• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Quốc hội nên thành lập các Ủy ban lâm thời giám sát vấn đề “nóng”

Thời sự 20/07/2016 10:31

(Tổ Quốc) - Đại biểu Quốc hội TP HCM Trương Trọng Nghĩa đã trả lời phỏng vấn báo chí bên lề khai mạc Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa 14.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa trả lời phỏng vấn báo giới (ảnh: Giang Nam)

- Ông đánh giá như thế nào về công tác cán bộ thời gian qua, đặc biệt là sau khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có ý kiến chỉ đạo?

+ Thời gian qua nổi lên việc kiên quyết xử lý trường hợp ông Trịnh xuân Thanh, nguyên Phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang. Tôi rất hoan nghênh việc này, và đề nghị lfa đã xử lý thì phải tới nơi tới chốn, xử lý cho thấu đáo và kiên quyết. Với những khuyết điểm tồn tại mà không được điều tra xác minh và xử lý tới nơi tới chốn sẽ thì sẽ tạo điều kiện cho sai phạm tiếp diễn.

Tới thời điểm này tuy chúng ta chưa biết mức độ sai phạm của các vụ việc, ví dụ sai phạm của Ban cán sự Đảng hay lãnh đạo cũ như thế nào. Nhưng chúng ta cần điều tra xác minh và xử lý cương quyết. Trước hết là để biết sự thật câu chuyện, vì sao xảy ra chuyện như vậy và người có sai phạm như thế mà lại đi vòng vèo, được cử vào các chức vụ như vậy.

Sau Đại hội XII của Đảng, việc chấn chỉnh công tác cán bộ, chấn chỉnh suy thoái đội ngũ cán bộ và bộ máy, đặc biệt là chống nạn chạy chức chạy quyền, được Đảng và Nhà nước chỉ đạo như vậy, nhân dân thấy có những thay đổi tích cực, rất đáng ủng hộ và hoan nghênh.

- Có ý kiến đặt ra vấn đề vì sao ông Trịnh Xuân Thanh có sai phạm hệ thống rồi mà vẫn lọt qua các vòng hiệp thương và trúng cử ĐBQH với tỷ lệ phiếu cao nhất ở Hậu Giang?

+ Qua câu chuyện này và nhiều câu chuyện khác cũng như việc xét duyệt các dự án đầu tư… đang nổi lên một điều là cần xem lại những cái gọi là quy trình. Quy trình do con người đặt ra và xây dựng nên, thông qua. Nếu con người mà tốt, có trách nhiệm cao, thì quy trình dù có chưa chặt chẽ thì họ sẽ bổ sung, đề nghị hoàn thiện. Còn con người mà không tốt thì quy trình có chặt chẽ thì người ta vẫn tìm cách lách và bỏ qua. Vì những lợi ích cá nhân đôi khi người ta bỏ qua cả những sai phạm nghiêm trọng.

Tôi cho rằng, đã đến lúc mọi quy trình phải được xem lại để có sức gạn lọc, bỏ được các tiêu cực của người có trách nhiệm. Nếu quy trình chưa hoàn thiện thì ta bổ sung, bổ túc bằng luật pháp, bằng các nghị định của Chính phủ hay thậm chí là các quy định của Đảng liên quan tới công tác cán bộ.

Còn quy trình chặt chẽ rồi thì xem lại vấn đề con người. Ví dụ anh được giao gác cổng nhưng đêm về anh lại mở cổng cho trộm vào thì đó là vấn đề con người chứ không phải vấn đề quy trình.

Tôi đề nghị nên xem lại 2 chuyên: quy trình hoàn thiện chưa và yếu tố con người như thế nào.

- Câu chuyện này cũng đặt ra vấn đề giám sát của Quốc hội với bộ máy Chính phủ thưa ông?

+ Đúng là việc giám sát của Quốc hội với bên hành pháp cần phải nỗ lực hơn, sâu sát hơn và kiên quyết hơn. Vấn đề này không loại trừ do Quốc hội vừa qua chúng ta còn cả nể, các ban phải làm đúng hơn vai trò của mình và các ĐBQH khi đã là đại biểu dân cử rồi, phải đặt trách nhiệm dân cử lên cao hơn, tránh tình trạng nể nang. Nể nang và né tránh làm cho vấn đề giám sát sẽ không tới nơi tới chốn. Khi cần phải làm thì không làm.

Chúng ta có quy định thành lập đoàn giám sát lâm thời, ủy ban lâm thời để kiểm tra một vấn đề gì đó nhưng chúng ta chưa làm việc này.

Tôi cho rằng khi thấy một vấn đề nghiêm trọng thì chúng ta nên làm. Ví dụ lập Ủy ban lâm thời xem xét toàn bộ vấn đề môi trường, trước mắt tập trung làm vụ Formosa và một số dự án khác.

Nếu đề ra tôi sẽ ủng hộ, Formosa là vấn đề của 70 năm tới, người ta thấy doanh nghiệp này vi phạm nhiều, coi thường luật pháp và quyền lợi của người dân Việt Nam.

Rõ ràng hành pháp có sơ hở và thậm chí bất lực trước các sai phạm đó kể cả cấp trung ương và cấp tỉnh, việc giám sát lần này cần được tiến hành mạnh mẽ và nghiêm túc hơn./

Song Đào (lược ghi)

NỔI BẬT TRANG CHỦ