• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Phát triển văn hóa đọc: Cộng đồng chung tay tạo sức lan tỏa

Văn hoá 08/04/2024 20:02

(Tổ Quốc) - Trong những năm gần đây, văn hóa đọc đã ngày càng được quan tâm hơn và có sự tiến triển nhất định, nhiều mô hình phát triển văn hóa đọc ở cơ sở đã và đang góp sức phục vụ cộng đồng trên khắp mọi miền đất nước. Đây là tín hiệu đáng mừng. Điều đó cho thấy, sau một thời gian "ngủ quên" và mải mê với các giá trị vật chất, công chúng đã nhận ra giá trị đích thực của văn hóa đọc.

Nhiều cách làm phát triển văn hóa đọc hay

Nhận thức được tầm quan trọng của phát triển văn hóa đọc, những năm trở lại đây, trường Tiểu học Trưng Nhị - thành phố Phúc Yên – tỉnh Vĩnh Phúc đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền để mỗi học sinh nhận thức được vai trò của sách đối với việc học tập, giúp các em hiểu rằng sách là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá trong cuộc sống.

Theo bà Đàm Thị Hằng - Thư viện trường Tiểu học Trưng Nhị, thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc ( cá nhân vừa đạt Giải thưởng Phát triển văn hóa đọc lần thứ VI) chia sẻ: Để làm tốt vai trò và trách nhiệm của bản thân trong việc xây dựng văn hóa đọc cho học sinh, nhà trường thường xuyên tổ chức cho các em đọc sách ở trường bất cứ khi nào các em cần như: Tổ chức các buổi tuyên truyền giới thiệu sách dưới cờ; Tổ chức các hoạt động đọc sách: Thi đọc diễn cảm giữa các bạn trong lớp chọn học sinh của lớp để thi giữa các khối với nhau và cuối cùng thi cấp trường; Tổ chức cho học sinh đọc sách tại xe thư viện lưu động của Thư viện tỉnh về trường vào các ngày Hội sách, Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời,… để học sinh được thay đổi hình thức đọc, thay đổi vốn tài liệu, qua đó tạo hứng thú đọc sách cho các em học sinh; Phát động phong trào "Đọc sách cùng con" 30 phút mỗi ngày tới toàn thể phụ huynh…

Phát triển văn hóa đọc: Cộng đồng chung tay tạo sức lan tỏa - Ảnh 1.

Hoạt động Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời của Trường tiểu học Trưng Nhị, tỉnh Vĩnh Phúc phát động

Đặc biệt, Nhà trường còn tổ chức "Thư viện thân thiện lớp học", mỗi lớp được trang bị một tủ sách, được các học sinh trang trí, đóng góp sách để đọc hàng ngày. Hình thức này giúp các em tiếp cận gần hơn với sách. Đây là một mô hình hiệu quả và thiết thực nhằm xây dựng cho học sinh lòng đam mê và tình yêu đối với sách, góp phần hình thành phát triển văn hóa đọc sách từng cá nhân học sinh, từng lớp học trong nhà trường.

Theo bà Đàm Thị Hằng, bên cạnh tổ chức các hoạt động, Nhà trường cũng đầu tư xây dựng thư viện phong phú về tài nguyên thông tin, khang trang về cơ sở vật chất. Phòng thư viện được trang bị máy tính kết nối mạng internet. Cung cấp nguồn tài liệu phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức, phù hợp với lứa tuổi học sinh… góp phần đẩy mạnh và nâng cao văn hóa đọc tại trường học.

Cũng là người đoạt được Giải thưởng Phát triển văn hóa đọc lần thứ VI, Thượng tá Phạm Văn Giang, Chủ nhiệm Nhà Văn hóa Hải quân, Quân chủng Hải quân, Bộ Quốc phòng cho biết: Công tác thư viện, phát triển văn hóa đọc của bộ đội cũng luôn được quan tâm. Hoạt động thư viện luôn bám sát nhiệm vụ chính trị trọng tâm của đơn vị, là một hoạt động của công tác đảng, chính trị. Phát triển văn hóa đọc trong Quân chủng Hải quân đã góp phần tích cực vào xây dựng môi trường văn hóa tốt đẹp trong quân đội.

Phát triển văn hóa đọc: Cộng đồng chung tay tạo sức lan tỏa - Ảnh 2.

Công tác thư viện, phát triển văn hóa đọc của bộ đội cũng luôn được quan tâm (Ảnh minh họa)

Theo Thượng tá Phạm Văn Giang, để phát triển văn hóa đọc trong Quân chủng, bên cạnh việc chủ động tham mưu, tranh thủ sự giúp đỡ của lãnh đạo chỉ huy các cấp, ủng hộ về tinh thần, vật chất ở trong và ngoài Quân chủng, đơn vị còn xây dựng các mô hình hoạt động phát triển văn hóa đọc dễ hiểu, dễ làm, dễ thực hiện để triển khai xuống các thư viện cơ sở. Đơn vị tích cực tìm tòi và đưa ra giải pháp phù hợp với từng loại hình đơn vị, áp dụng thế mạnh công nghệ, mạng xã hội để phổ biến và tuyên truyền sách đến công chúng…

Đơn vị còn thường xuyên phối hợp tổ chức tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ nhân viên thư viện về công nghệ thông tin, kỹ năng tuyên truyền giới thiệu sách; biểu dương, động viên kịp thời nhân tố tiêu biểu, nhân rộng các mô hình hay; đầu tư cơ sở vật chất cho thư viện, đặc biệt đẩy nhanh phát triển thư viện điện tử, thư viện chuyển đổi số…

Cần cộng đồng chung tay để lan tỏa

Đánh giá về phát triển của văn hóa đọc trong những năm gần đây, Phó Vụ trưởng Vụ Thư viện Đoàn Quỳnh Dung cho biết: Thời gian qua, ngành văn hóa đã tổ chức nhiều hoạt động để văn hóa đọc lan tỏa và phát triển sâu rộng trong cộng đồng, trong đó nổi bật nhất là tổ chức Giải thưởng Phát triển văn hóa đọc.

Diễn ra từ năm 2018, Giải thưởng được tổ chức hằng năm nhằm kịp thời tôn vinh những đóng góp quý báu, động viên, khuyến khích các tổ chức, cá nhân có đóng góp tích cực cho việc phát triển văn hóa đọc, góp phần hình thành trí tuệ, nhân cách, đạo đức và lối sống lành mạnh, hướng tới xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện. Sau 05 lần tổ chức, Giải thưởng đã tôn vinh được 121 tập thể, cá nhân tiêu biểu, trên toàn quốc có những đóng góp tích cực, nổi bật cho phát triển văn hóa đọc.

Phát triển văn hóa đọc: Cộng đồng chung tay tạo sức lan tỏa - Ảnh 3.

Đem sách đến với người đọc thông qua mô hình xe ô tô thư viện lưu động (ảnh minh họa)

Cũng theo bà Đoàn Quỳnh Dung, cùng với sự phục hồi sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, hệ thống thư viện công cộng vẫn giữ vai trò chủ lực trong phát triển văn hóa đọc với nhiều sự thay đổi đáng ghi nhận. Các sản phẩm, dịch vụ thông tin - thư viện đã bám sát, đáp ứng nhu cầu thực tiễn của người sử dụng, phục vụ từ đối tượng bạn đọc phổ thông, đa dạng đến các nhu cầu nghiên cứu chuyên biệt đòi hỏi chất lượng cao.

Nhiều hoạt động khuyến đọc đã chuyển từ phong trào bề nổi nhằm nâng cao nhận thức của xã hội sang các hoạt động gắn với việc trang bị kỹ năng thông tin và trải nghiệm cho người sử dụng; nhiều cách làm hay, mô hình sáng tạo với những phương thức hoạt động mới đã hướng tới xây dựng môi trường đọc ngay tại cơ sở, phục vụ trực tiếp cho người sử dụng như: đem sách đến với người đọc thông qua mô hình xe ô tô thư viện lưu động của thư viện công cộng cấp tỉnh, mô hình thư viện xanh, thư viện lớp học, tủ sách phụ huynh trong cơ sở giáo dục; mô hình thư viện, phòng đọc, phòng Hồ Chí Minh cho cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang; mô hình tủ sách yêu thương, thư viện miễn phí, thư viện xã phục vụ cộng đồng... Các hoạt động phát triển văn hóa đọc hướng tới nhiều đối tượng người yếu thế như người khuyết tật, trẻ em - đặc biệt trẻ em mầm non… và tiếp tục ghi nhận sự đồng hành của các tổ chức, đoàn thể như người cao tuổi, đoàn thanh niên, cựu giáo chức, cộng đồng người dân tham gia quản lý, vận hành thư viện tại cơ sở.

Phát triển văn hóa đọc: Cộng đồng chung tay tạo sức lan tỏa - Ảnh 4.

Để văn hóa đọc phát triển bền vững, cần có sự đồng hành, chung tay của cộng đồng (ảnh minh họa)

Xây dựng và phát triển văn hóa đọc ngày càng trở thành nhiệm vụ cấp thiết, có ý nghĩa quan trọng trong sự nghiệp xây dựng văn hóa, phát triển con người Việt Nam. Tại Lễ tổng kết và trao Giải thưởng Phát triển văn hóa đọc lần thứ VI ngày 4/4 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy cho biết: Bối cảnh mới với sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin đã và đang làm thay đổi thói quen đọc sách, hình thành thói quen mới cho người đọc sách hiện đại. Chính vì thế, để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phát triển văn hóa đọc trong bối cảnh mới, các thư viện, nhà trường, cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân cần tiếp tục tăng cường đưa sách đến với công chúng thông qua hội sách, giới thiệu, triển lãm sách, tặng sách, tiết học đọc sách, gia đình đọc sách, phục vụ đọc sách bằng xe ô tô lưu động và nhiều hoạt động thiết thực khác...

"Cùng với phương thức truyền thống, các bên liên quan cần tiếp tục đổi mới hoạt động theo hướng quản trị tri thức, quản trị dữ liệu, tổ chức dịch vụ kết nối số đáp ứng nhu cầu tiếp cận, sử dụng thông tin của mọi người. Để văn hóa đọc phát triển bền vững, cần có sự đồng hành, chung tay của các tập thể, cá nhân để lan tỏa tình yêu với văn hóa đọc rộng rãi tới cộng đồng" – Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh./.

Thương Nguyễn

NỔI BẬT TRANG CHỦ