• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Phú Thọ hội thảo tư vấn, phản biện Đề án trùng tu, tôn tạo, phát huy các di tích lịch sử, văn hóa

Văn hoá 24/08/2023 13:53

(Tổ Quốc) - Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật tỉnh Phú Thọ tổ chức Hội thảo tư vấn, phản biện Đề án trùng tu, tôn tạo, phát huy các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2030.

Ngày 23/8, Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật tỉnh tổ chức Hội thảo tư vấn, phản biện Đề án trùng tu, tôn tạo, phát huy các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2030.

Phú Thọ hội thảo tư vấn, phản biện Đề án trùng tu, tôn tạo, phát huy các di tích lịch sử, văn hóa - Ảnh 1.

Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT Hồ Đình Lưỡng phát biểu tại Hội thảo.

Theo số liệu rà soát, kiểm kê năm 2023, Phú Thọ có 967 di tích, phế tích; trong đó có 324 di tích lịch sử - văn hóa được Nhà nước xếp hạng (Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng; 73 di tích quốc gia và 250 di tích cấp tỉnh); 345 di tích thờ Hùng Vương và các nhân vật thời Hùng Vương; 30 di tích liên quan đến di sản Hát Xoan; năm Bảo vật Quốc gia.

Hàng năm, số lượng di tích được xếp hạng các cấp tăng từ 1-3 di tích. Đây là tài sản quý giá - một trong những nguồn lực để Phú Thọ phát triển bền vững.

Tuy nhiên, bên cạnh niềm vinh dự, tự hào, còn đặt ra trách nhiệm đối với các cấp, ngành và nhân dân trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn tỉnh bằng các chương trình hành động cụ thể, có hiệu quả thiết thực.

Trong đó, công tác tu bổ, tôn tạo di tích là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa.

Dự thảo đề án đã chỉ rõ sự cần thiết, tính khả thi, đánh giá về thực trạng, kết quả đạt được cùng những mặt tồn tại, hạn chế của công tác tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua; mục tiêu, nhiệm vụ, mức đầu tư hỗ trợ và giải pháp thực hiện nhằm tăng cường công tác bảo vệ và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa.

Tại hội thảo, các thành viên Hội đồng tư vấn phản biện đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, chất lượng và có tính thực tiễn cao với các nội dung: Cần rà soát tổng thể thực trạng, mức độ xuống cấp từng di tích để có hướng tập trung tu bổ, tôn tạo; bổ sung đánh giá cụ thể về chất lượng tu bổ, tôn tạo các di tích; tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng, nâng cao kiến thức lịch sử, văn hóa về di tích cho cán bộ văn hóa cơ sở; chủ động xây dựng các tuyến, tour du lịch cụ thể như du lịch tâm linh, du lịch gắn với sinh thái… để giới thiệu, tuyên truyền, quảng bá di sản văn hóa…

Các ý kiến đóng góp, tư vấn, phản biện, hiến kế và đề xuất các giải pháp tại hội thảo là tư liệu quan trọng nhằm giúp Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và cơ quan được giao chủ trì soạn thảo Đề án có thêm thông tin, căn cứ, cơ sở khoa học, tính thực tiễn, tính khả thi và các vấn đề có liên quan trước khi quyết định phê duyệt, góp phần bảo đảm phát huy ý nghĩa, giá trị của Đề án trong thực tiễn.

Phú Thọ hội thảo tư vấn, phản biện Đề án trùng tu, tôn tạo, phát huy các di tích lịch sử, văn hóa - Ảnh 2.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Đắc Thủy trình bày dự thảo Đề án.

Đề án “Trùng tu, tôn tạo, phát huy các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn tỉnh Phú Thọ” nhằm tăng cường công tác bảo vệ và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh theo quy định của Luật Di sản văn hóa và các văn bản hướng dẫn thi hành. Tăng cường đầu tư của Nhà nước, đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa đảm bảo hiệu quả thiết thực. Tạo cơ chế và nguồn lực cho các địa phương chủ động trong việc cân đối nguồn ngân sách và huy động các nguồn lực hợp pháp khác để tu bổ, tôn tạo di tích. Đề án dự kiến thực hiện trong giai đoạn 2023 - 2030.

Trong đó, giai đoạn 2023 - 2025 sẽ đầu tư, hỗ trợ tu bổ, tôn tạo 122 lượt di tích lịch sử - văn hóa, trong đó có 1 di tích quốc gia đặc biệt, 29 di tích quốc gia, 92 di tích cấp tỉnh; lập hồ sơ xếp hạng 1 - 3 di tích/năm; số hóa 40% hồ sơ di tích được xếp hạng.

Giai đoạn 2026 - 2030 sẽ đầu tư, hỗ trợ tu bổ, tôn tạo 84 lượt di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 1 di tích quốc gia đặc biệt, 15 di tích quốc gia, 68 di tích cấp tỉnh; lập hồ sơ xếp hạng 1 - 3 di tích/năm; số hóa 100% hồ sơ di tích được xếp hạng.

Vy Liên

NỔI BẬT TRANG CHỦ