• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Quan hệ Mỹ-Nga-Trung sẽ sôi động năm 2017

Thế giới 01/02/2017 15:08

(Tổ Quốc)-Mỹ-Trung cạnh tranh, Mỹ-Nga hòa giải, sẽ định hình quy phạm trật tự thế giới.

Nga và Trung Quốc đang nằm trong tầm ngắm của chính quyền mới ở Mỹ. Nhiều nhân vật được chỉ định vào bộ máy an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại Nhà Trắng chống Trung hoặc là thân Nga.

Làm Trung Quốc đau đầu

Donald Trump lên làm tổng thống nước Mỹ đã làm cho quan hệ Trung-Mỹ trở nên bất ổn và khó dự đoán. Pang Zhongying, Giáo sư chính trị  quốc tế của Đại học Nhân dân Bắc Kinh, nhận xét: “Không nghi ngờ gì nữa, một cơn bão lớn đang hình thành. Cả hai bên dường như không che đậy thực tế về mối quan hệ song phương gập ghềnh ở phía trước”.

Khoảng 20 vấn đề xung đột lợi ích đang định hình trong quan hệ của Mỹ với Trung Quốc. Trong vận động tranh cử, ông Trump chỉ trích Trung Quốc tiến hành thương mại không công bằng, cam kết sẽ đánh thuế 45% đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ. Sau khi thắng cử, ông ta đã mở rộng sự bất mãn sang các vấn đề Đài Loan, Biển Đông và Triều Tiên.

Cách tiếp cận của Donald Trump đoạn tuyệt với chính sách Trung Quốc của các triều đại Mỹ hơn 4 thập kỷ qua. Theo một nhà nghiên cứu Trung Quốc, quan hệ Mỹ-Trung đã tiến vào một thời điểm bước ngoặt, không còn phản ánh thực tế mới, rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc đã tạo ra các thách thức nghiêm trọng đối với nước Mỹ...

Các nhân vật có quan điểm diều hâu đối với Trung Quốc trong chính quyền mới xem Trung Quốc là kẻ không trung thực, ăn cắp tài sản trí tuệ của Mỹ và lũng đoạn hệ thống thương mại thế giới. Họ theo đuổi một chính sách cứng rắn sửa chữa các sai lầm của quá khứ và cạnh tranh với Trung Quốc một cách không do dự gì.

Henry Kissinger là một nguyên lão của chính trị Mỹ, mà uy tín chưa hề bị thách thức trong 45 năm qua. Vậy mà, sau buổi tiếp Kissinger đi thăm Trung Quốc trở về, Tổng thống đắc cử Trungmp đã nhận xét trên Twitter: Kissinger là “một cây cổ thụ đã mục rỗng, không nên tưới bón làm gì cho tốn thời gian”…

Các lợi ích chung giữa Mỹ và Trung Quốc đang phai nhạt, các vận động hành lang cho Trung Quốc đã yếu thế.

Các cuộc điện đàm của Donald Trump kéo dài hàng tiếng với lãnh đạo Nhật Bản, Đức, Nga, Pháp, Australia ngày 28/1 thể hiện ưu tiên đối ngoại của chính quyền mới ở Mỹ

Các nhà phân tích thành thạo về quan hệ Mỹ-Trung cảm nhận, không có lý do gì để lạc quan về việc hai bên sẽ có thể cùng hành động để làm dịu căng thẳng và ngăn chặn tâm thái đối đầu trong chính quyền và trong dân chúng.

Giới hoạch định chính sách Mỹ phê phán Barack Obama quá nhân nhượng  Trung Quốc trong hành loạt vấn đề, từ việc làm ngơ trước các chủ trương phân biệt đối xử của Bắc Kinh đối với doanh nghiệp Mỹ hoạt động ở Trung Quốc, đến cuộc tranh chấp Biển Đông, làm ngơ trước các chủ trương hà khắc đối nội của chính quyền Bắc Kinh.

Chính quyền Trump sẽ không kéo lê tư tưởng của mình theo quan niệm Mỹ-Trung vừa cạnh tranh, vừa hợp tác. Con mắt lạnh lùng của Trump đã xem Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh.

Có dấu hiệu ông Tập Cận Bình đã đoạn tuyệt với phương châm “dấu mình chờ thời” của Đặng Tiểu Bình. Tại Diễn đàn Kinh tế Davos, hôm 17/1, ông Tập đã không che dấu tham vọng của Trung Quốc cạnh tranh với Mỹ trên toàn cầu. Diễn văn Davos là điệu kèn tập hợp lực lượng quốc tế. Có thực lực làm chỗ dựa thì dù có muốn dấu mình cũng không thể dấu mình được nữa.

Mỗi bên bắt đầu thể hiện các đòn bẩy chiến lược. Trung Quốc đã triển khai tới khu vực Hắc Long Giang gần biên giới Nga các tổ hợp tên lửa chiến lược mang đầu đạn hạt nhân có tầm 14.000 km tới nước Mỹ. Tổng thống Trump tuyên bố không bị ràng buộc bởi chính sách “một Trung Quốc”, v.v..

Hòa giải với Nga?

Cải thiện quan hệ với Moscow sẽ là một hướng lựa chọn chiến lược của chính quyền mới. Michael Flynn, cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng, có chung các quan điểm với Donald Trump cải thiện quan hệ với Vladimir Putin. Thượng Nghị viện Mỹ đang trì hoãn việc phê chuẩn Rex Tillerson làm ngoại trưởng mới cũng vì quan điểm thân Nga của ông này.

Các cuộc điện đàm của Tổng thống Trump một tuần sau khi ngồi vào Phòng Bầu dục ở Nhà Trắng mang ý nghĩa tượng trưng – đều là với các nước thân hữu. Trình tự “lễ tân” đã được sắp xếp dường như thể hiện các ưu tiên quan hệ đối ngoại của chính quyền mới: Trước khi diễn ra cuộc điện đàm kéo dài 1 tiếng với ông Putin, Tổng thống Trump điện đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Thủ tướng Đức Angela Merkel. Còn các cuộc điện đàm với Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull tiến hành sau cuộc điện đàm với Tổng thống Nga. Với Quốc vương Ảrập Xêút thì vào một ngày sau đó. Chưa đối thoại gì với lãnh đạo Trung Quốc.

Nga sẽ chưa đi với Mỹ chống Trung Quốc, nhưng sự cải thiện quan hệ Nga-Mỹ sẽ tước đi động lực chủ yếu của quan hệ Nga-Trung. Các mối quan hệ giữa Mỹ với Nga và Trung Quốc dù dưới dạng thức nào cũng tạo cộng hưởng dữ dội đối với chính trị quốc tế và trật tự thế giới./.

Nguyễn Ngọc Trường

NỔI BẬT TRANG CHỦ