• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Quân sự Thái thắng chưa trọn vẹn

Thế giới 08/08/2016 10:26

(Tổ Quốc) - Cử tri Thái Lan đã thông qua bản dự thảo hiến pháp do chính quyền quân sự đề xuất trong cuộc trưng cầu ngày 7/8.  

Điều này mở đường cho một cuộc bầu cử vào năm tới nhưng cũng đặt ra thách thức cho chính phủ được chọn tương lai để “chế ngự” sự ảnh hưởng của quân đội.

Với 94% số phiếu được kiểm, kết quả ban đầu của Ủy ban bầu cử ngày 7/8 cho thấy 61.4 % người Thái đã ủng hộ bản dự thảo Hiến pháp, còn 37.9% bác bỏ văn kiện này. Kết quả đầy đủ sẽ được công bố ngày 10/8.

Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha tham gia bỏ phiếu ngày 7/8. (Nguồn: Reuters)

Chính quyền quân sự Thái Lan nói rằng bản dự thảo hiến pháp này được xây dựng để đối phó tình trạng chia rẽ chính trị ở Thái Lan sau hơn một thập kỷ, làm trì trệ tăng trưởng kinh tế và khiến nhiều người thiệt mạng trong tình trạng bất ổn quân sự.

"Chính quyền quân sự sẽ nhận được sự khích lệ sau kết quả này. Đây là cơ sở duy nhất của tính hợp pháp mà họ đã có từ khi đảo chính, "Thitinan Pongsudhirak, một nhà khoa học chính trị tại Đại học Chulalongkorn, Thái Lan nói.

Chiến thắng này là một đòn giáng mạnh vào gia tộc Shinawatra và các đồng minh, lực lượng đang bị giới “quân sự - bảo hoàng” của Thái Lan chỉ trích. Cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra đã bị lật đổ trong một cuộc đảo chính vào năm 2006 và em gái ông là cựu Thủ tướng Yingluck cũng bị lật đổ bởi Tướng Prayuth trong năm 2014.

Người đứng đầu Đảng Pheu Thái, ủng hộ bà Yingluck, cho biết người Thái bỏ phiếu cho bản dự thảo hiến pháp vì đây là cách nhanh nhất để hướng tới bầu cử.

"Lý do để hầu hết người Thái chấp nhận hiến pháp là bởi vì họ muốn thấy một cuộc tổng tuyển cử nhanh chóng", Wirot Pao-in nói với các phóng viên tại trụ sở chính của Đảng Pheu Thái tại Bangkok vào ngày chủ nhật. "Tất cả các bên hiện tại phải giúp đưa đất nước tiến lên phía trước."

Tuy nhiên, các đảng chính trị lớn tại Thái Lan và các nhà phê bình đã chỉ trích chính phủ, cho rằng tài liệu này có nhiều nội dung tăng cường vai trò chính trị của quân đội trong nhiều năm tới.

Mặc dù cuộc bầu cử dường như một viễn cảnh gần gũi hơn, các nhà phân tích nói rằng hiến pháp mới vẫn rất khó để thực hiện suôn sẻ và có thể làm trầm trọng thêm sự chia rẽ chính trị tại Thái Lan. Số lượng cử tri đi bầu chỉ khoảng 55% - dưới mục tiêu 80% của Ủy ban bầu cử và kết quả bầu cử cũng cho thấy sự chia rẽ tại các khu vực.

(Theo Reuters, WSJ)

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ