Dù cuộc sống ngày càng hiện đại, văn minh nhưng trong sâu thẳm mỗi người, kể cả độc giả nhỏ tuổi, niềm khao khát được yêu thương vẫn luôn mãnh liệt và gần gũi. Những câu chuyện thấm đẫm tình người và cảm xúc chân thành là những đề tài luôn được các em ngóng đợi.
Dù cuộc sống ngày càng hiện đại, văn minh nhưng trong sâu thẳm mỗi người, kể cả độc giả nhỏ tuổi, niềm khao khát được yêu thương vẫn luôn mãnh liệt và gần gũi. Những câu chuyện thấm đẫm tình người và cảm xúc chân thành là những đề tài luôn được các em ngóng đợi.
Nhà thơ Cao Xuân Sơn, biên tập viên Nhà xuất bản Kim Đồng - người “giữ lửa” cho tủ sách văn học tuổi mới lớn, cho rằng: “Không nên mang lại cho các em những niềm vui giả tạo trên trang viết. Bên cạnh một thế giới tuổi thơ hạnh phúc trong chăn êm, nệm ấm và vòng tay bao bọc của cha mẹ, còn một thế giới trẻ thơ khác, cơ cực, lầm than, đầu đường xó chợ”.
Anh tỏ ý tâm đắc bộ truyện Sống sót vỉa hè của nhà văn Võ Phi Hùng, cuốn từ điển về tuổi thơ hè phố Sài Gòn. Đọc những trang viết này bạn có thể bị sốc nhưng đó là sự thật. Tiếc rằng những trang viết như thế chưa nhiều.
Bên cạnh đó, có không ít trẻ em cô đơn, "suy dinh dưỡng tinh thần" và "đi bụi", lang thang ngay trong chính gia đình mình, trong tâm hồn mình vì thiếu sự quan tâm, lo lắng thương yêu. Tất cả điều đó đáng để cho mọi người quan tâm.
Cùng quan điểm trên, nhà văn Nguyễn Trí Công - biên tập viên NXB Trẻ, tác giả truyện Xóm lò heo được chuyển thể thành bộ phim cho thiếu nhi Giã từ cát bụi từng lên tiếng: “Cần có thêm nhiều trang viết về trẻ em cơ nhỡ”. Những trang viết về những số phận không may, những mảnh đời lưu lạc sẽ là lời đánh động, lời kêu gọi cộng đồng quan tâm, chia sẻ trách nhiệm trong việc giúp đỡ, giáo dục trẻ em.
Theo ý kiến của tác giả truyện Cánh đồng lưu lạc - nhà văn Hoàng Đình Quang: Đọc lại những gì người đi trước đã viết: Không gia đình (Hector Malot), Thời thơ ấu - Kiếm sống - Trường đại học của tôi (M. Gorki), Cô bé bán diêm (C. Andersen), Thời thơ ấu (Nguyên Hồng), Tuổi thơ im lặng (Duy Khán), Vịt chị vịt em (Vũ Thị Thường)..., ta thấy rằng không có thời nào, không một đất nước nào không có những mảnh đời trẻ thơ bất hạnh.
Còn nhà văn Phan Hồn Nhiên - tác giả của hàng loạt truyện ngắn, truyện dài với ngôn ngữ đặc trưng cho thiếu nhi và tuổi teen, tâm sự: "Nhiều lần tôi đã thử vào blog của các bạn 14-15 tuổi, mới hiểu rằng các bạn nhỏ giờ đây vừa 'già' hơn trong suy nghĩ và hành động, lại vừa 'non' hơn trong cảm xúc so với thế hệ trước"..
Dù cuộc sống ngày càng hiện đại, văn minh nhưng trong sâu thẳm mỗi người, kể cả độc giả nhỏ tuổi, niềm khao khát được yêu thương vẫn luôn mãnh liệt và gần gũi. Những câu chuyện thấm đẫm tình người và cảm xúc chân thành là những đề tài luôn được các em ngóng đợi.
Nhà văn lão thành Thy Ngọc còn cho rằng: "Viết cho thiếu nhi trước hết phải có tính giáo dục, song lại phải giản dị mà vẫn hấp dẫn. Ngay cả đến giờ, càng viết tôi càng thấy khó. Bởi hấp dẫn không phải là cầu kỳ, mới lạ, mà là cách đặt vấn đề như thế nào. Nhưng trên hết, mình phải hết lòng với các em thì mới viết được. Phải chăng vì vậy mà những cây viết trẻ hiện nay hình như không mấy tâm huyết với đề tài thiếu nhi?".
Trong một lần tâm sự với nhà văn Phong Điệp, nữ văn sĩ Lê Phương Liên - Trưởng ban Văn học thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam đã thổ lộ: “Đứng từ góc độ một người làm văn học thiếu nhi, tôi thấy băn khoăn vì ít bạn trẻ đi theo nghiệp sáng tác cho thiếu nhi. Phải chăng văn học thiếu nhi nước nhà đã già cỗi sắp hết sức sống? Ngoài sự thăng hoa của Nguyễn Nhật Ánh và một số tác giả ở miền Nam và miền Bắc, gần như không có sự xuất hiện nào tài năng nào".
Chứng kiến cảnh đìu hiu này, nhà văn Nguyễn Trí Công kết luận: "Sáng tác văn học cho thiếu nhi có thể gói gọn trong ba chữ: Còn bỏ ngỏ. Tác phẩm viết ra không có tiếng vọng lại. Người ta hầu như không màng ngó tới".
Theo ý kiến nhà văn Hồ Huy Sơn - người vừa đoạt giải nhất cuộc thi Chân dung tuổi mới lớn lần thứ ba báo Mực Tím, cũng là người đang kiên trì chọn cho mình đề tài thiếu nhi, thì cần làm cho văn học thiếu nhi trở thành mảnh đất màu mỡ hơn, thu hút nhiều tác giả, nhất là tác giả trẻ. "Hãy có nhiều ưu đãi với họ. Văn học thiếu nhi cần bình đẳng với văn học người lớn. Lâu nay, hình như người ta vẫn xem những người sáng tác cho thiếu nhi chỉ đáng ngồi 'chiếu dưới', chưa được phép lăn tăn tới 'chiếu trên' dành cho các ông, các bác".
Bên cạnh đó, nhà văn Huy Sơn cũng đưa ra giải pháp, cần có sự “chung lưng đấu cật” của các cơ quan, tổ chức khác về đề tài trẻ em. Để chinh phục các em, những trang viết cần phải thật gần gũi với cuộc sống và thể hiện giản dị, ngắn gọn, súc tích.
Theo ĐV