• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Phát lộ một văn bản văn học quý của người Mường

18/09/2015 14:57

Với tuổi đời trên 200 năm, hi vọng rằng, sau khi được công bố, văn bản này sẽ là một sự bổ khuyết xứng đáng và kịp thời cho những mong mỏi chờ đợi và tìm kiếm của những người quan tâm đến nền văn học viết của dân tộc Mường ở Hòa Bình trong quá khứ.

 

Lâu nay, khi nhắc tới văn hóa Mường, người đọc thường nghĩ tay tới những Đẻ đất đẻ nước, Vườn hoa núi Cối, Nàng Nga- Đạo Hai Mối… Hay gần đây là những tác phẩm văn học viết phản ánh đời sống con người và thiên nhiên  như tiểu thuyết Mường Động của nhà văn Nguyễn Hải, Hoa hậu xứ Mường của nhà văn Phượng Vũ.

Trong chương trình Ngữ văn ở bậc THCS vẫn có một số lượng tiết giảng ít ỏi dành cho mảng Văn học địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh những sáng tác mới, những tác phẩm chứa đựng giá trị văn hóa, lịch sử của địa phương vẫn chưa được sưu tầm đầy đủ. Điều đó dẫn tới thực trạng: học sinh được đọc những sáng tác viết về các vùng miền trên thế giới, trên toàn quốc nhưng lại mơ hồ về chính mảnh đất mà mình đang sống.

Cách đây khá lâu, khi xây dựng đề cương bài giảng cho học phần: Ngôn ngữ và văn hóa địa phương tỉnh Hòa Bình- một học phần cung cấp kiến thức, phương pháp luận khoa học cho sinh viên Ngữ văn để giảng dạy phần văn học địa phương ở bậc THCS- tôi cứ băn khoăn về sự khiêm tốn của dòng văn học viết trong quá khứ của dân tộc này.

Cho đến nay, đã có rất nhiều giả thiết về sự hình thành dân tộc Mường, về thời điểm chia tách từ khối Việt-Mường. Nhưng có thể khẳng định, đây là một dân tộc đã sinh sống rất lâu trên địa bàn cư trú hiện tại (các vùng Mường) và có một nền  văn hóa dân gian khá đặc sắc (cơ sở vững chắc để các dân tộc bồi đắp cho nền văn học viết dù tự thân sáng tạo ra văn tự hay vay mượn). Bởi vậy việc chỉ xuất hiện một văn bản viết bằng chữ Nôm của Quách Điêu (Chúc thư) khiến chúng tôi rất băn khoăn về văn bản văn học viết của người Mường (Hòa Bình) bởi hai lí do. Thứ nhất, văn tự chữ Hán, chữ Nôm không được sử dụng rộng rãi và có chỗ đứng vững chắc trong đời sống tinh thần của đồng bào Mường, bởi chất liệu chữ Nôm không có ưu thế trong việc sáng tác phẩm văn học viết của dân tộc Mường chăng? Thứ hai, việc khảo cứu, sưu tầm các văn bản văn học viết bằng chữ Hán, chữ Nôm của người Mường chưa chạm tới các “kho báu” quý giá còn được cất giữ trong nhân dân bởi nhiều lí do khác nhau hay sự thất tán theo thời gian? Nhưng câu hỏi ấy phần nào đã được giải đáp khi cách đây chưa lâu, chúng tôi được tiếp cận với bản thảo của Truyện thơ Đinh Công Trinh do nhà văn Lê Va (Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Hòa Bình) sưu tầm và biên soạn. Với tuổi đời trên 200 năm, hi vọng rằng, sau khi được công bố, văn bản này sẽ là một sự bổ khuyết xứng đáng và kịp thời cho những mong mỏi chờ đợi và tìm kiếm của những người quan tâm đến nền văn học viết của dân tộc Mường ở Hòa Bình trong quá khứ.





Bìa cuốn sách



Về mặt thi pháp đây thực sự là một truyện thơ Nôm (phản ánh bằng phương thức tự sự) với khả năng chiếm lĩnh hiện thực rộng lớn được thể hiện trong 358 câu, xoay quanh nhân vật Quận Công tuyên úy sứ Đinh Công Trinh, cốt truyện tái hiện lại dòng chảy cuộc đời của nhân vật. Trong truyện có sử dụng những ước lệ như: Một phen tảo tuyết lôi đình/ Khỉ trèo sông Sở hươu lăn núi Tần (câu 85, 86); Cờ Chu vũ ngựa Hán hoàng (câu 110); Cây quế hòe khắp đã đầy sân/ Tang du bóng đã tần vần (câu 333, 334);  sử dụng lối tập cổ như: Liều mình bón lại đức Lê/ Sao quản khó nhọc sao nề chông gai (câu 137, 138). Bên cạnh những đặc điểm cố hữu của một truyện thơ trung đại, truyện thơ Đinh Công Trinh cũng bộc lộ sự mới mẻ trong việc xuất hiện những địa danh cụ thể tại địa phương để tăng sức thuyết phục về giá trị hiện thực: Kéo ra Xích Thổ giao binh/ Chém năm tướng giặc như hình chẻ nan (câu 209, 210);  Truyền cho bản hiệu các cơ/ Sang Ngọc Lâu sách để chờ vua ra (câu 278,279)…

Văn bản truyện thơ Nôm này được sưu tầm bởi một nhà văn đương đại có thời gian dài thâm nhập và am hiểu đời sống vật chất, tinh thần và văn hóa ứng xử của dân tộc Mường ở Hòa Bình. Việc sưu tầm và ghi chép chính xác cuộc đời và tác phẩm về nhân vật Quận Công Đinh Công Trinh cũng thể hiện sự nhận thức sâu sắc về vai trò, sự cần thiết của văn bản từ góc độ người sưu tầm. Đây có thể coi là một phát hiện rất có ý nghĩa, cung cấp nguồn tư liệu cho các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử, nguồn ngữ liệu cho các nhà nghiên cứu ngữ văn. Việc xuất hiện tác phẩm truyện thơ quý giá này trong thư viện các trường học, trong tủ sách của các gia đình sẽ góp phần giúp chúng ta có cái nhìn thấu đáo hơn về nền văn hóa và con người xứ Mường. Cuốn sách với hơn 70 trang in bao gồm cả bài giới thiệu của người sưu tầm, nguyên tác chữ Nôm; tiểu sử Quận công Tuyên úy Đinh Công Trinh… do Nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc ấn hành vào tháng 8 năm 2015, là phần thưởng xứng đáng cho tác giả. Một người hơn mười năm trước đã từng một tay cầm bút chép mấy trăm câu thơ, một tay cầm chiếc quạt xua đi cái nóng mùa hè. Mong rằng trong thời gian tới, nhà văn Lê Va sẽ tiếp tục mang đến cho những đọc những ghi chép, phát hiện mới về vùng đất còn ấn chứa nhiều giá trị văn hóa này.

Việt Phương

NỔI BẬT TRANG CHỦ