• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

​“Quẫn” – Luồng sinh khí mới cho sân khấu kịch

22/04/2018 09:00

(Cinet) – Chính sự phá cách, làm mới theo cách riêng đã khiến “Quẫn” của LucTeam - đoàn kịch của NSƯT Trần Lực và các học trò tạo được ấn tượng, thu hút được khán giả đến với sân khấu.

(Cinet) – Chính sự phá cách, làm mới theo cách riêng đã khiến “Quẫn” của LucTeam - đoàn kịch của NSƯT Trần Lực và các học trò tạo được ấn tượng, thu hút được khán giả đến với sân khấu.



Tối 14 và 21/4, LucTeam vừa có buổi công diễn vở hài kịch “Quẫn” thành công tại Trung tâm Văn hóa Pháp (24 Tràng Tiền, Hà Nội). Đây không phải là lần đầu tiên LucTeam giới thiệu “Quẫn” đến công chúng. Thực ra, ngay từ khi mới ra mắt lần đầu tại Liên hoan Sân khấu Thủ đô 2016, “Quẫn” của LucTeam đã tạo được tiếng vang lớn với đánh giá cao của những người trong ngành. Ngay trong lần công diễn tại Sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà viết kịch Lộng Chương, “Quẫn” đã khiến khán giả không thể rời mắt theo từng ánh mắt, cử chỉ, dáng điệu của từng nhân vật. Ngay cả khi vở diễn đã kết thúc, nhiều khán giả vẫn nán lại như còn lưu luyến với những cung bậc cảm xúc mà vở diễn đã truyền tải.

Hình ảnh trong "Quẫn" của LucTeam. Nguồn: LucTeam

“Quẫn” – kịch bản kinh điển



Dựng lại “Quẫn” một kịch bản kinh điển của Nhà viết kịch Lộng Chương, cũng là một trong những vở kịch đã làm nên tên tuổi của Nhà hát Kịch Việt Nam với hơn 2.000 đêm diễn trong suốt một thập kỷ (từ 1959 – 1970) thực sự là thử thách với đạo diễn Trần Lực và ekip, bởi làm mới một vở kịch kinh điển là không đơn giản. Để thành công, lôi cuốn được khán giả, có lẽ ekip đã phải thực hiện một cuộc “cách mạng” trong suy nghĩ, trong diễn xuất.



Chia sẻ về lý do lựa chọn “Quẫn” là kịch bản đầu tay mà đạo diện Trần Lực cùng học trò thể hiện, đạo diễn Trần Lực cho rằng trước tiên đây là một vở diễn rất hay của nhà viết kịch Lộng Chương; đồng thời là kịch bản phù hợp với trường phái nghệ thuật sân khấu mà LucTeam theo đuổi, trường phái “ước lệ biểu hiện”.



“Quẫn" kể về một gia đình tư sản lâu đời phải đối phó với chính sách công tư hợp danh của Nhà nước. Họ sở hữu cả một gia tài kết xù nhưng lo sợ sẽ rơi vào cảnh trắng tay nên quyết định tẩu tán tài sản. Cái kết sâu cay châm biếm đến với gia đình này thông qua cách thể hiện của những con người thế kỷ 21. Cái khó là làm thế nào để giữ được hồn cốt, được tinh thần của vở diễn trứ danh qua một hình thức hoàn toàn mới mẻ của ngôn ngữ ước lệ biểu hiện. Và có lẽ thành công của LucTem cũng đến chính từ việc chuyển thể một cách thành công những lát cắt, những tình tiết, những câu chuyện của kịch nói truyền thống bằng ngôn ngữ biểu hiện ước lệ một cách hiệu quả.



Như nhà phê bình Lê Quý Hiền đã nhận định, Quẫn của cố tác giả Lộng Chương do Trần Lực đạo diễn sử dụng phương pháp biểu trưng, gián cách rất hiện đại nhưng cũng đậm chất sân khấu truyền thống. Không minh họa Quẫn mà nhìn bằng con mắt của ngày hôm nay đúng với một trong những định nghĩa về hài kịch: “Hài kịch là nhìn về hôm qua để thấy mình đã lớn lên để cười cái lệch lạc của ngày hôm qua”.



Ngôn ngữ ước lệ biểu hiện

Phương My và Trương Minh Đạt vào vai Cụ Đại Lợi và ông Đại Cát rất "ngọt". Ảnh: LucTeam

Phương pháp hiện thực tâm lý- tả thật đã quá quen thuộc với các vở diễn mà các nhà hát hiện nay dàn dựng. Thay vì tả thật, phương pháp ước lệ biểu hiện lại tả ý là chính với sự tối giản trong nghệ thuật biểu diễn, sự tối giản trong trang trí sân khấu, tối giản trong kịch bản, đạo diễn Trần Lực cho biết.

 

Như đối với “Quẫn”, sân khấu cũng được thiết kế hoàn toàn tối giản. Diễn viên gần như lược bỏ hết các động tác sinh hoạt thường ngày. Trên sân khấu ước lệ chỉ còn lại các động tác có ý tứ. Không gian, thời gian, tình tiết của vở diễn đều được thể hiện qua nghệ thuật biểu diễn của diễn viên. Qua đó, khán giả sẽ được chiêm ngưỡng tài năng của các nghệ sĩ biểu diễn.



Không còn những màn thoại dài dòng, những tình tiết được đẩy lên cao trào và giải quyết chỉ với các câu thoại, sân khấu kịch của “Quẫn” trở nên vô cùng sống động, sáng tạo, ngẫu hứng và hấp dẫn với các câu thoại được cắt gọt súc tích, hài hước mà sâu cay, các điệu nhảy, múa, ca hát, diễn xuất hình thể đưa mạch cảm xúc của khán giả lên cao trào qua diễn xuất rất “ngọt” của các diễn viên còn rất trẻ nhưng tài năng và đam mê diễn xuất như Trương Mạnh Đạt, Phương My, Ngọc Trâm, Phương Nam, Nguyễn Anh Tú, Hoàng Yến…



Gây ấn tượng mạnh với khán giả có lẽ là vai diễn lên “lão” của các diễn viên tuổi đôi mươi như Trương Mạnh Đạt (vai ông Đại Cát) và Phương My (vai cụ Đại Lợi). Nếu Phương My phải khổ luyện từ giọng nói, dáng đi, cách biểu đạt để tạc lên hình ảnh cụ già 80 luôn miệng “sắc sắc không không” nhưng nhắc đến tiền là khỏe mạnh, là mắt sáng lạ thường thì Trương Mạnh Đạt lại như sinh ra để giành cho vai diễn này.



Trong bối cảnh sân khấu đang ngày càng thiếu sức hút với khán giả, “Quẫn” với cách biểu đạt mới mẻ, hiện đại đã tạo nên một làn gió mới, một luồng sinh khí mới cho sân khấu kịch nói. Từ “Quẫn” đến “Cơn ghen của Lọ Lem” mới chỉ là những bước đi đầu tiên khẳng định tài năng của LucTeam. Con đường mà LucTeam lựa chọn với ngôn ngữ sân khấu “ước lệ biểu hiện” dẫu còn vô vàn gian nan, nhưng tin rằng với sự đổi mới không ngừng NSƯT Trần Lực và học trò sẽ luôn vững vàng, luôn cháy hết mình với đam mê nghệ thuật để mang đến cho công chúng những sáng tạo độc đáo./.

Gia Linh

NỔI BẬT TRANG CHỦ