• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lý giải việc bệnh nhân vượt tuyến để điều trị bệnh

Thời sự 12/10/2018 00:15

Chiều nay, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tới kiểm tra tình hình điều trị các bệnh truyền nhiễm ở bệnh viện Nhi đồng 1 và làm việc về đổi mới cơ chế tự chủ tài chính ở bệnh viện Nhân dân 115 (TP HCM).

Cần chủ động phòng chống dịch bệnh

Báo cáo với Phó Thủ tướng, PGS TS Nguyễn Thanh Hùng – Giám đốc bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, là một trong ba bệnh viện nhi tuyến cuối ở khu vực phía Nam nên thời gian qua BV cấp cứu, chữa trị cho hàng ngàn trẻ mắc bệnh truyền nhiễm (tay chân miệng, sởi, sốt xuất huyết), trong đó 66% bệnh nhi tới từ các tỉnh.

Cao điểm nhất là vào ngày 1/10, BV khám cho 8.380 trẻ (TP.HCM là 4426, các tỉnh 3.954), số nhập viện là 2.027 trong đó có 590 ca nặng cần chăm sóc cấp 1, thở máy.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lý giải việc bệnh nhân vượt tuyến để điều trị bệnh - Ảnh 1.

Căn tin cũ của BV được cải tạo thành 3 phòng bệnh cho trẻ bị tay chân miệng điều trị

Với bệnh tay chân miệng, 9 tháng đầu năm, BV thăm khám cho 21.899 và có 2.180 ca nhập viện, trong đó có 1 bệnh nhi ở tỉnh Đồng Nai tử vong. Các tỉnh có trẻ nhập viện cao là Tây Ninh, Tiền Giang, Long An, Đồng Nai, An Giang, Đồng Tháp, Bình Dương…

Với bệnh sởi, năm 2017, BV không ghi nhận trường hợp nhập viện, nhưng 2018, đến ngày 10/10 có 106 ca sốt phát ban nghi sởi nhập viện (48 ca chẩn đoán xác định sởi).

"Có ca sởi khởi phát ở khoa tim mạch, đây là những trái tim bẩm sinh chưa được phòng sởi, nguy cơ lây lan rất cao. Bệnh viện đã tập trung toàn lực, phân loại điều trị, kiểm soát nhiễm khuẩn và trong 2-3 ngày khống chế được dịch sởi ở khoa tim mạch" – BS Hùng nói.

Tình hình sốt xuất huyết diễn biến không quá bất thường. Trong năm 2017 có 4 ca tử vong, thì 9 tháng đầu năm 2018, có 2 cháu tử vong, quê ở An Giang và quận 12. Hai bé này nhập viện đã rất nặng, suy đa cơ quan, dù bác sĩ cố gắng cấp cứu nhưng không được.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lý giải việc bệnh nhân vượt tuyến để điều trị bệnh - Ảnh 2.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thăm bệnh nhi bị bệnh tay chân miệng

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của đội ngũ y bác sĩ ở TP.HCM và bệnh viện Nhi đồng 1 đã tích cực cứu chữa cho các bệnh nhi.

Theo Phó Thủ tướng, việc gia đình ở các tỉnh đưa bệnh nhi vượt tuyến để điều trị là điều khó tránh khỏi.

"Khi có người thân bị ốm, nhất là các cháu nhỏ, gia đình nào cũng muốn tìm tới nơi có cơ sở y tế tốt nhất để điều trị, nên việc đưa lên tuyến trên, đưa lên TP.HCM là lẽ tất yếu. Họ đã đưa lên đây rồi thì làm sao mình từ chối được" – Phó Thủ tướng nhận định và mong muốn các y bác sĩ cố gắng hơn nữa để cứu chữa bệnh nhi.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu lãnh đạo địa phương, ngành y tế tích cực tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch bệnh trong cộng đồng ngay từ khi chưa có dịch bệnh bùng phát rộng.

Đẩy mạnh cơ chế tự chủ tài chính của các bệnh viện

Ngay sau khi rời bệnh viện Nhi đồng 1, Phó Thủ tướng cùng đoàn công tác tới bệnh viện Nhân dân 115 làm việc về đổi mới cơ chế tự chủ tài chính.

Giám đốc bệnh viện Nhân dân 115 Phan Văn Báu, cho biết BV có 1.600 giường nhưng thực tế số lượng bệnh nhân nội trú luôn trên 2.000. Mỗi ngày có 2.800 – 3.000 lượt khám chữa bệnh. Số bệnh nhân cấp cứu dao động từ 250 - 350/ngày.

Theo BS Báu, bệnh viện đã tự chủ chi thường xuyên, nguồn thu hoàn toàn từ bảo hiểm y tế và dịch vụ, trong khi đó giá dịch vụ y tế hiện vẫn chưa kết cấu đủ 7 yếu tố cấu thành, lương cơ sở liên tục tăng khiến bệnh viện không thể trang trải mọi hoạt động của bệnh viện.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lý giải việc bệnh nhân vượt tuyến để điều trị bệnh - Ảnh 3.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm việc ở BV Nhân dân 115

"Đau đầu nhất là làm sao phải cải cách tiền lương, đưa tiền của cán bộ nhân viên gần tiệm cận với các bệnh viện tư nhân để tránh chảy máu chất xám" - bác sỹ Báu cho biết.

BV Nhân dân 115 kiến nghị cho phép bệnh viện được thí điểm hoạt động theo mô hình doanh nghiệp nhằm xây dựng bệnh viện hiện đại hơn, có điều kiện phát triển chuyên khoa sâu, xứng tầm quốc tế, tham gia vào cung cấp dịch vụ y tế quốc tế, góp phần đóng góp GDP quốc gia.

Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết, bộ đang xây dựng quy định về tự chủ tài chính cho các bệnh viện trên toàn quốc, hiện đang triển khai lấy ý kiến thêm tại một số địa phương.

Bộ Y tế  đang thí điểm tự chủ tài chính chi thường xuyên và chi đầu tư tại 4 bệnh viện tuyến cuối trực thuộc bộ là bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện K và vệnh viện E.

Sau khi nghe ý kiến từ lãnh đạo BV Nhân dân 115 và đại diện Bộ y tế, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết cơ chế tự chủ đối với các bệnh viện, nhất là các bệnh viện tuyến cuối hiện rất cần thiết nhưng quá trình thực hiện còn rất chậm, phần lớn là do chính sách chưa theo kịp.

Phó Thủ tướng đồng ý với việc cần có một quy định chung cho các cơ sở y tế trong cả nước về tự chủ tài chính nhưng các bệnh tuyến cuối cũng cần có những cơ chế tự chủ riêng, đặc thù để phát triển.

Việc hỗ trợ ngân sách chỉ nên để dành cho các cơ sở y tế tuyến dưới, cho dự phòng còn nơi nào phát triển được thì cần tạo điều kiện để họ phát triển để làm sao một mặt phục vụ được người dân tốt hơn, mặt khác có thể đẩy chất lượng chuyên môn lên cao.

"Trong khi hàng năm người Việt chi hàng tỷ USD để đi nước ngoài chữa bệnh thì tại sao chúng ta không giữ lại để điều trị trong nước? Tại sao chúng ta không nghĩ đến việc thu hút người cả người bệnh nước ngoài đến Việt Nam để điều trị? Nếu các bệnh viện được tự chủ thì chắc chắn sẽ tháo gỡ được vấn đề này" - Phó Thủ tướng nhận định.

Đức Duy

NỔI BẬT TRANG CHỦ