Một bộ phim thu hút khán giả ngoài cốt truyện, âm nhạc, bối cảnh, góc quay... thì phục trang nhân vật cũng góp phần không nhỏ kéo khán giả ngồi lại để theo dõi những số phận, cuộc đời trên màn ảnh nhỏ.
Một bộ phim thu hút khán giả ngoài cốt truyện, âm nhạc, bối cảnh, góc quay... thì phục trang nhân vật cũng góp phần không nhỏ kéo khán giả ngồi lại để theo dõi những số phận, cuộc đời trên màn ảnh nhỏ.
Phục trang phim Hàn ăn khách
Vài năm trước, phim Hàn tạo nên một làn sóng trên truyền hình vì dàn diễn viên xinh như mộng diễn xuất tự nhiên và phục trang rất "sành điệu". Cho dù nhân vật nghèo khổ, thất nghiệp, ăn nhờ ở đậu thì vẫn thay đổi quần áo liên tục. Cả bộ phim như một sàn diễn thời trang sống động. Các hãng thời trang thi nhau tài trợ phần trang phục vì sau khi bộ phim trình chiếu là các fan đổ xô đi mua quần áo, túi xách phụ kiện... giống thần tượng.
Gần đây các nhà làm phim xứ kim chi chuyển hướng sản xuất phim cổ trang nên phần đầu tư trang phục càng được chú trọng. Gây chú ý nhất thời gian qua là phim Hoàng Cung, bộ phim giả định về một hoàng gia vẫn còn tồn tại ở thế kỷ 21 tại Hàn Quốc. Người xem ngất ngây trước hình ảnh cung điện xa hoa lộng lẫy với những nàng công chúa, chàng hoàng tử mặc trang phục cách điệu từ hanbok truyền thống có giá trị từ 1.000 đến 6.000 USD/bộ. Các diễn viên tâm sự khi mặc trên người những bộ trang phục quá đắt tiền này họ không dám chuyển động mạnh vì sợ làm hỏng. Thông thường khi phim kết thúc thì các công ty sẽ tặng trang phục cho diễn viên nhưng với bộ phim này không người nào dám nghĩ tới điều này.
Hiện nay, phục trang phim Việt cũng được chăm chút hơn nhờ tài trợ của các hãng thời trang như NEM (390 yêu), Nino Max (Dốc tình),... Khi phim Hương phù sa vừa ra mắt, nhiều người chê những cô gái miền Tây trên phim quá thời trang, mặc váy chèo xuồng thoăn thoắt. Sau đó người ta dần hiểu ra rằng không thể đóng khung giới trẻ nông thôn trong những chiếc áo bà ba, khăn rằn truyền thống. Các nhân vật trong phim là con cái gia đình khán giả, tính cách hiện đại. Hơn nữa cho dù mặc trang phục gì thì điều quan trọng là cốt truyện hấp dẫn, diễn viên thể hiện tốt thói quen, tính cách con người vùng đất này. Đến giờ Hương phù sa vẫn đang được chiếu lại thường xuyên trên các kênh truyền hình cho thấy sức hút mạnh mẽ của bộ phim được xem là "đối đầu" với phim Hàn.
Tuy nhiên, cũng phải nói thêm rằng không phải phim nào có diễn viên mặc quần áo đẹp cũng thành công. Như những phim của Lasta (Vòng xoáy tình yêu, Niềm đau chôn dấu, Ảo ảnh, Mộng phù du...) chiếu vào giờ vàng có hàng chục nhãn hiệu thời trang tài trợ, diễn viên quần áo lượt là thì vẫn bị khán giả đánh giá thấp vì nội dung nhàm chán, tình tiết vô lý, gượng gạo.
Cách tân quá đà
Trung Quốc vốn là quốc gia có thế mạnh về phim cổ trang. Mỗi triều đại, giai đoạn lịch sử có kiểu áo quần khác nhau. Ví dụ như thời nhà Hán trang phục chủ yếu là vải thô, màu sắc chủ đạo là nâu, đen; phụ nữ đời Đường mặc váy chít ngang ngực vào khoác áo choàng dài; đến đời Mãn Thanh đàn ông để tóc đuôi sam... Thời gian gần đây, để tạo dấu ấn riêng cho từng bộ phim một số nhà thiết kế trang phục đã "quá tay" khi thể hiện ý tưởng của mình. Trang phục diễn viên khá mát mẻ, khoé mắt điểm vài hạt lóng lánh, tóc tai xoăn tít đủ màu sắc, các đại hiệp mặc đồ da bó sát người trông như những tay đua xe hiện đại... Điều này gây phản cảm vì khán giả không hiểu họ đang xem phim ở thời đại nào.
Theo VTV