• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Sáng tạo tác phẩm VHNT- nghĩ từ hiện tượng kịch Lưu Quang Vũ

11/11/2013 10:06

(Toquoc)- Mở rộng tầm nhìn, mở rộng phương thức và không gian phát hiện, đào tạo và bồi dưỡng, để từng bước nhưng khẩn trương tăng cường đội ngũ sáng tạo VHNT là biện pháp cơ bản và hàng đầu để có nhiều tác phẩm nghệ thuật có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật trong những năm trước mắt.



(Toquoc)- Năm 2013 sắp kết thúc. Khi bình chọn các sự kiện văn học nghệ thuật trong năm, tôi tin sẽ có một sự kiện được nhắc đến nhiều, đó là Liên hoan các vở diễn của Lưu Quang Vũ tại Hà Nội để kỷ niệm 25 năm ngày mất của tác giả.

25 năm, một phần tư thế kỷ là một thời gian thử thách rất đáng kể đối với nhiều tác giả và tác phẩm VHNT. Không ít những hiện tượng ầm ĩ một thời, những tên tuổi được tung hô, những tác phẩm nhiều người đọc, những giải thưởng ngỡ là danh giá… đã lặng lẽ chìm vào quên lãng.

Vậy mà, dù không được đầu tư thời gian và cả tiền bạc, 12 vở diễn dựng theo 9 kịch bản của các đơn vị sân khấu chủ yếu ở phía Bắc phục dựng lại tham gia Liên hoan đã tạo nên một hoạt động văn hóa khá rộn ràng tại Thủ đô, nơi mà lâu nay sân khấu hầu như quá thưa vắng khán giả. Dù diễn ngày hay đêm, ở nhà hát này và rạp nọ, dù kịch hay chèo, cải lương, kịch dân ca, dù Nhà hát trung ương hay các địa phương, buổi nào phòng khán giả cũng chật kín, dù đã kê thêm ghế, và đặc biệt là không có ai bỏ về nửa chừng. Mà khán giả có đủ mọi tầng lớp: Người nhớ Vũ, yêu kịch của Vũ đã đành, mà lớp trẻ chưa hề biết đến kịch của Vũ cũng rất đông. Các phương tiện truyền thông chính thống có một đề tài để cập nhật hàng ngày trong suốt tuần Liên hoan, và vẫn như một hiện tượng thời sự, ý kiến bình luận không phải bao giờ cũng chỉ có một chiều. Thêm một thế hệ nghệ sĩ mới được nhận Huy chương Vàng, Bạc… khi diễn các vai kịch của Lưu Quang Vũ, nối gót hàng trăm nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú đã ghi tên các nhân vật ấy vào trong lý lịch nghệ thuật của mình. Cũng nhân dịp này, tập kịch Hồn Trương Ba- Da Hàng Thịt gồm 5 kịch bản cũng được đón nhận nồng nhiệt. Theo dự định, sẽ có một Hội thảo về tác giả, nhưng phút cuối, Bộ VHTTDL đã chỉ thị không được làm.

Từ sự kiện này, chúng ta có thể rút ra nhiều điều liên quan đến tình hình sáng tác, đội ngũ tác giả, và đời sống VHNT mấy chục năm gần đây.

Trước hết, so với các tác giả cùng thế hệ, thì về lý lịch bản thân, Lưu Quang Vũ thua kém nhiều người, về nhiều mặt. Dẫu được sinh ra trong một gia đình hoạt động văn nghệ, sớm có thơ hay, nhưng chưa tốt nghiệp phổ thông, khi Mỹ đưa cuộc chiến tranh phá hoại ra miền Bắc, chán học, khai man đủ 18 tuổi để được đi bộ đội. Sau buổi đầu nông nổi và sôi nổi, va chạm với đời sống thực tế, tình yêu của tuổi trẻ, rồi vợ con gia đình trẻ con, giờ giấc và kỷ luật nghiêm của đơn vị quân đội thời chiến, mà ở một đơn vị chính quy và hiện đại là Phòng không- Không quân, kỷ luật đó càng nghìn lần nghiêm khắc hơn, tính tự do và có phần phóng túng của người nghệ sĩ mặc áo lính đã buộc đơn vị phải loại ngũ vào đúng thời gian chiến tranh ác liệt nhất. Trở về trong tình thế không được làm người công dân bình thường, không tem phiếu, không sổ gạo, Vũ phải sống những ngày cơ cực. Nhiều người thương nhưng không dễ gì tìm một công việc ổn định. Gia đình bé nhỏ tưởng là hạnh phúc lại tan vỡ không thể níu kéo. Vũ tìm thấy tình yêu mới với người bạn từ thuở ấu thơ. Nhưng họ không vượt qua được dư luận và con mắt coi thường của những người thân. Cuối năm 1973, Vũ mới tới với nhà thơ Xuân Quỳnh, một người hơn mình đến 6 tuổi, có gia đình vừa bị gãy đổ. Họ có những năm tháng cay đắng và hạnh phúc bên nhau cho đến cuối đời. Những năm tháng đó Vũ phải làm nhiều nghề để có chút thu nhập đắp đổi cuộc sống. Thời gian còn lại, Vũ đắm mình trong khối sách vở đồ sộ mà gia đình và bạn bè có. Thơ Vũ viết rất nhiều, trong buồn, cay đắng vẫn ẩn chứa một tình yêu đất nước, yêu người nồng nàn, thiết tha. Tính kiên nhẫn như được tập luyện trong những ngày ngồi ra len, cuộn len cho nhà thơ Xuân Quỳnh đan thuê để có thêm thu nhập nuôi cái gia đình có cả con anh, con tôi, con chúng ta. Cũng không nên quên là vì bị kỷ luật mà văn thơ viết ra không được đăng trên bất cứ sách báo nào. Nếu Vũ là người nhút nhát, ngại nói, ngại tiếp xúc, thì Xuân Quỳnh với tài ăn nói, và bản năng của con gà mẹ luôn xù lông che chở cho tổ ấm của mình, đã chạy vạy rất nhiều nơi để Vũ có chút công việc tạm thời, rồi thơ được in. Nhưng quan trọng hơn là Vũ được về làm việc ở Tạp chí Sân Khấu năm 1977, khi Tạp chí này mới được chính thức ra đời. Cũng không dễ dàng gì vì vấp phải sự phản đối quyết liệt và rất có lý của không ít người có chức sắc, nào vì lý lịch, nào vì không có bằng cấp chuyên môn, và vì nhiều lý do rất cụ thể khác. Vũ nhẫn nại và chịu khó đọc, học, để viết tin tức, bài giới thiệu vở diễn, diễn viên, một thời gian phải ký các bút danh khác hoặc chỉ viết tắt một chữ V. Rồi bản tính hiền lành và nhu thuận, chịu khó làm việc, và công việc có hiệu quả là những bài viết thông minh, sắc sảo, Lưu Quang Vũ đã tìm được chỗ đứng tự tin của mình. Sau thơ, truyện ngắn, các bài viết về diễn viên được tập họp in thành tập sách chung với Xuân Quỳnh và Vương Trí Nhàn, Vũ được động viên và gợi ý viết kịch. Buổi đầu chỉ là đem khả năng văn chương lưu loát sửa chữa mấy kịch bản cũ như Sống mãi tuổi 17 của Lưu Quý Kỳ viết về Lý Tử Trọng rồi sau này là Nàng Sita do cha là Lưu Quang Thuận phác thảo, thấy dựng được nên có niềm hào hứng để viết tiếp. Vốn văn chương tích lũy do tự học trong những năm cơ nhỡ, lại được sống trong không khí hoạt động sân khấu từ nhỏ, Vũ bỗng lớn vượt lên thành một tác giả sân khấu có uy tín. Trong 10 năm Vũ đã viết được hơn 50 vở kịch, hầu hết đều đã được dàn dựng, mà không phải chỉ một đoàn, không phải chỉ một kịch chủng. Kịch bản kịch nói nhưng một số được chuyển thể thành chèo, cải lương, tuồng, kịch dân ca Huế, dân ca bài chòi… Đã có một thời, tên Lưu Quang Vũ là một thương hiệu ăn khách, được khán giả cả nước chào đón nồng nhiệt. Một số tác phẩm của Lưu Quang Vũ như Hồn Trương Ba- Da Hàng Thịt, Tôi và chúng ta, Cô gái đội mũ nồi xám cùng với bộ ba Bài ca giữ nước của Tào Mạt, Nhân danh công lý của Doãn Hoàng Giang- Võ Khắc Nghiêm, Mùa hè ở biển của Xuân Trình… có cái vinh dự là những tác phẩm VHNT tham gia thúc đẩy quá trình ĐỔI MỚI của xã hội chứ không phải ăn theo. Hàng mấy chục đơn vị sân khấu (cả nước dạo đó có 156 đoàn) tìm tới đặt hàng tác giả. Có những Hội diễn toàn quốc, tác phẩm của riêng Lưu Quang Vũ chiếm hơn một nửa. Không có sức kham nổi đơn đặt hàng, lại sợ mang tiếng làm phách, Xuân Quỳnh phải bố trí cho tác giả đi trốn để yên tĩnh mà viết. Thành ra khi được nhiều đoàn dựng, gia đình có đồng ra đồng vào, thoát cảnh đói nghèo bao năm đeo bám, khi khán giả khắp nơi hâm mộ, tác giả lại phải lao động nhọc nhằn ngày đêm, thường xuyên lẩn trốn khách hàng, sống như người hoạt động bất hợp pháp. Nhưng đó cũng là những năm hạnh phúc nhất của một người sáng tạo. Bởi mỗi hoàng hôn trên đất nước có hàng ngàn người hoạt động sân khấu nao nức chuẩn bị cho buổi diễn, hàng trăm nghệ sĩ hóa thân vào các vai kịch của Lưu Quang Vũ, và hàng vạn khán giả vui mừng, hồn nhiên tới với các sân khấu đủ loại hình kịch chủng. Ngày nay, rất nhiều nghệ sĩ trong số đó được phong NSND, NSUT với thành tích là các Huy chương giành được trong các đợt Hội diễn.

Dĩ nhiên, không phải mọi tác phẩm của Lưu Quang Vũ đều có giá trị cao. Ngay đương thời của tác giả, và tự tác giả cũng biết một số tác phẩm viết vội, viết để kịp trả hàng, nên chất liệu nghèo nàn, mảng miếng trùng lặp, chuyện thời sự được lắp ráp thô thiển… Nhưng ngày nay, nói đến tác phẩm văn học nghệ thuật có giá tri tư tưởng và nghệ thuật cao, có lẻ không thể không nhắc đến một số tác phẩm của Lưu Quang Vũ. Ngoài thơ, văn, thì loại tác phẩm được công chúng rộng rãi biết đến nhất là kịch. Lưu Quang Vũ là tác giả thuộc thế hệ chống Mỹ đầu tiên được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật (Đợt 2 mặc dù Hội NSSK Việt Nam đề nghị ngay đợt đầu tiên). Điều đó đã là một sự khẳng định chính thức và xác đáng giá trị các tác phẩm kịch của Lưu Quang Vũ.



Gia đình nghệ sĩ Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh cùng con trai (Ảnh Internet)



Nhưng con đường đi đến kết quả đó không hề dễ dàng. Ngay cả trong dịp kỷ niệm 25 năm ngày tác giả mất cùng vợ là nhà thơ Xuân Quỳnh và con trai chung, ý kiến về các giá trị không phải đều thống nhất. Đương thời, những tác phẩm mà sau này được đánh giá cao cũng bị dư luận chính thống nhiều lần lên án gay gắt. Báo Nhân dân và một số báo khác từng có bài phê phán Hồn Trương Ba- Da Hàng Thịt, Hà My của tôi, Tôi và chúng ta, Cô gái đội mũ nồi xám… (Ngay cả bộ ba Bài ca giữ nước, Mùa hè ở biển, ra đời cũng không dễ dàng). Sự điềm tĩnh trong chỉ đạo, sự nhiệt tình bảo vệ của Hội NSSK và những người làm nghề đã mang lại vị trí xứng đáng cho những tác phẩm có tìm tòi và sáng tạo.

Nhắc lại một sự kiện cụ thể để chúng ta có thể rút ra mấy vấn đề đáng quan tâm.

1. Con đường nào để một người trẻ tuổi, không được học hành đến nơi, đến chốn, vào đời có nhiều va vấp, lại vụt lớn lên thành một tác giả có sức sáng tác phải nói là phi thường, có số lượng tác phẩm nhiều, có sức tác động xã hội lớn, và tác giả mất đã ¼ thế kỷ mà tác phẩm vẫn còn sức sống, vẫn mang tính thời sự nóng hổi, và công chúng qua tác phẩm mà yêu mến tác giả, bất chấp những khuyết tật trong sinh hoạt cá nhân? Nhân đây cũng nói thêm một nhận xét nhỏ, ba tác giả trẻ nổi bật nhất buổi đầu cả nước bước vào đánh Mỹ, đều tham gia quân đội là Đỗ Chu, Lưu Quang Vũ, Phạm Tiến Duật, tác phẩm của họ rất đặc sắc, nhưng con đường binh nghiệp của họ lại không hanh thông, và suốt đời hầu như không được đảm nhận một chức vụ xã hội cũng như chuyên môn nào khả dĩ xứng với tài năng sáng tác của họ.

2. Việc đánh giá, sử dụng, đào tạo và bồi dưỡng những người có năng khiếu sớm bộc lộ cần có cái nhìn cụ thể, sự bao dung, yêu cầu nghiêm khắc đi liền với tình thương yêu được thể hiện trong các biện pháp cụ thể, cá biệt tùy tính cách và năng khiếu từng người. Về cuối đời, Lưu Quang Vũ có sự bứt phá tài năng không thể tách khỏi không khí sinh hoạt nhiều tính nhân văn của cơ quan Hội NSSK và của giới SK những năm 80 của thế kỷ XX.

3. Hoạt động lý luận phê bình nên là người đồng hành sáng tạo với nghệ sĩ. Thời nào cũng có những người tự thấy mình thông minh, sáng suốt, thích làm người chỉ đường cho mọi sáng tạo. Trước một tác phẩm mới, họ thường nhìn bằng con mắt soi mói, thích thể hiện sự sắc sảo bằng cách vạch vòi những gì mà người sáng tạo không làm được như họ chờ đợi, hoặc không có ý định làm. Nhiều nhà phê bình tự cho mình là thông minh hơn người suốt đời sống trong bất hạnh vì không mấy khi gặp được tác phẩm hoàn toàn ưng ý. Công chúng khán giả sân khấu hồn nhiên khi đón nhận tác phẩm, nên họ dễ vui buồn hòa đồng cùng tác giả, là người đồng sáng tạo, họ tự nguyện bổ sung, vun đắp những thiếu khuyết của tác giả và tác phẩm. Có người chê phần lớn kịch Lưu Quang Vũ là các vụ án. Nhưng có lẽ người đó quên rằng xưa nay cấu trúc theo lối vụ án vẫn là kỹ xảo phổ biến để tạo hấp dẫn trong tác phẩm, nhất là trong kịch.

Trong bối cảnh mở rộng giao lưu hiện nay, trong đó có văn hóa, công chúng thường xuyên tiếp xúc với những tác phẩm đỉnh cao của thế giới, các tác phẩm tới với khán giả trong nước thường đã qua sự chọn lựa khá kỹ lưỡng. Đặt bên cạnh các tác phẩm được tuyển chọn ấy, các tác phẩm mới của nội địa nhất định bộc lộ những thiếu khuyết của mình. Nếu người xem, người đọc cũng như các nhà phê bình và đặc biệt các nhà báo chuyên theo dõi VHNT không ý thức rõ ràng thì họ sẽ thường xuyên có tâm trạng thất vọng, thậm chí tuyệt vọng về các tác phẩm mới ra đời. Những đánh giá về Điện ảnh trong năm qua bộc lộ rất rõ sự bất cập đó. Lúc bấy giờ, phê bình không còn là bạn đồng hành của người sáng tạo mà đã có gương mặt của các hung thần nhăm nhăm tung ra những nhận xét có tính chất khủng bố tinh thần người sáng tạo. Phải nói, khi họ khen một tác phẩm nào, chưa chắc công chúng đã tin, Nhưng khi họ tập trung chê với ánh mắt soi mói, lại có tính chất hội đồng, thì không tác phẩm nào thoát khỏi sự truy kích của họ. Đã thế, báo chí nước ta lại quen kiểu một nhát chết ngay, hầu không bao giờ đăng lại bài phản hồi hay có ý kiến khác. Có vấn đề đạo đức nghề nghiệp. Có vấn đề trình độ. Nhưng quan trọng hơn có lẻ họ ý thức sai về chỗ đứng của mình trong quá trình hoạt động sáng tạo: Tự cho mình đứng cao hơn, là người dẫn đường cho người sáng tạo. Có mấy người đã nhận bài học cay đắng khi xông vào lĩnh vực sáng tạo và đã nhận những thất bại không thể gượng nổi. Kịch Lưu Quang Vũ ra đời, tồn tại được, mặc tất cả những thiếu khuyết của nó vì đã gặp được những khán giả tâm đắc và những người phê bình biết cổ vũ những tìm tòi dẫu chưa hoàn chỉnh.



Rạp hát vẫn đông kín người xem kịch Lưu Quang Vũ (ảnh Internet)
 

4. Sau một phần tư thế kỷ tác giả mất, các tác phẩm có tuổi đời ngoài 30 vẫn có đất sống, vẫn có khán giả, vở Mùa hạ cuối cùng còn hẹn diễn 100 đêm cho học sinh sinh viên, lại gợi nghĩ thêm một vấn đề của sân khấu hiện nay. Chúng ta thường xuyên kêu sân khấu không lôi cuốn được khán giả vì thiếu kịch bản hay. Hàng năm, qua các trại sáng tác, Hội thu về hàng trăm kịch bản, nhiều kịch bản được giải thưởng, nhiều vở được dàn dựng. Các tác giả bây giờ có trình độ văn hóa cao, có nhiều điều kiện để sáng tác, không khí sáng tạo cởi mở, điều kiện dàn dựng dễ dàng. Nhưng vấn đề lại nằm ở sức sống của từng vở diễn. Nhìn lại, sân khấu truyền thống dân tộc, trải gần nghìn năm, chỉ còn lại chưa đến mươi vở chèo, hơn chục vở tuồng cổ vậy mà sức sống thể loại ấy vẫn đậm đà. Nhiều thế hệ diễn viên đo mình qua mấy nhân vật ấy để trưởng thành, để bộc lộ tài năng. Vậy thì trung tâm của sân khấu, là nghệ thuật biểu diễn, là nhân vật. Các kịch bản chạy theo đề tài thời sự xã hội khó mà theo kịp các thể loại văn hóa khác. Một hệ thống sân khấu quanh năm rộn ràng như Broadway của Mỹ có chỉ chục vở diễn, mà số buổi diễn là hàng nghìn, hàng chục nghìn. Mỗi vở trụ lại hàng chục năm, mà khán giả thường xuyên đông. Đó là điều đáng để những người có trách nhiệm với sự phát triển sân khấu tương lai suy nghĩ. Mấy vở diễn vừa dựng lại của Lưu Quang Vũ không làm khán giả thật sự hài lòng vì xem ra lớp sáng tạo vở diễn hôm nay từ đạo diễn, diễn viên và các thành phần khác chưa có những bứt phá sáng tạo cần có. Kịch bản nào cũng chỉ là cái cốt, cái khung. Mỗi thế hệ phải biết cập nhật, làm mới lại bằng tất cả những khả năng kỹ thuật và nghệ thuật mà mình đang được sở hữu.

5. Tùy thể loại VHNT mà số lượng phải được coi trọng. Ngày nay, trong thế kỷ khoa học kỹ thuật đang được phát triển vượt bậc, các phương tiện chuyển tải ngày càng đa dạng, các loại hình có nhu cầu chuyển tải tác phẩm ngày càng mở rộng để đáp ứng nhu cầu thưởng thức ngày càng nhiều về số lượng, càng đa dạng về thị hiếu, nên số lượng là vấn đề phải đặt ra đồng thời với chất lượng. Để bảo vệ nền văn hóa dân tộc, bảo vệ bản sắc dân tộc, lại bình đẳng trong giao lưu, những người có trách nhiệm tổ chức và sử dụng cần thay đổi một cách sâu sắc và mạnh mẽ nhận thức về vai trò và vị trí của lực lượng sáng tạo và hoạt động VHNT. Lâu nay, chúng ta mới chú ý tổ chức và đào tạo lực lượng làm kỹ thuật. Cứ nhìn tỉ lệ giữa người làm kỹ thuật và người làm nghệ thuật trong các đài truyền hình thì rõ. Thiếu thì lấy người làm kỹ thuật chỉ huy, lãnh đạo những người làm VHNT. Ngay trong hoạt động VHNT cũng có bộ phận sáng tạo và bộ phận thực hành. Không tuyệt đối hóa tính ưu việt của người sáng tạo, và sáng tạo cũng không phải là độc quyền của một nhóm người nào, nhưng việc phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo lớp người này là một việc cần được làm với những tổ chức cụ thể. Không cần những ưu tiên, ưu đãi, thậm chí có thể yêu cầu cao hơn, nghiêm khắc hơn, nhưng phải tạo được cho họ niềm tin cậy để họ được tự do, táo bạo, thậm chí liều lĩnh trong các sáng tạo. Phàm đã là người có căn cốt dân tộc thì mọi sáng tạo của họ nhất định sẽ thuộc về dân tộc. Niềm tin này, trong những năm cuối đời Lưu Quang Vũ đã nhận được từ giới sân khấu và đó là thêm một động lực cho tác giả sáng tạo.

Mở rộng tầm nhìn, mở rộng phương thức và không gian phát hiện, đào tạo và bồi dưỡng, để từng bước nhưng khẩn trương tăng cường đội ngũ sáng tạo VHNT là biện pháp cơ bản và hàng đầu để có nhiều tác phẩm nghệ thuật có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật trong những năm trước mắt. Hy vọng mấy ý kiến thẳng thắn nhưng chân thành được những người sáng tạo tác phẩm VHNT lắng nghe.

Ngô Thảo

NỔI BẬT TRANG CHỦ