• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Phó Thủ tướng: Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá tốt đẹp vùng đồng bào dân tộc Chăm (Ninh Thuận)

Thời sự 27/02/2024 21:41

(Tổ Quốc) - Chiều 27/2, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã tiếp đoàn đại biểu chức sắc, chức việc, cốt cán tôn giáo (Hồi giáo Bàni, Hồi giáo Islam, Bàlamôn) vùng đồng bào Chăm tỉnh Ninh Thuận nhân dịp đoàn ra thăm Thủ đô Hà Nội.

Các giá trị văn hoá của đồng bào Chăm làm phong phú kho tàng văn hoá Việt Nam 

Tỉnh Ninh Thuận có dân số khoảng 600.000 người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 23% dân số toàn tỉnh, chủ yếu là dân tộc Chăm và Raglai. Đồng bào dân tộc Chăm ở Ninh Thuận có hơn 85.000 người, chủ yếu theo các tôn giáo: Bàlamôn, Hồi giáo (Bàni và Islam), sống chủ yếu tập trung ở đồng bằng, xen kẽ với các dân tộc anh em trong tỉnh.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Nguyễn Long Biên, đời sống của đồng bào Chăm ngày càng được nâng cao. Tại các địa bàn có đồng bào Chăm sinh sống, 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã, 100% vùng đồng bào Chăm được sử dụng điện, có trạm y tế, nhà văn hoá xã, trường học; phần lớn các xã có đồng bào Chăm sinh sống đạt chuẩn nông thôn mới.

Phó Thủ tướng: Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá tốt đẹp vùng đồng bào dân tộc Chăm (Ninh Thuận) - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang tiếp đoàn các tổ chức tôn giáo vùng đồng bào dân tộc Chăm (Ninh Thuận)

Mức thu nhập bình quân của đồng bào Chăm ước đạt khoảng 64 triệu đồng, cao hơn mức bình quân chung của toàn tỉnh. Tỉ lệ hộ nghèo chiếm 2,29% tổng số hộ đồng bào Chăm, thấp hơn so với tỉ lệ hộ nghèo của toàn tỉnh là 4,21%.

Đồng bào Chăm tại địa phương đoàn kết, luôn tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; sống "tốt đời, đẹp đạo", giữ gìn và phát huy truyền thống văn hoá phong phú, đa dạng, góp phần làm giàu kho tàng văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam.

Các giá trị văn hoá, lễ hội của đồng bào Chăm được nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn và phát huy, đáp ứng nhu cầu tinh thần, tình cảm của đồng bào Chăm và làm phong phú kho tàng văn hoá Việt Nam như dân ca Chăm, các nhạc cụ cổ truyền, các lễ hội Katê, Tết Ramưwan…

Ba tổ chức tôn giáo trong vùng đồng bào Chăm tỉnh Ninh Thuận điều hành tốt việc tổ chức và hoạt động tôn giáo theo Hiến chương và quy định của pháp luật; làm cầu nối giữa chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo trong vùng đồng bào Chăm với các cấp uỷ Đảng, chính quyền và Mặt trận Tổ quốc tỉnh.

Chức sắc, chức việc các tôn giáo là những người có uy tín và đức độ trong cộng đồng, làm nòng cốt trong việc vận động chức sắc, chức việc, tín đồ thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như hưởng ứng tham gia, thực hiện các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương.

Tại tỉnh Ninh Thuận, đồng bào Chăm Bàlamôn có khoảng trên 50.000 người, 180 chức sắc, 20 cơ sở thờ tự. Cộng đồng Chăm Hồi giáo Bàni có trên 30.000 người, có khoảng 100 chức sắc, 7 cơ sở thờ tự. Còn cộng đồng Hồi giáo Islam có 3.057 người.

Tích cực quảng bá về hình ảnh, đất nước con người, văn hoá Việt Nam thông qua các hoạt động, diễn đàn tôn giáo thế giới

Phát biểu tại buổi tiếp, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang gửi lời chào trân trọng, lời thăm hỏi thân tình và lời chúc tốt đẹp nhất đến các thành viên trong đoàn cùng toàn thể đồng bào Chăm trong tỉnh Ninh Thuận.

Phó Thủ tướng khẳng định đồng bào Chăm ở Ninh Thuận là một bộ phận không thể tách rời trong khối đại đoàn kết dân tộc, với ngôn ngữ, phong tục, tập quán, bản sắc văn hoá, tín ngưỡng, tôn giáo đặc trưng, đã góp phần quan trọng làm nên sự đa dạng văn hoá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Phó Thủ tướng: Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá tốt đẹp vùng đồng bào dân tộc Chăm (Ninh Thuận) - Ảnh 2.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang và đoàn đại biểu chức sắc, chức việc, cốt cán tôn giáo (Hồi giáo Bàni, Hồi giáo Islam, Bàlamôn) vùng đồng bào Chăm tỉnh Ninh Thuận.

Phó Thủ tướng đánh giá cao hoạt động tôn giáo, chức sắc, chức việc và bà con tín đồ tôn giáo ở vùng đồng bào dân tộc Chăm đã tuân thủ pháp luật; có tinh thần đoàn kết, tích cực tham gia chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình giảm nghèo bền vững, cùng chung tay bảo vệ môi trường, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc, bảo đảm an ninh trật tự, sống "tốt đời, đẹp đạo".

Phó Thủ tướng mong muốn các thành viên trong đoàn, với trách nhiệm và uy tín của mình, tiếp tục vận động chức sắc, chức việc, tín đồ thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá tốt đẹp, đồng thời lan toả những giá trị đạo đức tôn giáo, tinh thần nhân văn, nhân ái trong cộng đồng…, góp phần chung tay xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc.

Phó Thủ tướng cũng bày tỏ mong muốn, thông qua các hoạt động, diễn đàn tôn giáo thế giới, các tổ chức tôn giáo nói chung và các tổ chức tôn giáo của đồng bào Chăm ở tỉnh Ninh Thuận nói riêng tích cực quảng bá về hình ảnh, đất nước con người, văn hoá Việt Nam, cũng như về chủ trương tôn trọng và bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng và Nhà nước Việt Nam.

Đăng Nguyên

NỔI BẬT TRANG CHỦ