• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Quân đội chung EU sắp ra khỏi bóng tối?

Thế giới 11/09/2016 21:52

(Tổ Quốc) - Một động thái gần đây tại châu Âu không thu hút được nhiều sự chú ý nhưng có tầm quan trọng đặc biệt.  

Thủ tướng của cả Hungary và Cộng hòa Séc đang kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) xây dựng quân đội riêng của khối. Đây là một sự thay đổi rất đáng kể trong thái độ của các nhà lãnh đạo EU khi vốn bằng lòng với sức mạnh an ninh của NATO và tập trung sự chú ý của EU vào các vấn đề kinh tế.

Lực lượng quân sự chung sẽ giúp EU giải quyết được các vấn đề an ninh của châu lục. (Ảnh minh hoạ)

Sức mạnh vượt trội của NATO

Đã có một cơ hội lớn để thay đổi chính sách an ninh hiện tại của châu lục già với khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Có lẽ cơ hội rõ ràng nhất là khi Nam Tư bắt đầu tan rã vào đầu năm 1990. Những nỗ lực ngoại giao và gìn giữ hòa bình an đầu của châu Âu còn khá lúng túng. Do đó, các đồng minh đã tìm đến sự "lãnh đạo" của Mỹ và Tổng thống Bill Clinton khi đó đã đáp lại.

Theo cây viết Ted Galen Carpenter của trang National Interest, Mỹ lúc đó nên nói với các đối tác châu Âu rằng những bất ổn trong khu vực Balkan là một vấn đề khu vực có ít tác động tới Washington. Điều này cũng giống như việc Mỹ không thể yêu cầu châu Âu sát cánh khi giải quyết các căng thẳng tại Trung Mỹ hay vùng biển Caribbean. Do đó, châu Âu không thể mong đợi sự hiện diện của quân đội Mỹ tại khu vực Balkan và lập trường cứng rắn trên sẽ tạo áp lực lên châu Âu để giải quyết các vấn đề an ninh trong khu vực của họ với vai trò là lực lượng dẫn đầu chủ chốt. 

Thay vào bày tỏ quan điểm trên, Washington tiếp tục đóng vai trò chủ đạo trong khu vực Balkan thông qua NATO. Việc nhấn mạnh vào sự ưu việt của NATO cũng phản ánh nguyện vọng của Washington, điều đảm bảo sự kiểm soát của Hoa Kỳ đối với quyết định an ninh xuyên Đại Tây Dương. Quyền kiểm soát đi kèm với ngân sách cho NATO lớn, tuy nhiên, điều này cho phép các đồng minh châu Âu nhận được sự bảo hộ an ninh “giá rẻ” của Mỹ.

Bước đi đầu tiên là sự can thiệp vào Bosnia vào năm 1995 và sau đó là tại Kosovo trong năm 1999. An ninh của châu Âu vẫn phải dựa dẫm trong khi vai trò của NATO và Washington tiếp tục gia tăng đều đặn khi liên minh quân sự này mở rộng vào khu vực trung tâm châu Âu và sau đó vào Đông Âu.

Hiện tại, các nhà hoạch định chính sách Mỹ vẫn đi trên con đường của mình để trấn an và hỗ trợ các thành viên châu Âu trong NATO. Còn châu Âu, trong khi có dân số lớn và một nền kinh tế chung không kém cạnh Mỹ, hiện đang thất bại trong việc xây dựng một lực lượng quân sự của riêng mình.

Hi vọng đột phá

Thủ tướng Hungary Viktor Oban, trong cuộc hội đàm trước thềm gặp gỡ các lãnh đạo EU từ cuối tháng 8 đã cho biết, "Chúng ta phải ưu tiên an ninh và vì vậy chúng ta cần bắt tay xây dựng quân đội chung châu Âu". Còn Thủ tướng Beata Szydlo của Ba Lan cũng kêu gọi thiết lập lực lượng bảo vệ biên giới chung châu Âu để bảo vệ biên giới với bên ngoài.

Hiện tại, một sự thay đổi đáng kể trong quan điểm về các thỏa thuận quốc phòng dường như đang diễn ra trên cả hai bờ Đại Tây Dương. Tại Mỹ, hai ứng viên Tổng thống Mỹ Hillary Clinton và Donald Trump đang có những lập trường rất khác biệt về chính sách an ninh quân sự, đặc biệt là quan hệ với các đồng minh hiện nay của Mỹ cũng như vai trò của Washington tại NATO. Ông Trump đã nhiều lần tuyên bố muốn “xét lại” việc Mỹ hiện diện quân sự tại nhiều khu vực và nói rằng sẽ yêu cầu các đồng minh chi trả cho việc bảo vệ an ninh hiện nay.

 Dù trong chuyến thăm gần đây tới các nước cộng hòa vùng Baltic, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bảo đảm rằng, cam kết của Mỹ đối với việc bảo vệ các thành viên NATO vẫn rất cứng rắn thì tương lai mối quan hệ này vẫn chưa có gì chắc chắn khi người đàn ông có quan điểm trên có thể sẽ trở thành Tổng thống Mỹ vào ngày 20/ 1/2017.

Về phía châu Âu, cuộc khủng hoảng người tị nạn đang tạo ra sức nặng chưa từng có đối với an ninh châu lục. Trong bối cảnh thỏa thuận kiềm chế người tị nạn với Thổ Nhĩ Kỳ chưa đạt được nhiều hiệu quả, Anh rời khỏi EU và hàng loạt bất ổn an ninh đến từ người tị nạn xảy ra tại nội bộ các quốc gia EU thì việc xây dựng lực lượng chung đang trở thành điều cấp thiết đối với nhiều nhà lãnh đạo châu lục.

Cây viết Ted Galen Carpenter đã cho rằng, Washington nên ủng hộ mạnh mẽ sáng kiến này và đây là một động thái có ý nghĩa đối với châu Âu để giải quyết các vấn đề an ninh trong khu vực thay vì chờ đợi sự giúp đỡ của Hoa Kỳ từ hơn 8.000 km.

(Theo AP, National Interest)

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ