• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Quan hệ Trung-Triều đã thay đổi?

Thế giới 16/03/2016 05:57

(Tổ Quốc) - Dù có sự bất đồng, liên minh Trung – Triều vẫn sẽ được duy trì vì lợi ích chiến lược của hai nước.

(Tổ Quốc) - Dù có sự bất đồng,  liên minh Trung – Triều vẫn sẽ được duy trì vì lợi ích chiến lược của hai nước.

Tờ “Đông phương” của Hong Kong ngày 14/3 cho rằng quan hệ giữa Trung Quốc và Triều Tiên đã thay đổi về chất. Bên lề hai phiên họp Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc và Hội nghị Hiệp thương Chính trị toàn quốc diễn ra tại Bắc Kinh, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã "lảng tránh" trả lời câu hỏi: Nếu bùng nổ chiến tranh trên Bán đảo Triều Tiên, Trung Quốc liệu có (một lần nữa) thực thi chính sách “viện Triều, chống Mỹ”?

Và các học giả Trung Quốc cho rằng trên thực tế, quan hệ Trung-Triều hiện nay đã thay đổi, đặc biệt là khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un lên nắm quyền ở Triều Tiên năm 2011.

Câu hỏi về sự “rạn nứt” Trung - Triều

Theo IB Times, sau các vụ phóng tên lửa và thử hạt nhân gần đây của Triều Tiên, Trung Quốc đã kêu gọi Bình Nhưỡng "thực hiện lời hứa phi hạt nhân hóa và ngừng mọi hành động có thể làm trầm trọng thêm tình hình." Đồng thời, việc các nghị quyết trừng phạt của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc được phê duyệt và Trung Quốc đưa ra các cam kết sẽ thực hiện nghiêm túc các lệnh trừng phạt này đã được các chuyên gia xem như một dấu hiệu cho thấy Trung Quốc ngày càng bất mãn với Triều Tiên.



Những tuyên bố của nhà lãnh đạo Triều Tiên về vấn đề hạt nhân đã khiến Trung Quốc quan ngại. (Nguồn: Internet)

Thực tế, mối quan hệ giữa Trung Quốc và Triều Tiên đã có nhiều dấu hiệu “cơm không lành, canh không ngọt” từ trước đó.  Theo các học giả Trung Quốc, bắt đầu từ khi nhà lãnh đạo Kim Jong-il lên nắm quyền ở Triều Tiên, quan hệ Trung-Triều đã ngày càng thụt lùi và cho đến hiện nay, quan hệ hai nước đã chuyển sang hình thái “băng dày ba tấc”.

Khi ông Kim Jong un trở thành người lãnh đạo Triều Tiên năm 2011, các nhà phân tích nhận định Trung Quốc đã thực hiện cách tiếp cận “chờ xem”- theo dõi cách hành xử của nhà lãnh đạo trẻ trước khi quyết định có nên ủng hộ ông Kim hay không.

Tháng 2/2013, Triều Tiên đã tiến hành vụ thử hạt nhân thứ 3, điều khiến Trung Quốc nổi giận. "Người Trung Quốc đã khó chịu trước cách hành xử của Triều Tiên, không chỉ vì riêng vụ thử hạt nhân thứ ba [năm 2013], và sau đó đã giảm ngân sách viện trợ cho đồng minh này," John Everard, cựu đại sứ Anh tại Triều Tiên, nói với BBC vào tháng 1/2015.

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un năm 2014 cũng đã thanh trừng người chú rể Jang Song-thaek, một chính khách được coi là "thân Trung Quốc" trong chính quyền Triều Tiên. Và những năm gần đây, cùng với sự phát triển của quan hệ Trung-Hàn, quan hệ Trung-Triều lại trở nên cách xa hơn.

Và trong phần lớn năm 2015, mối quan hệ của Triều Tiên với Trung Quốc - đồng minh duy nhất và là đối tác kinh tế lớn - rõ ràng đã giá lạnh," Everard cho biết.

Nền tảng là lợi ích chiến lược của Trung Quốc

Tuy nhiên, mối quan hệ đồng minh giữa Trung Quốc và Triều Tiên đã được duy trì trong nhiều năm qua và bất chấp những căng thẳng hiện tại, những nguyên tắc cơ bản của liên minh này vẫn còn nguyên “hiệu lực”.

Chiến lược dài hạn của Trung Quốc đối với Triều Tiên, theo như nhiều chính sách của Đảng Cộng sản Trung Quốc, được tóm gọn trong một thông điệp đơn giản: không chiến tranh, không tạo ra sự bất ổn và không vũ khí hạt nhân.

Hiểu theo cách khác, Trung Quốc có 3 ưu tiên đối với bán đảo Triều Tiên và những ưu tiên này sẽ định hình mọi hành động. Chúng được sắp xếp theo trật tự, do đó thể hiện điều quan trọng nhất đối với Trung Quốc là ngăn cản chiến tranh trên báo đảo Triều Tiên, tiếp theo là phòng ngừa sự bất ổn (có thể là sự sụp đổ của chế độ Triều Tiên) và thứ 3 là ngăn cản vũ khí hạt nhân.

Điều này giúp giải thích cho việc Trung Quốc đã mạnh tay trừng phạt Triều Tiên vì các vụ thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Bắc Kinh thực sự muốn ngăn cản Bình Nhưỡng tiến xa hơn nữa về công nghệ hạt nhân, điều có thể mang lại nhiều nguy hiểm cho chính Trung Quốc.

Nhưng đây cũng là lí do mà dư luận không nên trông đợi vào những hành động quyết liệt hơn của Trung Quốc, như việc “bỏ rơi” Triều Tiên. Bắc Kinh muốn duy trì sự ổn định cùng hiện trạng chia rẽ trên bán đảo Triều Tiên và một đồng minh cần thiết là Triều Tiên để chống lại phương Tây. Đây là những ưu tiên cao hơn việc ngăn cản sự phát triển hạt nhân của Bình Nhưỡng.

“Đối với Trung Quốc, mục đích của các lệnh trừng phạt không phải là thay đổi chế độ”, các học giả Paul Park và Katherine H.S.Moon của Viện Brooking cho biết. Và những biện pháp trừng phạt mới của Hội đồng bảo an “là không đủ mạnh và không nhắm đến việc thay đổi chế độ. Nếu hướng tới điều này, Nga và Trung Quốc sẽ không đặt bút kí vào nghị quyết”.

“Trung Quốc coi sự ổn định trên bán đảo Triều Tiên là lợi ích căn bản”, Eleanor Albert và Beina Xu của Hội đồng quan hệ đối ngoại (CFR) cho biết trong một bài viết được công bố tháng trước.

Về thực chất, Trung Quốc không thể bỏ rơi Triều Tiên, đặc biệt khi Mỹ và Hàn Quốc đang nỗ lực xúc tiến đàm phán triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa khu vực tầm cao giai đoạn cuối (THAAD)- điều mà Bắc Kinh cho rằng đang đe dọa trực tiếp lợi ích an ninh chiến lược của Trung Quốc.

An Bình (Tổng hợp)

NỔI BẬT TRANG CHỦ