• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

“Rạn nứt” liên minh Nga-Iran mở cửa cho Tổng thống Trump

Thế giới 10/01/2018 15:43

(Tổ Quốc) - Sức nặng Nga – Iran tại Trung Đông, đặc biệt là sau cuộc chiến Syria, đang là một ván bài phức tạp đối với Mỹ khi muốn tăng cường sức nặng tại  khu vực này.

Iran và Nga đã không che giấu việc muốn giảm ảnh hưởng của Mỹ tại Trung Đông, theo Reuters. Nhà lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei đã nói với Tổng thống Vladimir Putin trong chuyến thăm gần đây của nhà lãnh đạo Nga tới Tehran rằng "Hợp tác của chúng ta có thể cô lập Mỹ". Còn ông Putin, về phần mình, đã đánh giá mối quan hệ Moscow-Tehran là "rất hiệu quả."

Xung đột Syria bộc lộ mâu thuẫn

Tuy nhiên, liên minh này vẫn có một số bất đồng tại Syria, nơi hợp tác quân sự Moscow-Tehran đã đảo ngược thế trận và giành phần thắng cho đồng minh là Tổng thống Syria Bashar al-Assad, cũng như khiến Mỹ phải thoái nhượng mục tiêu buộc Assad phải từ bỏ quyền lực. Tuy nhiên, trong khi Washington chắc chắn nên thận trọng với mối quan hệ Nga-Iran, sự thân thiết này cũng đã bộc lộ một số vết nứt.

Tại Syria, việc lật đổ Nhà nước Hồi giáo (IS) dường như đã thể hiện ra một số khác biệt quan trọng trong các mục tiêu và chiến thuật của ông Putin và Khameini. Mục tiêu cuối cùng của Moscow, bao gồm việc ngăn ngừa sự thay đổi chế độ, là thúc đẩy ảnh hưởng của Nga ở Trung Đông và duy trì các căn cứ quân sự ở Syria. Khi đạt được những mục tiêu này, ông Putin kì vọng là có thể dẫn tới những thành công về ngoại giao của Nga tại phương Tây, cũng như thúc đẩy Mỹ công nhận Nga như một đối trọng bình đẳng.

Tổng thống Putin gặp Tổng thống Iran Hassan Rouhani tại Tehran tháng 11/2017. (Nguồn: Reuters)

Trong khi Moscow coi ông Assad là nhà lãnh đạo chính trị của Syria, quan tâm chính của Putin là bảo vệ và củng cố các thể chế của nhà nước Syria hơn là bản thân Assad. Người Nga thậm chí còn gợi ý với các đối tác phương Tây của họ rằng Moscow sẽ chấp nhận sự ra đi của Assad chừng nào điều này là một phần của tiến trình hòa bình chung.

Ngược lại, người Iran coi sự ra đi của ông Assad là "lằn ranh đỏ" và tin rằng việc duy trì vai trò lãnh đạo Syria của ông Assad giữ vai trò quyết định đối với hai mục tiêu chính của họ. Mục tiêu đầu tiên là duy trì khả năng cung cấp vũ khí cho đồng minh người Shiite lâu năm Hezbollah, trong khi xây dựng được một hành lang trên bộ "không có ảnh hưởng của Sunni" cho người Shi'ite từ Iran tới Địa Trung Hải – động thái mà Iran lo ngại một chính phủ mới sẽ không cho phép.

Thứ hai, Iran tin rằng sự có mặt của họ tại Syria là rất quan trọng đối với khả năng của Tehran trong việc gây áp lực cho Israel. Iran muốn duy trì khả năng tấn công vào Israel từ cả Lebanon và Syria, do đó củng cố quyết tâm của Iran nhằm duy trì các lực lượng bán quân sự người Shiite tại Syria.

Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) muốn đưa lực lượng bán quân sự người Shiite thành một lực lượng chính trị và quân sự được thể chế hoá tương tự như Hezbollah ở Lebanon – điều mâu thuẫn với mong muốn của Nga nhằm củng cố năng lực của một nhà nước Syria và giảm sự phụ thuộc của Syria vào Iran.

Khi đàm phán ngoại giao về tương lai Syria đang ngày càng được chú ý, sự khác biệt giữa các mục tiêu của Nga và Iran ngày càng gia tăng. Đáng chú ý, Iran còn cho rằng sự sẵn sàng làm việc của Nga với các nước như Thổ Nhĩ Kỳ có thể làm suy yếu lợi ích của Iran tại Syria. Các nhà lãnh đạo của Iran cũng quan ngại về mối quan hệ của Putin với Donald Trump; các thông tin từ các phương tiện truyền thông Iran cho thấy Tehran tức giận về quyết định của Tổng thống Putin thông tin ngắn gọn cho Tổng thống Hoa Kỳ về các mục tiêu của Moscow trước cuộc họp thượng đỉnh Sochi vào tháng 11 năm ngoái giữa ông Putin, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Tổng thống Iran Hassan Rouhani.

Nga đột phá cánh cửa Israel, Saudi Arabia

Sự sẵn sàng hợp tác của Nga với nhiều đối tác ở Syria cho thấy cách tiếp cận rộng hơn của Nga tới Trung Đông, điều phù hợp với cách tiếp cận đa phương của Putin về chính sách đối ngoại. Một ví dụ của điều này là mong muốn của Moscow để duy trì một mối quan hệ tốt với Sunni Saudi Arabia. Putin tin rằng hợp tác Nga-Saudi là cần thiết để hạn chế sản xuất dầu mỏ và giúp giá dầu tăng – điều nhà lãnh đạo Nga muốn để đáp ứng mục tiêu kép của ông trong việc xây dựng quân đội Nga và thúc đẩy lực đẩy nội bộ Nga. Vấn đề đối với ông Putin là người Shi'ite Iran và Sunni Saudi Arabia đang mắc kẹt trong cuộc cạnh tranh dữ dội về ảnh hưởng trên khắp Trung Đông. Do đó, Iran đã giận dữ về cách Điện Kremlin xúc tiến quan hệ sau nhiều năm căng thẳng giữa Moscow và Riyadh.

Dưới sự lãnh đạo của ông Putin, Nga cũng đã phát triển mối quan hệ tốt nhất mà họ từng có với Israel. Tổng thống Putin đã thăm Israel hai lần – một nhà lãnh đạo Nga đầu tiên làm như vậy - và đã đón tiếp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nhiều lần để thảo luận về lợi ích của Israel tại Syria.

Ông Putin được cho là có tương tác cá nhân tốt với Netanyahu và thậm chí còn được cho là đã thúc đẩy cả Assad và Hezbollah không trả đũa trước những cuộc không kích của Israel tại Syria. Ông Putin thậm chí còn tìm kiếm một thỏa thuận ngăn chặn các cường quốc nước ngoài sử dụng Syria làm cơ sở để tấn công một quốc gia láng giềng, điều này trực tiếp mâu thuẫn với mục tiêu của Iran là sử dụng Syria làm nền tảng để gây áp lực lên biên giới phía bắc của Israel. Tuy nhiên, với sự mâu thuẫn sâu sắc giữa Israel và Iran, rõ ràng rằng mối quan hệ tốt đẹp của Moscow với nhà nước Do Thái có thể làm trầm trọng thêm căng thẳng cơ bản trong quan hệ Nga-Iran.

Mỹ có thể tận dụng được điều gì từ tình hình trên. Theo Reuters, trong bối cảnh này, chính quyền của ông Trump cần tận dụng những khác biệt giữa Nga và Iran để làm suy yếu quan hệ hợp tác hai bên. Trước tiên, điều này đòi hỏi Washington phải duy trì hoạt động ở Trung Đông và xóa bỏ lập trường giảm hiện diện tại đây.

Hoa Kỳ cũng có thể tìm cách cải thiện quan hệ với Nga, đồng thời cũng dựa vào những mâu thuẫn tiềm tàng của Iran với Nga, hoặc khai thác tâm lí lo ngại của Iran rằng Moscow sẽ xa rời nước này để cải thiện mối quan hệ Nga - phương Tây.

Bất cứ động thái nào đều không dễ dàng, nhưng nếu các nhà hoạch định chính sách của Washington chơi đúng quân bài thì họ vẫn có thể làm suy yếu liên minh chiến lược Moscow - Tehran.

(Theo Reuters)

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ