• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Quy định 96: Kết quả lấy phiếu tín nhiệm được dùng để đánh giá cán bộ

Thời sự 15/02/2023 08:56

(Tổ Quốc) - Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng vừa thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Quy định số 96-QĐ/TW về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị.

Quy định số 96 là bước tiếp tục cụ thể hóa Quy định 41 của Đảng về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ và Kết luận 20 của Bộ Chính trị về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật.

Quy định 96 đã nêu rõ, thông qua lấy phiếu tín nhiệm để đánh giá cán bộ, nếu không đạt được yêu cầu tín nhiệm cần thiết sẽ miễn nhiệm. Những người có từ 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp sẽ phải miễn nhiệm chức vụ đang giữ và bố trí công tác khác thấp hơn mà không chờ đến hết nhiệm kỳ hoặc hết thời hạn bổ nhiệm.

Quy định mới này hiện đang nhận được sự đồng tình, ủng hộ rất lớn trong dư luận. Bởi, việc lấy phiếu tín nhiệm góp phần đánh giá uy tín và kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao của cán bộ, giúp cán bộ "tự soi”, "tự sửa", tiếp tục phấn đấu, rèn luyện trong công tác; là cơ sở quan trọng để cấp ủy, tổ chức đảng đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ; nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, quản lý, giám sát cán bộ.

Lấy phiếu tín nhiệm đã không còn là kênh tham khảo trong đánh giá cán bộ - Ảnh 1.

ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga

Theo ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga - Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, trong quy định 96 của Bộ Chính trị có nhiều điểm rất nổi bật, đặc biệt là các quy định cũng đã cụ thể và chặt chẽ hơn trong việc sử dụng kết quả lấy phiếu tín nhiệm. 

So với quy định cũ thì với người có trên 1/2 số phiếu tín nhiệm thấp thì cán bộ chỉ bị xem xét, đưa ra khỏi quy hoạch vào các chức vụ cao hơn. Nhưng ở quy định mới, người có trên 1/2 nhưng dưới 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp thì sẽ phải đưa ra khỏi quy hoạch vào các chức vụ cao hơn, đồng thời cho thôi giữ các chức vụ đang đảm nhiệm, bố trí công tác khác hoặc là cho từ chức.

"Với việc cho thôi giữ các chức vụ ở quy định mới thay vì chỉ không bố trí quy hoạch khi cán bộ có số phiếu tín nhiệm thấp ở quy định cũ thì rõ ràng quy định mới đã thể hiện sự chặt chẽ hơn rất nhiều" - ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga nêu rõ.

Cũng trong quy định mới, nếu cán bộ có 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp thì sẽ bị miễn nhiệm chức vụ đang đảm nhiệm hoặc bố trí công tác thấp hơn và bố trí ngay lập tức, không chờ đến hết nhiệm kỳ hoặc thời hạn bổ nhiệm.

Điều này một lần nữa khẳng định quyết tâm của Bộ Chính trong việc lựa chọn cán bộ có tâm, có tầm để đứng trong bộ máy cơ quan nhà nước. Đồng thời cho thấy, trong quy định mới thì việc lấy phiếu tín nhiệm chính là một kênh chủ yếu để đánh giá cán bộ, còn trước đây quy định này chỉ là kênh tham khảo để đánh giá cán bộ.

Không chỉ còn là kênh tham khảo đánh giá cán bộ

Còn theo PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, tại Quy định 96, kết quả lấy phiếu tín nhiệm được dùng để đánh giá cán bộ, chứ không phải chỉ để "tham khảo trong đánh giá cán bộ" như trước đây.

Lấy phiếu tín nhiệm đã không còn là kênh tham khảo trong đánh giá cán bộ - Ảnh 2.

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

Trước đây Quốc hội cũng lấy phiếu tín nhiệm chức danh Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn gồm 3 bước: một là tín nhiệm cao, hai là tín nhiệm và ba là tín nhiệm thấp. Những lần bỏ phiếu đó đều có phiếu tín nhiệm cao nhiều hơn, còn số phiếu tín nhiệm thấp rất ít. Nhưng việc lấy phiếu cũng chỉ để nắm được tình hình, không đi đến quyết định về miễn nhiệm. Lần này Quy định 96 đã quy định rất rõ việc miễn nhiệm.

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc cho rẳng, điểm đáng chú ý trong Quy định 96, đó là đã bổ sung thêm tiêu chí về sự gương mẫu của không chỉ cán bộ lãnh đạo quản lý đó mà cả vợ, chồng, con của họ trong việc chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như trách nhiệm nêu gương của cán bộ để xem xét khi lấy phiếu tín nhiệm.

Quy định cho thấy, cán bộ lãnh đạo quản lý, dù ở cấp nào nếu sai phạm trước hết phải xem xét trách nhiệm của chính mình, cũng như vợ, con, họ hàng đã để bị chi phối trong thực thi trách nhiệm. Đây là tiêu chí quan trọng để có tín nhiệm đối với cán bộ lãnh đạo quản lý.

Cùng trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Hà - nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở đảng, Ban Tổ chức Trung ương cho rằng, việc lấy phiếu tín nhiệm với các mức độ: tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp, là kênh thông tin rất quan trọng trong đánh giá cán bộ.

Theo ông Nguyễn Đức Hà, lấy phiếu tín nhiệm, ngoài việc để liên hệ, kiểm điểm, đánh giá bản thân mình, thì căn cứ vào ý kiến góp ý, vào phiếu lấy tín nhiệm của tập thể để bản thân mình thấy đầy đủ hơn. 

Nếu nhiều người bỏ phiếu mình tín nhiệm thấp thì phải tự suy nghĩ, liên hệ xem còn khuyết điểm gì, còn những mặt yếu gì để sửa chữa, khắc phục và vươn lên.  Việc này cũng nhằm giúp cho cấp quản lý đánh giá cán bộ tốt hơn, đúng hơn./.

Bảo Trân

NỔI BẬT TRANG CHỦ