• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Rúng động tâm thư Kim Jong un, Obama vội cảnh báo Trump

Thế giới 24/11/2016 06:19

(Tổ Quốc) - Nhà Trắng nói rằng các ưu tiên ngoại giao hàng đầu của Tổng thống mới nên là vấn đề hạt nhân của Bình Nhưỡng.  

Chính quyền Obama cho rằng Triều Tiên là ưu tiên an ninh quốc gia hàng đầu của chính phủ mới và đã chuyển tải lập trường này tới nhóm chuyển giao của Tổng thống đắc cử Donald Trump, theo những nguồn tin thân cận với vấn đề cho biết.

Động thái này diễn ra khi gần đây nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong un đã gửi một lá thư chín trang tới Mỹ yêu cầu dừng tuyên bố về các “mối đe dọa hạt nhân thù địch” đối với Triều Tiên. Văn bản này, vạch ra những điều Triều Tiên muốn từ Mỹ, được nhiều chuyên gia ở Washington cho rằng đây là một thông điệp trực tiếp đến Tổng thống mới đắc cử Donald Trump.

Sự phức tạp của thời cuộc

Tổng thống Barack Obama, với chính sách "kiên nhẫn chiến lược" đã từ chối tham gia vào các cuộc đàm phán cấp cao với Triều Tiên và chờ đợi nhà lãnh đạo Kim Jong Un từ bỏ kho vũ khí hạt nhân của mình.

Tuy nhiên, nhiều quan chức chính quyền Mỹ, hiện đang lo ngại về tốc độ phát triển vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, đặc biệt là tiến trình liên tục hướng tới việc phát triển tên lửa đạn đạo cho rằng chính quyền mới cần một chiến lược tích cực hơn.

Trong khi đó, việc đặt ra một chiến lược để ngăn chặn Triều Tiên hiện rất phức tạp bởi quá trình chuyển giao chính trị và bất ổn tại các nước liên quan, bao gồm cả Hàn Quốc. Tại Seoul, áp lực đang đè nặng lên Tổng thống Park Geun-hye khi dư luận nước này đang hô hào đòi bà từ chức trong bê bối tham nhũng.

Còn Trung Quốc, với ảnh hưởng rộng lớn tới Triều Tiên, đang phải đối mặt với những thách thức kinh tế trong nước và đã rất bất đắc dĩ khi gây áp lực lên nước láng giềng Bình Nhưỡng trong khi cũng đang có nguy cơ đối mặt với một cuộc khủng hoảng người tị nạn tại khu vực biên giới.

Và hiện tại, quá trình chuyển giao chính trị giữa hai Tổng thống Mỹ có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ với tất cả các bên. Một số quan chức Nhà Trắng cho rằng nếu ông Trump thực hiện đúng theo các tuyên bố khi tranh cử như cho rằng Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ và sẽ áp đặt mức thuế nhập khẩu khổng lồ với sản phẩm Trung Quốc thì Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể sẽ đáp trả lại bằng việc bất hợp tác về Triều Tiên.

Ông Trump cũng đã đe dọa sẽ đảo ngược sự ủng hộ của Mỹ đối với tình hình quốc phòng khu vực nếu các nước đồng minh không chi trả cho việc duy trì quân đội tại đây -  động thái gia tăng khả năng giảm sự hiện diện quân sự Mỹ Hàn Quốc và Nhật Bản.

Xe tăng Mỹ trong một cuộc tập trận chung với Hàn Quốc. (Nguồn: AP)

Sức mạnh hạt nhân Triều Tiên

"Chính quyền mới nên gửi một thông điệp rõ ràng tới Triều Tiên và Trung Quốc: [Triều Tiên với vũ khí hạt nhân] sẽ là kẻ phá hoại thỏa thuận", Park In Kook, một cựu đại sứ Hàn Quốc tại Liên Hợp Quốc nói.

Triều Tiên ước tính đã gia tăng kho vũ khí hạt nhân của mình từ 20 đến 40 quả bom trong những năm gần đây, sau khi tiến hành năm vụ thử vũ khí hạt nhân, gần đây nhất là tháng 9 vừa qua, theo các quan chức Mỹ và Trung Quốc.

Bình Nhưỡng cũng đang phát triển chương trình vũ khí hạt nhân thông qua việc sản xuất plutonium tại cơ sở hạt nhân Yongbyon và thông qua chương trình làm giàu uranium tại các cơ sở ngầm bí mật – khu vực được cho là sẽ khó khăn khi các nước khác muốn tiến hành không kích

Các mối đe dọa từ Triều Tiên còn đến từ chương trình đạn đạo tên lửa đẩy của nước này. Bình Nhưỡng đã thường xuyên thử nghiệm các tên lửa có tầm bắn có thể vươn tới lục địa Hoa Kỳ, và các quan chức tình báo Mỹ cũng tin rằng Triều Tiên đã tiến gần tới việc làm chủ công nghệ thu nhỏ đầu đạn hạt nhân và lắp đặt chúng vào tên lửa.

Giới quân sự Triều Tiên hiện nay dường như đặc biệt tập trung vào việc phát triển tên lửa mang theo đầu đạn hạt nhân, ông Olli Heinonen, người từng là thanh tra vũ khí hàng đầu tại Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế cho biết. "Và cuối cùng, họ sẽ đạt được điều đó," ông nói.

Lựa chọn ít ỏi

Các biện pháp của chính quyền Mỹ tiếp theo đối với Triều Tiên là rất hạn chế. Để đạt được sự hợp tác của Trung Quốc trong một chiến lược chung ngăn chặn Triều Tiên, các quan chức Hoa Kỳ nói rằng, chính quyền Trump có thể phải chứng minh rằng đang cố gắng đạt được giải pháp tiếp cận ngoại giao trước khi chuyển sang gây áp lực.

Một số biện pháp mới vừa được thực hiện. Bộ Tài chính Hoa Kỳ vào tháng 9 đã xử phạt một công ty Trung Quốc vì đã viện trợ cho chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Đây là lần đầu tiên Mỹ có động thái như vậy đối một công dân Trung Quốc “cấp cao” vì đã giúp đỡ Triều Tiên.

Tiến trình đàm phán có thể diễn ra sau hàng loạt bước đi để tăng áp lực kinh tế đối với Triều Tiên. Mỹ có thể sẽ tìm cách cắt đứt hợp tác ngân hàng của Triều Tiên và động thái có sức mạnh lớn nhất có lẽ là việc Trung Quốc cắt xuất khẩu than đá của Triều Tiên, một trong những nguồn thu lớn nhất của Bình Nhưỡng.

Bên cạnh đó, khó khăn với việc thực hiện các lệnh trừng phạt đang gia tăng gấp đôi. Triều Tiên là một nền kinh tế khá cô lập với thế giới, do đó nước này chịu ít áp lực hơn so với Iran khi bị áp đặt cơ chế trừng phạt quốc tế về chương trình hạt nhân.

Thứ hai, việc áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế nghiêm khắc hơn sẽ yêu cầu sự tham gia của Trung Quốc.

Nếu không có sự hợp tác từ Bắc Kinh, "tôi thấy có ít lý do để nghĩ rằng sự kết hợp các biện pháp trừng phạt và ngoại giao sẽ ngăn chặn được Triều Tiên", ông Richard Haass, Chủ tịch Hội đồng Quan hệ đối ngoại Mỹ nói.

"Tôi nghĩ rằng chính quyền (mới) có rất ít thời gian", nhưng vẫn cần đi đến quyết định về chiến lược ưu tiên, ông Haass thêm.

Giải pháp cuối cùng có thể là quân sự, tuy nhiên, không có chiến lược nào dễ dàng với lập trường này.

Nếu không có ít nhất một thỏa thuận ngầm với Trung Quốc, các động thái quân sự có thể gây ra một cuộc khủng hoảng an ninh trong khu vực.

Hiện tại, Bắc Kinh đang phản đối mạnh mẽ việc Mỹ lên kế hoạch triển khai lá chắn tên lửa ở một quốc gia Đông Bắc Á trong khi hai bên cũng còn nhiều bất đồng về vấn đề tranh chấp Biển Đông.

Tổng thống Mỹ đắc cử Trump có thể phải đối mặt với vấn đề Triều Tiên ngay khi khởi đầu nhiệm kỳ của ông khi trước đó, Bình Nhưỡng thường xuyên có hành động khiêu khích trong quá trình chuyển đổi chính trị tại Mỹ để thu hút sự chú ý và xem cách thức người Mỹ phản ứng. 

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ