• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Phó Thủ tướng: Để ngân sách Nhà nước không ở vào tình thế “đã đâm lao phải theo lao”

Kinh tế 27/09/2017 05:27

(Tổ Quốc) - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ vừa có bài phát biểu tóm lược lại phiên thảo luận thứ hai về nhu cầu, thách thức và điều phối nguồn lực phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long vào cuối giờ chiều 26/9.

Tại phiên thảo luận này, nhiêu các nhà khoa học, chuyên gia đã sôi nổi bày tỏ ý kiến về cách thức huy động, điều phối nguồn lực phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá đây là những đóng góp sâu sắc, bao quát các vấn đề nguồn lực phát triển Vùng, được kế thừa, tổng hợp trong hàng chục năm qua.

Ảnh: VGP/Xuân Tuyến

Từ nghiên cứu của các nhà khoa học trong và ngoài nước, Phó Thủ tướng tóm lược việc giải quyết các vấn đề bền vững và thịnh vượng cho ĐBSCL là việc giải bài toán liên kết liên ngành, liên vùng trên cơ sở một Quy hoạch tổng thể có đầy đủ các yếu tố, lĩnh vực.

Phó Thủ tướng đồng tình với các nhà khoa học về việc rà soát lại quy hoạch tổng thể ngành và quy hoạch địa phương; đồng thời nêu 5 điểm cần hết sức lưu ý trong rà soát, bổ sung, điều chỉnh các quy hoạch.

Cụ thể, Phó Thủ tướng đề nghị Quy hoạch tổng thể ngành, địa phương phải đạt mục tiêu tiết kiệm, sử dụng hiệu quả cao nước ngọt và “chung sống” với nước mặn, nước lợ. “Ta quản lý xâm nhập mặn chứ không chống lại xâm nhập mặn vì  không cần thiết và không có khả năng chống lại”, Phó Thủ tướng nói.

Cùng với đó, khi thực hiện các giải pháp công trình để thích ứng với biến đổi khí hậu thì nảy sinh các yếu tố bất định. Do đó, Phó Thủ tướng nhấn mạnh trước khi làm một công trình thì phải tính toán lợi ích và các phí tổn của ba mặt: Kinh tế, xã hội và môi trường.

“Không phải cứ danh mục công trình nào đưa vào danh mục đầu tư “không hối tiếc” thì ta cứ răm rắp làm. Phải tiếp tục rà soát lại dựa trên ba tiêu chí đánh giá tác động trên, nếu đáp ứng được thì mới làm”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng cũng bày tỏ nước là vấn đề lớn nhất của đồng bằng. Quy hoạch sử dụng nước ở Vùng sẽ tác động tới kết quả sử dụng đất và tác động tới đa dạng sinh học. Vì thế, có quy hoạch sử dụng nguồn nước và sử dụng đất rồi thì vẫn phải tiếp tục rà soát lại. Trong quy hoạch tích hợp và quy hoạch tổng thể thì cần quy hoạch nông nghiệp chất lượng cao, sử dụng ít nước. Rà soát lại quy hoạch xây dựng và không gian phù hợp, dành không gian cho con người với sông và biển.

Về nguồn lực cho Vùng, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, không chỉ có nguồn lực tài chính mà còn có nguồn nhân lực và tài nguyên thiên nhiên của Vùng. Trong bối cảnh thiên nhiên biến đổi thì Vùng phải coi nước mặn, nước lợ cũng là một nguồn tài nguyên.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng nhìn nhận: “Các nguồn lực cho bền vững và thịnh vượng thì trước hết đến từ chính Đồng bằng, bằng cách chuyển hoá thách thức thành thời cơ và bắt đầu từ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, chú trọng giá trị kinh tế thay cho chú trọng sản lượng để từ đó có nguồn lực giải quyết các vấn đề khác” đồng thời tin tưởng: “Nhân lực và nguồn lực tại chỗ và ta có thể hoàn toàn làm được”.

Để huy động các nguồn lực trong điều kiện đầu tư công hạn hẹp, Phó Thủ tướng đề nghị phải huy động tổng thể các nguồn lực. Riêng đối với đầu tư công thì Chính phủ đã nhất trí ưu tiên đầu tư cho các “Dự án không hối tiếc” và các dự án giải pháp nền phi công trình cho giai đoạn 2021- 2025. Còn trong giai đoạn hiện nay, Chính phủ sẽ căn cơ dành thêm vốn đầu tư công cho Vùng.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng nhấn mạnh khuyến khích mạnh mẽ tư nhân tham gia đầu tư các dự án công trình ứng phó biến đổi khí hậu và các công trình “không hối tiếc” để không hối tiếc vì đầu tư các công trình này và để ngân sách nhà nước ở vào tình thế “đã đâm lao phải theo lao”.

Tại phiên thảo luận, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Ta phải là những người hành động để giải quyết khó khăn chứ không phải là những người mang lại khó khăn”. 

Từ thông điệp đó, khối tư nhân và cộng đồng dân cư vốn là những chủ thể năng động sẽ là lực lượng chủ yếu để thích ứng và giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu tại Vùng.

Cùng với đó, Chính phủ, các địa phương và tổ chức cần sử dụng tối đa nguồn lực trong nước và nước ngoài trong đó có cả cho điều tra tiềm năng và kế hoạch khai thác các nguồn năng lượng tái tạo để triển khai hiệu quả dựa trên bằng chứng khách quan và đáng tin cậy.

Đối với phân bổ nguồn lực thì xây dựng cơ chế gắn chặt với quản trị kể cả cho vùng, tiểu vùng và phạm vi quốc gia, có cơ chế huy động và phân bổ nguồn lực của đầu tư công và đầu tư của tư nhân để làm các công trình hạ tầng trên nền đất yếu./.

Hà Giang

 

 

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ