(Cinet)- Lần đầu tiên, một không gian đúng “chất” Tết Trung thu xưa sẽ được tái hiện ngay tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám; một Trung thu đậm dấu ấn truyền thống tại Hoàng thành Thăng Long hay “Sắc màu văn hóa Đồng Tháp” tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam…
Đó là những chương trình đặc sắc dành cho các em thiếu nhi nhân dịp Trung thu 2017 được tổ chức giữa Thủ đô Hà Nội.
Trung thu đậm dấu ấn truyền thống tại Hoàng thành Thăng Long
Trung thu là một trong bốn lễ tết lớn nhất của người Việt, trở thành một nét đẹp văn hóa ngàn đời của cha ông ta. Trung thu từ xa xưa đã được tổ chức như ngày hội, ngày hội của các em thiếu nhi, ngày hội của mọi gia đình.
Trung thu đậm dấu ấn truyền thống tại Hoàng thành Thăng Long. (Ảnh minh họa: Hà Tuấn) |
Chương trình Trung thu năm nay tại Hoàng thành Thăng Long tiếp tục là một Trung thu mang đậm màu sắc văn hóa truyền thống với nhiều hoạt động bổ ích, lý thú, hấp dẫn đối với các em thiếu nhi. Đặc biệt là chương trình giáo dục học đường giúp các em học sinh có thể tìm hiểu về Trung thu xưa qua tư liệu của nhà nghiên cứu người Pháp Henri Oger và Bảo tàng Albert Kahn, Cộng hòa Pháp, đồng thời được gặp gỡ giao lưu với các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử và trải nghiệm nhiều hoạt động tương tác nghề truyền thống, trò chơi dân gian. Cùng với đó là nhiều hoạt động biểu diễn nghệ thuật đặc sắc như múa sư tử, múa rối nước, múa rối cạn…
Ngoài ra những hoạt động nghệ thuật tương tác cũng là điểm đặc biệt của chương trình năm nay với sự tham gia của nhiều nghệ nhân như Gia đình bà Đinh Thị Tú Anh - nghệ nhân bánh trung thu (Hiệu bánh Phương Soát phố Hàng Đường); gia đình ông Hoàng Bá Nhất - nghệ nhân bồi và vẽ mặt nạ (Thuận Thành - Bắc Ninh); gia đình ông Vũ Văn Sinh - nghệ nhân đèn kéo quân (Thanh Oai - Hà Nội); gia đình bà Nguyễn Thị Tuyến - nghệ nhân làm ông tiến sỹ giấy (Vân Canh - Hà Nội); gia đình ông Đỗ Văn Kỳ nghệ nhân làm đèn con thỏ, đèn ông sư (Thường Tín - Hà Nội); gia đình ông Lương Mạnh Hải nghệ nhân gốm (Bát Tràng - Hà Nội); ông Đặng Văn Tiên, nghệ nhân tò he…Người xem có thể cùng bồi và tô vẽ mặt nạ, làm bánh trung thu, làm đèn ông sao, đèn kéo quân, đèn ông sư, đèn con thỏ, nặn tò he, tiến sĩ giấy và ông đánh gậy trông trăng, làm đồ gốm (vuốt, nặn, vẽ các hình con giống).
Bên cạnh đó, những trò chơi truyền thống, dân gian cũng được tái hiện sinh động như Đi cầu tre gánh lúa (gánh lúa qua cầu), bập bênh, ném vòng, ngựa gỗ, bao bố, kéo co, chơi chuyền, pháo đất, ô ăn quan, bịt mắt đánh trống. Chương trình diễn ra từ ngày 28/9 đến 4/10.
“Thu vọng nguyệt” - bản hòa tấu Trung thu đa sắc màu tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám
“Thu vọng nguyệt” là sự kiện đáng mong chờ năm 2017 lần đầu tiên tổ chức quy tụ được lực lượng văn nghệ sỹ, nghệ nhân dân gian, nhà nghiên cứu văn hoá, lịch sử... lên tới gần 500 người tham gia.
Những tên tuổi hàng đầu Việt Nam chung tay trong sự kiện có thể kể tới Tổng đạo diễn Phạm Hoàng Nam, họa sỹ Lê Thiết Cương (giám đốc mỹ thuật), nhạc sỹ Quốc Trung (giám đốc âm nhạc), nghệ sỹ Xuân Bắc - Tự Long, diễn viên Chiều Xuân, nghệ sỹ Trí Minh, ca sỹ Thùy Chi, ca sỹ Đông Hùng, NSND Thúy Hường, NSƯT Xuân Diệu, NTK Đức Hùng, NTK Hà Linh Thư, NTK Anh Thư… cùng nhiều nghệ nhân ẩm thực - làng nghề từ khắp ba miền Bắc, Trung, Nam.
“Thu vọng nguyệt” - bản hòa tấu Trung thu đa sắc màu tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. (Ảnh minh họa: zing.vn) |
Không chỉ mang đến sân chơi thuần túy cho các em, chương trình còn là dịp để các thành viên nhiều thế hệ cùng nhau ngược dòng lịch sử, tìm về không khí ngày Tết Trung thu xưa qua những lời kể, hồi ức, tư liệu của các nghệ nhân dân gian, nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử như: nhà sử học Dương Trung Quốc, nghệ nhân phục dựng Trần Bách, Tiến sĩ Nguyễn Nhã… Không chỉ vậy, các em còn được tương tác với các nghệ nhân trong việc làm đèn ông sao, đèn kéo quân, mặt nạ giấy bồi, nặn tò he, làm giỏ thiên nga bông, giỏ thị… Các nghệ nhân ở khắp mọi miền đất nước cũng sẽ tham gia trình diễn nghệ thuật cắt tỉa và sắp đặt rau củ quả, hướng dẫn các em bày mâm cỗ Trung thu đúng chất Hà Nội xưa, làm bánh Trung thu truyền thống, đùm cốm lá sen…
Cũng tại sự kiện lần này, công chúng còn có cơ hội được đắm chìm trong cảm xúc khó quên với màn trình diễn "Dòng sông ánh sáng" của những nghệ sĩ sắp đặt hàng đầu Việt Nam, cảm nhận hơi thở thời đại và kế thừa cùng màn trình diễn Áo Dài truyền thống xuất hiện đầy bất ngờ của 3 Nhà thiết kế tên tuổi Anh Thư - Hà Linh Thư - Đức Hùng.
“Thu vọng nguyệt” được kỳ vọng là sự kiện hoành tráng không chỉ tạo nên dấu ấn đặc trưng Hà Nội mà còn mang ý nghĩa làm đẹp thêm hình ảnh đất nước, con người của mảnh đất nghìn năm văn hiến qua đó quảng bá những nét đẹp văn hóa dân gian đậm đà bản sắc dân tộc tới tất cả du khách trong nước và quốc tế.
Chương trình sẽ diễn ra từ 17h-22h các ngày 29, 30/9 và ngày 1/10 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội.
“Sắc màu văn hóa Đồng Tháp” tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam
Nhằm giới thiệu những nét văn hóa truyền thống cũng những nét riêng độc đáo trong đời sống văn hóa của nhân dân tỉnh Đồng Tháp, chương trình Trung thu 2017 với chủ đề “Sắc màu văn hóa Đồng Tháp” được tổ chức tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam từ ngày 30/9 và 01/10/2017.
Ảnh minh họa: tieudungplus.vn |
Chương trình sẽ mang tới cho khán giả những trải nghiệm vô cùng thú vị thông qua các hoạt động trình diễn Hò Đồng Tháp, dệt choàng Hồng Ngự và hướng dẫn làm đèn Trung thu từ lon sữa bò, tết lá dừa. Đặc biệt, du khách có cơ hội thưởng thức hương vị ẩm thực cùng các sản vật của vùng đất “sen hồng” như: gỏi ngó sen, chả giò sen, cơm trộn sen, cơm vắt huyết rồng… Bên cạnh đó, Bảo tàng vẫn duy trì tổ chức các hoạt động gắn với Tết Trung thu truyền thống như: múa lân sư, hướng dẫn làm bánh dẻo, cốm Vòng, cắt tỉa hoa quả, làm đồ chơi và chơi các trò chơi dân gian. Chương trình có sự tham gia của nhiều nghệ nhân dân gian đến từ Đồng Tháp.
Nguyên Hà