• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Chính phủ kiên định mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020

Thời sự 30/12/2019 12:41

(Tổ Quốc) - Sáng 30/12, tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương đang diễn ra tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã báo cáo tóm tắt một số nội dung chính của dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội (KTXH) và Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2020 (Nghị quyết 01/NQ-CP).

Phấn đấu có 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020

Theo đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu rõ năm 2020 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, Chính phủ mong muốn lan tỏa tinh thần khẩn trương, quyết liệt, trách nhiệm, hành động đến các cấp, các ngành, các địa phương trong cả nước để hoàn thành thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của năm 2020 và của giai đoạn 2016-2020 và xác định phương châm hành động của năm 2020 là "Kỷ cương, liêm chính, hành động, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả" với 10 giải pháp đột phá khắc phục các vướng mắc hiện nay.

Cụ thể, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết Chính phủ thống nhất 10 nhóm giải pháp chủ yếu (được cụ thể thành 138 nhiệm vụ cho từng bộ, ngành).

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Phấn đấu có 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ. Ảnh: Chính phủ

Thứ nhất là tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng đồng bộ, hiện đại, hội nhập, bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu đổi mới sáng tạo và phát triển; tổ chức thi hành pháp luật nghiêm minh.

Thứ hai, củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, tạo nền tảng cho phát triển nhanh và bền vững, trong đó có việc nâng cao hiệu quả quản lý nợ công, thanh toán nợ đúng hạn, không để ảnh hưởng đến xếp hạng tín nhiệm của quốc gia, cải thiện triển vọng tín nhiệm quốc gia trong năm 2020.

Thứ ba, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh một cách thực chất, hiệu quả hơn. Trong đó, hoàn thiện và phê duyệt phương án xử lý ngân hàng mua bắt buộc. Ban hành khuôn khổ thể chế quản lý thử nghiệm (sandbox) đối với hoạt động công nghệ tài chính (fintech) trong hoạt động ngân hàng, thanh toán không dùng tiền mặt. Có kế hoạch nâng xếp hạng môi trường kinh doanh tăng 10 bậc, công bố sách trắng doanh nghiệp. Khuyến khích phát triển và tham gia của khu vực tư nhân trong đầu tư, xây dựng các dự án lớn. Phấn đấu có 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020.

Thứ tư, huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đẩy mạnh xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, phát huy vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn.

Thứ năm, tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với đổi mới sáng tạo và phát triển, ứng dụng KHCN hiện đại, đáp ứng nhu cầu thị trường với số lượng, cơ cấu ngành, nghề hợp lý, có cơ chế phù hợp thu hút, trọng dụng nhân tài.

Thứ sáu, chú trọng phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và nâng cao chất lượng đời sống nhân dân: Thực hiện hiệu quả, minh bạch chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Phấn đấu đến hết năm 2020 không còn hộ nghèo có thành viên thuộc đối tượng người có công với cách mạng.

Thứ bảy, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai; tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Thứ tám, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, đẩy mạnh cải cách hành chính, thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và quyết liệt đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Thứ chín, củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh, kết hợp chặt chẽ, hiệu quả nhiệm vụ quốc phòng, an ninh với phát triển KTXH, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Cuối cùng là đẩy mạnh công tác thông tin, báo chí, truyền thông, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, Ủy ban MTTQ, đoàn thể các cấp.

Ngoài ra, các chỉ đạo trọng tâm của Chính phủ nhằm tiếp tục hoàn thành và hướng tới hoàn thành vượt mức yêu cầu của Quốc hội giao cho Chính phủ trong năm 2020 mà trước hết là 2 chỉ tiêu: Tốc tăng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 8% (Quốc hội giao tăng khoảng 7%) và tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu là dưới 2% (Quốc hội giao dưới 3%). 

10 chỉ tiêu còn lại được xác định là tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,8%, lạm phát chỉ tăng dưới 4%, tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội so GDP là 33- 34%, tỷ lệ giảm nghèo từ 1- 1,5%, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%, tỷ lệ lao động qua đào tạo là 65%, Số giường bệnh trên 1 vạn dân (không tính giường trạm y tế xã) là 28, tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế là 90,7%, tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường là 90% và tỷ lệ che phủ rừng là 42%.

Vẫn còn tình trạng trì trệ, né tránh, đẩy trách nhiệm lên Chính phủ, Thủ tướng

Trước đó, theo báo cáo của Chính phủ, bên cạnh nhiều điểm sáng đã đạt được trong năm 2019, Chính phủ cũng chỉ ra những mặt còn tồn tại.

Đó là, có những công việc thuộc trách nhiệm, thẩm quyền nhưng thiếu quyết liệt, có nơi còn trì trệ, né tránh, thậm chí đẩy trách nhiệm lên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Trách nhiệm của một số bộ, ngành trong xử lý công việc chung chưa cao, phối hợp chưa thực sự trách nhiệm. Bộ chủ trì tham mưu đề xuất không rõ chính kiến, đơn vị phối hợp chậm trả lời, ý kiến chung chung, không rõ quan điểm ngay cả với vấn đề trực tiếp liên quan, gây ảnh hưởng đến tiến độ xử lý công việc chung của Chính phủ, nhất là việc mang tính chất liên ngành.

Nhiều địa phương nổi lên như điểm sáng, nhưng còn có nơi trì trệ, vẫn mang tư tưởng trông chờ, thiếu tính chủ động trong tìm hướng đi mới, chậm phản ứng với những vấn đề phát sinh.

Tổ chức bộ máy một số cơ quan chưa hiệu quả, cơ cấu tổ chức cồng kềnh sinh ra tầng nấc, chồng chéo trong giải quyết công việc. Vẫn có tình trạng gây phiền hà, sách nhiễu trong xử lý công việc của doanh nghiệp và công dân.

Tồn tại trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội đã được chỉ ra, bên cạnh nguyên nhân khách quan, có trách nhiệm của các cơ quan liên quan chưa đổi mới, dám nghĩ, dám làm, chưa thực sự quyết liệt hành động, nhất là trách nhiệm, vai trò người đứng đầu.

Năm 2020, Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành cần bám sát phương châm hành động, nhiệm vụ, giải pháp nêu tại các Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ; đề cao trách nhiệm cá nhân người đứng đầu, trực tiếp chịu trách nhiệm về những chỉ tiêu nhiệm vụ thuộc ngành, lĩnh vực, địa bàn.

Từng bộ, ngành, địa phương xác định rõ những việc trọng tâm phải làm; lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phải quyết liệt, cụ thể, rõ trách nhiệm, không phong trào hình thức, phải minh chứng bằng kết quả thực chất.

Đặc biệt, Chính phủ yêu cầu cần chú trọng khâu tổ chức thực hiện, nói đi đôi với làm, chuyển động toàn hệ thống để chính sách đi vào thực tiễn đời sống xã hội.

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực thi công vụ; cắt bỏ các thủ tục hành chính gây cản trở; đơn giản hóa quy trình xử lý công việc với tinh thần đột phá; xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Phân cấp mạnh mẽ, tăng sự chủ động, giao quyền gắn với trách nhiệm trong quản lý, điều hành. Gắn việc chỉ đạo, triển khai với công tác đôn đốc, kiểm tra; kiên quyết xử lý tình trạng trì trệ, thiếu trách nhiệm.../.


Thái Linh

Từ khóa:

NỔI BẬT TRANG CHỦ