• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050: Xây dựng Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại"

Văn hoá 21/11/2023 14:39

(Tổ Quốc) - Ngày 21/11, Thành ủy - HĐND - UBND thành phố Hà Nội phối hợp với Tạp chí Cộng sản tổ chức hội thảo khoa học “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn trong xây dựng và thực hiện Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”.

Tham dự hội thảo về phía Trung ương có ông Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập báo Nhân dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; GS.TS Phùng Hữu Phú - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng lý luận Trung ương; Thượng tướng, PGS.TS Nguyễn Văn Thành - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng lý luận Trung ương; ông Phạm Đức Long, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông...

Về phía Thành phố Hà Nội có TS Nguyễn Văn Phong - Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội; TS Vũ Đức Bảo - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội; ông Nguyễn Doãn Toản - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội; ông Hà Minh Hải - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội.

Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050: Xây dựng Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại" - Ảnh 1.

Quang cảnh Hội thảo

Huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực phát triển Thủ đô

Phát biểu đề dẫn hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải khẳng định: “Công tác lập Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, là một trong những nội dung quan trọng để triển khai thực hiện Nghị quyết số 15 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Trên cơ sở Đề cương định hướng được BCH Đảng bộ Thành phố thông qua, Dự thảo Quy hoạch Thủ đô Hà Nội được tập trung xây dựng với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, với phương pháp tích hợp, đồng bộ và cách làm khoa học, linh hoạt, sáng tạo, đổi mới; với mục tiêu xuyên suốt đó là “văn hóa và con người không chỉ là mục tiêu, còn là động lực, nguồn lực quan trọng phát triển Thủ đô”.

Hiện nay, Thành phố Hà Nội đang tiến hành các bước xin ý kiến các bộ, cơ quan ngang bộ, các tỉnh, thành trong vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Thủ đô và các tổ chức, cá nhân có liên quan trước khi trình thẩm định theo quy định của pháp luật về quy hoạch.

Dự thảo Báo cáo tổng hợp Quy hoạch Thủ đô Hà Nội được gửi xin ý kiến gồm 1.200 trang được tích hợp từ 39 nội dung đề xuất của các ngành, lĩnh vực, 30 nội dung đề xuất của các quận, huyện, thị xã kèm theo hệ thống sơ đồ, bản đồ được số hóa.

Để góp phần nâng cao chất lượng Quy hoạch Thủ đô, Phó Chủ tịch UBND Thành phố bày tỏ mong muốn được lắng nghe các ý kiến gợi ý về các vấn đề kết nối vùng, những nội dung cần chú trọng ưu tiên trong kỳ quy hoạch này như (khai thác, phát huy vai trò sông Hồng; phát triển nông thôn; xử lý ô nhiễm môi trường đô thị; phát triển hạ tầng đặc biệt hạ tầng số); Các mô hình, ý tưởng phát triển đặc sắc, gắn với phát triển Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại - Thành phố kết nối toàn cầu; Các điều kiện, giải pháp để thực hiện tốt Quy hoạch Thủ đô sau khi được phê duyệt theo quy định, trong đó, tập trung vào các giải pháp hoàn thiện thể chế; các vấn đề về phân cấp, phân quyền; các giải pháp huy động nguồn lực; sự phối hợp giữa Thành phố với các bộ, ngành; các giải pháp hợp tác vùng, hợp tác quốc tế…

“Thành phố mong muốn sẽ nhận được nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết, trí tuệ để bổ sung, hoàn thiện và nâng cao chất lượng Quy hoạch Thủ đô; góp phần xây dựng một Hà Nội xanh – thanh bình – thịnh vượng, một Thành phố đáng sống với hệ giá trị đặc trưng: “Thủ đô Văn hiến - Kết nối toàn cầu - Thanh lịch hào hoa - Phát triển hài hòa - Thanh bình thịnh vượng”, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải bày tỏ.

Hội thảo “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn trong xây dựng và thực hiện Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” nhằm mục đích làm rõ thêm những vấn đề lý luận và thực tiễn trong xây dựng Quy hoạch Thủ đô, đồng thời tiếp tục gợi mở, đề xuất các ý tưởng, giải pháp xây dựng quy hoạch, nhất là các nội dung đột phá, các trọng tâm và việc khai thác, huy động nguồn lực để thực hiện Quy hoạch một cách hiệu quả, bền vững.

Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận 2 nhóm vấn đề lớn: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về lập Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Thực tiễn xây dựng và thực hiện quy hoạch các ngành và quận, huyện thành phố Hà Nội để sử dụng hiệu quả các nguồn lực thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050: Xây dựng Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại" - Ảnh 2.

Phó Chủ tịch UNND TP Hà Nội Hà Minh Hải phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, PGS. Nguyễn Ngọc Hà, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản đã khái quát lịch sử hình thành và phát triển Thủ đô Hà Nội; vai trò của Thủ đô qua các văn kiện của Đảng và đặc biệt là 4 ý tưởng về tầm nhìn và khát vọng phát triển Thủ đô cần quan tâm trong quá trình lập Quy hoạch Thủ đô.

Gợi mở về tầm nhìn và khát vọng quy hoạch Thủ đô, PGS.TS Nguyễn Ngọc Hà nêu quan điểm, trong Quy hoạch Thủ đô, vẫn cần quan tâm hàng đầu đến yếu tố văn hóa. Cần quy hoạch Hà Nội theo hướng là TP di sản, có văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, mang bản sắc Thủ đô ngàn năm văn hiến; Hà Nội là TP sáng tạo, công nghiệp văn hóa phát triển, TP thông minh; là điểm đến của du lịch văn hóa, ẩm thực và trung tâm dịch vụ chất lượng cao; TP của các sự kiện văn hóa mang tầm quốc tế thường niên.

Tham luận về một số nội dung chủ yếu của Quy hoạch, GS.TS Hoàng Văn Cường, đại diện Liên danh tư vấn Quy hoạch Thủ đô nêu 5 quan điểm chung phát triển Thủ đô. Trong đó, quan điểm hàng đầu là phát triển nhanh, bền vững, sáng tạo, bao trùm, trở thành cực tăng trưởng có vai trò lan tỏa và dẫn dắt, thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng động lực phía Bắc và cả nước; tạo dựng được hình ảnh, vị thế phồn vinh, thịnh vượng của quốc gia trên trường quốc tế; làm hình mẫu lan tỏa cho phát triển của vùng, đi trước cả nước những chỉ tiêu về nước công nghiệp và phát triển.

Xây dựng Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại"

Phát biểu kết luận tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội nêu rõ: Các nghị quyết của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô, về phát triển Vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đều khẳng định, đến năm 2030 xây dựng Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng và cả nước, phấn đấu ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực, đến năm 2045, Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố kết nối toàn cầu, ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và thế giới. Theo đó, thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, TP. Hà Nội đã ban hành các chương trình, kế hoạch để triển khai, cụ thể hóa các văn bản của Trung ương và đạt được một số kết quả cụ thể. Đặc biệt trong năm 2023, thành phố đang triển khai đồng thời 3 nhiệm vụ quan trọng đó là: Xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), lập Quy hoạch Thủ đô, Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Đây cũng là cơ hội đặc biệt quan trọng để nhìn nhận, đánh giá một cách tổng thể, toàn diện, chuẩn bị các luận cứ khoa học và thực tiễn xây dựng thể chế, chính sách phát triển, định vị các không gian phát triển, huy động các giá trị và nguồn lực để xây dựng, phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.

Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050: Xây dựng Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại" - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội kết luận Hội thảo

Ông Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh: Qua Hội thảo ngày hôm nay, Hà Nội lĩnh hội và tiếp thu một cách nghiêm túc các giải pháp, kiến nghị của các nhà khoa học, các quý vị đại biểu để bổ sung và cụ thể hóa vào các chương trình, kế hoạch, đặc biệt là đối với việc hoàn thiện Báo cáo tổng hợp Quy hoạch Thủ đô đang trong giai đoạn nước rút, cần lấy ý kiến rộng rãi của các chuyên gia, nhà khoa học, các cấp, bộ, ngành và quần chúng nhân dân để hoàn thiện sản phẩm Quy hoạch tích hợp đầu tiên của Thủ đô bảo đảm tiến độ, chất lượng. Qua đó, nhằm khơi dậy khát vọng phát triển trong mỗi người dân đang sinh sống và công tác tại Thủ đô, phát huy được hết tiềm năng, lợi thế so sánh của Hà Nội trong phát triển phù hợp với xu hướng thời đại, đồng thời mang lại những giá trị sống tốt đẹp cho người dân... từng bước hiện thực hóa những mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 22-2-2022 của Bộ Chính trị đã xác định đối với Thủ đô Hà Nội: “Đến năm 2045, Hà Nội trở thành thành phố kết nối toàn cầu, văn hiến, văn minh, hiện đại có mức sống và chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hòa; ngang tầm các thủ đô và thành phố hàng đầu trong khu vực”./.

Hồng Hà

NỔI BẬT TRANG CHỦ