• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Quản lý tiền công đức: Mỗi nơi một kiểu

Giải trí 20/03/2012 23:56

(Toquoc)- Một lượng rất lớn tiền công đức của nhân dân đóng góp vào đền, chùa hằng năm, tuy nhiên không ai được biết số tiền đó là bao nhiêu và được dùng vào việc gì.

(Toquoc)- Một lượng rất lớn tiền công đức của nhân dân đóng góp vào đền, chùa, nhưng không biết số tiền đó là bao nhiêu và được dùng vào việc gì.

Mỗi nơi một kiểu

Có điểm di tích báo cáo mỗi mùa lễ hội số tiền thu được từ công đức lên đến 70 tỷ đồng. Với hơn 4 vạn di tích, thắng cảnh (trong đó có 8 ngàn di tích cấp tỉnh và quốc gia) có thể nói, lượng tiền công đức nhân dân đóng góp là không nhỏ. Tuy nhiên, những con số này chưa bao giờ được cung cấp công khai, cũng không biết sẽ được dùng vào những việc gì, hết/còn bao nhiêu.

Lý do của việc không quản lý được tiền công đức, theo ông Vũ Xuân Thành- Chánh thanh tra Bộ VHTTDL: “Hiện nay, mô hình quản lý di tích chưa thống nhất, vì vậy, dẫn đến sự không thống nhất trong lợi ích mỗi di tích lại có một cấp, hoặc nhiều cấp khác nhau cùng quản lý. Nơi thì do cơ quan Nhà nước quản lý (như các UBND, Sở VHTTDL…), nơi thì do nhân dân (như Hội người cao tuổi, Hội cựu chiến binh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc…), nơi thì do cá nhân (sư trụ trì, thủ từ…). Vì vậy, tiền công đức ở mỗi di tích cũng được quản lý khác nhau: nơi do cá nhân tự thu - chi, nơi do nhiều cấp thu và quản lý, tiền thu được chia theo những phần trăm khác nhau”.



Minh bạch hóa tiền công đức là yêu cầu chính đáng và cần thiết (ảnh A. T)



Ông Thành cho biết thêm về sự “thỏa thuận” ngầm trong phân chia nguồn thu công đức, tiền giọt dầu đã dẫn đến trong một số đền chùa có quá nhiều khay đựng tiền giọt dầu, hòm công đức. Có di tích thì cứ mỗi điểm lại có một vài bàn ghi công đức, bàn thì do nhà chùa đặt ra, bàn thì do Ban quản lý (thuộc cơ quan Nhà nước) đặt ra, lộn xộn, không thu về một mối.

Có ý kiến đề nghị các địa phương hàng năm cần phải có báo cáo cụ thể về nguồn thu từ tiền công đức, giọt dầu. Nhưng làm thế nào để có được báo cáo này, và quản lý được tiền công đức lại không đơn giản, thậm chí, có cán bộ huyện còn khẳng định luôn: “Không thể quản lý được tiền công đức”!

Sự lộn xộn trong quản lý tiền công đức cũng còn bởi không có quy chế quản lý. Bởi vậy dẫn đến việc mạnh ai nấy thu, mạnh ai nấy quản. Ví dụ như ở Chùa Keo (Thái Bình), Ban quản lý (cơ quan do phòng Văn hóa huyện lập ra) đã tiếp nhận, quản lý tiền công đức, có thống nhất in một mẫu tờ ghi tiền công đức, có số series… và tất cả số tiền công đức được đưa về kho bạc huyện. Số tiền này được dùng chi cho tất cả các hoạt động sinh hoạt của sư sãi trong chùa, tiền điện nước, trùng tu, tôn tạo chùa… Tuy nhiên, sư trụ trì chùa vẫn phát hành một loại giấy ghi công đức khác song song với giấy công đức của Ban quản lý. Như vậy, một lượng tiền công đức nữa sẽ là do nhà sư quản lý.

Còn ở Nghệ An, được coi là tỉnh đầu tiên của cả nước ban hành Quy định tiếp nhận, quản lý, sử dụng nguồn công đức ở các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn. Trong đó trích 65% nguồn công đức bằng tiền mặt, 100% hiện vật, sức lao động để tu sửa, tôn tạo di tích theo quy định của Luật Di sản văn hóa và cấp có thẩm quyền quyết định (gửi vào kho bạc); trích 35% nguồn công đức bằng tiền mặt cho lễ nghi, khánh tiết, điện nước, tuyên truyền, quảng cáo, tổ chức lễ hội, tiền lương đội ngũ bảo vệ, quản lý di tích. Tuy nhiên, cũng từ quy định này mà một số nơi trong tỉnh quản lý bằng cách khoán. Số tiền mà xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An nơi có đền thờ ông Hoàng Mười này đã “khoán” cho đền là 900 triệu đồng tiền công đức trong năm 2012.

Có thể, số tiền khoán này chưa bằng một phần nhỏ số thực thu, nhưng điều này đã làm sai lệch bản chất tâm linh của đình, đền chùa.

Cần minh bạch hóa

Làm thế nào để quản lý tiền công đức, tiền giọt dầu từ các lễ hội, các di tích được công khai, minh bạch là yêu cầu chính đáng của người dân cũng như cơ quan quản lý. Điều này, theo ông Lương Hồng Quang- Phó Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam cho rằng, cần thiết phải minh bạch.

Ông Quang cho biết: “Theo nguyên tắc, việc công đức, đứng về phía người công đức có thể coi là thực hiện việc hiến tặng, còn nơi nhận tiền công đức là thực hiện việc quyên góp. Gần như tất cả các nước trên thế giới đều có Luật Hiến tặng, quyên góp để quản lý”.

Trong khi ở Việt Nam, việc quản lý tiền công đức vẫn chưa được luật hóa và gần như 100% người dân làm công đức khi được chúng tôi hỏi đều trả lời rằng không biết tiền công đức của mình được dùng vào việc gì.

Khi mà áp lực tu sửa di tích vẫn đặt gánh nặng lên ngân sách Nhà nước, khi mà một bộ phận những người làm trong lĩnh vực tôn giáo giàu có nhanh chóng thì người dân càng có quyền được biết tiền mình đóng góp được quản lý sử dụng ra sao?

Từ năm 2009, Bộ VHTTDL đặt ra vấn đề cần có thông tư hướng dẫn quản lý, sử dụng các nguồn thu, chi từ lễ hội, tiền công đức, cung tiến. Năm nay, Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam bắt đầu nghiên cứu và xây dựng thông tư.

Ông Vũ Xuân Thành thừa nhận: “Chúng ta cũng đang có sự chồng chéo quản lý. Không phân cấp được, không giao trách nhiệm cơ quan nào quản lý. Địa phương thì giao cho tỉnh, địa phương thì giao cho tôn giáo quản lý. Các cơ sở tín ngưỡng cũng không có phân cấp, BQL đều tự phát. Di tích lớn thì không nói, nhưng ở địa phương thì việc này còn lung túng”.

Còn với di tích chùa Keo, Bùi Văn Thương- Trưởng Ban Quản lý di tích Chùa Keo cho biết: “Tỉnh có thành lập BQL di tích, quản lý cả tiền công đức, theo quy định tài chính, chỉ phát hành một loại phiếu công đức, nhưng nhà chùa vẫn phát hành một loại phiếu nữa, để thu tiền vào chùa. Số tiền của chùa thu rất lớn, chúng tôi biết việc này là sai, nhưng huyện vẫn phải chấp nhận vì không có quy định nào để yêu cầu nhà chùa không làm việc này”. Ông Thương cũng thừa nhận rằng, đó là việc tế nhị, tâm linh nên cũng khó quản lý.

Cuối tháng này, Bộ VHTTDL sẽ tổ chức một hội thảo lớn với chủ đề “Tăng cường thực hiện nếp sống văn minh, văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo tại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo và quản lý tiền công đức- thực trạng và giải pháp”. Một lần nữa, chắc chắn câu chuyện quản lý tiền công đức sẽ được đưa lên bàn thảo luận. Hi vọng, từ hội thảo này, những ý kiến đóng góp đa chiều sẽ góp phần cho việc xây dựng một hành lang pháp lý nhằm minh bạch, công khai hóa  việc quản lý tiền công đức!



Hà An

NỔI BẬT TRANG CHỦ