• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Phó Chủ tịch Hội đồng Thẩm định, Phân loại phim: Nói phân loại phim làm thất thu là vô căn cứ

Văn hoá 22/02/2017 08:52

(Tổ Quốc) - Việc phân loại phim là giúp khán giả dễ dàng chọn phim phù hợp với lứa tuổi, giúp các nhà sản xuất, phát hành định hướng sản xuất, phát hành phim. Cho rằng phân loại phim ảnh hưởng đến doanh thu là vô căn cứ.

Đây là khẳng định của ông Đỗ Duy Anh- Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh, Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định, phân loại phim quốc gia với Báo Điện tử Tổ Quốc.

Thời gian qua, một số báo chí thông tin cho rằng việc phân loại phim đã gây thất thu cho phim chiếu rạp. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với ông Đỗ Duy Anh để làm rõ hơn về vấn đề này.

+ Thưa ông, Thông tư về Phân loại phim đã có hiệu lực từ ngày 1/1/2017. Tuy nhiên, sau khi đi vào thực tế, một số dư luận cho rằng, việc phân loại phim đang “lỏng” với phim ngoại, “chặt” với phim nội, ảnh hưởng đến doanh thu. Ông có thể cho biết quan điểm của Hội đồng về vấn đề này?

- Việc phân loại phim được áp dụng từ ngày 1/1/2017 và đa số các nhà phát hành phim đều thực hiện đúng quy định, chưa thấy họ phản ánh khó khăn gì lớn. Dịp Tết Đinh Dậu vừa qua, lượng khán giả đến các rạp chiếu đông không kém gì các năm trước. Tình trạng “cháy vé” cũng không phải là hiếm. Phim nội có doanh thu cao nhất là các phim được cấp phép với phân loại phim C16, cụ thể là phim Nhà có 5 nàng tiên. Vì vậy, những người nói “dán nhãn C13 khiến phim nội thất thu” thực sự chỉ là bao biện.

Ông Đỗ Duy Anh: Đổ cho phân loại phim ảnh hưởng đến doanh thu là không có căn cứ (ảnh Hoàng Nguyên)

Việc thất thu của phim Việt trong dịp Tết vừa qua, nguyên nhân chính là do chất lượng phim còn yếu kém, chỉ được Hội đồng đánh giá chất lượng ở bậc I (bậc thấp nhất) theo quy chế thẩm định và phân loại phim (nghĩa là chỉ đạt từ 5-6 điểm trong thang điểm 10). Ngoài ra, doanh thu của một bộ phim phụ thuộc vào chất lượng, tính hấp dẫn của phim và việc tiếp thị, quảng bá của nhà phát hành. Nói như bà Đinh Thị Thanh Hương, Tổng Giám đốc của Công ty Galaxy, bản thân công ty có phim “Bạn gái tôi là sếp” bị dán nhãn C13 nhưng bộ phim vẫn có doanh thu tốt. Tôi nghĩ, yếu tố quyết định một bộ phim thành công là chất lượng của nó chứ không chỉ ở nhãn mác.

Như vậy, đổ cho phân loại phim ảnh hưởng đến doanh thu là không có căn cứ.

+ Trên thực tế, theo ông, việc phân loại phim đem lại lợi ích gì?

- Hầu hết các nước trên thế giới đều đã tiến hành phân loại phim từ rất lâu rồi và mỗi một nước có tiêu chí phân loại phim khác nhau. Ví dụ có nước phân loại phim đến 6 tuổi có nước đến 21 tuổi. Tuy nhiên, ở Việt Nam, sau khi nghiên cứu kinh nghiệm của tất cả các nước, căn cứ tình hình thực tế ở Việt Nam, chúng tôi đã phân loại phim thành các đối tượng như: P- Phổ biến rộng rãi mọi đối tượng; C13- cấm trẻ em dưới 13 tuổi; C16- cấm đối tượng dưới 16 tuổi; C18- cấm đối tượng dưới 18 tuổi.

Việc phân loại phim trên thế giới chưa bao giờ cho rằng làm ảnh hưởng đến doanh thu của phim. Ngược lại giúp khán giả được xem phim phù hợp với lứa tuổi, phụ huynh được cảnh báo để từ đó hướng dẫn con đi xem phim nào cho phù hợp, với nhà sản xuất cũng hướng họ để khi sản xuất sẽ phục vụ đối tượng nào, các nhà phát hành cũng vậy, khi nhập hoặc phát hành phim hướng đến đối tượng nào. Như vậy, phân loại phim khiến cho việc sản xuất, phát hành phim có thêm hiệu quả. Đấy là cái lợi của việc phân loại phim.

+ Trên thực tế, trước đây, khi chưa phân loại phim theo tiêu chí cụ thể như hiện nay, các nhà sản xuất, dư luận vẫn muốn phân loại phim?

- Đúng vậy. Trước khi thực hiện phân loại phim theo 4 mức độ như hiện nay, ở ta chỉ có 2 dạng là phim phổ biến rộng rãi và phim cấm khán giả dưới 16 tuổi. Khi thực hiện xây dựng Thông tư này, chúng tôi đã có nhiều hội thảo xin ý kiến các ban, ngành, các nhà sản xuất, phát hành… và đều nhận được sự ủng hộ. Trước khi Thông tư có hiệu lực từ 1/1/2017, chúng tôi cũng đã làm việc với nhà sản xuất phát hành trong TP HCM và Hà Nội và đều nhận được sự đồng thuận, thống nhất.

"Bạn gái tôi là sếp" dán nhãn C13 vẫn đạt kỷ lục phòng vé 

+ Dư luận cũng có nhiều ý kiến xung quanh việc “cắt” và phân loại phim. Ông có thể giải thích vì sao, đã thực hiện phân loại phim còn cắt phim?

- Quá trình thẩm định và phân loại phim là hai bước trong một quá trình trước khi phim được phát hành.

Bước thứ nhất là thẩm định phim. Việc thẩm định phim được quy định trong Luật Điện ảnh. Ngoài ra, khi chúng ta ký hiệp định WTO về Hiệp định nghe nhìn thì cả thế giới cũng đã đồng thuận việc khi phim vào Việt Nam phải qua khâu thẩm định của Bộ VHTTDL. Việc thẩm định đó tuân theo điều 11 của Luật Điện ảnh, quy định về những hành vi bị cấm trong hoạt động điện ảnh và Điều 9 của Nghị định 54 cũng giải thích thêm về những điều bị cấm trong hoạt động điện ảnh.

Thế nghĩa là, việc thẩm định phim là bắt buộc. Nếu như một bộ phim muốn phát hành tại Việt Nam phải thông qua thẩm định. Khi phát hành, các nhà sản xuất, phát hành phim đứng trước hai sự lựa chọn, một là phim đó không được phép phát hành vì vi phạm những điều cấm kỵ theo Luật Điện ảnh, hoặc là nếu muốn được phát hành, phải cắt bỏ những cảnh vi phạm các điều cấm đó.

Sau quá trình thẩm định, nếu không có cảnh nào bị cắt bỏ thì chúng tôi tiến hành phân loại phim. Còn nếu phim nào cần cắt bỏ thì chúng tôi yêu cầu nhà sản xuất, nhà phát hành cắt bỏ rồi mới tiến hành phân loại phim.

+ Vậy, có hay không việc Hội đồng nương nhẹ phim ngoại, nặng tay với phim nội trong quá trình thẩm định, phân loại phim, thưa ông?

- Tôi khẳng định là hoàn toàn không có. Hội đồng Thẩm định và phân loại phim quốc gia gồm 11 thành viên, trong đó có những nghệ sĩ điện ảnh, những nhà biên kịch tên tuổi. Chủ tịch Hội đồng là đạo diễn, nhà biên kịch, NSƯT Nguyễn Xuân Hưng; Phó Chủ tịch là nhà biên kịch, Phó Chủ tịch thường trực Hội Điện ảnh Nguyễn Thị Hồng Ngát; và tôi, Đỗ Duy Anh- Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh, Phó chủ tịch Hội đồng.

Ngoài ra các thành viên là các nhà phê bình, nhà làm phim, các cán bộ của Vụ Văn hóa văn nghệ (Ban Tuyên giáo Trung ương), Bộ Giáo dục Đào tạo, Ủy ban Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội… Đó là những người làm việc công tâm và có lòng tự trọng.

+ Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện!

Hoàng Nguyên (thực hiện)

 

Hoàng Nguyên

NỔI BẬT TRANG CHỦ