• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Rò rỉ bài nói thể hiện “bước ngoặt” lập trường của Washington với Trung Đông

Thế giới 20/05/2017 20:41

(Tổ Quốc) - Có gì bất ngờ trong bài diễn thuyết của Tổng Thống Mỹ trước toàn thể giới Arab và Hồi giáo ngày mai?  

Theo bản thảo bài diễn thuyết mà Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ phát biểu tại Arab Saudi hôm Chủ nhật (21/5), chuyến công du đầu tiên của người đứng đầu nước Mỹ đến Trung Đông đặt mục tiêu kêu gọi sự đoàn kết của thế giới Hồi giáo, trong cuộc chiến chống lại chủ nghĩa cực đoan và khủng bố.

Tổng thống Donald Trump và phu nhân đặt chân xuống sân bay tại thủ đô Riyadh, bắt đầu chuyến thăm chính thức Arab Saudi

Bài phát biểu dự kiến của ông Trump sẽ không chứa đựng giọng điệu gay gắt đối với người Hồi giáo như trong chiến dịch tranh cử Tổng thống năm ngoái. Ngược lại, nó sẽ cổ vũ cho quan hệ đối tác mới giữa Mỹ với các đồng minh truyền thống tại Trung Đông. Ông Trump cũng sẽ tránh đề cập đến dân chủ và nhân quyền – hai chủ đề vẫn bị coi là “nhạy cảm” với các nhà lãnh đạo các quốc gia Arab; đồng thời dành nhiều nội dung cho các mục tiêu hoà bình và ổn định.

“Chúng tôi không ở đây để thuyết giảng – để dạy người khác sống như thế nào, phải làm gì, và họ là ai. Thay vào đó, chúng tôi đem lại sự cộng tác nhằm xây dựng một tương lai tốt hơn cho tất cả chúng ta,” bản thảo viết.

Riyadh là điểm đến thứ nhất trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Tổng thống Mỹ kể từ khi nhậm chức. Ông cũng sẽ dừng chân tại Israel, Vatican, Bỉ và Italy. Đây được coi là bài thử thách lớn cho các kỹ năng ngoại giao của ngài Tổng thống, cũng như là cơ hội quan trọng để ông Trump củng cố chính sách đối ngoại “Nước Mỹ trên hết”, vẫn được ông cổ suý sau khi trở thành người đứng đầu Nhà Trắng.

Hãng tin AP có được nội dung bản thảo này từ hai nguồn khác nhau; trong đó một phiên bản bao gồm cả một số chỉnh sửa và bình luận từ một quan chức chính phủ - cho thấy nó vẫn còn đang trong giai đoạn hoàn thiện.

Nhà Trắng xác nhận sự tồn tại của bản nháp, nhưng cho biết, Tổng thống vẫn chưa đặt bút ký cho phiên bản cuối cùng. “Ngài Tổng thống vẫn chưa xem bản nháp này,” phát ngôn viên của Nhà Trắng Sean Spicer nói. “Đây là một trong năm bản dự thảo được soạn thảo bởi nhiều người khác nhau. Ông Trump sẽ bổ sung ý kiến của mình và đang viết phiên bản cuối cùng.”

Ông Trump sẽ có bài phát biểu trước hơn 50 nhà lãnh đạo Arab và Hồi giáo trong một hội nghị thượng đỉnh ngày mai (21/5)

Trong chiến dịch tranh cử Tổng thống năm ngoái, ông Trump không ít lần bày tỏ thái độ bài trừ Hồi giáo; chính quyền của ông cũng đã hai lần nỗ lực áp dụng lệnh cấm đi lại đối với các quốc gia Hồi giáo lớn trên thế giới. “Tôi nghĩ rằng người Hồi giáo ghét chúng ta”, Tổng thống Mỹ từng phát biểu.

Trong bản nháp, Tổng thống Mỹ tự nhận mình là một “sứ giả của người Mỹ, đem đến thông điệp về tình bạn và hy vọng”.

“Đây không phải là một cuộc chiến giữa các niềm tin khác nhau, các giáo phái hay nền văn minh khác nhau. Đây là cuộc chiến giữa những kẻ đang muốn phá huỷ cuộc sống của loài người, với những người đang muốn bảo vệ nó,” bản thảo viết. “Đây là một cuộc chiến giữa người tốt và ma quỷ.”

Bài phát biểu của Tổng thống Mỹ sẽ diễn ra tại một Hội nghị thượng định có sự góp mặt của các nhà lãnh đạo Arab và Hồi giáo. Ông Trump dự kiến sẽ công khai lên án Tổng thống Syria Bashar Assad vì đã “phạm phải những tội ác không thể diễn tả được nhằm chống lại loài người”, và cả Iran vì đã góp phần cho tình trạng bạo lực leo thang tại Syria.

Iran và Syria không được mời đến Hội nghị thượng đỉnh ngày mai. Hai quốc gia này cũng không nằm trong liên minh quân sự khu vực do Arab Saudi thành lập để đối phó với chủ nghĩa khủng bố. Riyadh ủng hộ những nỗ lực nhằm thay đổi chính phủ Syria. 

Các quan chức của Nhà Trắng từng nói, họ coi chuyến thăm và bài phát biểu của Tổng thống Trump là sự đối trọng với bài diễn thuyết của Tổng thống Obama năm 2009 tại Cairo. Trong đó, ông Obama kêu gọi sự thấu hiểu lẫn nhau và thừa nhận một số sai lầm của Mỹ trong khu vực. Bài phát biểu này từng vấp phải sự phản đối của nhiều chính trị gia Đảng Cộng hoà và một số đồng minh của Washington tại Trung Đông, trong đó có cả Israel. Họ cho rằng, chính quyền Obama đã nói lời xin lỗi, trong khi Washington lúc đó liên tục phủ nhận điều đó.

Chuyến thăm của Tổng thống Obama trước đây tới Arab Saudi từng gặp phải thái độ "lạnh nhạt" sau khi Mỹ ký thoả thuận hạt nhân với Iran 

Cũng trong chuyến thăm kéo dài hai ngày, chính quyền Trump dự định sẽ công bố hợp đồng vũ khí và huấn luyện quân sự trị giá lên tới 110 tỷ USD cho Arab Saudi, trong đó bao gồm xe tăng, tàu chiến, hệ thống tên lửa phòng thủ, công nghệ radar – truyền thông – an ninh mạng…

Ông Trump sẽ dành hầu hết ngày thứ Bảy để gặp gỡ Vua Salman và các thành viên khác trong hoàng tộc, tham dự tiệc tối chiêu đãi tại Cung điện Marabba. Sẽ có hơn 50 nhà lãnh đạo Arab và Hồi giáo có mặt tại Riyadh để tham dự Hội nghị thượng đỉnh ngày Chủ nhật. Nội dung chủ yếu của hội nghị sẽ là các vấn đề liên quan đến cuộc chiến chống IS và các nhóm khủng bố cực đoan khác.

(Theo AP)

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ