• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Sân khấu truyền hình ĐBSCL: năm dài lặng lẽ...

15/03/2007 08:20

Năm qua, các loại hình nghệ thuật sân khấu nước ta khá xôm tụ với liên hoan sân khấu xã hội hóa, liên hoan sân khấu thử nghiệm quốc tế, liên hoan sân khấu hài và dàn dựng “Kim Vân Kiều” - vở cải lương được đầu tư 1,6 tỉ đồng... Nhưng những sự kiện này chỉ diễn ra tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Người hâm mộ sân khấu Đồng bằng sông Cửu Long - vốn chỉ trông chờ vào truyền hình để được thưởng thức những vở cải lương hay chính kịch đặc sắc - đành ngậm ngùi vì sân khấu truyền hình không có gì mới...

Năm qua, các loại hình nghệ thuật sân khấu nước ta khá xôm tụ với liên hoan sân khấu xã hội hóa, liên hoan sân khấu thử nghiệm quốc tế, liên hoan sân khấu hài và dàn dựng “Kim Vân Kiều” - vở cải lương được đầu tư 1,6 tỉ đồng... Nhưng những sự kiện này chỉ diễn ra tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Người hâm mộ sân khấu Đồng bằng sông Cửu Long - vốn chỉ trông chờ vào truyền hình để được thưởng thức những vở cải lương hay chính kịch đặc sắc - đành ngậm ngùi vì sân khấu truyền hình không có gì mới...

Có một thực tế tồn tại nhiều năm qua là ngoài Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại TP Cần Thơ còn phát sóng những vở cải lương do đài sản xuất, hầu hết các đài truyền hình đều sử dụng các vở video cải lương có sẵn trên thị trường. Nhiều năm nay, lượng video cải lương do các hãng sản xuất phim trong nước sản xuất không vượt quá 20 vở/năm, nên các đài truyền hình cũng chỉ quanh quẩn phát đi phát lại vài vở cải lương trên sóng. Các vở video cải lương không còn thu hút người xem do kịch bản yếu, diễn viên không có thời gian để đầu tư ca diễn. Còn kịch truyền hình nhiều năm nay cũng chỉ dựa vào các vở diễn do Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh sản xuất, nên cũng không tránh khỏi tình trạng lặp đi lặp lại những vở diễn cũ hoặc “tận dụng” những vở kịch hài được “xào” lại từ kịch bản của chương trình “Gala cười” của VTV3. Dường như sân khấu truyền hình cứ quanh đi quẩn lại khiến khán giả chán nản.

Năm 2005, khán giả yêu cải lương truyền hình cả nước còn được xem “Nhà hát truyền hình” (VTV1 vào thứ bảy của tuần cuối cùng mỗi tháng) phát trực tiếp những vở chèo, hát bội, cải lương, kịch nói xuất sắc của giới sân khấu cả nước. Nhưng “Nhà hát truyền hình” không “sống” được đến năm 2006. Khán giả ĐBSCL, đặc biệt là khán giả Cần Thơ, chỉ còn được tiếp cận với sân khấu “sống” trên sóng trực tiếp “Dạ cổ tri âm” (thứ năm tuần cuối cùng mỗi tháng) của Đài Phát thanh Truyền hình TP Cần Thơ. Nhưng “Dạ cổ tri âm” vẫn không duy trì được lực hút khán giả, bởi vì các ngôi sao cải lương “sắp hàng lên hát” các bài tân cổ hoặc trích đoạn cải lương ngắn. Không thể phủ nhận “Dạ cổ tri âm” đã góp phần thỏa mãn nhu cầu được nghe các nghệ sĩ tài danh cất lên những câu vọng cổ một thời vang bóng - nhưng đây chưa phải là chương trình thực sự cống hiến cho người mộ điệu không gian nghệ thuật sân khấu đặc trưng.

Họa hoằn lắm, khán giả ĐBSCL chỉ được “chiêm ngưỡng” qua các phương tiện truyền thông sự sôi động của các sân khấu ở TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, với ngày càng nhiều đoàn nghệ thuật và vở diễn do tư nhân đầu tư. Giá như các đài truyền hình hợp tác cùng các đơn vị này sản xuất chương trình. Cách làm này vừa giúp các sân khấu mới thành lập quảng bá tên tuổi, chương trình sân khấu của các đài thêm phong phú, khán giả thì được thưởng thức những vở diễn mới - diễn viên mới. Cách đây hàng chục năm, các đài truyền hình đã thể hiện được vai trò là cầu nối giữa các sân khấu và khán giả yêu nghệ thuật, là bệ phóng cho các ngôi sao sân khấu tiếp cận với đông đảo khán giả. Không lẽ sân khấu truyền hình - chương trình lưu giữ và phát huy các loại hình nghệ thuật truyền thống - lại cứ mãi thiếu sức sống, mặc cho phim ảnh và ca nhạc “tung hoành”?

Theo Báo Cần Thơ

NỔI BẬT TRANG CHỦ