• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Sân khấu kịch Bắc ‘ế’ khách: vì đâu nên nỗi?

Văn hoá 18/03/2010 16:01

(Toquoc)-Không ít lần, các đạo diễn, diễn viên lên tiếng về sự thờ ơ của khán giả Bắc với kịch.


(Toquoc)-Không ít lần, các đạo diễn, diễn viên lên tiếng về  sự thờ ơ của khán giả Bắc  với kịch. Đáp lại, một số khán giả phản hồi rằng vì kịch không hấp dẫn, không có gì đáng xem.

Sài Gòn mồng 1 Tết, tất cả các sân khấu  kịch đều tưng bừng náo nhiệt. Lịch diễn chật kín và dày đặc. 12g trưa, khán giả vẫn kéo nhau đến rạp xem suất diễn đầu giờ chiều. Diễn viên bước chân vào nhà hát từ sáng sớm và chỉ ra về khi trời đã khuya và mọi nẻo phố đều đã vắng bóng người.

Hà  Nội mồng 1 Tết, tất cả  các sân khấu kịch đều đóng cửa. Mồng 5, 6 Tết, lác  đác vài rạp khai xuân. Rạp Thanh Niên (37 Trần Bình Trọng) chuyên về hài kịch - thể loại mà dân Hà Nội đỡ “ghẻ lạnh” hơn cả - dù vẫn bán được vé nhưng không hôm nào kín chỗ. Tại những sân khấu khác, và những vở chính kịch khác - vẫn tiếp tục phục vụ cho đa số khán giả đi xem bằng vé mời và chỉ chờ đến lúc có vé mời mới đi xem.

Nhìn hai bức tranh đối lập ấy mới thấy xót xa cho sân khấu kịch phía Bắc, xót xa cho những người làm nghề tràn trề tâm huyết, tràn trề năng lượng, chỉ thiếu thốn nhiệt lượng từ hàng ghế khán giả.

Không ít lần, các đạo diễn, diễn viên lên tiếng về  sự thờ ơ của khán giả Bắc với kịch. Đáp lại, một số khán giả phản hồi rằng vì kịch không hấp dẫn, không có gì đáng xem.

NSƯT Chí  Trung có cách so sánh rất thú  vị về mối quan hệ  giữa người làm kịch và  khán giả như mối quan hệ  giữa anh và ả. Vậy thì, tình trạng “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” bấy lâu giữa anh và ả rốt cục là vì đâu và tại ai? Tại anh, tại ả hay tại cả đôi bên?

Bài 1: Khán giả 'đói' kịch hay lạnh lùng với kịch?

Từ sự thất sủng của Đời cười…

Ra đời từ năm 1998, chùm hài kịch Đời cười của NSND Lê Hùng được coi là lối thoát của sân khấu kịch Bắc lúc bấy giờ. Nó khai thông bế tắc cho hơn một thập kỷ đóng băng trong những vở chính kịch kinh điển không còn sức hấp dẫn với con người thời mở cửa. Những Đời cười 1, Đời cười 2, Đời cười 3 với nội dung gần gũi, thiết thực, khai thác các vấn đề vừa thời sự vừa cố hữu đã đánh trúng vào “cơn khát” của công chúng. Các phòng vé sau một thời gian ngủ đông triền miên đã tỉnh giấc trở lại. Khán giả đổ đi xem và cười nghiêng ngả, báo chí dành những mỹ từ để khen ngợi, diễn viên -đạo diễn đầy hứng khởi dựng liên tiếp các vở diễn mới.

Nhưng ‘tuần trăng mật’ không kéo dài được lâu.

Sau Đời cười 3, lượng khán giả có mặt trong Đời cười 4, 5, 6… và vừa mới đây là Đời cười 9 cứ ngày một giảm đi. Chất lượng các vở Đời cười không còn được như ban đầu là thực tế không thể phủ nhận. Chính NSƯT Lê Khanh - người đã góp vào thành công quá lớn của Đời cười 1 cũng chấp nhận xa rời công chúng của Đời cười sau chương trình thứ 2 – vì sợ “không thể quay lại”.

Không có gì thay đổi nhanh như thị hiếu khán giả. Hôm nay họ thích cười kiểu này, mai họ thích cười kiểu khác (Cảnh trong Đời cười 9)

Nhiều mũi tên đã nhắm đến NSND Lê Hùng, phê phán ông chạy theo lợi nhuận mà sản xuất hàng chợ. Đáp lại, Lê Hùng vẫn làm Đời cười, vẫn kiên trì chiến lược “đi bằng hai chân, lấy ngắn nuôi dài”. Sao có thể dừng lại khi mà những vở hài kịch bị chê nhạt nhẽo, tầm thường, rẻ tiền vẫn có người bỏ tiền ra mua vé, dù không quá đông. Trong khi đó, các vở chính kịch kinh điển được khen là mẫu mực, tử tế thì chẳng mấy ai chịu đi xem khi chưa có vé mời.

Mổ xẻ nguyên nhân vì sao Đời cười càng ngày càng đuối sức, có người cho rằng “cha mẹ sinh 10 đứa con không thể xinh đẹp, hoàn hảo cả 10”. Trong khi đó, với kịch, chỉ cần một chương trình kém hấp dẫn so với chương trình trước đó đã có thể tạo nên khoảng cách với khán giả. Tâm lý khán giả sẽ ngay lập tức nảy sinh định kiến “à, kịch ngày càng chán rồi”. Và họ sẽ giữ cái tâm lý định kiến ấy đến tận những năm sau, những chương trình sau, dù đôi khi (và hầu như) họ không hề xem những chương trình sau đó.

Tâm lý định kiến này sẽ không xảy ra ở một môi trường nghệ thuật mà khán giả đam mê kịch, cháy bỏng vì kịch. Nhưng tại môi trường mà tình yêu, hay đúng hơn là sở thích với kịch chỉ vừa mới nhen nhóm trở lại thì thiện cảm giữa khán giả và sân khấu sẽ nhanh chóng bị sứt mẻ, chỉ vì những khúc mắc rất nhỏ, những hành vi rất nhỏ, những vết gợn rất nhỏ. Trường hợp này giống câu danh ngôn tình yêu của Bussy Rebutin “Gió thổi tắt ngọn lửa nhỏ và thổi bùng ngọn lửa lớn”.

Tuy nhiên, ở một góc độ khác, có lẽ sự thụt dốc của Đời cười là do chính các nghệ sỹ đã tạo sức ép cho mình.

Không có gì thay đổi nhanh như thị hiếu khán giả. Hôm nay họ thích cười kiểu này, mai họ thích cười kiểu khác. Hôm nay họ cười quặn ruột vì một câu nói bâng quơ kiểu như “sao trời không mưa mà lại mặc áo mưa”, thì ngay mai họ lại thấy câu nói đó thật ngớ ngẩn và vô duyên.

Các nghệ sỹ kịch hẳn là hiểu điều đó. Và họ đã biến điều đó thành áp lực cho mình. Không có áp lực thúc sau lưng thì không thể đẩy mình lên những đỉnh cao mới. Song, ở đây, dường như các nghệ sỹ đã bị ám ảnh bởi những áp lực, cho rằng khán giả đã đạt được khoái cảm thẩm mỹ rồi, khó có thể làm cho họ thích thú như trước, nên mỗi lần diễn là một lần nghệ sỹ như gồng mình lên, phô trương thêm một tí, cường điệu thêm một tí. Và cuối cùng là mỗi lần lại mất đi ‘một tí’ khán giả.

…Đến sự lãnh cảm tàn nhẫn với kịch

Đã từng có những cụm từ “khán giả Hà Nội đói kịch”, “nhà hát thờ ơ trước nhu cầu công chúng” xuất hiện trên báo chí. Có vẻ như, giới làm kịch Hà Nội không nắm bắt được khán giả muốn gì?

Nhưng có một thực tế thế này, cũng những vở kịch mà người Hà Nội xem rồi chê hoặc chê mà không xem ấy khi mang vào Sài Gòn lại được dân Sài Gòn thích thú, hào hứng đón nhận. Và ngược lại, đã có những vở kịch Sài Gòn cháy vé tại Sài Gòn khi mang ra Hà Nội lại rơi vào cảnh ế ẩm.

Nếu khán giả Hà Nội thực sự đói kịch, thì họ đói loại kịch nào?

Kịch cổ điển hay kịch hiện đại, bi kịch hay hài kịch, kịch lịch sử hay kịch thời sự xã hội? Tất cả những thể loại này các nhà hát tại Hà Nội đều có. Và khó có thể đánh giá là kém chất lượng, không hấp dẫn với những vở như Macbeth, Âm mưu và tình yêu, Hamlet, Những quân bài định mệnh, Mắt phố, Đứa con bị đánh cắp



Có những vở kịch mà người Hà Nội xem rồi chê hoặc chê mà không xem ấy khi mang vào Sài Gòn lại được dân Sài Gòn thích thú, hào hứng đón nhận. (Cảnh trong vở Âm mưu và Tình yêu)

Nhưng số khán giả bỏ tiền ra mua vé đi xem những vở kịch này đếm được trên đầu ngón tay. Không có cảnh khán giả xếp hàng dài chen lấn trước cổng nhà hát. Không có những cuộc trao đổi thường ngày chốn văn phòng về những vở kịch đang được công diễn. Không có những đôi tình nhân tặng nhau vé xem kịch hay dập dìu bên nhau vào nhà hát trong những tối cuối tuần. Trong khi đó, Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát kịch Hà Nội, rạp Thanh Niên vẫn đỏ đèn mòn mỏi mỗi đêm.

Mức giá trung bình 60000VND/suất xem kịch không phải là cái giá cao so với thu nhập của người Hà Nội. Càng không phải là cao so với một chương trình ca nhạc của những ngôi sao showbiz mà người ta sẵn sàng bỏ ra cả vài trăm đến vài triệu đồng mua vé vào… ngắm.

Chỉ có một lý do rõ ràng và duy nhất ở đây là khán giả không thích. Vì không thích nên dù có là 60.000 đồng hay miễn phí hoàn toàn thì họ cũng ngại đi xem.

Ngay cả khi những vở kịch đương đại nổi tiếng của những đoàn kịch nổi tiếng thế giới trình diễn tại Việt Nam, dưới sân khấu vẫn là những gương mặt báo chí quen thuộc, các đại biểu quen thuộc, các khán giả quen thuộc đến xem bằng vé mời…


NSƯT Chí Trung – Trưởng đoàn kịch II Nhà hát Tuổi trẻ: Có đỉnh cao thì có thoái trào!

“Thông thường khi xảy ra một sự cố thì người ta thường đổ lỗi cho nhau. Khán giả đổ tại kịch không có gì đáng để xem. Nghệ sỹ thì đổ cho khán giả thờ ơ. Tôi thì cho rằng đấy là quy luật phát triển bình thường của bất kỳ sự vật, sự việc nào: có lên thì có xuống, có đỉnh cao thì có thoái trào. Kịch Bắc đã từng ở trên đỉnh cao của vinh quang vào những năm 80 của thế kỷ trước. Và giờ thì đang ở dưới chân dốc. Còn những người làm nghề như chúng tôi chỉ biết cố gắng nuôi quân, cố gắng động viên, cổ vũ đam mê của anh em nghệ sỹ trẻ, chờ đến lúc quy luật ‘vùng lên’. Nói thế có vẻ bi quan và đầy bị động, nhưng thực sự chúng tôi chỉ biết lao động hết mình. Còn có làm khán giả quan tâm đến nhiều hơn hay không thì chỉ có chờ tiến trình phát triển tự nhiên mà thôi.

Tôi vẫn gọi người làm kịch và khán giả là “anh” và “ả”. “Anh” đang cưa “ả”. Các “ả” muốn các “anh” đến lúc nào các “anh”cũng cố gắng bằng được để đến đúng lúc ấy. Chỉ e đến lúc các “ả” muốn thì các “anh” đã chết từ bao giờ.

Bởi vì để nuôi được một đội ngũ diễn viên đã khó. Nuôi được đam mê của họ càng khó hơn. Lương của một diễn viên nhà hát chỉ đủ sống trong một tuần. Tôi hay đùa: vậy số tiền để sống nốt 3 tuần còn lại là “bất minh”. Những tác phẩm hài kịch chúng tôi làm bị coi là rẻ tiền nhưng khán giả mua vé khá tốt, dù không phải là cháy vé. Mặc dù không thể gọi là hay nhưng nếu Nhà hát Tuổi trẻ cứ chỉ làm những vở kịch xem bằng giấy mời thì sân khấu sẽ sống như thế nào? Nhiều người được đánh giá là tri thức thì không chịu bỏ tiền đi xem những vở chính kịch nghiêm túc mà chỉ dùng giấy mời. Nhưng với những vở hài kịch thì họ dè bỉu chê là “thị trường”. Vậy thì họ muốn gì đây?

Công chúng cần có cái nhìn công tâm hơn với chúng tôi, công tâm hơn giữa người làm và người hưởng”.

Diễn viên Xuân Bắc – Nhà hát kịch Việt Nam:Kịch không thoái trào mà đang đi không đúng hướng!

Nhìn lại thời hoàng kim của kịch Bắc và so sánh với bây giờ, có thể coi đó là sự phát triển tự nhiên theo quy luật có thịnh – có suy. Nhưng theo ý tôi, kịch không phải đang thoái trào mà đang đi không đúng hướng. Những năm 80, ngoài phim trên truyền hình 2 lần/tuần thì không còn gì để xem. Internet chưa có, báo chí cũng hiếm, chương trình tạp kỹ hiếm, cơ hội để nhìn thấy mặt diễn viên rất ít. Trong khi đó kịch có rất nhiều tác phẩm hay, bắt kịp đòi hỏi của xã hội bấy giờ. Khán giả đến xem kịch được no nê, thoả mãn. Thời đó, những người làm nghề chăm chỉ làm nghề, đau đáu với nghề tạo nên cả một nhà hát chỉn chu.

Còn bây giờ, tivi chiếu phim cả tuần, người ta ngồi nhà có thể xem được 24 kênh trên thế giới, vào internet là cả biển thông tin, liveshow ca nhạc đầy nhan nhản, muốn xem kịch thì đã có kịch trên truyền hình. Nhu cầu đến rạp tất yếu phải ít đi. Kịch dù vẫn có tác phẩm hay nhưng đã bị vô vàn phương tiện giải trí hiện đại lấn át.

Đáng lẽ ra, ngay từ thời kỳ đầu của đổi mới và hội nhập thế giới, kịch cũng đổi mới theo thì mọi chuyện sẽ khác. Người ta sử dụng công nghệ thì kịch cũng phải sử dụng công nghệ. người ta dùng internet thì kịch cũng dùng internet. Như thế không khó để kịch giữ lại được lượng khán giả vốn yêu mình, gắn bó với mình bấy lâu. Nhưng kịch đã không làm thế. Kịch bối rối, giậm chân tại chỗ và ngủ quên. Đến khi tỉnh giấc đuổi theo thì TV, internet đã choán hết vị trí trong trái tim khán giả.

Nói thế nhưng rất khó đổ lỗi cho kịch. Vì thời mở cửa, ai cũng chỉ chăm chăm làm giàu. Mà không ai bảo là làm sân khấu thì sẽ giàu cả.

Trong khi, cũng thời điểm đó, kịch Nam - vốn chưa từng được chú ý - lại biết phải đi theo hướng nào, phải phục vụ cái gì. Kịch Nam không được gọi là hay – theo đánh giá của tôi – nhưng lại làm được một việc quá lớn: ấy là xây dựng được một lực lượng khán giả hùng hậu đón xem kịch với đầy đủ ngưỡng mộ và tôn trọng.”


 Hoàng Hồng

Đón đọc bài 2:Vì đâu nên nỗi?

NỔI BẬT TRANG CHỦ