• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Sai phạm có hệ thống, rượu độc vẫn xuất xưởng

Kinh tế 11/12/2013 00:40

(Toquoc)-Đã có nhiều hoạt động kiểm tra với công ty này từ năm 2009 và hầu như lần nào cũng phát hiện sai phạm.

(Toquoc)-Đã có nhiều hoạt động kiểm tra với công ty này từ năm 2009 và hầu như lần nào cũng phát hiện sai phạm.



>>Yêu cầu điều tra làm rõ vụ “ngộ độc rượu 29 Hà Nội”

>>Phát hiện rượu có Methanol vượt quá gần 2000 lần



Bắt khẩn cấp 3 đối tượng sản xuất rượu độc

Chiều 10/12, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh đã có quyết định bắt khẩn cấp 3 đối tượng có trách nhiệm trong Công ty cổ phần XNK 29 Hà Nội.

Trước đó, sáng 10/12, Phòng Cảnh sát môi trường, Công an TP Hà Nội đã phối hợp với Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an Quảng Ninh đưa ông Nguyễn Duy Vường (SN 1967), Giám đốc Công ty Cổ phần XNK 29 Hà Nội và 2 kỹ thuật viên pha chế rượu của công ty về trụ sở cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Ninh để điều tra, làm rõ.

Đại tá Doãn Hữu Châu, Trưởng phòng Cảnh sát môi trường, Công an TP Hà Nội cho hay, cơ quan chức năng đang điều tra, làm rõ nguồn nguyên liệu để sản xuất rượu và không loại trừ khả năng nguồn này còn cung cấp cho các cơ sở khác.



Phó giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Thị Như Mai thông tin về vụ việc tại cuộc họp giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội chiều 10/11 (ảnh: Thái Linh)

Còn theo Sở Công Thương Hà Nội, đến ngày 10/12, trên địa bàn Hà Nội chưa phát hiện được sản phẩm rượu nào của Công ty cổ phần XNK 29 Hà Nội.

Được biết, theo lời khai của giám đốc công ty thì công ty có quan hệ buôn bán với cơ sở số 38 Nguyễn Siêu, Hà Nội. Tuy nhiên, khi đoàn kiểm tra tới địa điểm này thì không phát hiện có rượu cũng  như chứng từ mua bán rượu.

Mặc dù vậy, Đại tá Doãn Hữu Châu, Trưởng phòng Cảnh sát môi trường, Công an TP Hà Nội cho hay, cơ quan chức năng vẫn tiếp tục kiểm tra cơ sở này bởi có thể từ số 38 Nguyễn Siêu, các sản phẩm rượu đã lan tỏa ra các điểm khác.

Được biết, từ đầu năm tới nay, cơ quan chức năng Hà Nội đã kiểm tra 76 vụ, xử phạt trên 854 triệu đồng và tịch thu 12.000 chai rượu.


Trong buổi tiếp xúc cử tri quận Hai Bà Trưng, báo cáo kết quả kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII vào chiều 10/11, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cho biết đã có chỉ đạo cụ thể với Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội để giải quyết. Phải xử lý vụ này ở mức nghiêm nhất… “Rõ ràng việc quản lý của chúng ta chưa đủ chặt chẽ, người ta vẫn lách được, vẫn lừa dối được các cơ quan kiểm tra giám sát. Vấn đề đó phải là tinh thần trách nhiệm”./.

Các đơn vị chức năng mở rộng kiểm tra một số cơ sở sản xuất rượu khác trên địa bàn. đoàn đã lấy mẫu và tạm giữ hàng ngàn sản phẩm rượu thành phẩm như rượu Anh Đào, Vodka Hà Thành… Hiện các mẫu đã được gửi tới Viện kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia, Bộ Y tế.

Trách nhiệm trước tiên thuộc về cơ sở sản xuất rượu

Theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, Công ty cổ phần XNK 29 Hà Nội đã được các cơ quan chức năng như Cục An toàn thực phẩm (ATTP), Bộ Y tế; Sở Y tế Hà Nội cấp các giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP và tiêu chuẩn sản phẩm... cho các sản phẩm do công ty này sản xuất.

Tuy vậy, rượu do công ty sản xuất đã làm 5 người chết tại Quảng Ninh và theo thông tin mới nhất, trường hợp tử vong thứ 6 là do uống rượu quốc lủi, không phải rượu của công ty trên.

Trả lời câu hỏi liệu có vấn đề gì trong việc cấp giấy phép của Sở Y tế bởi tháng 1/2010 công ty mới được Sở Công Thương Hà Nội cấp giấy phép được sản xuất rượu nhưng tháng 5/2009, công ty đã được Sở Y tế cấp giấy phép chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm…

Có mặt tại buổi giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội, Phó chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội Mai Thị Hồng Hạnh đã không trả lời rõ ràng câu hỏi này. Chi cục trưởng Chi cục ATTP, Sở Y tế Lê Đức Thọ đã trả lời thay nhưng không trực diện vào vấn đề.

Theo ông Thọ, hiện nay việc cấp giấy phép cho các cơ sở sản xuất rượu sẽ theo Luật ATTP năm 2011, còn trước đó, cấp theo Quyết định 42 của Bộ Y tế. Theo đó, bộ hồ sơ gồm: đăng ký kinh doanh ngành nghề phù hợp, xét nghiệm tiêu chí, tiêu chuẩn sản phẩm, bản công bố tiêu chuẩn sản phẩm theo quy định, thu phí và lệ phí. Trên cơ sở đó Sở Y tế cấp giấy chứng nhận tiêu chuẩn thực phẩm mà không chờ giấy đăng ký kinh doanh của Sở Công Thương.

Điều đáng chú ý, trước khi vụ việc này vỡ lở, tháng 10/2013, đã có nhiều hoạt động kiểm tra với công ty này từ năm 2009 và hầu như lần nào cơ quan chức năng cũng phát hiện ra sai phạm.

Lấy ví dụ, tháng 12/2009, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 17, Chi cục QLTT Hà Nội đã kiểm tra và phát hiện công ty này sản xuất rượu không có giấy phép, không thông báo địa điểm kinh doanh theo quy định, sử dụng nhân viên trực tiếp sản xuất không có giấy chứng nhận tập huấn kiến thức vệ sinh ATTP. Đội 17 đã đề xuất xử phạt 11,2 triệu đồng.

Tháng 12/2011, Đội QLTT số 14 phối hợp với C49 Bộ Công an cũng kiểm tra đơn vị này và tạm giữ 268 chai rượu vang đỏ loại 10% vol, 750ml có dấu hiệu hàng hóa kém chất lượng so với bản công bố chất lượng, lấy mẫu của đơn vị này, xác nhận số hàng hóa trên có độ coliform không đảm bảo như chỉ tiêu đã công bố. Các đơn vị đã lập biên bản về hành vi vi phạm: sản xuất rượu đóng chai không đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh ATTP như đã công bố và xử phạt 4 triệu đồng.

Tháng 9/2012, công ty này tiếp tục vi phạm và tới lần kiểm tra gần đây nhất, ngày 16/10/2013, đoàn thanh tra Sở Công Thương đã kiểm tra tại trụ sở chính tại đường Nguyễn Văn Cừ, doanh nghiệp này khai rằng, thời điểm đó họ không sản xuất rượu nên đoàn thanh tra đã không kiểm tra nội dung này.

Sau khi báo chí thông tin, ngày 6/12, đoàn kiểm tra liên ngành tiếp tục tới làm việc với công ty nhưng toàn bộ ban lãnh đạo đã không có mặt. Đoàn đã đề nghị đơn vị cho thuê nhà bổ sung thêm khóa cửa để đề phòng trường hợp công ty tẩu tán hàng hóa.

Ngày 7/12, đoàn thanh tra liên ngành đã kiểm tra nơi sản xuất kho cồn, bán thành phẩm và thành phẩm và niêm phong toàn bộ tank chứa cồn nguyên liệu, dịch lên men hoa quả, rượu bán thành phẩm và lấy 21 mâu thành phẩm cồn nguyên liệu, bán thành phẩm để gửi đi xét nghiệm.

Trả lời về trách nhiệm trong vụ việc này, Phó Giám đốc Sở Công Thương kiêm Chi cục trưởng Chi cục QLTT Hà Nội Nguyễn Thị Như Mai cho hay, trách nhiệm trước hết thuộc về ngành Công Thương và các ngành liên quan theo phân cấp quản lý.

Tuy nhiên, cũng theo bà Mai, "trước tiên đơn vị sản xuất rượu phải chịu trách nhiệm. Chúng tôi kiểm tra và hậu kiểm trên địa bàn. Xảy ra việc này có một phần trách nhiệm của chúng tôi khi chưa kiểm tra hết được. Chúng tôi hứa tăng cường kiểm tra trong đó có mặt hàng rượu".

Bà cũng giải thích, số lượng cán bộ của chi cục có hạn, đầu việc nhiều và chi cục đã làm việc không nghỉ cả ngày thứ 7, làm ngày đêm.

Với câu hỏi tại sao, cơ sở này vi phạm nhiều lần mà không đình chỉ sản xuất, kinh doanh, bà Mai cho hay, vi phạm vệ sinh ATTP trong mức độ quy định pháp luật thì chưa thể đình chỉ được, chỉ xử phạt hành chính và cầu doanh nghiệp khắc phục./.

Thái Linh

NỔI BẬT TRANG CHỦ