• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Putin tìm kiếm đòn bẩy thúc đẩy quan hệ với chính quyền Trump

Thế giới 08/12/2016 06:45

(Tổ Quốc)-Nga sẽ khai thác các rạn nứt giữa Washington và EU để cải thiện vị trí địa-chính trị ở châu Âu.

Trong tất cả các nước trên thế giới, dường như Nga là quốc gia hài lòng nhất về thắng lợi của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. 

Theo mạng tình báo Mỹ Stratfor, chiến thắng của ông Donald Trump đã mở ra khả năng quan hệ Mỹ-Nga ấm lên, thậm chí có thể còn chấm dứt các biện pháp trừng phạt của Washington đối với Moskva. Những làn gió chính trị đổi chiều tại Brussels và Washington có thể đem lại cho Kremlin đòn bẩy để tăng cường ảnh hưởng tại khu vực thuộc Liên Xô trước đây, buộc các quốc gia nằm ở vùng ngoại vi của Nga phải đánh giá lại những quan điểm chính sách đối ngoại của mình. 

Trong cuộc điện đàm đầu tiên, ông Vladimir Putin và Donald Trump có cùng nhận định không mấy hài lòng về tình trạng mối quan hệ Nga-Mỹ và cả hai cùng tuyên bố sẽ làm việc tích cực với nhau để bình thường hóa quan hệ giữa hai nước. Về phần mình, nhóm cộng sự của tổng thống Mỹ tương lai đã nhấn mạnh đến quyết tâm của ông Trump xây dựng “mối quan hệ mạnh mẽ và bền vững với Nga và nhân dân Nga”. Tin tức cho hay, các nhóm cộng sự đã bí mật gặp nhau tại Thụy Sĩ.

Theo báo Pháp Libération, đầu tháng 10/2016, các cơ quan tình báo Mỹ đã cáo buộc chính phủ Nga đứng sau các vụ tấn công mạng và tìm cách can thiệp vào tiến trình bầu cử tại Mỹ. Trong một thông cáo hiếm thấy, các cơ quan tình báo liên bang nhấn mạnh: “Do quy mô và mức độ nhạy cảm của các ý đồ, chúng tôi nghĩ rằng chỉ có những quan chức cao cấp của Nga mới có thể cho phép những hoạt động này”. 

Ông Trump đã từ chối thừa nhận vai trò của Moskva trong các vụ tin tặc. Đối với một số người, sự chối bỏ này lại càng làm tăng thêm nghi ngờ về mối quan hệ bí mật giữa chính phủ Nga và chiến dịch tranh cử của ông Trump. Ngay sau khi nhà tỷ phú đắc cử, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergeui Ryabkov thừa nhận là đã có những tiếp xúc với nhóm cộng sự của Trump trong thời gian vận động tranh cử. Ông Ryabkov nói: “Đương nhiên, chúng tôi quen biết phần lớn những người trong nhóm thân cận của ông Trump”. Phát ngôn viên của ông Trump đã kiên quyết bác bỏ những phát biểu này. Hiện cũng có một số nghi ngờ đối với Paul Manafort, phụ trách chiến dịch vận động tranh cử của ông Trump trong thời gian từ tháng 6 đến tháng 8/2016 và đặc biệt là có liên quan đến các nhóm thế lực Ukraine thân Nga. 

Bức tranh hài của "cặp bài trung" Putin-Trump

Quan điểm chống Nga ở Mỹ vẫn mạnh

Việc xích lại gần Nga mà ông Trump chủ trương, nếu được khẳng định, có thể làm dấy lên những rối loạn trong phe Cộng hòa, bởi vì nhiều người – kể cả Phó Tổng thống Mike Pence – rất phàn nàn về thái độ của Moskva ở Đông Âu và Syria.

Trong đề xuất ngân sách quốc phòng cho năm 2017, Mỹ lần đầu tiên liệt Nga và Trung Quốc là những mối đe dọa chiến lược trên toàn cầu, yêu cầu ngân sách cho các hành động khẩn cấp ở nước ngoài tăng khoảng 5 tỷ USD so với năm tài khóa 2016, đồng thời tập trung tăng cường năng lực phòng vệ trên biển với các nước đồng minh và đối tác ở Đông Nam Á.

Nhiều nhân vật cứng rắn ở Mỹ vẫn xem Nga là “mối đe dọa số 1” đối với Washington. Theo Sputniknews.com, ngày 5/12, Bộ trưởng Không quân Mỹ Deborah Lee James nhận định rằng Nga là “mối đe dọa số một” đối với Mỹ. Phát biểu tại diễn đàn quốc phòng quốc gia Reagan được tổ chức từ 2-3/12, tại California, bà James nói: “Chúng tôi có rất nhiều mối đe dọa mà chúng tôi gặp phải, nhưng Nga có thể là một mối đe dọa thực sự đối với Mỹ vì các yếu tố hạt nhân”.

Trong khi đó, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Frank Kendall phụ trách về mua sắm vũ khí, công nghệ và hậu cần, nhận định nếu trước kia chính sách của Washington nhằm vào các mối đe dọa trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Trung Đông, thì bây giờ sẽ tập trung nhiều hơn vào Nga.


Nga sẽ tận dụng các lợi thế địa-chính trị ở châu Âu

Điều mà Điện Kremlin hy vọng có được từ phía tân chính quyền Mỹ trước tiên là bãi bỏ cấm vận kinh tế đối với Nga được áp dụng kể từ sau vụ Nga sáp nhập Crimea. 

Mariya Omelicheva, Giáo sư chính trị học tại Đại học Kansas (Mỹ), dự báo: “Chính phủ của ông Trump sẽ giảm mức độ ủng hộ Ukraine, Gruzia và các nước cộng hòa hậu Xô Viết khác, điều này sẽ giúp cho Nga được tự do hơn trong việc theo đuổi bảo vệ các lợi ích quốc gia của mình tại những quốc gia này. Việc bãi bỏ trừng phạt Nga do vụ sáp nhập Crimea và liên tục ủng hộ phiến quân ở miền Đông Ukraine sẽ là phần thưởng quý nhất đối với Nga”. 

Trong năm tới, khi những rạn nứt giữa chính quyền mới ở Washington và EU lan rộng, Nga có thể chớp cơ hội để giành lại ảnh hưởng ở một số quốc gia nằm sát biên giới đất liền của mình. Tuy nhiên, nước này khó có thể khôi phục được ảnh hưởng mà họ từng có tại các quốc gia thuộc Liên Xô trước đây vào cuối những năm 2000, thời kỳ mà nền kinh tế Nga thịnh vượng và hệ thống chính trị của họ không phải chịu bất kỳ thách thức nào. Ngoài ra, ngay cả khi phương Tây nới lỏng lệnh trừng phạt Moskva vào năm 2017, thì Mỹ và NATO vẫn khó có thể từ bỏ các đồng minh của họ ở khu vực ngoại vi của Nga. Tuy nhiên, những biến đổi chính trị ở châu Âu và Mỹ có thể đem lại cho Nga thêm cơ hội để khôi phục vị thế trên toàn khu vực Á-Âu./. 

Hoài Nam

 


NỔI BẬT TRANG CHỦ