(Tổ Quốc) - Ngày 24/7, Hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học và sáng tạo khởi nghiệp 2020 Đại học Đông Á (Đà Nẵng) đã diễn ra hấp dẫn với phần thi thố đến từ 28 đề tài ứng dụng và khởi nghiệp của các nhóm sinh viên ở các khối ngành.
Tham dự chương trình thường niên này có đại diện Hội doanh nhân trẻ Đà Nẵng và đại diện các doanh nghiệp liên kết cùng các chuyên gia khoa học và công nghệ Viện nghiên cứu ĐH Đông Á.
Trong đó, 13 phiên báo cáo trực tiếp là 13 mảng ghép nghiên cứu về các đề tài mang tính thực tiễn xã hội cao được chia thành 2 khối: khối Khoa học Kỹ thuật và khối Kinh tế Xã hội. Đây cũng chính là những giải pháp dưới góc nhìn sinh viên thời đại hội nhập cho các vấn đề gần gũi với sinh viên, các vấn đề thời sự về bảo vệ môi trường xanh và an sinh xã hội của địa phương, đặc biệt là các vấn đề thiết thực với ngành nghề mà các bạn đang theo đuổi và mong muốn phát triển, khởi nghiệp trong tương lai.
Phát biểu tại chương trình, TS. Nguyễn Thị Anh Đào – Hiệu trưởng ĐH Đông Á nhấn mạnh, Nhà trường luôn đồng hành tạo môi trường đa dạng cho sự phát triển nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong sinh viên. Trường đã xây dựng chương trình gắn thực tiễn và đào tạo theo phương pháp PBL (Project Based Learning và Problem Based Learning) để sinh viên nắm bắt những yêu cầu của thực tiễn, các vấn đề đặt ra của doanh nghiệp để nghiên cứu hoặc phối hợp với doanh nghiệp để nghiên cứu. Năm 2020, dù chung ảnh hưởng bởi Covid-19 nhưng Quỹ hỗ trợ sinh viên nghiên cứu khoa học và sáng tạo khởi nghiệp vẫn ưu tiên phát triển với 1 tỷ đồng hằng năm, trong đó đặc biệt ưu tiên nguồn lực hỗ trợ thương mại hóa các sản phẩm ứng dụng cao và các dự án sáng tạo khởi nghiệp.
TS. Anh Đào cũng chia sẻ, thỏa thuận hợp tác được ký kết giữa Đại học Đông Á và Học viện EHLE, Nhật Bản ngày 7/7 trước đó cũng thúc đẩy cho việc hình thành một trung tâm khởi nghiệp sáng tạo tại Đại học Đông Á, đóng vai trò cầu nối nối kết hợp tác khởi nghiệp giữa vùng Kansai, Nhật và thành phố Đà Nẵng.
Được biết, từ 59 đề tài nghiên cứu ứng dụng được đăng ký và triển khai, 28 đề tài chất lượng được đề cử tham gia tranh tài ở Hội nghị sinh viên NCKH và sáng tạo khởi nghiệp 2020 ở hai hình thức trình bày gồm: 13 đề tài báo cáo powerpoint, 15 đề tài trình bày poster. Trong đó, các đề tài mang tính ứng dụng cao và khởi nghiệp nhận được sự quan tâm lớn như đề tài Ứng dụng xử lý ảnh để cảnh báo buồn ngủ khi lái xe và Nhận dạng khuôn mặt để điểm danh sinh viên vào lớp học tự động (khoa Điện – Điện tử), đề tài Sản xuất rượu vang thanh long sử dụng tế bào nấm men cố định (khoa Công nghệ thực phẩm), đề tài Giải pháp phát triển du lịch cộng đồng tại Hòa Bắc- Hòa Vang- Đà Nẵng (khoa Quản trị),…
Hướng đến phát triển du lịch cộng đồng tại xã Hòa Bắc (Hòa Vang, Đà Nẵng) với nền văn hóa truyền thống đặc sắc, lợi thế tự nhiên có sẵn, góp phần thay đổi tích cực đời sống của người dân bản địa, đặc biệt là cộng đồng hơn 1.500 người dân tộc Cơ Tu đang sinh sống tập trung, trong đề tài Giải pháp phát triển du lịch cộng đồng tại Hòa Bắc- Hòa Vang- Đà Nẵng, nhóm nghiên cứu khoa Quản trị đưa ra 5 nhóm giải pháp và đề xuất với 4 bên liên quan về quy hoạch du lịch, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, hỗ trợ thông tin kỹ thuật cho người dân địa phương, quảng bá và liên kết với thành phần tư nhân, đề xuất mô hình điểm về du lịch cộng đồng.
Sử dụng nấm men Saccharomyces cerevisiae được cố định trong các hạt Na-alginate như một chất xúc tác sinh học để làm rượu vang Thanh long, nhóm nghiên cứu đến từ khoa Công nghệ thực phẩm không chỉ mong muốn khởi nghiệp từ việc tạo ra một sản phẩm tốt cho sức khỏe tiềm năng với giá trị dinh dưỡng cao và màu sắc đẹp, đa dạng hóa các sản phẩm rượu vang trên thị trường mà còn là cách hỗ trợ bà con nông dân nông thôn trong việc tiêu thụ nguồn nguyên liệu nông sản dồi dào, chất lượng. "Nhà trường sẽ hỗ trợ thiết kế bao bì sản phẩm và thúc đẩy thương mại hóa cho sản phẩm từ nghiên cứu này", TS. Anh Đào chia sẻ tại phiên báo cáo powerpoint của đề tài Sản xuất rượu vang thanh long sử dụng tế bào nấm men cố định.
Đề tài "Ứng dụng xử lý ảnh để phát hiện buồn ngủ khi lái xe" với hệ thống phát hiện trạng thái buồn ngủ khi lái xe nhờ trí tuệ nhân tạo của nhóm nghiên cứu đến từ khoa Điện – Điện tử góp phần cảnh báo, giải quyết vấn đề ngủ gục khi đang lái xe, giảm thiểu những rủi ro không đáng có cho người lái hay những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Hệ thống sử dụng ngôn ngữ Python với thư viện mã nguồn mở OpenCV để xử lý ảnh trên Kit Raspberry Pi 3B+.
Trước đó, góp mặt ở top 19 tác giả có bài báo khoa học xuất sắc được công bố trên các tạp chí uy tín, tác giả Nguyễn Quốc Thông - Tiến sĩ chuyên ngành Học máy, Khoa học dữ liệu thuộc nhóm phát triển ngành Trí tuệ nhân tạo và Khoa học dữ liệu Đại học Đông Á đã vinh dự đón nhận bằng khen của Chủ tịch UBND Thành phố Đà Nẵng dành cho cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong hoạt động KH&CN trong chương trình lễ khen thưởng các cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động KH&CN năm 2019 (đợt 2) do Sở Khoa học và Công nghệ thành phố tổ chức ngày 21-5.