(Toquoc)- “Phim nghệ thuật hay phim giải trí sẽ luôn song song tồn tại, khi có người làm phim giải trí thì cũng sẽ có người làm phim nghệ thuật”- đạo diễn Nguyễn Thanh Vân nhận định.
(Toquoc)- “Phim nghệ thuật hay phim giải trí sẽ luôn song song tồn tại, khi có người làm phim giải trí thì cũng sẽ có người làm phim nghệ thuật”- đạo diễn Nguyễn Thanh Vân nhận định.
Hơn một thập kỷ qua, điện ảnh Việt Nam thiếu vắng những bộ phim đỉnh cao và hai năm trở lại đây, cũng không có những bộ phim nghệ thuật được nhà nước đặt hàng, trong khi đó lại nở rộ những bộ phim kém chất lượng của các hãng phim tư nhân. Nhiều người đang lo ngại về sự đi xuống của nền điện ảnh Việt. Song những người trong nghề vẫn lạc quan cho rằng đây chỉ là giai đoạn quá độ. Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân- đạo diễn của nhiều bộ phim nổi tiếng như: Đời cát, Cây bạch đàn vô danh, Người đàn bà mộng du… đã chia sẻ với chúng tôi về những vấn đề này.
+ Thưa anh, gần đây, điện ảnh Việt đang thiếu vắng các tác phẩm nổi bật trong khi đó lại nở rộ những tác phẩm “thảm họa”. Nhiều ý kiến cho rằng điện ảnh Việt đang đi xuống. Anh có chia sẻ gì về điều này?
- Tính trong 10 năm trở lại đây, trên mặt bằng diện rộng thì điện ảnh không đi xuống nhưng tác phẩm có tính đỉnh cao cho một giai đoạn chưa xuất hiện. Còn quy mô, công nghệ, kỹ thuật điện ảnh tương đối tốt, các đề tài tương đối rộng, mặt bằng rộng nhưng để lại những tác phẩm đóng đinh cho cả giai đoạn thì chưa có.
Tuy nhiên, hai năm vừa qua, nhà nước không đầu tư sản xuất phim. Sự ngưng trệ này khiến các đầu phim nhà nước (thường là phim nghệ thuật) rất ít. Bên cạnh đó, sự ồn ào của các nhà làm phim tư nhân từ việc quảng cáo phim đến việc công bố doanh thu… tiền vé khiến nhiều người thấy phim nghệ thuật đang vắng bóng. Tuy vậy, đó là do thời kỳ quá độ, không chỉ từ xã hội mà chính xã hội tác động đến sự xác định con đường đi của các nhà làm phim. Mỗi nhà làm phim cứ lựa chọn con đường đi của mình thôi và phải đi đến cùng của con đường đó chứ không phải đi bên này rồi ngó bên kia.
"Vừa nghệ thuật vừa kiếm tiền, đó là điều ai cũng mong muốn. Nhưng trong lịch sử điện ảnh thế giới không nhiều tác phẩm làm được điều đó." - ĐD Nguyễn Thanh Vân
+ Anh có thể lý giải vì sao, giữa thời kỳ khó khăn trước đây, điện ảnh Việt Nam lại có những đỉnh cao, trong khi bây giờ kinh phí không phải là vấn đề quan trọng nhất nhưng chúng ta lại thiếu vắng những bộ phim hấp dẫn khán giả?
- Ngày trước, các phương tiện giải trí ít, đời sống người dân lúc đó rất khó khăn nên rất cần đời sống tinh thần, họ cũng không có nhiều sự lựa chọn. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là các phim ngày xưa, người làm phim và ý tưởng, tỏa sáng nhân văn cùng đồng điệu với đời sống tinh thần của người dân hơn là hiện nay. Hiện nay, giải mã cho đời sống tinh thần phù hợp với khát vọng, lý tưởng, đời sống tinh thần của người dân đang có xô lệch lớn. Bên cạnh đó, đương nhiên, còn là vấn đề tài năng nữa. Ngày trước, một số phim của những tác giả tài năng tồn tại với thời gian, còn hiện nay, tôi nghi ngờ điều đó.
Ngày trước, các nhà làm phim cũng có chung mục đích, lý tưởng rõ ràng, còn hiện nay có sự phân tâm giữa giải trí, kinh doanh, nghệ thuật, thậm chí là muốn vươn tới với khu vực bằng các LHP quốc tế… trong đội ngũ sáng tác. Trong thời điểm phân tán như vậy để tìm được tác phẩm lớn ngay lập tức thì rất là khó. Tuy nhiên, mỗi người hãy cứ lựa chọn con đường của mình và khi đi đến cuối con đường thì những tác phẩm sẽ ở lại.
+ Tuy nhiên ở nước ta lại tồn tại một thực tế rằng các nhà làm phim tư nhân làm phim giải trí thì thu bộn tiền còn những bộ phim nhà nước đầu tư lại không bán được vé. Có cách nào để vừa làm nghệ thuật, vừa thu được tiền không, thưa đạo diễn?
- Vừa nghệ thuật vừa kiếm tiền, đó là điều ai cũng mong muốn. Nhưng trong lịch sử điện ảnh thế giới không nhiều tác phẩm làm được điều đó. Ngoài ra đều có sự phân rẽ rõ ràng và ai lựa chọn con đường nào thì đi con đường đó thôi. Điều quan trọng là không phủ nhận nhau, cùng nhau tồn tại.
Bộ phim “Mỹ nhân kế” của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng là một trong những bộ phim giải trí Việt lập kỷ lục về doanh thu
Trong điều kiện này, không phải chỉ người làm phim nghệ thuật ở Việt Nam mới gặp khó khăn mà trên thế giới cũng vậy. Thậm chí thế giới còn khó hơn ta, họ còn bán nhà cửa, thiêu đốt chính cuộc sống của mình để đi theo con đường đó và tôi hy vọng, Việt Nam cũng sẽ có những con người như vậy, và từ đó sẽ có được những tác phẩm tốt.
+Thế nhưng, thực tế là chúng ta đang chứng kiến sự “bó gối” ngồi chờ của các nhà làm phim nhà nước?
- Điều này liên quan đến chính sự định hướng của nhà nước. Nhà nước có coi trọng sự tồn tại của các hãng phim nhà nước hay không. Cũng đến lúc các cấp quản lý ngồi nhìn lại và nghĩ xem, các hãng nhà nước với sự tồn tại như hiện nay, hoặc là phải thay đổi hoặc là không cần nó tồn tại, thì điều đó cũng phải có ý muốn rõ ràng, chứ không nên để cho thoi thóp.
Bao nhiêu năm nay, các hãng nhà nước sống trong bao cấp, nên giờ có xã hội hóa thì cũng phải có tiến trình đúng. Muốn đẩy nó ra thì phải trang bị cho nó có một hệ thống. Điều này chúng ta hoàn toàn có thể nghiên cứu trên thế giới để học tập mô hình. Một hãng phim phải có đầu ra, có hệ thống rạp, hệ thống nhà hàng khách sạn, cộng kinh doanh phim, là một tổ hợp liên đới với nhau thì mới tồn tại được, còn với một hãng không có rạp, không có đầu ra, làm phim xong phải đi xin xỏ chỗ bán thì nó không tồn tại được.
+ Ngoài sự “bất lực” do cơ chế thì anh có lo ngại nguồn nhân lực trong các hãng phim nhà nước hiện nay, phải chăng các hãng phim này đang thiếu những người tài?
- Thực ra hệ thống nhà nước hiện vẫn còn quản lý một đội ngũ tương đối tốt và còn được từ 5 đến 10 năm nữa. Nhưng sau đó thì tôi hoàn toàn nghi ngờ. Hệ thống đào tạo của chúng ta càng ngày càng dàn trải, hệ thống phát triển phải như hình kim tự tháp, phải có mũi nhọn, chiều sâu, còn cứ là khối chữ nhật như thế này thì đi rất chậm, rất mệt. Hình chóp sẽ đi nhanh và đi xa hơn nhiều. Hệ thống đào tạo của ta đang rộng nhưng thiếu đỉnh. Còn hệ thống chất lượng con người hiện nay vẫn còn niềm tin, hy vọng được.
+ Xin cám ơn đạo diễn!
Hà An (thực hiện)