• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Saudi Arabia đa dạng hóa nền kinh tế với kế hoạch tham vọng cho ngành công nghiệp văn hóa

Thế giới 07/11/2023 14:33

(Tổ Quốc) - Trong tháng 4 năm nay, Saudi Arabia đã tổ chức buổi chiếu công khai bộ phim đầu tiên sau 35 năm.

Theo trang France24, Saudi Arabia đã chính thức ra mắt rạp chiếu phim thương mại đầu tiên ở thủ đô Riyadh bằng việc trình chiếu bộ phim bom tấn "Black Panther" vào tháng 4/2023. Tín hiệu này cho thấy quyết tâm của Thái tử Mohammed bin Salman nhằm phát triển ngành công nghiệp văn hóa cũng như giải trí đầy tham vọng ở quốc gia Trung Đông này.

Saudi Arabia đa dạng hóa nền kinh tế với kế hoạch tham vọng cho ngành công nghiệp văn hóa - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Arab News

Công ty Đầu tư Giải trí và Phát triển (DIEC), một công ty con của Quỹ Đầu tư Công (PIF) của Saudi Arabia, đã giám sát việc ra mắt rạp chiếu phim đầu tiên với sự hợp tác của hãng giải trí AMC Entertainment của Mỹ.

Với đèn chiếu nhấp nháy và những hộp bỏng ngô xếp dài, buổi chiếu phim công khai đầu tiên ở Saudi Arabia kể từ những năm 1980 đã tổ chức rầm rộ - một minh chứng cho thấy Vương quốc này đang bước vào kỷ nguyên mới. Một số rạp chiếu phim cũng đã mở cửa đón khách từ đầu tháng 5 năm nay.

Quyết định này phù hợp với chương trình "Tầm nhìn 2030" mà Thái tử Mohammed bin Salman đã từng công bố với tư cách là Phó Thái tử vào năm 2016, một năm trước khi ông lên giữ chức vụ hiện tại. Một loạt đề xuất này nhằm mục đích đa dạng hóa nền kinh tế vốn dĩ phụ thuộc vào dầu mỏ của Saudi Arabia.

"Sự trở lại của các rạp chiếu phim đã đánh dấu một thời khắc quan trọng trong lịch sử và cuộc sống văn hóa hiện đại cũng như trong sự phát triển của ngành công nghiệp giải trí tại Vương quốc này", Bộ trưởng Bộ Văn hóa và Thông tin Saudi Arabia Awwad Alawwad nói.

Đầu tư lớn của Chính phủ

Ông Stéphane Lacroix, chuyên gia về Saudi Arabia tại Sciences Po cho rằng mục tiêu này nhằm hướng tới khả năng thu hồi một phần trong số 22 tỷ USD (19,5 tỷ euro) mà người dân Saudi Arabia phải chi tiêu ở nước ngoài mỗi năm. Người dân ở Bahrain và Qatar sẽ có cơ hội ngồi trong phòng máy lạnh xem phim bom tấn Mỹ.

Chính phủ Saudi hy vọng lĩnh vực giải trí sẽ tạo ra 20 tỷ USD (16,3 tỷ euro) cho nền kinh tế nước này trong 15 năm tới. Theo dự đoán của chính phủ, lĩnh vực này có thể tạo ra tới 30.000 việc làm trực tiếp và hơn 100.000 việc làm gián tiếp.

Ngành giải trí Saudi Arabia đã tích cực nỗ lực để đạt được điều này. Cụ thể, năm 2017, nước này đã tổ chức 2.000 sự kiện thể thao và văn hóa.

Các ca sĩ bao gồm ban nhạc Mỹ Maroon 5 và giọng nam cao Andrea Boccelli dự kiến sẽ biểu diễn ở nước này trong năm nay. Bên cạnh đó, công việc xây dựng một nhà hát opera ở thủ đô Riyadh đã bắt đầu triển khai.

Ông Ahmad bin Aqil al-Khatib, Chủ tịch Tổng cục Giải trí cho biết Saudi Arabia đã có kế hoạch đầu tư 64 tỷ USD vào ngành văn hóa nước này trong 10 năm tới. Các nhà chức trách cũng đang lên kế hoạch xây dựng "thành phố giải trí" đồ sộ ở phía nam Riyadh có diện tích 334 km2 với các công viên giải trí, sân thể thao, phòng hòa nhạc và thậm chí cả các công viên giải trí.

Các công ty đa quốc gia chuyển đến

Các tập đoàn đa quốc gia lớn đang nuôi dưỡng tham vọng đầu tư mạnh hơn vào quốc gia này bởi 1/2 dân số của Saudi Arabia đều dưới 25 tuổi. Vì vậy, Saudi Arabia sẽ là thị trường sinh lợi cao trong thời gian tới.

Với dân số hơn 30 triệu người và phần lớn trong độ tuổi dưới 25, nhóm khách hàng chủ chốt của các cụm rạp, việc Saudi Arabia cho phép mở cửa trở lại các rạp chiếu phim được cho là tạo cơ hội quan trọng cho các hãng giải trí trên khắp thế giới tiến vào thị trường rộng lớn và nhiều tiềm năng thuộc hạng nhất nhì Trung Đông này.

Trong chuyến thăm Mỹ vào tháng 3, Thái tử Mohammed bin Salman đã gặp gỡ những tên tuổi lớn trong ngành giải trí Mỹ, bao gồm Giám đốc điều hành Disney Bob Iger và các giám đốc điều hành của xưởng phim nổi tiếng nhất trong lịch sử 20th Century Fox, công ty giải trí Warner Bros và Universal. Theo trang Los Angeles Times, Thái tử Mohammed bin Salman cũng đã gặp Ari Emanuel, Giám đốc điều hành của hãng truyền thông William Morris Endeavour, trong đó có Quỹ đầu tư công Saudi có thể sắp mua 10% cổ phần.

Công ty AMC Entertainment của Mỹ, nhà điều hành rạp chiếu phim lớn nhất ở Mỹ, là công ty đầu tiên tham gia thị trường, ký thỏa thuận với quỹ tài sản có chủ quyền của Saudi vào tháng 12 để xây dựng và vận hành các rạp chiếu phim trên khắp đất nước. Trong vòng 5 năm tới, Thái tử Mohammed bin Salman sẽ mở 40 cụm rạp chiếu phim đa phòng ở Saudi Arabia và sau đó là mở thêm 100 cụm rạp khác trước năm 2030. Hầu hết các cụm rạp sẽ có nhiều phòng chiếu phim trong một tòa nhà duy nhất.

Vào những năm 1970, Saudi Arabia đã có một số rạp chiếu phim hoạt động, nhưng sau đó đã bị đóng cửa. Năm 2017, Chính phủ Saudi Arabia tuyên bố sẽ bãi bỏ lệnh cấm các rạp chiếu phim hoạt động trong khuôn khổ hàng loạt chương trình cải cách xã hội được triển khai, bao gồm các kế hoạch đẩy mạnh phát triển các lĩnh vực thể thao và giải trí, hiện đại hóa đất nước, giảm phụ thuộc vào dầu mỏ theo chủ trương của Thái tử Mohammed bin Salman.

Thái tử Mohammed bin Salman không chỉ thực hiện những thay đổi này vì lý do kinh tế mà còn đang cố gắng tạo ấn tượng về sự tự do hóa xã hội đối với nhiều người trẻ đang mong muốn thay đổi.

Bên cạnh đó, Saudi Arabia hiện cũng đang tăng cường nỗ lực bình đẳng hóa dành cho phụ nữ. Phụ nữ có quyền lái xe, tham gia quân đội và khởi nghiệp mà không cần sự giám sát của nam giới. Saudi Arabia hiện đang tiếp bước UAE và Qatar, những nước láng giềng ngày càng phương Tây hóa./.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ