào Chăm Bình Thuận sẽ diễn ra từ ngày 7 - 9/10/2018 (tháng 7 Chăm lịch), tại di tích tháp Pô Sah Inư Phan Thiết, với nhiều phần lễ và phần hội hấp dẫn.



Huyền bí lễ hội Katê dân tộc Chăm

Nghi thức lễ Katê do các chức sắc tôn giáo người Chăm huyện Hàm Thuận Bắc trực tiếp điều hành theo đúng nghi thức tôn giáo, phong tục truyền thống. Phần hội với các trò chơi dân gian, hội thi và trình diễn các nghề thủ công truyền thông và các tiết mục văn nghệ dân gian do đồng bào người Chăm huyện Hàm Thuận Bắc, Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân và Tánh Linh thực hiện.

Mở đầu lễ hội Katê 2018, các chức sắc tôn giáo người Chăm thực hiện nghi lễ cúng Cầu an tại Tháp chính theo tập tục. Lễ chính diễn ra vào sáng 9/10 gồm nghi lễ chào mừng Lễ hội Katê, nghi thức truyền thống nghinh, thỉnh và rước trang phục Nữ thần Pô Sah Inư từ sân lễ lên Tháp chính, rồi nghi lễ mở cửa tháp, lễ tắm bệ thờ Linga - Yoni, lễ mặc trang phục và cúng mừng Katê.

Phần hội mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống như trình diễn, giới thiệu sản phẩm, nghề dệt thủ công truyền thống, thi làm bánh gừng, thi trưng bày và trang trí lễ vật trên Thônla và Cổ bồng để dâng tế Nữ thần Pô Sah Inư.

Ngoài ra, sẽ có chương trình văn nghệ dân gian Chăm, giới thiệu ẩm thực, biểu diễn nghề dệt, làm gốm truyền thống, tổ chức các trò chơi dân gian như giã gạo, thi đội nước vượt chướng ngại vật, bịt mắt đập niêu, đẩy gậy, trình diễn nhạc cụ dân tộc Chăm như thổi kèn Saranai, đánh trống Ginăng, Paranưng do các đoàn dân gian Chăm biểu diễn phục vụ công chúng và khách du lịch.

Bên cạnh tìm hiểu và trải nghiệm cùng Lễ hội Katê, tham quan di tích Tháp Pô Sah Inư Phan Thiết, du khách còn tự mình khám phá nghệ thuật kiến trúc Chăm của cụm Tháp, tìm hiểu truyền thuyết về địa danh Lầu Ông Hoàng, nghe kể chuyện mối tình bất hủ Hàn Mặc Tử - Mộng Cầm; hay lựa chọn và mua sắm những món quà thủ công mỹ nghệ dân gian Chăm độc đáo, xem biểu diễn nghệ thuật Chăm.

Phát huy di sản văn hóa Chăm phục vụ du lịch

Để bảo tồn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc trên địa bàn nói chung và dân tộc Chăm nói riêng, thời gian qua, Bình Thuận đã thực hiện nhiều giải pháp như: tăng cường và nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước; phát triển hoạt động kinh doanh du lịch văn hóa Chăm; liên kết phát triển các sản phẩm du lịch dựa trên nền tảng văn hóa Chăm; đồng thời chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá về văn hóa Chăm và du lịch văn hóa dựa trên các giá trị của văn hóa Chăm một cách chuyên nghiệp; trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, lễ hội theo đúng định hướng bảo tồn và phát triển tài nguyên du lịch văn hóa Chăm; huy động cộng đồng địa phương vào việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Chăm; liên kết hợp tác toàn vùng để bảo tồn và phát huy văn hóa Chăm trong phát triển du lịch…

Bên cạnh việc chọn Lễ hội Katê là 1 trong 6 lễ hội truyền thống phục vụ phát triển du lịch, Bình Thuận còn bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Lễ hội Katê khi nâng tầm quy mô tổ chức Lễ hội tại di tích văn hóa - lịch sử cấp quốc gia là tháp Chăm Pô Sah Inư - thành phố Phan Thiết.

Để chào mừng Lễ hội Katê 2018, tại Trung tâm Trưng bày Văn hóa Chăm Bình Thuận (huyện Bắc Bình) sẽ diễn ra nhiều hoạt động văn hóa - thể thao mang đậm bản sản văn hóa chăm phục vụ bà con địa phương và du khách. Đó là mời Ong Kadhar (Thầy Kanhi) thực hiện nghi thức cúng Katê, chương trình nghệ thuật dân gian chủ đề “Mừng hội Katê 2018” và các hội thi văn hóa dân gian thổi kèn Saranai, múa dân gian Chăm, nấu bánh gừng, trang trí lễ vật dâng cúng thần linh, viết chữ Chăm truyền thống.

Dịp này, khách tham quan còn có cơ hội xem và tìm hiểu 2 nghề truyền thống của người Chăm là dệt và làm gốm. Các nghệ nhân nỗi tiếng về nghề dệt và gốm vừa trình diễn, vừa hướng dẫn cho du khách kỹ thuật dệt và nặn gốm truyền thống, hay kết nối tour du lịch tham quan di tích kiến trúc lịch sử - văn hóa đền thờ Pô Klaong Mânai (thế kỷ 17) và chiêm ngưỡng bộ sưu tập kho mở Hoàng tộc Chăm tại làng Tịnh Mỹ, xã Phan Thanh.

 

Nguyên Vũ

NỔI BẬT TRANG CHỦ