• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Phó Thủ tướng: Nguồn lực đầu tư cho văn hóa từng bước được khơi thông

Thời sự 06/11/2023 11:46

(Tổ Quốc) - Sáng 6/11, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã trình bày Báo cáo về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến kỳ họp thứ 4.

Phó Thủ tướng: Nguồn lực đầu tư cho văn hóa từng bước được khơi thông - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã trình bày báo cáo.

Đầu tư 6 dự án giao thông trọng điểm quốc gia với tổng vốn đầu tư gần 400.000 tỷ đồng

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, về các lĩnh vực kế hoạch và đầu tư; tài chính; ngân hàng, thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, các giải pháp về công tác quy hoạch, đầu tư, tài chính, tiền tệ, tín dụng và đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Đối với các lĩnh vực: tư pháp; nội vụ; an ninh, trật tự, an toàn xã hội; thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xác định rõ nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật và tổ chức thi hành là một nhiệm vụ trọng tâm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo kịp thời thể chế hóa những chủ trương, định hướng chính sách, Nghị quyết của Đảng, Quốc hội; chú trọng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn trong phát triển KTXH, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp.

Đối với lĩnh vực: Công thương, nông nghiệp và phát triển nông thôn; giao thông vận tải; xây dựng; tài nguyên và môi trường, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tập trung hoàn thiện, ban hành Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia và Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia (Quy hoạch Điện VIII) và đang tập trung hoàn thiện Kế hoạch thực hiện; kịp thời triển khai các giải pháp bảo đảm cung ứng điện và an ninh năng lượng quốc gia; hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về các đập, hồ chứa thủy điện.

Phát triển mạnh thị trường trong nước gắn với mở rộng, đa dạng hóa thị trường quốc tế, nâng cao chất lượng sản phẩm, khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết; đồng thời đẩy mạnh đàm phán, ký kết các FTA mới; hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực, tham gia đầu tư vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Chính phủ đã trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư 6 dự án giao thông trọng điểm quốc gia với tổng vốn đầu tư gần 400.000 tỷ đồng; đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, hoàn thiện thủ tục khởi công toàn bộ các dự án được Quốc hội thông qua; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công các dự án giao thông; xây dựng quy chuẩn thiết kế đường bộ cao tốc.

Từ năm 2021 đến nay, đã hoàn thành, đưa vào sử dụng 659 km đường bộ cao tốc, nâng tổng chiều dài đưa vào khai thác là 1.822 km; phấn đấu đến hết năm 2025 hoàn thành và vượt mục tiêu 3.000 km đường cao tốc theo Nghị quyết Đại hội XIII.

Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, hoàn thiện nhân cách con người Việt Nam được cả xã hội quan tâm

Về các lĩnh vực: Khoa học và công nghệ; giáo dục và đào tạo; văn hóa, thể thao và du lịch; y tế; lao động - thương binh và xã hội; thông tin và truyền thông, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo sửa đổi đồng bộ cơ chế quản lý, tài chính, phương thức đầu tư, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển thị trường khoa học công nghệ, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam xếp hạng 46/132, tăng 2 bậc so với năm 2022.

Hoàn thiện hành lang pháp lý thực hiện đổi mới, phát triển giáo dục và đào tạo; triển khai hiệu quả Chương trình Giáo dục phổ thông 2018; chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học. Kịp thời ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, các cơ sở giáo dục ngoài công lập gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Đẩy mạnh triển khai hiệu quả cơ chế tự chủ đại học nhưng phải xử lý các vấn đề về đất đai; tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học; hỗ trợ khởi nghiệp cho học sinh sinh viên. Ưu tiên đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Phó Thủ tướng cho biết thêm, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, hoàn thiện nhân cách con người Việt Nam được cả xã hội quan tâm. Nguồn lực đầu tư cho văn hóa từng bước được khơi thông; di sản văn hóa tiếp tục được bảo tồn và phát huy giá trị. Phong trào thể thao quần chúng được thúc đẩy mạnh mẽ; thể thao thành tích cao đạt nhiều kết quả tích cực.

Du lịch từng bước phục hồi sau đại dịch COVID-19; nhiều lễ hội truyền thống, chương trình văn hóa nghệ thuật được tổ chức thành công với hình thức đa dạng, nội dung phong phú, hấp dẫn, góp phần lan tỏa những giá trị tốt đẹp và đáp ứng nhu cầu thụ hưởng của nhân dân.

Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng, đặc biệt là đã kiểm soát hiệu quả đại dịch COVID-19. Tăng cường đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế; chất lượng khám, chữa bệnh từng bước được cải thiện, ứng dụng nhiều kỹ thuật hiện đại. Hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở được củng cố, từng bước giảm tải các bệnh viện tuyến trung ương, tuyến cuối. Cơ bản hoàn thiện cơ chế quản lý về an toàn thực phẩm.

Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách người có công, bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp; đời sống nhân dân được cải thiện tốt hơn. Tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm còn 2,93%.

Công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em, giáo dục thanh, thiếu niên, chăm lo và phát huy vai trò người cao tuổi, bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ... được quan tâm. Chỉ số hạnh phúc của Việt Nam năm 2023 tăng 12 bậc, từ vị trí 77 lên vị trí 65.

Kết nối cung cầu lao động được tăng cường; kịp thời hỗ trợ người lao động bị mất việc, giảm giờ làm; tỉ lệ thất nghiệp khu vực thành thị năm 2023 ước khoảng 2,76% (chỉ tiêu Quốc hội giao là dưới 4%).

Triển khai cung cấp dịch vụ viễn thông di động tại các thôn/bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, khu vực biên giới, hải đảo. Năm 2023 phấn đấu hoàn thành mục tiêu 100% xã có điều kiện KTXH đặc biệt khó khăn, xã đảo, huyện đảo có đài truyền thanh hoạt động. Đã cơ bản hoàn thành sắp xếp các cơ quan báo chí theo quy hoạch; kịp thời chấn chỉnh, xử lý tình trạng "báo hoá" tạp chí, biểu hiện "tư nhân hoá" báo chí.

Phát triển văn hóa còn chậm so với phát triển kinh tế

Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, các lĩnh vực này vẫn còn những hạn chế, tồn tại, khó khăn đúng như các vị đại biểu Quốc hội đã nêu như: Đầu tư cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo còn khiêm tốn; chất lượng giáo dục đào tạo, dạy nghề có mặt còn hạn chế.

Cùng với đó là tình trạng thừa thiếu cục bộ giáo viên mầm non, phổ thông vẫn chưa được giải quyết dứt điểm; cải cách sách giáo khoa chưa đáp ứng yêu cầu.

"Phát triển văn hóa còn chậm so với phát triển kinh tế; phát triển công nghiệp văn hoá, du lịch chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế" - Phó Thủ tướng nêu rõ.

Tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế cục bộ chưa được khắc phục triệt để; chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh ở tuyến cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu; chưa xử lý dứt điểm các dự án bệnh viện chậm tiến độ.

Số người lao động mất việc làm, giảm giờ làm, rút bảo hiểm xã hội một lần gia tăng cục bộ; lao động khu vực phi chính thức còn lớn; tỉ lệ thất nghiệp trong thanh niên còn cao./.

Thế Công - Xuân Trường

NỔI BẬT TRANG CHỦ