• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Phát triển văn hóa, xã hội và con người ở nước ta đã đạt nhiều thành tựu quan trọng

Thời sự 20/10/2023 19:10

(Tổ Quốc) - Ngày 20/10, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đã chủ trì cuộc làm việc giữa Đoàn khảo sát của Ban Chỉ đạo Tổng kết 40 năm Đổi mới với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình về các vấn đề phát triển văn hóa, xã hội và xây dựng con người.

Phát triển văn hóa, xã hội và con người ở nước ta đã đạt nhiều thành tựu quan trọng - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu tại cuộc làm việc

Không phát triển kinh tế bằng mọi giá mà hài hòa, bền vững giữa kinh tế và bảo tồn di sản thiên nhiên, di sản văn hóa

Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải khẳng định, xây dựng, phát triển văn hóa, xã hội và con người Việt Nam là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta. Phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, môi trường văn hóa, đời sống văn hóa phong phú, đa dạng, văn minh, lành mạnh; vừa phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc, vừa tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần, nguồn lực nội sinh và động lực đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.

Trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục khẳng định: Xây dựng và thực hiện chính sách xã hội phải luôn lấy con người làm trung tâm; coi đầu tư cho thực hiện các mục tiêu chính sách xã hội là đầu tư cho phát triển.

Phát triển văn hóa, xã hội và con người ở nước ta đã đạt nhiều thành tựu quan trọng, tuy nhiên cũng còn những khuyết điểm, hạn chế và đang phải đối mặt với những thách thức mới. Nhấn mạnh thực tế này, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, việc tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về phát triển văn hóa - xã hội và con người trong công cuộc đổi mới theo định hướng XHCN trong 40 năm qua ở Việt Nam là nhiệm vụ trực tiếp phục vụ cho việc xây dựng các Văn kiện Đại hội XIV của Đảng, nhằm làm sáng tỏ một số vấn đề lý luận và thực tiễn quan trọng, định hướng sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới; góp phần bổ sung, hoàn thiện lý luận của Đảng về đường lối đổi mới, lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, sau hơn 30 năm tái lập, Ninh Bình từng bước phát triển khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, trở thành tỉnh tự cân đối ngân sách và có nhiều thành quả trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an sinh, an toàn xã hội... Từ một tỉnh nghèo, đến nay đã dần vươn lên trở thành tỉnh khá của khu vực Đồng bằng sông Hồng. Nét đặc biệt trong quá trình phát triển của Ninh Bình những nhiệm kỳ gần đây, đó là sự nhất quán trong tư duy phát triển: Không phát triển kinh tế bằng mọi giá, mà hài hòa, bền vững giữa phát triển kinh tế và bảo tồn di sản thiên nhiên, di sản văn hóa, di tích lịch sử, giữ ổn định xã hội, lấy người dân làm trung tâm của phát triển. Phương châm "Sống trong di sản, bảo vệ di sản và hưởng lợi từ di sản" dần trở thành nhận thức của mỗi người dân.

Sự phát triển của Ninh Bình trong thời gian qua là sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố tĩnh và yếu tố động. Yếu tố tĩnh là phát triển dựa trên bảo tồn di sản văn hóa, lịch sử, di sản thiên nhiên, bảo vệ môi trường xã hội, bảo vệ cốt cách con người. Yếu tố động là sự năng động, sáng tạo, nỗ lực của cán bộ và nhân dân Ninh Bình để tìm những cách thức mới thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; tăng cường thu hút đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, hợp tác quốc tế trên nhiều lĩnh vực.

Gợi mở một số nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, phạm vi, nội dung tổng kết cần đánh giá, làm rõ sự phát triển nhận thức của Đảng bộ tỉnh về phát triển văn hóa, xã hội và xây dựng con người Việt Nam từ 1986 đến nay (tập trung vào 10 năm gần đây), bao gồm: nhận thức về phát triển văn hóa, xã hội và xây dựng con người Việt Nam qua các kỳ Đại hội và trong các Nghị quyết có liên quan; đánh giá sự phát triển về nhận thức, tư duy sáng tạo, đột phá của Đảng bộ tỉnh về xây dựng, hoàn thiện các chủ trương, cơ chế, chính sách giải quyết các vấn đề văn hóa - xã hội và xây dựng con người Việt Nam.

Đánh giá thực trạng việc thực hiện nhiệm phát triển văn hóa, xã hội và xây dựng con người Việt Nam trên địa bàn tỉnh, bao gồm: thành tựu, hạn chế, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm về xây dựng, hoàn thiện các chủ trương, cơ chế, chính sách, về những mô hình, điển hình tiên tiến, cách làm hay về phát triển văn hóa, xã hội và xây dựng con người Việt Nam. Dự báo bối cảnh mới, phương hướng, quan điểm, mục tiêu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và đề xuất, kiến nghị, định hướng giải pháp và khâu đột phá.

Thay đổi quan trọng trong việc xem văn hóa không chỉ là nền tảng tinh thần mà còn là nguồn lực cho phát triển

Báo cáo với Đoàn khảo sát, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Bình Mai Văn Tuất cho biết, Ninh Bình xác định phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội; con người là trung tâm, mục tiêu và độc lực phát triển.

Phát triển văn hóa, xã hội và con người ở nước ta đã đạt nhiều thành tựu quan trọng - Ảnh 2.

Quang cảnh cuộc làm việc. Ảnh: Báo Ninh bình

Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Ninh Bình thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, gắn kết hài hòa giữa giá trị truyền thống và các giá trị văn hóa hiện đại; mang đặc trưng của con người vùng đất Cố đô Hoa Lư thân thiện, hiền hòa, thanh lịch, mến khách.

Lấy bảo tồn phát huy giá trị văn hóa, lịch sử cùng truyền thống tốt đẹp của con người vùng đất cố đô và giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An làm nguồn lực và động lực phát triển, hướng tới trở thành trung tâm văn hóa, lịch sử, du lịch cấp quốc gia, mang giá trị toàn cầu. Nâng cao đời sống vật chất và hưởng thụ văn hóa cho nhân dân, thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng miền và các giai tầng trong xã hội.

Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Đoàn Minh Huấn khẳng định, tư tưởng phát triển của Ninh Bình hiện nay là đặt phát triển văn hóa, con người tổng thể trong kiến tạo và kiên định cơ cấu kinh tế hợp lý; kiên định và nhất quán về xây dựng nền kinh tế bảo đảm ổn định và phát triển; vừa phát triển tuần tự, vừa có đột phá, nhưng không phát triển nóng; vừa tạo nguồn thu cho ngân sách để tái đầu tư trở lại thực hiện phúc lợi văn hóa, xã hội, vừa có nguồn thu cho từng hộ gia đình để có thể bảo đảm an sinh.

Cơ cấu kinh tế của Ninh Bình lấy du lịch làm mũi nhọn, công nghiệp cơ khí, ô tô và các ngành công nghệ cao thân thiện môi trường làm động lực và nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế.

Một sự thay đổi quan trọng trong tư duy phát triển của Ninh Bình được Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, đó là chuyển từ xem “văn hóa là nền tảng tinh thần” sang tư tưởng “văn hóa không chỉ là nền tảng tinh thần mà còn là nguồn lực cho phát triển”.

Và, nguồn lực này trở thành động lực phát triển của tỉnh thông qua áp dụng cơ chế thị trường định hướng XHCN, tạo điều kiện cho lực lượng doanh nghiệp tham gia khai thác, kết nối chặt chẽ giữa Nhà nước - doanh nghiệp - cộng đồng dân cư để tạo ra giá trị gia tăng, đưa nhiều ngành nghề phát triển.

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá cao báo cáo của Ninh Bình khi bảo đảm cả cơ sở lý luận và cơ sở chính trị, đặc biệt đã nêu rõ sự thay đổi về tư duy phát triển của địa phương, cho thấy quá trình nhận thức ngày càng đầy đủ hơn của Đảng bộ, chính quyền địa phương. Cơ bản tán thành cao với nhiệm vụ xây dựng và phát triển Ninh Bình được Đảng bộ tỉnh xác định, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, tỉnh cần quan tâm phát triển các di sản văn hóa lớn trên địa bàn; làm văn hóa bằng tư duy dài hạn; thực hiện các công việc của địa phương với tư duy toàn quốc, tư duy tiến bộ trên thế giới.

(*) Huế xác định đến năm 2030 trở thành trung tâm lớn và đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch

Trước đó, vào ngày 18/10, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đã chủ trì cuộc làm việc giữa Đoàn khảo sát của Ban Chỉ đạo Tổng kết 40 năm Đổi mới với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế về các vấn đề phát triển văn hóa, xã hội và xây dựng con người.

Phát triển văn hóa, xã hội và con người ở nước ta đã đạt nhiều thành tựu quan trọng - Ảnh 3.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải làm việc tại Thừa Thiên Huế

Tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu nêu rõ, tỉnh Thừa Thiên Huế xác định mục tiêu đến năm 2030 là một trong những trung tâm lớn và đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu. Tầm nhìn đến năm 2045, Thừa Thiên Huế là thành phố Festival, trung tâm du lịch, văn hóa đặc sắc và y tế chuyên sâu của Châu Á.

Dó đó, tỉnh Thừa Thiên Huế đặt ra nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm gồm: tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, tạo sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động ở tất cả các cấp, các ngành, trong cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân về nhiệm vụ xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh.

Thừa Thiên Huế cũng đang đẩy mạnh hoàn thành quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ, hợp lý giữa bảo tồn và phát triển, giữa thành thị và nông thôn, phù hợp với đặc thù riêng có của Thừa Thiên Huế...

Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cơ bản tán thành cao với nhiệm vụ xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh, nhất là mô hình và phương thức phát triển riêng có của Thừa Thiên Huế./.


Bảo Trân

NỔI BẬT TRANG CHỦ