• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Phim chiếu trên internet “có quyền” không né tránh bạo lực, cảnh nóng?

Thời sự 01/06/2018 07:45

(Tổ Quốc) -Cùng một bộ phim về xã hội đen, cùng đạo diễn và dàn diễn viên, nhưng phiên bản chiếu trên truyền hình lại khác khi chiếu trên inernet với đậm đặc bạo lực cảnh nóng. Phải chăng đó là “đặc quyền” của phim chiếu trên internet?

 Gỡ bỏ rào cản cho phim khi chiếu trên internet

Hiệu ứng từ bộ phim “Người phán xử” đã bất ngờ mang lại quá nhiều “cái được”, và có lẽ ngoài dự tính ban đầu cho ê kíp bộ phim, từ đơn vị phát sóng, cơ hội nổi tiếng cho diễn viên, thù lao… Phải chăng vì thế mà tận dụng lợi thế này ê kíp đã kéo dài thêm 4 tập phim gắn thêm chữ “tiền truyện” hoặc “ngoại truyện” trong sự háo hức chờ đợi của người hâm mộ.

Tuy nhiên, 4 tập phim này chỉ được phát trên môi trường online, không phải trên sóng VTV. Và khi hai tập đầu của bộ phim phát sóng khiến khán giả giật mình vì vẫn diễn viên đó, nhân vật đó bỗng nhiên lại “khác” so với phần trước khi có nhiều hình ảnh nóng, bạo lực, những lời nói tục, chửi thề xuất hiện. Vậy nên đã có không ít ý kiến khán giả tỏ ra bất ngờ, khó chấp nhận những hình ảnh, lời thoại của bộ phim Người phán xử tiền truyện so với trước đó, thậm chí tuyên bố không xem.

4 tập phim của Người phán xử tiền truyện được ra đời khi bộ phim trước đó tạo hiệu ứng tốt. Ảnh: vtv.vn

Diễn viên Việt Anh từng trần tình về những phản hồi này rằng đây là bộ phim không dành cho trẻ em dưới 18 tuổi. Còn diễn viên Tùng Dương cho biết không đóng giang hồ thì thôi dẹp, còn đã đóng thì  phải đóng ra chất trên phiên bản phát online, không phổ cập trên sóng quốc gia.

Về phía đạo diễn bộ phim cũng cho biết muốn hướng khán giả tới những cái nhìn chân thật nhất, để mọi người tin được đây là một bộ phim gần sát với đời thực. Vị đạo diễn này còn đưa ra so sánh không ít bộ phim của điện ảnh nước ngoài cũng có những cảnh nóng, bạo lực… thậm chí mức độ còn cao hơn. Và lý do được ê kíp làm phim đưa ra như một “lá chắn” hữu hiệu trước những lời “phán xét” từ khán giả là phim không chiếu trên sóng quốc gia, phim chỉ chiếu ở internet và đã có cảnh báo giới hạn độ tuổi.

Những điều mà ê kíp của bộ phim nói ra không phải không có lý, và đây cũng là cuộc tranh luận từng nổ ra của giới văn chương khi các nhà văn cho rằng tác phẩm phải phản ánh chân thực cuộc sống của con người, không được né tránh… có như vậy thì nghệ thuật mới gần gũi, sống động, chân thực so với thực tế. Từ đây đặt ra câu hỏi, phải chăng một bộ phim hay một tác phẩm được đến với công chúng bằng con đường internet thì không có những rào cản, và không cần phải tiết chế?.

Nghệ sĩ phải tự kiếm duyệt sản phẩm khi đến với công chúng

Phải khẳng định, cách “kéo dài” một bộ phim ăn khách không phải là cách làm mới trong những năm qua. Nhưng sự khác biệt thấy rõ ở Người phán xử tiền truyện là bộ phim “làm thêm” được chiếu trên internet, không chiếu trên VTV. Vì thế có nhận định cho rằng, rất có thể những bộ phim khác sẽ làm theo cách này như một xu hướng tất yếu trong thời gian tới?.

Tạo hình nhân vật trong phim Người phán xử tiền truyện

Nghệ thuật sát với đời sống không phải lúc nào và trong trường hợp nào cũng là tốt và được hoan nghênh, mà nó là con dao hai lưỡi. Nó như một lằn ranh của người nghệ sĩ xiếc, nếu không tỉnh táo, mất thăng bằng, chỉ một phút lơ là là thất bại. Động chạm đến thế giới ngầm xã hội đen, đến sex là những đề tài vô cùng nhạy cảm đòi hỏi người nghệ sĩ phải làm chủ, biết cách tiết chế và khéo léo sao cho vừa bộc lộ được cái muốn diễn đạt, truyền tải để khán giả chấp nhận. Chấp nhận cả trong văn hóa, bối cảnh, con người, tâm lý… của vùng đất bản địa.

Cần phải thấy rằng sở dĩ bộ phim “Người phán xử” tạo được hiệu ứng như thời gian qua không phải bộ phim “chưa tới”, không phải bộ phim thiếu chân thật, chưa đúng với bản chất của thế giới giang hồ. Vì vậy cái mà khán giả chờ đợi để bộ phim có cớ kéo dài chưa hẳn đã là bạo lực và cảnh nóng thiếu tính chân thực.

Hơn thế, cũng có ý kiến cho rằng vẫn là bộ phim đó, vẫn ê kíp thực  hiện của VTV thì dù khi bộ phim chiếu ở đâu cũng không khác gì nhau, trách nhiệm hay vị thế của diễn viên, bộ phim không thay đổi.

Trước nay, trong suy nghĩ của nhiều người, rằng khi một tác phẩm điện ảnh nói riêng hoặc nghệ thuật nói chung được xuất hiện trên sóng quốc gia hay báo chí chính thống là ít nhiều đã qua “bộ lọc”, ít nhiều đã khiến khán giả yên tâm. Phải sòng phẳng thừa nhận rằng, môi trường internet rộng lớn, tạo cơ hội bình đằng cho mọi người, ai cũng có quyền đưa tác phẩm lên đó như một cách trung gian để đến được với công chúng. Nhưng mỗi người khi đưa bất cứ một sản phẩm nào lên đó cũng cần có trách nhiệm với cộng đồng. Và tất nhiên ranh giới để một sản phẩm được công nhận là tác phẩm nghệ thuật thì không phải ai cũng đạt được, không phải cái gì cũng được công chúng đón nhận và ghi nhận. 

Một cảnh trong phim

Câu hỏi được đặt ra là tại sao kể từ khi internet xuất hiện ở Việt Nam, các loại hình nghệ thuật được đua nhau khoe sắc nở rộ trên mạng internet, bớt đi những rào cản kiểm duyệt… nhưng tác phẩm thực sự có giá trị vẫn chưa nhiều?.

Môi trường internet bình đẳng với mọi người nhưng lại hoàn toàn khác với xuất phát điểm của mỗi người. Một người vô danh đưa sản phẩm lên internet khác với một người nổi tiếng, có tên tuổi, đã có công chúng, được nhà nước phong danh hiệu nghệ sĩ… Người nổi tiếng, có uy tín nghề nghiệp thì chỉ cần tên tuổi của họ cũng đủ để trở thành “dấu đảm bảo” cho các sản phẩm, thương hiệu. Một người vô danh tiểu tốt thì dù có ném một sản phẩm hay một câu nói vu vơ thì chẳng có gì đáng bàn. Nhưng một người nổi tiếng thì nhất cử nhất động đều bị đem ra soi xét từ chân tơ kẽ tóc. Nói như vậy để thấy một bộ phim như Người phán xử tiền truyện hay bộ phim khác được phát sóng trên internet thì những nghệ sĩ tên tuổi tham gia xây dựng bộ phim đó phải có trách nhiệm. Chính các nghệ sĩ với phông nền văn hóa, nghệ thuật cũng như tên tuổi, kinh nghiệm phải là người tự kiếm duyệt đầu tiên.

Vì vậy không quá khó hiểu phản ứng của khán giả khi tiếp nhận bộ phim trong vài ngày vừa qua lại trái chiều và đặt ra những câu hỏi cho nghệ sĩ đang và sẽ có ý định đưa sản phẩm đến công chúng thông qua mạng internet.

Một tác phẩm vượt qua được những định kiến, khiến người xem vẫn thấy được cái hay, cái tài của người nghệ sĩ, đôi khi chưa phải là những khung hình  mang lại ở thị giác, thính giác như một sự “mô phỏng”  mà còn ở cảm giác, cảm nhận không thể cân đong đo đếm rạch ròi nhưng lại ám ảnh mỗi người.

 

Nhị Xuân

NỔI BẬT TRANG CHỦ